Bạn có đang "bỏ rơi" chính mình trong một mối quan hệ?

Bạn có đang rơi lơ lửng trong mối quan hệ của chính mình? Khi nào bạn biết hai người “không còn thuộc về nhau"?

Nếu bạn đang hạnh phúc trong tình yêu, đó là may mắn của bạn. Và hơn thế, là sự cố gắng của bạn, của người ấy. Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy. Ngoài kia, có bao nhiêu con người, chạm được vào nhau, gắn kết với nhau, nhưng không thể ở lại bên nhau trọn vẹn. Bạn có bao giờ tự hỏi "yêu" là gì? Liệu nó có phải chỉ mỗi chữ "yêu" là đủ? Liệu chữ "yêu" nói ra dễ vậy sao? Nếu bạn thấy bế tắc trong mối quan hệ của chính mình, thì có lẽ bạn đã trải qua những "nốt trầm" mà mình chuẩn bị chia sẻ dưới đây.


Bạn dễ dàng thay đổi quan điểm của bản thân để đổi lấy sự “bình yên”


Những mối tình đẹp như mơ, kết thúc viên mãn hay những anh chàng soái ca. Tất cả những thứ đó dường như chỉ có trong phim ảnh mà thôi. Thực tế, bạn có quyền mơ, bạn hoàn toàn xứng đáng có một mối tình hạnh phúc. Thế nhưng, hạnh phúc không có nghĩa là lúc nào cũng ở trong trạng thái “bình yên". Bạn định nghĩa “bình yên" trong tình yêu là gì? Là sẵn sàng im lặng không lên tiếng chỉ để cả hai không phải cãi nhau? Là sẵn sàng nhún nhường hay “hạ một bậc" chỉ để người ấy không ghét bạn, không rời xa bạn. Nếu bạn đang trong trạng thái như vậy, có thể ngay bây giờ cuộc tình của bạn sẽ êm đềm như một thước phim điện ảnh. Thế nhưng, điều gì cũng có giới hạn của nó. Khi bạn im lặng quá lâu, bạn sẽ muốn im lặng tiếp. Khi bạn chịu đựng quá lâu, trái tim bạn sẽ lên tiếng.


Mình đã từng trải qua nhiều mối quan hệ “êm đềm" như vậy, rồi chấm dứt cũng “êm đềm" và “lẳng lặng" như thế. Mối quan hệ bắt đầu rất suôn sẻ, đến mức mình còn tự hỏi liệu mình có đang mơ không khi mà có một người hợp đến từng chi tiết với mình như thế. Cùng lúc đó, cô bạn mình có người yêu, cả hai đứa rất hay cãi tay đôi, hở một tí là cãi, không hợp ý là nói ngay,...Lúc bấy, mình thiết nghĩ cứ như vậy sớm muộn gì mối quan hệ cũng không đi đến đâu thôi. 


Thế nhưng, nghịch cảnh thay, mình lại là người phải nói chia tay mối quan hệ “êm đềm" kia của mình trước. Còn cô bạn mình, vẫn vậy, vẫn mãnh liệt với mối quan hệ hơn một năm của cô ấy. Lúc đó, khi ngồi đối thoại với chính mình, mình chợt nhận ra “Chúng ta không thể bắt người khác phải “cố" hiểu mình. Thay vì vậy, nếu bạn thực sự yêu và trân trọng họ, hãy thành thật nói ra hết cho họ hiểu (nếu có thể). Không ai muốn nhận lấy sự im lặng đến mức khó hiểu từ đối phương cả". Và như cô bạn kia của mình, bạn vẫn có quyền lên tiếng, nhưng hãy khéo léo và biết cách chọn lọc những gì nên và không nên nói ra. Ai cũng có những bí mật và có quyền cất giữ nó cho riêng mình. Và ai cũng có cái tôi cần được tôn trọng - đó cũng là nền tảng cho một mối quan hệ đường dài.



Bạn có đang bị lún quá sâu trong một mối quan hệ không có tiếng nói chung | Ảnh: Entertainment


Bạn hy sinh sở thích, thậm chí đam mê của mình cho đối phương


Biết mình thích gì, đam mê thứ gì đã khó, nay lại phải đánh đổi đam mê ấy chỉ để “giữ chân" đối phương thì thật không đáng chút nào. Nếu anh ấy hay cô ấy thực sự yêu bạn, họ sẽ luôn mong bạn được hạnh phúc, chứ hoàn toàn không mong bạn phải dằn vặt vì những hối tiếc trong quá khứ. Mình đã từng đọc một cuốn sách chuyên bàn về phái đẹp mang tên “Trông đẹp là lợi thế, sống đẹp là bản lĩnh". Trong đó, tác giả có kể câu chuyện về một cô gái thành đạt, với khao khát và con đường sự nghiệp đang rộng mở. Bỗng một ngày, cô nhận được lời đề nghị ra nước ngoài công tác với những cơ hội mà cô luôn phải cố gắng từng ngày để có được. Đúng lúc đó là ngày hẹn ước bàn chuyện kết hôn của hai người. Cô đã suy nghĩ rất nhiều và vẫn quyết định nói thẳng suy nghĩ của mình cho bạn trai cô biết, rằng nếu bỏ lỡ cơ hội này cô sẽ hối tiếc cả đời, và thế là cô vẫn quyết định lên đường. Vài ngày trước khi ra sân bay, bạn trai cô hẹn gặp và tạo cho cô một bất ngờ cực lớn, đó là một buổi cầu hôn ngoài mong đợi. Không có nến, cũng chẳng có hoa, chỉ có một chiếc nhẫn phát sáng cùng với chàng trai cao to, lịch lãm đứng cạnh cô. Anh chỉ nói đúng một câu duy nhất “Anh sẽ chờ em trở về". Vậy đó, tình yêu không cần chứng minh bằng quá nhiều lời nói sáo rỗng, chỉ cần hai người hiểu nhau, sẵn sàng hy sinh một chút vì đối phương, cũng đủ kết sợi dây tình cảm ấy chặt hơn vạn lần.


Tất nhiên, câu chuyện ấy không phải là tất cả, cũng không phải đúng cho mọi người ở mọi mối quan hệ. Nếu bạn có dự định gì đó không thể trì hoãn, hãy thẳng thắn nói ra cho người ấy. Nếu hai bạn vì thế mà không thể bước tiếp, thì chí ít, bạn cũng đã mạnh dạn thành thật với chính mình và kết thúc một mối quan hệ không có tương lai.



Bạn luôn bị cuốn theo những phiền toái của đối phương và bị họ kiểm soát cảm xúc


Ai trong tình yêu cũng muốn đối phương hiểu, lắng nghe và chia sẻ. Đúng vậy, điều đó hoàn toàn không sai, thậm chí nó còn là lớp keo gắn chặt tình cảm. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là bạn bị chi phối cảm xúc bởi cảm xúc của đối phương. Chi phối cảm xúc khác hoàn toàn với việc bạn đồng cảm với đối phương. Khi bạn bị chi phối cảm xúc, bạn không biết mình nên xử lý như thế nào trong tình huống đó, bạn không biết mình phải làm gì để đối phương khá hơn. Bạn chỉ biết cuốn theo dòng cảm xúc vốn dĩ không thuộc về bạn. Bạn chỉ biết ngồi nghe người ta than vãn, đứng nhìn người ta khóc mà khóc theo lúc nào không hay. Nếu ngay cả bản thân bạn không kiểm soát nổi cảm xúc của chính mình, thì dễ dàng thôi, bạn sẽ bị người khác kiểm soát. Kiểm soát về mặt thân thể đã khó chịu, kiểm soát về cảm xúc còn khó chịu hơn rất nhiều. 


Hãy mạnh dạn thẳng thắn nói ra cho người ấy biết, cảm xúc của bạn khi nghe câu chuyện buồn của người ấy ra sao. Có chỗ nào bạn thấy mình có thể giúp được, thì hãy mạnh dạn lên tiếng. Còn nếu bạn không thể nói ra, hãy im lặng lắng nghe. Đôi khi, người ta cần bạn lắng nghe hơn là dang tay ra giúp đỡ. Lắng nghe là một loại thực tập. Và người biết cách lắng nghe là một nghệ sĩ. Bạn hãy lắng nghe câu chuyện của họ bằng tất cả sự chân thành của mình. Mình tin, nếu họ thực sự yêu và trân trọng bạn, cũng như mối quan hệ của cả hai, họ sẽ hiểu và tự thoát ra khỏi vũng lầy cảm xúc ấy để bạn được vui và hạnh phúc hơn. 



Bạn luôn phải “gồng" lên mỗi khi ở cạnh người ấy


Mình đã từng đọc được ở đâu đó đại loại như vậy “Nếu yêu vì đẹp, rồi gặp được người đẹp hơn sẽ hết yêu. Nếu yêu vì giỏi, rồi gặp người giỏi hơn sẽ hết yêu. Còn nếu yêu mà chẳng biết vì sao mình yêu, thì đó mới đích thị là tình yêu thực sự. Ngẫm lại, khi đã trải qua nhiều mối quan hệ khởi đầu đẹp như mơ nhưng kết thúc lại toàn những hối tiếc, mình chợt nhận ra, nếu mình luôn cố gắng để lý giải tại sao mình yêu người ấy, thì mình đã đánh mất một nửa mối quan hệ. 


Từ nhỏ mình đã được nhiều người nói rằng phải yêu người như thế này, phải cưới người như thế kia. Rồi thì con gái thì phải thế này, con trai phải thế nọ. Rồi mình miễn nhiễm với những lời nói đó. Trong tất cả mối quan hệ đã qua, mình luôn cố gắng tạo ra lớp vỏ bọc hoàn hảo cho chính mình, đến mức ngay cả mình còn đôi khi không nhận ra. Mình cố gắng trở nên xinh đẹp, cố gắng trở nên tài giỏi. Điều đó không hề sai. Cái sai ở đây là động lực và lý do cho sự cố gắng đó không phải đến từ bản thân mình muốn và khao khát như vậy. Nó đến từ cái tôi, và sự muốn thể hiện trước mặt đối phương, để họ thêm yêu và gắn bó với mình, để được người ta “công nhận". Thế nhưng, khi bạn bỏ lớp ngụy trang đó ra, bạn là ai? Bạn cảm thấy ra sao khi khoác lên mình những thứ đó? Cho đến cuối cùng, người tổn thương cũng chỉ có bạn mà thôi. 


Để tốt cho cả hai, hãy tập chia sẻ nhiều hơn ngay từ đầu, hãy tập chấp nhận và yêu luôn cả những khiếm khuyết của nhau ngay từ đầu. Đừng né tránh, cũng đừng tỏ ra mình mạnh mẽ và không cần bất cứ sự an ủi nào. Người ta cũng là con người, và con người thì kết nối với nhau qua ngôn ngữ.



Bạn sẽ là ai nếu không được là chính mình trong mối quan hệ của chính mình | Ảnh: Flo


Bạn cảm thấy cả hai đang rơi vào trạng thái “nửa vời"


Bạn đã bao giờ rơi vào trạng thái “im lặng" và không biết nói gì trong một khoản thời gian dài với người mình yêu. Đó là lúc mối quan hệ của bạn đang có vấn đề. Bạn biết mình cần nói ra, bạn biết có lẽ đã đến lúc dừng lại nhưng cái tôi ngang bướng trong bạn lại kéo bạn ở lại. Bạn không biết mình còn yêu người đó hay không. Mình đã từng rơi vào trạng thái như vậy suốt gần một tháng cuối cùng của cuộc tình chớm nở. Rồi cả hai đã phải hẹn nhau ra và nói chuyện thẳng thắn. Suốt gần một tháng đó, không một cuộc gọi, không có cuộc nhắn tin chuyện trò nào kéo dài quá vài phút. Và rồi mối quan hệ đó chấm dứt trong sự chóng vánh, hối tiếc và dằn vặt của cả hai người. 


Cho dù bạn là ai, cho dù bạn đang hạnh phúc với mối quan hệ của mình hay không, hãy cố gắng thấu hiểu bản thân, và xem điều gì là tốt nhất cho mối quan hệ của chính bạn. Nếu bạn thực sự yêu đối phương và mong muốn vun đắp cho mối quan hệ của hai người, hãy ngồi xuống, thẳng thắn nói chuyện và hết mình vì nó. Đến cuối cùng, bạn sẽ nhận ra, chỉ có bạn mới biết đâu là lúc nên dừng lại.


“Nếu được yêu và yêu, hãy yêu hết mình nhưng cũng thật tỉnh táo bạn nhé”


From Ori


BẢN THẢO
Bài viết liên quan