Bạn Có Phải Một Người Hướng Nội Lãng Mạn? 8 Dấu Hiệu Dưới Đây Sẽ Giúp Bạn Khám Phá Điều Đó

Cách người hướng nội suy nghĩ, hành động và chia sẻ về tình yêu. Hướng nội có thể được định nghĩa là “xu hướng quan tâm chủ yếu đến đời sống tinh thần của chính bản thân một người nào …

Cách người hướng nội suy nghĩ, hành động và chia sẻ về tình yêu.

Hướng nội có thể được định nghĩa là “xu hướng quan tâm chủ yếu đến đời sống tinh thần của chính bản thân một người nào đó.” Khi đề cập đến các vấn đề liên quan đến chuyện tình cảm, một người hướng nội có thể suy nghĩ, hành động và chia sẻ theo những cách thức rất khác so với những người hướng ngoại. Đôi khi những mục đích của họ có thể bị hiểu lầm hoặc bị phớt lờ đi.

Dưới đây là tám dấu hiệu cho thấy bạn có thể là một người hướng nội lãng mạn được trích dẫn từ quyển sách “Relationship Communication Success for Introverts” của tôi. Mặc dù bài viết này tập trung chủ yếu vào chủ đề hẹn hò và tán tỉnh, tuy nhiên nhiều vấn đề được bàn luận dưới đây cũng có thể áp dụng cho các cặp đôi đang trong mối quan hệ nghiêm túc.

Tất nhiên, mỗi cá nhân là một cá thể độc nhất và một số người hướng nội có thể biểu hiện rất ít hoặc không hề có những dấu hiệu này. Tuy vậy, các đặc điểm được xác định dưới đây đã được nhiều nghiên cứu và bài viết về chủ đề hướng nội khẳng định. Theo đó, nhiều người hướng nội có khả năng sở hữu ít nhất một trong các đặc điểm sau:

1. Tìm kiếm “tri kỷ” của đời mình

Người hướng nội thường áp dụng cách tiếp cận sâu sắc, hướng về nội tâm nhiều hơn khi muốn tìm hiểu một ai đó và có xu hướng coi trọng các mối quan hệ lãng mạn ngay từ những ngày đầu tiên. Thay vì những lời “tán tỉnh ve vãn”, những cuộc “hẹn hò chóng vánh”, hay việc “dạo chơi chốn tình trường”, nhiều người hướng nội tập trung chủ yếu vào việc tìm kiếm “tri kỷ” phù hợp với mình và yên phận với cuộc tình đó. Đối với người hướng nội, “trò chơi” tán tỉnh và hẹn hò với những viễn cảnh phức tạp thường rất mệt mỏi. Khi “người ấy” xuất hiện và một mối quan hệ nghiêm túc được thiết lập, các nghi thức hẹn hò nhanh chóng được họ bỏ lại phía sau với một tiếng thở phào nhẹ nhõm.

2. Tìm kiếm sự tin tưởng và đáng tin cậy ở người bạn đời

Nhiều người hướng nội tìm kiếm sự tin cậy từ các mối quan hệ nói chung và mối quan hệ lãng mạn nói riêng. Độ tin cậy cùng với sự tin tưởng đáp ứng nhu cầu cốt lõi của nhiều người hướng nội, đó là nhu cầu an toàn ở những người có thiên hướng cảm xúc, và nhu cầu phán đoán đối với những người có xu hướng phân tích. Tất nhiên, hầu hết những người hướng nội đều tìm kiếm sự kết hợp của tất cả các nhu cầu này.

Chắc hẳn, nhiều người hướng ngoại cũng khao khát sự an toàn, bảo mật cũng như tính dễ đoán ở người bạn đời. Tuy nhiên, thay vì trở thành các nhu cầu chính yếu và cốt lõi, chúng thường được trộn lẫn với các phẩm chất khác mà người hướng ngoại tìm kiếm, đặc biệt là trong thời kỳ tán tỉnh, như tính vui vẻ, tự nhiên, thích phiêu lưu, hiểu biết xã hội, sự lôi cuốn, v.v.

3. Đưa ra các “dấu hiệu” trong giai đoạn tán tỉnh và hy vọng các “dấu hiệu” ấy được chú ý

Khi tôi còn trẻ, tôi được biết một trong những tình nguyện viên gia sư ở trường tôi, anh ấy là một người đàn ông khá thông minh nhưng lại vô cùng kiệm lời. Sau nhiều năm làm việc tại trường, anh có tình cảm với một giáo viên nơi đây, nhưng thay vì trực tiếp bộc lộ tâm tư của mình, anh lại hy vọng sẽ thu hút được sự chú ý của cô thông qua công việc tình nguyện có vẻ kéo dài khá lâu của mình.

Một số người hướng nội thể hiện sự quan tâm lãng mạn của họ ở những tầng ý nghĩa cao hơn, tức là họ có xu hướng ra dấu hiệu, ngụ ý hoặc đặt mình vào một tình huống cơ hội nào đó và hy vọng được đối phương chú ý. Một người hướng nội có thể chủ động trong việc gợi ý và định vị bản thân, nhưng lại khá thụ động trong việc chờ đợi các mục tiêu lãng mạn được chú ý và hồi đáp.

Tất nhiên, cách tiếp cận gián tiếp này có thể hoặc sẽ không mang lại kết quả mong muốn, đôi khi còn có thể tạo ra các thông điệp xáo trộn và dễ gây hiểu lầm. Đối với một số người hướng nội lãng mạn, đây là nguồn gốc của những niềm khao khát, những nỗi thất vọng và đau lòng ẩn sâu trong tâm hồn họ.

“Và tôi biết rằng, tôi chỉ đang nói với chính bản thân mình, chứ không phải anh ấy

Và mặc dù tôi biết rằng, anh ấy không thể nhìn thấy

Nhưng tôi vẫn nói, rằng vẫn có cơ hội cho chúng ta…”

– trích từ bài hát “On my own”

4. Dành thời gian suy ngẫm về tình yêu

Vốn là những người sống nội tâm, nhiều người hướng nội dành thời gian suy ngẫm về các mối quan hệ lãng mạn hơn so với những người hướng ngoại – những người có xu hướng tập trung nhiều hơn vào hành động. Quá trình phân tích này có thể diễn ra từ trước khi hẹn hò, khi họ suy ngẫm về phẩm chất của một người bạn đời lý tưởng, cũng như trong thời gian tán tỉnh, khi cảm xúc và tính tương hợp của mối quan hệ được đánh giá một cách cẩn thận, kỹ lưỡng (chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn ở dấu hiệu thứ 8).

5. Thích thú với các suy tưởng về sự lãng mạn

Nghiên cứu cho thấy rằng một số người hướng nội nhất định có xu hướng hay tưởng tượng, vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi đặc điểm này cũng áp dụng cho những suy tưởng mang tính lãng mạn của họ. Một số người hướng nội thích mơ mộng hoặc “đắm chìm bản thân” vào các chuyện tình lãng mạn, cho dù ảo mộng đó dựa trên thực tế hay tiểu thuyết. Điều này đặc biệt đúng đối với những người hướng nội có thiên hướng cảm xúc, tuy nhiên cũng có thể áp dụng cho một số trường hợp hướng nội có xu hướng thiên về trí óc. Các hình thức của sự tưởng tượng có thể bao gồm và không giới hạn ở việc đọc, viết, giải trí, lướt internet, chơi game, làm nghệ thuật hoặc chỉ đơn giản là những mơ mộng thường ngày.

Từ những phân cảnh lãng mạn đến những tưởng tượng về tình dục, tất cả đều nằm trong thế giới nội tâm phong phú và đa diện của người hướng nội.

6. Phương châm “Chậm mà chắc” khi tán tỉnh

Khi một người hướng nội bắt đầu hẹn hò lãng mạn với một ai đó, họ thường mong muốn mối quan hệ đó tiến triển một cách chậm rãi nhưng ổn định. Theo nhiều cách, đó là một đặc tính tốt và góp phần phát huy những điểm mạnh của người hướng nội bởi đây là cơ hội để họ hiểu rõ hơn về đối phương và quan sát xem mối quan hệ có tiến triển thỏa đáng theo thời gian hay không. Đối với một số người hướng nội, một mối tình chóng vánh và quá mãnh liệt, tựa như những âm thanh ồn ào hay những tia sáng chói chang, có thể khiến họ cảm thấy quá sức. Vì vậy, tốt hơn hết là để mọi chuyện diễn ra chậm rãi và ổn định nhằm xây dựng mối quan hệ đáng tin cậy hơn.

7. Người hướng nội cần thời gian để nạp lại năng lượng ngay cả khi mối quan hệ đang diễn ra tốt đẹp

Đối với nhiều người hướng nội, ngay cả khi đang khá hài lòng và hạnh phúc với một mối quan hệ, họ cũng cần có thời gian một mình để cả hai cùng lấy lại năng lượng và suy ngẫm về mối quan hệ với nhau. Đối với người hướng nội, đây là một khía cạnh quan trọng và cần thiết cho sự lành mạnh của các mối quan hệ, bởi khoảng “thời gian chết” này giúp họ quay về suy ngẫm với bản thân, sắp xếp lại nội tâm và “trẻ hóa” tinh thần trước khi trở lại với các mối quan hệ ấy.

8. Suy nghĩ về những điều đúng/sai sau khi hẹn hò hay tranh cãi với đối phương

Trong thời gian tán tỉnh, việc đánh giá về những điểm tích cực hay tiêu cực sau mỗi cuộc gặp gỡ, cùng với việc xem xét những gì có thể trở nên đúng hoặc sai, là điều hoàn toàn tự nhiên. Cả người hướng nội và hướng ngoại đều làm điều này. Tuy nhiên, trong khi người hướng ngoại có thể làm điều này một cách công khai như một hình thức tương tác xã hội thông thường với người khác, thì người hướng nội có xu hướng tự suy ngẫm một cách âm thầm, hoặc đánh giá riêng với một hoặc hai người đáng tin cậy. Trong một số trường hợp, người hướng nội có thể có nguy cơ phân tích quá mức một mối quan hệ. Tuy nhiên, vì hầu hết những người hướng nội thích quan sát và suy nghĩ trước khi họ nói và hành động, nên quá trình nội tâm này là một công cụ quan trọng giúp họ cảm nhận tốt hơn và cảm thấy thoải mái hơn khi định hướng cho một mối quan hệ.

Nguồn tham khảo

[1] Merriam Webster Dictionary.

[2] Introversion Gale Encyclopedia of Childhood & Adolescence. Gale Research. (1998)

[3] Dahl, Melissa. So Apparently There Are 4 Kinds of Introversion. NYMag.com – Science of Us. (June 25, 2015)

[4] Hills, P.; Argyle, M. Happiness, Introversion-Extraversion and Happy Introverts. Personality and Individual Differences. (2001)

[5] Martin, Charles. Looking at Type: The Fundamentals. Center for Applications of Psychological Type. (1997)

[6] Ni, Preston. Communication Success with Four Personality Types. Nipreston.com/publications. (2014)

[7] Hall, Edward T. Beyond Culture. Reissue Ed. Anchor. (1976)

Dịch: Teresa Nguyễn

Biên tập: Catthi

Minh họa: Thiện Như

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/us/blog/communication-success/201702/8-signs-youre-romantic-introvert

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL


BẢN THẢO
Bài viết liên quan