Bạn Có Thể Hết Hướng Nội Được Không? Chắc Là Không Đâu

Bạn sẽ trưởng thành và thay đổi, ai cũng thế, nhưng bạn sẽ vẫn mãi là một người hướng nội mà thôi. Một trong những ký ức đầu đời của tôi là hình ảnh tôi ngồi bệt trên sàn phòng …
Bạn sẽ trưởng thành và thay đổi, ai cũng thế, nhưng bạn sẽ vẫn mãi là một người hướng nội mà thôi.

Một trong những ký ức đầu đời của tôi là hình ảnh tôi ngồi bệt trên sàn phòng tập thể dục, một chiếc dù sáng màu ở trước mặt. Tôi bị vây quanh bởi nhiều đứa trẻ cùng tuổi. Mẹ tôi nói đây chính là trường mẫu giáo. Vào khoảnh khắc đó, những đứa trẻ khác ré lên sung sướng khi mà chiếc dù phồng lên như một cây nấm khổng lồ, rồi phát nổ với một tiếng động lớn.

Nhưng còn tôi, tôi đứng bất động. Không phải vì sợ, mà vì một thứ mà sau này tôi được biết là kích thích quá mức (overstimulation) [1]. Trong trí nhớ của tôi, nơi đó quá ồn ào, quá điên cuồng để tôi có thể tận hưởng các hoạt động như các bạn đồng trang lứa. Một người lớn khuyến khích tôi nhặt tay cầm của chiếc dù lên, nhưng tôi lặng lẽ từ chối. Có quá nhiều thứ diễn ra xung quanh đến nỗi nó lấn át tôi.

Cả ba mẹ và tôi đều không hề biết tôi là một người hướng nội.

Khi tôi dần trưởng thành, tôi có tất cả những biểu hiện sớm của người hướng nội [2]. Tôi nhạy cảm với môi trường xung quanh. Tôi thường rút lui khỏi gia đình và bè bạn trong nhiều giờ liền, về với nơi phòng ngủ tĩnh mịch của mình. Tôi thường nhập tâm dễ dàng khi chơi một mình, và mặc dù tôi có một nhóm nhỏ những người bạn tôi yêu quý thật lòng, tôi vẫn kiệt sức khi ở gần họ – nhiều đến mức tôi tự nhủ, tôi bị cái gì vậy chứ.

Những dấu hiệu ấy hợp lại chẳng khác gì định nghĩa về người hướng nội trong sách. Gần 30 năm sau, cũng không có gì thay đổi mấy.

Nếu bạn cũng như tôi, bạn có lẽ sẽ tự hỏi tại sao bạn lại là người hướng nội. Bạn sinh ra đã như vậy, hay có điều gì đã xảy ra trong đời khiến bạn trở nên hướng nội – như là cách bạn được dạy dỗ hay một sự kiện gây tổn thương tâm lý? Và bạn có bao giờ ngưng hướng nội được hay không?

Những nghiên cứu gần đây đã cho thấy vài kết quả. Hãy xem thử nào.

Sự hướng nội nằm sẵn trong gen của bạn

Năm 2004, nhà tâm lý học trường Harvard Jerome Kagan và Nancy Snidman đã đặt một câu hỏi: Liệu những đứa trẻ nhút nhát, thận trọng khi lớn lên có thành những người lớn nhút nhát, thận trọng hay không? Họ đã thiết lập một chuỗi thí nghiệm để tìm câu trả lời.

Trong một nghiên cứu, họ cho những em bé tiếp xúc với những thứ mới lạ và ghi lại phản ứng của chúng. Một số em bé phản ứng mạnh mẽ – tạo tiếng động, khóc lóc, và quẫy đạp tay chân. Những em bé khác lại phản ứng bình tĩnh, tiếp nhận những nguồn kích thích mới nhẹ nhàng như một chú mèo nằm ườn trong nắng chiều.

Nhiều năm sau, Kagan and Snidman liên lạc lại với những người trong thí nghiệm đó. Họ nhận thấy rằng những đứa trẻ được coi là “phản ứng mạnh” phần đông lớn lên thành những người cẩn trọng và hay sợ hãi. Những đứa trẻ “phản ứng yếu”, mặt khác, lại thành những người hòa đồng, can đảm chấp nhận rủi ro.

Nghiên cứu của họ đã cho ta thấy một thứ quan trọng mà các nhà tâm lý học gọi là “tính khí”.

Tính khí với nhân cách

Khám phá của Kagan và Snidman đã cho thấy rằng có một liên kết trực tiếp giữa cách cư xử của ta lúc nhỏ và khi trưởng thành – nói cách khác, đó là gen của mỗi người. Điều mà nghiên cứu đó tập trung vào chính là tính khí, đó là cách ta tiếp cận với thế giới: hướng nội hoặc hướng ngoại, dè chừng hay mạnh mẽ, nghiêm túc hay tự do tự tại.

Tính khí khác với tính cách, điều mà các nhà nghiên cứu cho rằng linh hoạt hơn. Tính cách được bồi đắp trong cả cuộc đời, là một tập hợp những đặc tính khiến chúng ta trở nên đặc biệt, giống như những vật trang trí trên giá sách, được xếp lớp theo từng loại kinh nghiệm. Không như tính khí, thứ bền vững hơn, tính cách thay đổi khi ta già đi, học tập, và phát triển.

Hướng nội được xem như tính khí – cách ta tiếp cận thế giới – cho nên đối với đa số con người, nó không thay đổi quá nhiều qua năm tháng. Một khi đã là người hướng nội, mãi mãi sẽ là người hướng nội. Thực ra, nghiên cứu cho thấy đa số người ta càng trở nên hướng nội hơn khi tuổi càng tăng [3].

Hướng ngoại có liên kết với dopamine

Một nghiên cứu khác gần đây đã mở ra một mảnh ghép mới về di truyền. Họ đã làm như thế nào? Đó là thông qua cờ bạc.

Vào năm 2005, nhà nghiên cứu Michael Cohen và các đồng nghiệp đã nhờ các tình nguyện viên chơi những trò may rủi trong khi được kết nối với một máy quét não. Một số tình nguyện viên là người hướng nội, số khác là người hướng ngoại. Tất nhiên, khi những người tham gia thắng một ván bài, phản ứng của người hướng nội và hướng ngoại rất khác nhau.

Khi giành chiến thắng, những người trong cả hai nhóm đều cho thấy một hoạt động não bất chợt. Thế nhưng những người hướng ngoại có phản ứng mạnh hơn ở 2 vùng não: hạch hạnh nhân (amygdala) – nơi xử lý những kích thích về cảm xúc, và nhân cạp (nucleus accumbens) – trung tâm của hệ thống tưởng thưởng của não và hệ thống dopamine.

Nói cách khác, cả người hướng nội và hướng ngoại đều tận hưởng chiến thắng, nhưng người hướng nội lại ít hưng phấn hơn.

Họ cũng lấy mẫu ADN và xem xét hồ sơ di truyền của các tình nguyện viên. Những người có hoạt động não mạnh hơn khi chiến thắng cũng có một gen làm tăng khả năng phản ứng với dopamine, đôi khi nó được gọi là chất dẫn truyền thần kinh “vui vẻ”, bởi vì nó liên kết với niềm vui thích và khoái cảm.

Nghiên cứu này chỉ ra rằng người hướng nội và hướng ngoại xử lý những khoái cảm bằng những cách khác nhau đáng ngạc nhiên. Nó cũng góp phần minh chứng cho việc sự hướng nội là một phần cùa ADN và bạn đã có nó từ khi sinh ra đời.

Người Hướng Nội có thể trở thành Người Hướng Ngoại được không?

Với cương vị là người chuyên viết về sự hướng nội, mọi người luôn đặt cho tôi nhiều câu hỏi khi họ biết tôi làm gì. Thông thường, sau một chén rượu trong sự kiện networking hay một bữa tiệc tối, họ thường thổ lộ những lời như thế này, “Tôi đã từng là người hướng ngoại cho đến khi tôi bị bắt nạt ở trường trung học.” Hoặc, “Tôi từng là người hướng nội cho đến khi tôi học được cách tiếp cận thế giới bên ngoài.”

Tôi hiểu những gì họ nói. Chúng ta ai cũng sẽ trưởng thành và thay đổi (chủ yếu là để tốt hơn), và các nghiên cứu đã chứng minh điều đó [4]. Chấn động tâm lý hay nỗi đau buồn cũng có thể làm ta thay đổi, làm ta phải tự cô lập để kìm nén nỗi đau rò rỉ như phóng xạ, cả người hướng ngoại cũng vậy.

Cá nhân tôi cũng đã từng rất nhút nhát và tự ti, cho tới những năm 30 tuổi, khi mà mọi người bắt đầu hiểu về bản thân hơn và mở lòng hơn, như là cuối cùng cũng tìm thấy một chiếc quần jean vừa in vậy.

Nhưng về những mặt khác, tôi vẫn y như cũ. Tôi vẫn thích được dành thời gian ở một mình. Những hoạt động yêu thích của tôi là những hoạt động cá nhân như đọc sách, viết lách, hay tập thể dục. Tôi vẫn chỉ có một vài người bạn tốt, và tôi tôn trọng chiều sâu của một mối quan hệ hơn là quan hệ rộng rãi. Mặc dù việc giao tiếp xã hội với tôi đã ít ngượng ngùng hơn, tôi vẫn dễ bị cạn năng lượng khi làm điều đó.

Vậy nên khi một người cho rằng một sự kiện đã “biến” họ từ người hướng nội thành người hướng ngoại, điều đó không đúng lắm đâu. Bạn không thể “biến” từ người hướng nội thành hướng ngoại được, như là chó không thể biến thành ngựa vậy.

Tuy nhiên, là một người hướng nội, bạn có thể học cách quản lý năng lượng của mình, nâng cao sự tự tin, và giao tiếp theo một cách nào đó phù hợp với bạn. Tương tự, người hướng ngoại có thể học được giá trị của sự cô độc và chậm rãi. Nhưng mà đời là thế mà – học cách làm điều gì bạn thường không muốn làm.

Chúng ta cũng thường làm những điều này trong cả những lĩnh vực khác của cuộc sống. Ví dụ, lúc nhỏ, tôi ghét giờ thể dục, và lên đại học, mùi mồ hôi của phòng thể hình là đủ để tôi thà đi đường vòng đến lớp. Tôi ăn pizza và khoai chiên và đồ ăn vặt liên tục. Vài năm sau, khi mà tôi đã tăng thêm vài kí và cholesterol tăng cao, tôi tự buộc mình tập thể dục và ăn uống lành mạnh. Tôi không phải là vận động viên hay là người truyền bá ăn lành mạnh, nhưng tôi học được cách nhìn nhận giá trị của chúng.

Cách ta đối xử với những người hướng nội nhỏ tuổi cũng rất quan trọng

Hãy quay lại một chút với nghiên cứu của Kagan và Snidman đối với những em bé. Một điều cần lưu ý là không phải đứa trẻ “phản ứng mạnh” nào cũng lớn lên như nhau. Khi những đứa trẻ dễ buồn bực này được nuôi dạy bởi cha mẹ bảo bọc quá mức, điều đó còn làm chúng cẩn trọng và gượng gạo hơn khi lớn lên. Mặt khác, khi những đứa trẻ này có cha mẹ luôn khuyến khích sự táo bạo và tính hòa đồng một cách lành mạnh, chúng sẽ lớn lên thành những người ít sợ sệt hơn rất nhiều.

Điều này cho thấy rằng cách ta đối xử với những người hướng nội – đặc biệt khi còn nhỏ – là rất quan trọng [5].

Chúng ta phải giúp những người hướng nội như thế nào? Bằng cách chấp nhận và trân trọng tính hướng nội bẩm sinh của họ. Bằng cách cho họ thấy rằng không có gì sai trái khi họ cần thời gian yên tĩnh một mình. Đôi khi, cũng bằng cách giúp họ bước ra khỏi vùng an toàn của mình một cách lành mạnh, không gây tổn thương tâm lý. Quan trọng hơn tất thảy, bằng cách dạy họ cách trân trọng nhu cầu hướng nội của bản thân song song với việc giúp họ khai phá tiềm năng tối đa trong một thế giới “hướng ngoại”.

Đừng có gắng “sửa chữa” người hướng nội

Chúng ta không thể chỉnh sửa ADN được (ít nhất là trong thời điểm hiện tại). Nếu bạn đã là người hướng nội, bạn sẽ là như vậy suốt đời. Bạn sẽ luôn hướng đến những môi trường an tĩnh, ít kích thích và tận hưởng niềm vui trong việc dành thời gian một mình.

Và điều đó không sao cả, bởi vì làm người hướng nội không có gì là sai trái.

Đã đến lúc chúng ta xem người hướng nội là một thứ gì hư hỏng cần sửa chữa. Họ cần những gì họ cần, và không có gì là sai cả, như là không một ai nói rằng việc người hướng ngoại cần thời gian giao tiếp ngoài xã hội là sai. Khi chúng ta ngừng xem sự hướng nội như là một kết quả của chấn thương tâm lý hay một khiếm khuyết trong tính cách, tất cả chúng ta đều sẽ hưởng lợi từ những điểm mạnh của người hướng nội [6].

Tham khảo thêm:

[1] https://introvertdear.com/news/overstimulated-overwhelmed-what-to-do/

[2] https://introvertdear.com/news/signs-young-child-is-introvert/

[3] https://introvertdear.com/news/you-are-becoming-more-introverted-with-age/

[4] https://www.npr.org/sections/health-shots/2016/06/30/484053435/personality-can-change-over-a-lifetime-and-usually-for-the-better

[5] https://introvertdear.com/news/introverted-kids/

[6] https://introvertdear.com/news/world-introvert-day-celebrate-introverts/

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: https://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

Nguồn:  https://introvertdear.com/news/introvert-genetic-dna/

Nguồn ảnh: Pinterest

Dịch: M.

Biên tập: Hương

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan