Bạn đã hiểu đúng và đủ về "tức giận"?

Tức giận là một cảm xúc lành mạnh. Tuy nhiên nó sẽ trở thành vấn đề nếu được thể hiện một cách thái quá.

Tức giận là một cảm xúc mãnh liệt xuất hiện khi một điều gì đó diễn ra không như mong muốn hoặc ai đó đã làm sai với bạn . Đặc trưng điển hình của tức giận là chủ thể cảm thấy áp lực, thất vọng và khó chịu. Mọi người thỉnh thoảng đều sẽ cảm thấy tức giận. Đó là một phản ứng hoàn toàn bình thường trong các tình huống gây khó chịu hoặc thất vọng.


Tức giận chỉ trở thành vấn đề khi nó được thể hiện một cách thái quá và bắt đầu ảnh hưởng đến các hoạt động hằng ngày của bạn cũng như cách bạn giao tiếp với những người khác. Sự tức giận có thể ở nhiều mức độ khác nhau, từ hơi khó chịu đến giận dữ. Nó đôi khi có thể là quá mức hoặc không hợp lý. Trong những trường hợp này, bạn sẽ khó có thể kiềm chế cả cảm xúc lẫn hành động của mình.


Biểu hiện


Khi chúng ta tức giận, cơ thể cũng sẽ có những thay đổi nhất định về mặt sinh học và tâm lý. Một số ví dụ của sự thay đổi về mặt sinh học có thể kể đến như:

  • Tăng năng lượng
  • Tăng huyết áp
  • Tăng kích thích tố như adrenaline và noradrenaline
  • Tăng nhiệt độ cơ thể
  • Tăng căng cơ


Nguồn ảnh: Unsplash


Sự tức giận giữa mỗi người là không giống nhau và mỗi người cũng sẽ có những cách thể hiện sự tức giận khác nhau. Một số biểu hiện bên ngoài mà bạn có thể cảm nhận được khi tức giận như:


  • Lên giọng
  • Nắm chặt tay 
  • Cau mày hoặc cau có 
  • Cơ hàm siết chặt 
  • Run rẩy 
  • Nhịp tim nhanh 
  • Đổ mồ hôi nhiều
  • Đi nhanh


Các biến chứng


Tức giận là một cảm xúc hoàn toàn bình thường và lành mạnh. Tuy nhiên, nó có thể gây hại cho cả sức khỏe tinh thần lẫn thể chất nếu bạn bị mất kiểm soát. Khi bạn tức giận, cơ thể bạn sẽ trải qua những thay đổi cả về mặt tâm lý và sinh học.


Tim bạn sẽ đập nhanh hơn và huyết áp cũng sẽ tăng đột biến. Cơ thể của bạn cũng sản sinh các hoocmon như adrenaline và noradreline. Nếu bạn thường xuyên tức giận , cơ thể bạn cũng sẽ trải qua những hiện tượng này với tần suất cao, điều đó có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe như:


  • Cao huyết áp
  • Trầm cảm
  •  Lo lắng
  •  Mất ngủ 
  • Lạm dụng chất gây nghiện
  •  Loét dạ dày
  •  Bệnh đường ruột 
  • Tiểu đường


Nhận diện tức giận


Sự tức giận giữa mỗi người không hẳn sẽ giống nhau vì mỗi người sẽ có nhiều cách để thể hiện của tức giận của mình. Đối với một số người, la hét có thể là lối thoát cho sự tức giận của họ, trong khi một số người khác lại lựa chọn đập phá đồ vật hoặc thậm chí đánh người để giải tỏa cảm xúc.


Tức giận là cảm xúc bình thường của con người, nhưng điều quan trọng là phải tìm đúng cách để giải tỏa nó mà không làm người xung quanh xa lánh. Bộc lộ sự tức giận một cách lành mạnh cũng rất cần thiết cho sức khỏe tinh thần của bạn.


Nguyên nhân


Giận dữ có thể gây ra bởi các tác nhân bên ngoài hoặc bên trong. Một người hay một sự kiện đều có thể khiến bạn tức giận. Bạn có thể tức giận vì ai đó chen ngang trước mặt bạn khi đang xếp hàng. Bạn cũng có thể cảm thấy tức giận khi bị tổn thương về mặt tinh thần, bị đe dọa, bị đau đớn hoặc khi đối mặt với xung đột.


Đôi khi chúng ta sử dụng tức giận để che lấp các cảm xúc mà chúng ta không thể giải quyết được, như đau đớn, sợ hãi, cô đơn hoặc mất mát. Trong những trường hợp đó, giận giữ trở thành một cảm xúc thứ yếu. Tức giận có thể là một phản ứng trước những đau đớn về thể chất, hay cảm giác sợ hãi, để bảo vệ bản thân bạn khỏi những sự tấn công có thể nhận thức được, hoặc để đáp trả lại những tình huống gây thấy vọng.


Tức giận thường được gây ra bởi một nguyên nhân nào đó có thể hợp lý hoặc không hợp lý. Một số nguyên nhân thường gặp gây ra tức giận là:


  • Đối mặt với sự ra đi của một người thân yêu
  • Mất việc
  • Trải qua một cuộc chia tay
  • Thất bại trong công việc hoặc một nhiệm vụ nào đó
  • Mệt mỏi
  • Xảy ra tai nạn hoặc gặp một vấn đề gây ra những thay đổi cho cơ thể ( như mất thị lực hoặc khả năng đi lại)


Tức giận còn có thể là một triệu chứng hoặc một phản ứng đối với tình trạng bệnh. Tức giận có thể là triệu chứng của trầm cảm, lạm dụng thuốc, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn lưỡng cực.


Các loại tức giận 




Nguồn ảnh: Unsplash


Có ba loại tức giận chính:


Hung hăng thụ động: Một người cố gắng kìm nén cơn giận dữ của bản thân để tránh phải đương đầu với nó nhưng cuối cùng thì người đó vẫn sẽ bộc lộ nó theo một cách không lành mạnh và tiêu cực.


Giận dữ quyết đoán: Đây chính là cách thể hiện sự tức giận lành mạnh nhất. Bạn sẽ đối đầu với cơn tức giận theo một cách có kiểm soát, bằng việc sử dụng lời nói của mình để bình tĩnh giải thích và cố gắng xoa dịu tình hình. Tức là, giận dữ được thể hiện theo một cách an toàn, không mang theo những mối đe dọa.


Hung hăng cởi mở: Loại tức giận này có thể đi kèm với hành vi gây hấn bằng lời nói hoặc thể chất như la hét hoặc đập phá đồ vật. Mục đích của kiểu giận dữ này thường là làm tổn thương người mà cơn giận nhắm đến về mặt cảm xúc hoặc thể chất.


Tức giận có thể được bộc lộ bằng một trong hai cách: ngôn từ hoặc phi ngôn từ.


Ngôn từ: Khi một người thể hiện sự giận dữ bằng ngôn từ, bạn sẽ thấy họ thường nâng cao tông giọng. Họ có thể xúc phạm hoặc nói những điều gây tổn thương nếu cơn tức giận của họ nhắm đến người khác.


Phi ngôn từ: Bạn sẽ nhận thấy một số thay đổi nhỏ về biểu hiện bên ngoài của người tức giận phi ngôn từ. Họ có thể cau mày, siết chặt hàm, hoặc nắm tay. Họ cũng có thể tấn công người hoặc vật khác, đôi khi gây thiệt hại về thể chất cho người hoặc vật đó và, thậm chí gây thương tích cho chính mình trong một số trường hợp.


Hai cách thể hiện sự tức giận này không loại trừ lẫn nhau, bởi một người có thể bộc lộ sự tức giận theo cả hai cách.


Biện pháp chữa lành


Tức giận là một loại cảm xúc bình thường mà tất cả chúng ta đều cảm nhận được, và với hầù hết mọi người, họ có thể tìm ra những cách thể hiện sự tức giận lành mạnh. Tuy nhiên, một số người lại cần phải điều trị. Cách thông dụng nhất để chữa trị tức giận thái quá là trị liệu.


Trị liệu


Với hầu hết mọi người, việc tìm ra các tác nhân và cảm xúc ẩn giấu sau cơn giận dữ khá dễ dàng. Tuy nhiên một số người lại hay cảm thấy tức giận đột ngột và dữ dội nhưng không thể kiềm chế hoặc xác định các tác nhân đằng sau nó.


Nếu bạn đang trải qua những cơn tức giận dữ dội và thường xuyên gây ra những tổn thương về thể chất và tinh thần cho bản thân hoặc những người xung quanh thì bạn có thể cần đến sự trợ giúp của chuyên gia để đối phó với cơn giận của mình.


Liệu pháp quản lý cơn tức giận là phương thức hay được sử dụng để giúp bạn đối phó với cảm xúc này một cách lành mạnh.


Ứng phó với cơn giận như thế nào? 


Tìm cách để ứng phó với cơn tức giận cũng rất quan trọng. Khi chúng ta để tức giận kiểm soát cuộc sống của mình, nó có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi thứ chúng ta làm. Nó có thể phá hủy những mối quan hệ của chúng ta với những người thân yêu và gây ra những rắc rối ở nơi làm việc. Nếu bạn đang cảm thấy khó khăn trong việc kiểm soát cơn tức giận trong một số trường hợp, thì một số biện pháp dưới đây có thể hữu ích cho bạn:


Xác định nguyên nhân tức giận: Bước đầu tiên để ứng phó với cơn tức giận là tìm ra nguồn cơn của nó. Đó có thể là một cảm xúc khác như sợ hãi hoặc cô đơn. Đó cũng có thể là một cuộc cãi vã hoặc một ý nghĩ khó chịu nào đó xuất hiện trong tâm trí bạn.


Thiền: Thiền rất hữu ích trong việc hỗ trợ kiểm soát cảm xúc. Bạn có thể bắt đầu bằng những kỹ thuật đơn giản như bài tập thở sâu. Mỗi khi đối mặt với một tình huống khiến bạn cảm thấy tức giận, hãy dành ra một chút thời gian trước khi bạn phản ứng lại hãy hít thở thật sâu để bình ổn cảm xúc, cố gắng đếm số cho đến khi bản thân bạn bình tĩnh hơn.


Tập thể dục: Tập thể dục không chỉ tốt cho sức khỏe thể chất mà nó cũng rất có ích cho sức khỏe tinh thần của bạn. Đây cũng là một cách để loại bỏ những cảm xúc như tức giận một cách hiệu quả, Hãy chạy bộ hoặc bơi một chút khi bạn cảm thấy tức giận, điều này có thể giúp bạn xoa dịu cảm xúc tốt hơn.


Bộc lộ: Đừng cứ dồn nén cảm xúc tức giận của mình mãi. Hãy thể hiện sự tức giận khi bạn cảm thấy đó là cách lành mạnh nhất để vượt qua nó. Việc dồn nén cảm xúc có thể gây ra sự bộc phát đột ngột và nghiêm trọng vào thời điểm bạn ít ngờ tới nhất.


Tránh các nhân tố gây tức giận: Nếu bạn dễ dàng trở nên tức giận, việc tìm và tránh các nhân tố gây ra sự tức giận là điều rất hữu ích. Nếu bạn thường xuyên bị kích động khi đang trò chuyện với một người cụ thể hoặc một chủ đề cụ thể nào đó, hãy cố gắng tránh họ hoặc chủ đề đó cho đến khi bạn học được cách kiểm soát cơn tức giận tốt hơn.


Lời nhắn nhủ 


Ứng phó với cơn tức giận là một kỹ năng bạn có thể học được. Việc này có thể cần rất nhiều thời gian, cho nên đừng chỉ trích bản thân khi bạn nhận ra bản thân lại lặp lại những thói quen xấu khi tức giận. Hãy thử các biện pháp ứng phó để tìm ra phương thức hiệu quả cho bạn và áp dụng nó mỗi khi bạn tức giận.


Điều quan trọng cần ghi nhớ ở đây đó là khi được thể hiện một cách hợp lý, tức giận sẽ là một cảm xúc tốt. Tức giận có thể hữu ích trong các tình huống nguy hiểm vì nó giúp kích hoạt phản ứng kháng cự. Trong một số trường hợp, điều này có thể giúp chúng ta thoát khỏi những tình huống nguy hiểm .

_________________

Người dịch: Lý Lan

Biên tập viên: July

Link bài gốc: Anger: Characteristics, Complications, and Causes (verywellmind.com)

BẢN THẢO
Bài viết liên quan