Bạn đã vượt qua rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) bằng cách nào?

Chính cảm giác được thấu hiểu và cảm thông đã giúp mình bình ổn đi qua những ám ảnh, nỗi đau về mặt tinh thần, cùng biết bao cơn ác mộng triền miên đang ngày đêm dày vò lấy cơ thể.


1. Hôm nay trời nắng đẹp, sẽ rất tiếc nếu cậu ra đi


Như thế nào được xem là được chữa lành?


  • Cảm thấy thân thuộc với chính cơ thể của mình.
  • Lưu giữ các ký ức, chứ không phải là cảm giác sợ hãi khi đối mặt với những chuyện đã qua.
  • Làm bạn với tâm trí của mình.
  • Luôn tin rằng thế giới là một nơi an toàn và thoải mái, đủ để bản thân có cảm giác thuộc về.
  • Chuyển những tổn thương, sang chấn thành một câu chuyện.
  • Cảm nhận bản thân “có thể” thêm lần nữa.


Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn có được những trải nghiệm quý giá đó. Có nhiều người đang ngày đêm vật lộn với những ám ảnh từ chứng Rối loạn stress sau sang chấn tâm lý (tiếng Anh: Post traumatic Stress Disorder - PTSD) của mình. Phần lớn nạn nhân bị cưỡng hiếp, những người lính, trẻ em từng bị lạm dụng tình dục thường rất đau khổ khi nhớ lại ký ức kinh hoàng và luôn cố đẩy chúng ra khỏi tâm trí, tỏ vẻ như chuyện kinh khủng ấy chưa từng xảy ra. Phải cố gắng rất nhiều họ mới có thể sống tiếp, vì bản thân phải đeo mang ký ức hãi hùng cùng nỗi nhục nhã khi thấy mình thật yếu đuối và dễ bị tổn thương.


Theo định nghĩa của DSM-5, sang chấn tâm lý là sự trải nghiệm hoặc đối mặt cận kề với cái chết, sang chấn nặng, hoặc bị xâm hại tình dục. Người mắc PTSD có thể là nạn nhân trực tiếp từ các sự kiện ấy, hoặc là nhân chứng chứng kiến vụ việc, hay khi biết được người thân yêu của mình bị nạn, trải nghiệm từng chi tiết của sự kiện nhiều lần lặp đi lặp lại (ví dụ như cảnh liên tiếp nhận được các tình huống hoặc chi tiết của việc lạm dụng trẻ em). Những người này khi trải qua các sự kiện như đã nêu trên - trong khoảng thời gian từ 1 tháng trở lên, thậm chí có những trường hợp là nhiều năm sau, thường có nguy cơ mắc PTSD hơn bao giờ hết. Đặc biệt trong một số trường hợp, có một số cá nhân có thể vượt qua biến cố một cách mạnh mẽ trước khi hội chứng xuất hiện. Hội chứng gây ra những hồi tưởng mang tính thâm nhập, tái hiện của một sự kiện sang chấn quá mạnh. Triệu chứng cũng bao gồm việc né tránh các kích thích liên quan đến sự kiện sang chấn, các cơn ác mộng, và hồi tưởng.


Trong xã hội ngày nay, khi mà chiến tranh đã đi qua rất lâu, thì số người mắc phải PTSD bởi những di chứng từ chiến tranh đã không còn nhiều nữa. Tuy nhiên, những ám ảnh từ việc trải nghiệm một sự kiện tiêu cực vẫn khiến cho số người mắc PTSD ngày một tăng cao. Bên cạnh đó, thảm kịch mà COVID - 19 gây ra cùng biết bao hệ lụy của thời đại chính là nguyên nhân dẫn đến một bóng ma tâm lý mang tên PTSD đối với phần lớn mọi người.


Dù tất cả chúng ta đều muốn vượt qua những nỗi đau, nhưng phần não bộ dành cho việc duy trì sự sống (nằm sâu phía dưới phần não bộ lý trí) lại không giỏi phủ nhận cho lắm. Dù trải nghiệm thương đau đã xảy ra rất lâu, thì bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm nhỏ nào cũng có thể kích động những mạch não bộ bị tổn thương, khiến chúng tiết ra một lượng hormone của stress vô cùng lớn. Điều này gây ra cảm giác vô cùng khó chịu và thúc đẩy những hành vi mất kiểm soát. Các phản ứng sau sang chấn này rất dữ dội và khó hiểu. Những người bị sang chấn thường mất kiểm soát bản thân và lo sợ rằng tình trạng của mình vô phương cứu chữa. Nguy hiểm hơn, có những người vì quá ám ảnh mà bản thân bắt đầu xuất hiện những suy nghĩ và hành vi tự sát.


Bạn đã vượt qua rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) bằng cách nào? | Nguồn ảnh: Unplash


2. Đứng lên và viết tiếp những chương mới của cuộc đời


Dường như chúng ta đều được dạy rằng, khi một vết thương xuất hiện thì phải đặc biệt chú ý đến việc sát trùng. Khi một đứa trẻ bị té xe, vết thương thể xác gây cho nó những cơn đau âm ỉ, vô tình tạo ra những vết cắt, vết trầy xước - vừa đau lại vừa mất thẩm mỹ. Vậy là, đứa trẻ ấy được người lớn dạy cách sát trùng, dùng băng cá nhân, chăm sóc và vệ sinh vết thương ấy hàng ngày - cho đến khi chúng lành hẳn. Thói quen ấy được hình thành từ khi còn nhỏ cho đến lúc cá nhân đã khôn lớn trưởng thành. Dần dần, ta chỉ chú ý đến việc chăm sóc vết thương thể chất, mà vô tình thay lại bỏ mặc những cơn đau âm ỉ về mặt tinh thần.


Mình từng rất sợ hãi, bản thân cũng đã hơn một lần nghĩ đến việc giải thoát cho chính mình. Nhưng khi những nỗi đớn đau về mặt cảm xúc xuất hiện, mình bắt đầu chú ý đến chúng, kịp thời nhận ra và cố gắng giải quyết trước khi chúng nỗ lực nhấn chìm tâm trí mình. Bi kịch thường chỉ xảy ra khi chúng ta cố tình lẩn tránh, đè nén và phủ nhận những cảm xúc xấu xí ấy; thay vì dũng cảm chấp nhận và đương đầu. Cũng giống như một đứa trẻ bị đứt tay và máu đã bắt đầu chảy đỏ, nếu không kịp thời nhận ra, dũng cảm đối mặt và xử lý vết thương, liệu máu có tự dưng ngừng chảy?


Bên cạnh hành trình chấp nhận cảm xúc của chính mình, việc tìm kiếm sự giúp đỡ cũng là một trong những cách thức quan trọng đã vực dậy bản thân. Tuy nhiên, thật khó để mình lên tiếng. Và bản thân mình cũng từng chẳng dễ dàng gì để chấp nhận những cảm xúc không mong muốn - bất giác trỗi dậy vào một vài thời điểm nào đó trong đời. Đã có giai đoạn mình tự cô lập bản thân, không để cho bất cứ người thân hay bạn bè nào nhận ra bản thân đang đối mặt với những cơn khủng hoảng. Nhưng rồi, mình nhận ra rằng bản thân không thể nào chiến đấu một mình với con quái vật mang tên PTSD được nữa, lúc đó mình đã dũng cảm chia sẻ, và tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân, lẫn sự hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia tâm lý. Chính cảm giác được thấu hiểu và cảm thông đã giúp mình bình ổn đi qua những ám ảnh, nỗi đau về mặt tinh thần, cùng biết bao cơn ác mộng triền miên đang ngày đêm dày vò lấy cơ thể.


Thật cảm ơn bản thân vì đã sống đến giờ phút này. Cảm ơn chính mình vì đã không từ bỏ. Gửi đến những ai đang ngày đêm chiến đấu với PTSD, các bạn không hề đơn độc đâu.


Tác giả: Trúc Phạm

Tài liệu tham khảo:


  1. American Psychiatric Association. Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, Fifth Edition (DSM-5). American Psychiatric Association: Washington, DC, USA, 2013.
  2. Timothy J. Legg (2020). What is trauma? What to know [Online] Available at: <https://www.medicalnewstoday.com/articles/trauma> [Accessed June 3, 2020]


BẢN THẢO
Bài viết liên quan