“Bạn Phải Là Ai Đó Trước Khi Có Thể Là Không Ai Cả”

Đó là những năm giữa thập niên 1980, trong trào lưu tâm lý học siêu cá thể nổi lên sự đồng thuận rằng phát triển tâm linh là một thứ nên diễn ra trên nền phát triển tâm lý, và tâm lý trị liệu – nếu cần thiết – nên được nhìn nhận như sự mở đầu cho một nỗ lực tâm linh. Quan điểm này được tóm tắt thuyết phục nhất bở nhà tâm lý học Jack Engler khi ông viết: “Bạn phải là ai đó trước khi có thể là không ai cả” (Engler, 2003, trang 35).


Đó là những năm giữa thập niên 1980, trong trào lưu tâm lý học siêu cá thể nổi lên sự đồng thuận rằng phát triển tâm linh là một thứ nên diễn ra trên nền phát triển tâm lý, và tâm lý trị liệu – nếu cần thiết – nên được nhìn nhận như sự mở đầu cho một nỗ lực tâm linh. Quan điểm này được tóm tắt thuyết phục nhất bở nhà tâm lý học Jack Engler khi ông viết: “Bạn phải là ai đó trước khi có thể là không ai cả” (Engler, 2003, trang 35).


Engler đáp lại một khuynh hướng nhiễu loạn mà ông và những người khác nhận thấy: những môn sinh phương Tây tìm hiểu về truyền thống tâm linh phương Đông nếu nhảy ngay và hành trì chuyên sâu mà thiếu sự chuẩn bị, đôi lúc sẽ rơi vào những trạng huống khó khăn. Nhiều người thực hành nghiêm túc sau khi vỡ mộng với tâm lý trị liệu hay ý tưởng trị liệu đã quay sang thiền với hy vọng chữa lành những vấn đề tâm lý, và họ thấy lộ ra những cảm xúc mà cả họ lẫn thày dạy thiền đều chưa được chuẩn bị để xử trí. Engler đã đúng khi phát hiện sự phổ biến của tình trạng bệnh lý “rối loạn bất định” (bordeline) và “rối loạn tự yêu mình” (narcissism) ở những người bị thu hút tới thiền, và ông đề xuất tâm lý trị liệu như một tiến trình điều trị phù hợp hơn cho những người gặp rắc rối với việc duy trì cảm giác gắn kết với cái tôi. Những nhà trị liệu được đào tạo về phân tâm học không chỉ thông thạo hơn với kiểu bệnh học ở những người như thế, họ còn được đào tạo các kỹ thuật trị liệu, biết xử trí các vấn đề chuyển di, cam kết dành sự theo dõi lâu dài và trực tiếp cho bệnh nhân, bởi vậy họ sẽ giúp được nhiều hơn những tình trạng này. Ngược lại, những vị thầy Phật giáo dù có nền tảng phương Đông hay phương Tây, đa phần không được đào tạo về trị liệu, không được chuẩn bị để xử trí những hình thức khổ sở thái quá có thể xảy ra ở những người thực hành phương Tây, và không quan tâm duy trì một mối quan hệ lâu dài với những môn sinh tham gia khóa học hay kỳ an cư. Engler tìm cách chữa trị vấn đề này bằng cách đề xuất rằng thiền là một kiểu siêu trị liệu, thích hợp cho những ai đã trải qua các giai đoạn xây dựng nhân dạng, nhưng không thích hợp với những người vẫn chưa thực hiện những bài tập tâm lý.



Mặc dù đề xuất này hết sức hữu ích trong việc phơi bày một vấn đề thực tiễn, đối với tôi, nó có vẻ chưa bao giờ hoàn toàn đúng. Bản thân Engler, trong một công trình về sau, cũng đã chất vấn đề xuất ấy. Theo kinh nghiệm cá nhân, thiền giúp tôi nắm bắt những vấn đề về sự ích kỷ trước khi tôi có bất kỳ trị liệu thực tế nào để giúp trở thành một ai đó. Và trị liệu – vốn chẳng hề thúc đẩy một cảm giác mạnh mẽ và ổn định về bản ngã như nhiều trường phái tâm lý học về bản ngã cho là vậy – đã dạy tôi làm thế nào buông bỏ, cho phép tôi trở thành không ai cả. Nhiều người quen biết tôi trong thế giới Phật giáo – một số có hiểu biết sâu xa về vô ngã – vẫn biểu lộ rất nhiều bằng chứng bệnh lý rối loạn bất định, rối loạn tự yêu mình trong cấu trúc nhân cách của họ. Những đồng nghiệp tâm thần học của tôi cũng biểu lộ điều tương tự trong cuộc sống riêng, mặc dù nhiều người là những nhà trị liệu xuất sắc. Nhiều cộng đồng tâm linh là những ổ bệnh chuyển di, nhiều vị thầy tâm linh dù thực chứng cao nhưng dường như cũng không thoát khỏi lây ô nhiễm. Có vẻ không đúng khi suy luận rằng những người có khả năng thực chứng tính không hay vô ngã của Phật giáo mặc định là phải chín chắn về nhân cách.


Trong một bài viết gần đây, Engler (2006) tiếp tục suy nghĩ lại về đề xuất ban đầu, ông bắt đầu bài viết bằng một trao đổi giữa thiền sư người Mỹ danh tiếng là Philips Kapleua và một môn sinh.


Người hỏi: Nhưng chẳng phải giác ngộ sẽ xóa bỏ những điểm không hoàn hảo và những khiếm khuyết về nhân cách?


Thiền sư: Không, nó bộc lộ chúng! Trước khi thức tỉnh, người ta có thể dễ dàng phớt lờ hoặc hợp lý hóa những khiếm khuyết của mình, nhưng sau khi giác ngộ, điều đó không thể nữa. Nhược điểm sẽ lộ ra trần trụi. Nhưng đồng thời, một quyết tâm mạnh mẽ nhằm từ bỏ chúng cũng hình thành. Ngay việc khai mở tâm nhãn cũng không phải cùng một lúc tịnh hóa hoàn toàn mọi cảm xúc. Sự rèn luyện liên tục sau khai ngộ là điều cần thiết để tịnh hóa cảm xúc, làm cho hành vi hòa hợp với hiểu biết. Đây là điểm then chốt cần hiểu.


Như Engler giải thích rõ, điểm then chốt này không phải là điều hầu hết mọi người muốn tin.



Kết quả là một tâm trạng tội lỗi ở nhiều người thực hành phương Tây trước sự dai dẳng và tầm quan trọng hão huyền của đời sống cảm xúc. Như Engler đã nói: “Lời dạy Phật giáo về vô ngã hay không có cái tôi trường tồn không nên được hiểu là tôi không cần vật lộn để tìm ra tôi là ai, những ham muốn và khát vọng của tôi là gì, tôi có những nhu cầu nào, năng lực và trách nhiệm của tôi là gì, mối quan hệ của tôi với người khác ra sao, và tôi có thể làm gì hay nên làm gì với đời mình. Sự rỗng không về bản thể không có nghĩa là sự rỗng không về tâm lý.” (2003, trang 34 – 35).


Theo kinh nghiệm của tôi, trị liệu và thiền, phát triển tâm lý và thực chứng tâm linh dường như đan vào nhau. Cái này có thể thúc đẩy hoặc làm chậm cái kia, hòa nhập khéo léo hoặc làm ô uế cái kia. Những bậc thực chứng có thể vẫn ganh đua, quá yêu bản thân hoặc chịu đựng các vấn đề chuyển di. Những cá nhân phiền muộn, bấn loạn vẫn có thể tri kiến sâu xa. Tôi viết những bài này nhằm kích thích một cái nhìn có sắc thái hơn về sự tác động lẫn nhau giữa đời sống tâm lý, cảm xúc và tâm linh. Quan điểm rốt ráo của tôi là “một ai đó” hay “không ai cả” đều là những luận điểm bị cụ thể hóa một cách sai lầm, không diễn đạt được ý nghĩa của việc là một ai đó hay ý nghĩa của sự vật lộn với cái tôi. Với tôi, có vẻ con đường Phật giáo tạo ra những điều kiện để đương đầu khôn khéo hơn với chứng tự yêu mình bắt nguồn từ các trải nghiệm ấu thơ. Và trị liệu nếu được thực hiện từ một tầm nhìn Phật giáo cũng có thể đem lại tri kiến giải thoát về bản chất của tự ngã y như thiền. Nhưng cả hai phương pháp đều phải đối diện với một sự thật mà Margaret Mahler viết, đó là tàn dư tự yêu mình “dội lại trong suốt quãng đời”(1972, trang 333). Hoặc như những lời bất tử của Samuel Beckett, “bản ngã lâu đời mà khó bị hủy diệt, như thể nó không chỉ là ông chủ của u mê, mà còn là tác nhân của sự an tâm” (trích trong Foster, 1989, trang 93).


Mark Epstein, M.D., Con đường vô ngã, tâm lý trị liệu từ tầm nhìn Phật giáo

Nguồn: WhyPsychology


BẢN THẢO
Bài viết liên quan