Bạn thay đổi tư duy - Xã hội thay đổi thành kiến

Trên cả những chiến dịch đấu tranh giành lấy quyền bình đẳng và cổ vũ xu hướng đa dạng hóa ...



“Diversity” – Sự đa dạng và “Equality” – Sự bình đẳng là hai khái niệm đang được hiện thực hóa và đề cao trong môi trường của các trường đại học, các ngành công nghiệp và các lĩnh vực xã hội trên toàn thế giới. Dù là người da màu, phụ nữ, thành viên của cộng đồng LGBT hay các nhóm yếu thế khác, họ cũng đã đấu tranh để được trao cơ hội sống và làm việc bình đẳng. Chúng ta tin tưởng rằng, những cố gắng và hi sinh từ cuộc đấu tranh quả cảm ấy sẽ dẫn dắt thế giới này trở nên tốt đẹp và bền vững hơn thật nhiều. 


Vào ngày 22 tháng 9, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump ban hành một sắc lệnh hành pháp nhằm đặt ra những hạn chế mới đối với các cuộc “khởi nghĩa” đấu tranh chống lại phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính nơi làm việc. Ông cấm các chương trình đang rao giảng, thuyết phục mọi người chấp nhận, tha thứ cho sự khác biệt của người khác cũng như đấu tranh chống thiên vị ngầm. Cũng như bao người, tôi nghĩ bạn sẽ ngay lập tức không đồng tình và thể hiện sự lo lắng của mình với quyết định này. Nhưng hãy thử ngồi lại và suy ngẫm một chút. Có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra: Việc tiến hành hiện thực hóa từ gốc rễ một môi trường xã hội bình đẳng sẽ đem đến bước tiến vững chắc và mạnh mẽ hơn rất nhiều so với việc cứ mãi đấu đá trực diện để loại bỏ những “thành kiến ngầm” đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người. Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời. Chắc chắn chúng ta cần thời gian và những kế hoạch dài hạn hơn như thế để phá bỏ điều này.


“Thành kiến ngầm là một hiện tượng xã hội, nó lan truyền qua các cá nhân giống như làn sóng mà những người hâm mộ có thể tạo ra trên sân vận động. Nói đúng hơn, những thành kiến ấy không phải một nhận định cá nhân, chúng là một hệ tư tưởng rộng lớn, được tạo nên bởi cả một xã hội trong những bối cảnh nhất định. ”


Heidi A. Vuletich and B. Keith Payne (University of North Carolina at Chapel Hill)


Trong một phân tích tổng hợp năm 2019 trên Tạp chí Nhân cách và Tâm lý Xã hội, các nhà khoa học đã kiểm tra ảnh hưởng của 492 nghiên cứu (liên quan đến 87.418 người tham gia) về các cách để can thiệp vào các định kiến ngầm. Nhóm do Patrick S. Forscher (Đại học Arkansas) dẫn đầu đã phát hiện ra rằng: Trên thực tế, các tác động một phiên (hay những liệu pháp tâm lí một lần) có hiệu quả rất ít trong việc cải thiện các thành kiến ngầm của cá nhân.  


Lí giải cho vấn đề này, Sohad Murrar (Đại học Governors State) và Markus Brauer (Đại học Wisconsin-Madison) nói rằng: Các biện pháp đó có thể đem lại hiệu quả như mong đợi do thái độ giữa các nhóm định kiến này đã gắn liền với bản sắc xã hội của chúng ta ( trích Chỉ đạo Hiện tại trong Khoa học Tâm lý năm 2019).


Họ giải thích rằng: Động lực cao và sự cân nhắc chu đáo là hai yếu tố cần thiết để giải quyết một cách có ý thức những thành kiến của con người, nhưng trên thực tế, hầu hết chúng ta không được giáo dục và chuẩn bị cho điều đó. Chúng ta mang theo định kiến và bị ép buộc tham gia vào một chương trình đấu tranh bài trừ nào đó trước khi tự mình chủ động tiếp nhận để thay đổi. Khi ý thức về quyền tự quyết của người tham gia bị đe dọa, các biện pháp can thiệp này thậm chí còn gây ra thái độ phản kháng ngược lại. Người tham gia sẽ tập trung khai thác các lí lẽ phản biện tiềm ẩn và đào sâu nỗi tức giận thay vì xử lí và thay đổi các thành kiến như mục tiêu ban đầu của các chương trình.


“Các phương pháp này gián tiếp truyền đạt cho mọi người rằng có điều gì đó không ổn với họ và họ cần phải thay đổi, do đó nó sẽ tạo ra các phản ứng tiêu cực. (Murrar and Brauer)




Thay đổi nền tảng và môi trường phát triển của xã hội

Trong một bài báo liên quan năm 2019 trên Tạp chí Khoa học Tâm lý, Heidi A. Vuletich và B. Keith Payne (Đại học Bắc Carolina, Chapel Hill) đã xem lại một nghiên cứu dài hạn về thành kiến chủng tộc để điều tra xem môi trường xã hội ảnh hưởng như thế nào đến thái độ cá nhân. Dữ liệu chỉ ra rằng mặc dù học sinh đã giảm thành kiến chủng tộc ngầm ngay lập tức sau khi nhà trường thực hiện chín biện pháp can thiệp khác nhau, nhưng không có biện pháp nào tạo ra hiệu ứng kéo dài hơn một vài ngày.


Theo Vuletich và Payne, những thành kiến ngầm của cá nhân tuy rằng rất khó để thay đổi, nhưng lại dễ bị ảnh hưởng, “uốn nắn” bởi sự bất bình đẳng cơ cấu kéo dài trong môi trường xã hội của chúng ta. Để minh chứng, các nhà nghiên cứu chỉ ra: Sự hiện diện, dù vô tình hay cố ý, của các yếu tố bất bình đẳng cơ cấu và phân biệt chủng tộc trong khuôn viên trường đại học, ví dụ như các bằng chứng lịch sử về chế độ A – pác – thai (Apartheid) hay sự mất cân bằng cơ cấu sắc tộc trong đội ngũ giảng viên sinh viên, có ảnh hưởng đến sự thay đổi nhận thức của sinh viên trước và sau vài ngày xảy ra các chiến dịch chống phân biệt chủng tộc.


Điều này cho thấy rằng việc loại bỏ các dấu hiệu bất bình đẳng trong môi trường sống và việc đa dạng hóa các thành phần ban lãnh đạo của một tổ chức có thể giúp tạo ra những thay đổi bền vững về thành kiến trong toàn bộ tổ chức đó.


Tương tự, Murrar và Brauer phát hiện ra rằng phương tiện truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền những thông điệp, những vấn đề nổi cộm về mối quan hệ tích cực giữa các nhóm thành phần trong xã hội mà không gây ra các làn sóng phản đối gay gắt quá mức. Trong một nghiên cứu tương tự, những người tham gia cùng nhau xem các tập của một bộ phim sitcom miêu tả dàn diễn viên người Canada theo đạo Hồi sẽ ít đánh giá các thành kiến ngầm hơn so với những người không tham gia. Thậm chí, kết quả này còn kéo dài tới 4 tuần sau buổi xem phim chung đó.


Tuy nhiên, Vuletich và Payne cho rằng: điều đó không đồng nghĩa với khẳng định : những phương thức can thiệp khác tới hiện trạng thiên vị ngầm trong quá khứ ngành khoa học tâm lý cần phải loại bỏ. Ví dụ, mặc dù các phương pháp đó có thể chỉ có tác động tạm thời đến thành kiến cá nhân, nhưng chúng vẫn góp phần làm giảm đáng kể các thành kiến ngoài ý muốn khác trong các quyết định tuyển dụng ở các tổ chức làm việc.


Cuối cùng, các nhà nghiên cứu kết luận: “Nguồn gốc của sự bất bình đẳng và thiên vị ngầm — và cơ hội để thay đổi điều đó — nằm trong chính con người và môi trường xung quanh chúng ta. 


Dịch: Rabbie

Biên tập: Rabbie

Ảnh: Pinterest

Photo by Stijn Dijkstra from Pexels

Nguồn bài viết gốc: https://www.psychologicalscience.org/news/minds-business/changing-social-environments.html

Tài liệu tham khảo:

Forscher, P. S., Lai, C. K., Axt, J., Ebersole, C. R., Herman, M., Devine, P. G., & Nosek, B. A. (2019). A meta-analysis of procedures to change implicit measures. Journal of Personality and Social Psychology. Advance online publication. https://doi.org/10.31234/osf.io/dv8tu

Murrar, S., & Brauer, M. (2019). Overcoming resistance to change: Using narratives to create more positive intergroup attitudes. Current Directions in Psychological Science, 28(2), 164–169. https://doi.org/10.1177/0963721418818552

Vuletich, H. A., & Payne, B. K. (2019). Stability and change in implicit bias. Psychological Science, 30(6), 854–862. https://doi.org/10.1177/0956797619844270

BẢN THẢO
Bài viết liên quan