Bạn và họ đang ở mức nào trong "Bốn lớp của tình bạn"?

"Bốn lớp của Tình bạn" sẽ cho bạn biết được bạn và họ đang ở mức độ thân thiết nào và bạn nên tập trung xây dựng mối quan hệ nào.

Có rất nhiều người chúng ta gọi là “bạn”, nhưng có bao giờ bạn tự hỏi mối quan hệ thực sự của bạn và họ đang ở mức nào?

 

Tình bạn cũng được phân chia thành nhiều cấp bậc, cụ thể là có Bốn lớp của Tình Bạn. Khái niệm này đã được cô Sharon Pearson - người sáng lập học viện Life coaching ở Melbourne đề cập đến trong cuốn sách “Ultimate You” của mình. Bốn lớp đó là:

 

1/ Lớp thứ nhất: Bạn buôn chuyện (Chat Friends) 


“Chat Friends” là những người có thể nói với bạn về đủ thứ chuyện “trên trời dưới đất” như chủ đề thời sự, thời tiết, thời trang, xu hướng... Tóm lại là những đề tài mang tính bể nổi. 

 

Những người bạn này (có thể bao gồm những thành viên trong gia đình) là những người không quan tâm đến việc bạn đang làm gì, bạn đang nghĩ gì hay đang mong muốn điều gì. Họ chỉ luyên thuyên mọi thứ về họ và mong muốn cuộc trò chuyện xoay quanh họ.

 

Họ không quan tâm đến sự tiến bộ, thay đổi hay cải thiện của bạn và cũng không có nhu cầu lắng nghe những góp ý của bạn để có thể hoàn thiện bản thân mình. 

 

Những người bạn ở lớp này thường sẽ cho bạn cảm giác không được trân trọng và tôn trọng. Họ có thể thường xuyên trễ hẹn, đổi lịch, hoặc có thể hủy hẹn sát giờ bằng một lý do nào đó rất vô lý. Họ cũng rất hiếm khi chủ động liên lạc với bạn, trừ khi có việc gì đó.

 

Đây có lẽ là những người bạn xuất hiện nhiều nhất trong cuộc sống của chúng ta. Bất kì ai cũng có thể trở thành một “Chat Friends” của bạn mà chẳng cần thông qua quá trình tìm hiểu hay chọn lọc. 

 

2/ Lớp thứ hai - Bạn hoạt động (Activity Friends)


“Activity Friends” là những người cùng hoạt động hoặc có mối quan tâm chung với bạn về một lĩnh vực nào đó. Với những người bạn này, bạn có thể thoải mái chia sẻ, thảo luận với họ về quá trình hoạt động. Tuyệt vời hơn là bạn và họ có thể cùng nhau cải thiện kỹ năng khi tham gia hoạt động. Có một từ chúng ta thường dùng để nói về kiểu bạn này đó là “đôi bạn cùng tiến”.

 

Những cuộc nói chuyện giữa bạn và họ thường sẽ xoay quanh việc cả hai cảm thấy thế nào về hoạt động đó. Tính chất cuộc trò chuyện cũng chỉ mới dừng lại ở việc nói chuyện phiếm. Khi không biết nói gì hoặc cảm thấy cuộc trò chuyện đang đi quá xa, bạn hoặc họ sẽ chủ động chuyển chủ đề về vùng “an toàn” xoay quanh những hoạt động chung.

 

Khi ở mức độ tình bạn này, nếu cả bạn và họ đều cố gắng thì cả hai có thể đi đến một mối quan hệ sâu sắc và vững chắc hơn. Khi đó, cả hai sẽ rất vui nếu ai đó chia sẻ những gì ngoài hoạt động chung.

 

Tuy nhiên, vì là bạn cùng hoạt động nên việc ai đó có tính cạnh tranh là điều hoàn toàn hợp lý. 



Bạn hoạt động (Activity Friends) giúp bạn cải thiện bản thân mỗi ngày | Ảnh: Pinterest

 

3/ Lớp thứ ba - Bạn ý tưởng (Ideas Friends)

 

Những người bạn ý tưởng rất thích chia sẻ với nhau về những khái niệm, xu hướng trên thế giới, những điều hay ho mà họ học được từ sách vở, từ cuộc sống…Đó là những cuộc trò chuyện có ý nghĩa và mang lại giá trị cao. 

 

Khi ở cùng những người bạn này, bạn sẽ cảm thấy được hiểu, được chấp nhận, tôn trọng và có thể tự do là chính mình. Đó là một mối quan hệ của những người có cùng quan điểm và lối sống. 

 

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là lớp cuối cùng của Bốn lớp về Tình bạn. Lý do mà thông thường mối quan hệ giữa những người bạn lý tưởng vẫn chưa thể tiến xa được là vì họ thường chỉ nghĩ cho bản thân mình, chưa thật sự quan tâm đến cảm nhân của đối phương.

 

Khi bạn chia sẻ với họ về ý kiến hay quan điểm của bạn, người kia đôi khi sẽ chỉ ậm ờ cho qua. Điều đó có nghĩa là họ vẫn chưa đặt mình vào câu chuyện của bạn để thấu hiểu và công nhận bạn. 

 

4/ Lớp thứ tư - Bạn chân thật (True Friends)

 

Đây là lớp cuối cùng của tình bạn và chắc chắn ai cũng muốn tìm kiếm cho mình những người bạn chân thật trong cuộc đời.

 

Nếu là những người bạn chân thật:

  • Họ có thể thấu hiểu, cảm thông cho bạn mà không hề chê trách hay phán xét.
  • Họ có thể chia sẻ về những nỗi sợ hoặc những điều tồi tệ trong quá khứ của mình với bạn.
  • Họ có thể chia sẻ những gì họ tự hào, những dự định tương lai hoặc những điều mà họ mơ ước với bạn.
  • Bạn và họ không so sánh hay đố kị nhau.
  • Bạn và họ thật lòng quan tâm, tôn trọng và trân trọng nhau.
  • Cả hai có thể thoải mái thể hiện chính mình, vui mừng khi thấy sự thành công của nhau.
  • Cả hai có thể thẳng thắn góp ý cho những sai phạm của nhau và người kia luôn sẵn sàng tiếp nhận.
  • Cả hai luôn cố gắng cùng nhau đi lên.

 

Những người bạn ở lớp càng sâu thì càng hiếm. Họ phải thật sự đủ chân thành để bạn tin tưởng, đủ cởi mở để tiếp nhận vấn đề mà không phán xét bạn, phải bạn cảm giác an toàn có thể bên cạnh khi bạn cần và ngược lại. Việc hiểu về 4 lớp của tình bạn này có thể giúp bạn chắt lọc những mối quan hệ và cân nhắc đầu tư vào những mối quan hệ chất lượng. 

 

Nếu bạn đã có cho mình một người Bạn Chân Thật chính hiệu, xin chúc mừng bạn. Nếu không, bạn hãy xem xét lại những mối quan hệ xung quanh mình để biết mình và họ đang ở mức độ nào của tình bạn. Bạn cũng có thể cân nhắc xem có mối quan hệ nào có tiềm năng để trở thành “True Friends” không nhé!

 

BẢN THẢO
Bài viết liên quan