Bên bờ vực thẳm

Nếu tôi nói rằng tôi bị trầm cảm, thật sự khó để mở lời. Vì trầm cảm không giống các căn bệnh khác, nó là tổn thương về những điều vô hình mà chỉ bản thân người bị bệnh mới cảm nhận được

Con người luôn ở trong trạng thái tìm kiếm những thứ khiến mình cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ. Sống chạy đua với thời gian để kiến tạo ra những giá trị có ích cho xã hội. Trước khi trải qua hàng thiên niên kỷ lịch sử với những thành tựu tối tân như hiện nay, họ cũng đã sống như vậy rồi. Thế nhưng ở mỗi thời điểm, con người lại có những vấn đề đáng lo ngại khác nhau. Xã hội càng phát triển, con người cũng có những vấn đề khác nhau để quan tâm. Vì sự phát triển của thế giới hiện đại nên hình như con người càng ngày càng cô đơn trong chính thế giới của họ. Vấn đề tâm lý trở thành mối lo ngại lớn hơn bao giờ hết, chỉ vì chẳng còn mấy ai quan tâm đến cảm nhận của người khác cũng như của chính mình nữa rồi.


Một xã hội mà ảnh hưởng của nhiều nền văn hoá khác nhau, cách cư xử khác nhau và tạo nên những con người khác nhau. Và chẳng ai quan tâm đến cái khác đó cả. Thứ họ quan tâm nhiều nhất cũng chỉ là cuộc sống của mình và tâm trạng của mình. Và dần dần bệnh về tâm lý cũng trở nên nhiều hơn. Dẫu tâm lý có trở nên ngày càng tệ hại, cũng chẳng ai quan tâm đến điều đó cả. Chỉ đơn giản là thế giới này ngày càng trở nên cô độc hơn, con người trong đó cũng thế. Tên gọi về một căn bệnh cũng chỉ đơn thuần là một danh hiệu. Danh hiệu vốn không có tốt xấu mà chủ yếu do chính con người quyết định ý nghĩa của nó. Bệnh trầm cảm cũng vậy, ý nghĩ của nó đối với mỗi một người là một cái nhìn khác nhau. 


Bạn sẽ làm gì nếu người thân hay bạn của mình mắc bệnh trầm cảm, hay thậm chí là bản thân mình? Nếu tôi nói rằng tôi bị trầm cảm, thật sự khó để mở lời. Vì trầm cảm không giống các căn bệnh khác, nó là tổn thương về những điều vô hình mà chỉ bản thân người bị bệnh mới cảm nhận được. Nếu tôi nói tôi bị bệnh khác, tôi có thể cầm bệnh án, trong đó có thể thấy các tế bào đang bị huỷ hoại. Và tôi có thể ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của mọi người, sự cảm thông. Thế nhưng, tôi lại bị trầm cảm. Chẳng có thứ gì có thể chứng minh được điều đó. Chẳng có tế bào nào được hiển thị trong bệnh án là đang dần chết đi cả. Mọi thứ như một lưỡi dao vô hình, từng chút từng chút để lại những vết thương mà người ngoài không thể nhìn thấy. Chìm đắm trong đó quá lâu, tôi cũng chẳng hiểu cảm giác mà mình đang chịu đựng là gì. Bản thân người bệnh còn không hiểu được những gì mà họ phải trải qua, thật sự quá sức chịu đựng.


Chắc chắn sẽ có nhiều người nói rằng: “Trầm cảm thì sao? Tôi cũng bị”. Có người cũng thắc mắc rằng: “Trầm cảm thì sao? Chẳng phải vẫn sống vui vẻ đó sao?”. Tôi nhìn ánh mắt nghi hoặc của bọn họ, rất muốn nói rằng, sự mệt mỏi của chúng ta không giống nhau. Nhưng tôi lại không nói ra được. Trầm cảm như một hố đen, nó đem tất cả những tâm trạng của tôi, những điều nhỏ nhặt nhất điều tiêu hao năng lượng gấp trăm ngàn lần so với những nỗi buồn bình thường. Và thế chẳng ai hiểu những gì bạn đang phải trải qua. Căn bệnh này đang bị xã hội xem nhẹ và đôi khi họ cứ liên tục nói với người bị trầm cảm rằng hãy vui lên, tích cực lên. Tôi cũng muốn thế chứ, nhưng không thể. Tôi chỉ muốn trốn tránh tất cả mọi người, cũng chẳng muốn giao tiếp với ai. Và ngỡ đâu tôi cũng có một khoảng thời gian trải qua địa ngục nhưng đã không đủ dũng cảm để vượt qua, để bước tiếp thì sao? Tôi cứ thế dừng lại thôi. Ấn nút dừng. Nhỡ tôi vẫn đang dừng thì sao? 



Tôi cứ thế dừng lại thôi. Ấn nút dừng. | Nguồn ảnh: Pinterest


Những nỗi đau mà tôi cũng chẳng nhìn thấy, nhưng nó vẫn hiện hữu ở đó như đang cố gắng bóp nghẹt sự sống cuối cùng của tôi. Như một chiếc thòng lọng luôn để trên cổ và chiếc ghế bên dưới chỉ trực chờ đổ xuống. Cảm giác sự sống chỉ còn trong gang tấc, cố gắng vùng vẫy chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn. Như việc bỗng dưng bạn phát hiện mình đang cố gắng chạy thoát khỏi căn bệnh đó thì lại gặp một bờ vực và bạn thì sợ độ cao. Điều đó khá là tồi tệ đó. Cứ như thế bị đau khổ dày vò, tôi dừng lại và không tiếp tục đi nữa.


Thế giới bị một màu đen bao phủ khắp nơi, chẳng còn sự sống ở bất kỳ tế bào nào. Nhưng điều tồi tệ hơn cả đó là thế giới này luôn bị ràng buộc bởi một số thứ và một số người. Đó là người thân và những người lạ. Căn bệnh đó ảnh hưởng đến cách tôi đối xử với thế giới và những người xung quanh. Nên họ dần dần gắn cho tôi một cái mác lập dị, lầm lì và hư hỏng. Tôi không hề hiểu quan điểm nào để họ có thể đánh giá một người một cách phiến diện như thế. Chính sự phán xét đó mới càng làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Bị bạn bè ở trường xa lánh, bắt nạt, nói xấu. Bị người thân trong gia đình xỉa xói, thờ ơ. Gần như tôi không thể thở nổi trong chính cuộc sống của mình.


Nếu có ai nói rằng thế giới này vẫn còn những điều đẹp đẽ khác, chắc chắn rằng tôi sẽ không tin. Họ chỉ biết nói rằng, trầm cảm là cái gì chứ, không phải chỉ là buồn một chút thôi sao, ai mà chẳng có nỗi buồn. Có thể tôi sẽ chẳng hy vọng ai hiểu được tình trạng mà tôi đang trải qua là gì, nhưng tôi mong rằng họ sẽ không phán xét bằng những câu nói đó. Những lúc như thế, tôi chỉ ước rằng mình có thể tàng hình, biến mất khỏi thế giới này. Thậm chí còn nảy sinh những ý nghĩ muốn chống đối lại thế giới này bằng những cách tiêu cực. Cảm giác đó cứ thế dâng trào lên như một dòng thác lũ muốn nhấn chìm tất cả. Và một phần trong đó không có dũng khí chống lại, cứ như hai thái cực đang đấu tranh mạnh mẽ. Kết quả chỉ có tự làm tổn thương chính mình để cảm giác đau về thể xác lấn át đi những nỗi đau về tâm hồn. 


Chẳng ai muốn mình buồn, tiêu cực, khóc lóc cả. Nhưng đã là một căn bệnh đau đớn vô hình như thế, không phải nói tự mình có thể chữa khỏi được trong một hay ngày đúng không? Thế nhưng, hiện giờ có có nhiều người không hiểu về căn bệnh này. Họ cho rằng “người bệnh” đang làm quá mọi thứ lên. Và họ chỉ cho rằng: “buồn là một trạng thái hoàn toàn bình thường, ai cũng gặp phải. Đừng nghĩ rằng trải qua nó thì bản thân sẽ trở nên thật đặc biệt, hãy kiểm soát nó và đừng nên kể lể quá nhiều”. Nhưng trầm cảm có thể đến với bất kỳ ai, với bất kỳ người có tính cách như thế nào, kể cả một người được cho là mạnh mẽ nhất. Bằng một cách nào đó, trầm cảm vừa khiến con người trở nên đau khổ vừa là một nơi bóc mẽ hết tất cả con người thật của chúng ta. Từng lớp từng lớp vỏ bọc mà chúng ta cất công tạo dựng lên dù mạnh mẽ đến mấy cũng sẽ trở nên yếu mềm trước sự công phá của căn bệnh này.


Vậy nên thay vì những bệnh án có ghi rõ sự tổn hại của từng tế bào một thì đây chính là giải thích rõ nhất thay cho những tổn thương không hiện hữu đó. Bản thân không còn lớp bảo vệ dường như chính là sự thấu hiểu bản chất của chính mình. Tôi sợ những điều mà người khác nói về mình, căm ghét bản thân yếu đuối và không cho phép người khác làm tổn thương mình. Tôi hoàn toàn bế tắc trong chính những suy nghĩ của mình, và vùi mình vào hố đen của trầm cảm. Để bản thân tự làm tổn thương mình. Tôi không hề hiểu rõ được chính những suy nghĩ của mình, không chắc rằng nỗi đau đó sẽ kéo dài đến bao giờ. Đôi khi bản thân tôi cũng muốn có ai đó đến hỏi han mình nhưng lại sợ những suy nghĩ tiêu cực của mình ảnh hưởng đến người khác. Thậm chí có những lúc tôi sợ người khác đối xử tốt với mình, khi tôi có thể mở lòng thì họ chỉ cười nhạo những suy nghĩ của tôi, coi nó là vớ vẩn. Thành ra, tôi luôn tạo một lớp bảo vệ vững chắc cho chính bản thân mình và ngừng kết giao với bất kỳ ai. 


Suy cho cùng, ai cũng sẽ nghĩ cho mình trước tiên rồi mới có thể vì người khác. Điều đó là đúng, và chẳng ai có thể mang bản thân ra để mong muốn người khác rủ lòng thương xót mình cả. Chúng ta cất giấu đau thương để hòa mình vào thế giới cô độc này. Như cách để trở thành một con người bình thường, không có cảm xúc tiêu cực nào cả. Tất cả, chỉ để cho thấy rằng, con người hoá ra đã cô đơn đến mức độ này rồi, một mức mà bản thân không hiểu rõ mình đang có suy nghĩ gì. Trầm cảm cũng không phải xấu, nhưng chúng ta coi thường những tổn thương mà nó mang lại. Và cả những con người đang đấu tranh với căn bệnh vô hình đó. Đến cuối cùng, chẳng ai biết được lối thoát cho chính mình là gì. Bất kể ai, cũng đều có nỗi buồn và tất nhiên là chúng không giống nhau. Như mỗi một cảm xúc, một bản thể đều có sự khác biệt rõ rệt. Vì vậy, thay vì trách móc, mỉa mai, chỉ trích và thiếu sự tôn trọng họ, chúng ta chỉ cần lắng nghe, an ủi và yêu thương nhau hơn. Đôi khi lắng nghe thôi cũng giúp người bệnh trở nên ổn hơn rất nhiều. Dẫu biết đồng hành cùng người trầm cảm là một hành trình dài và gian nan. Nó cần sự kiên nhẫn, nỗ lực và hơn hết là sự trân thành. Và nếu không thể làm những điều đó, hãy giữ lại chút lòng tử tế. 


Mọi lời hỏi han có thể là vô nghĩa, hãy chờ đợi đến khi người đó bình ổn được cảm xúc của mình, họ sẽ tìm đến bạn để chia sẻ. Đó là một cách để đồng hành cùng những người trầm cảm. Mong bạn có thể dịu dàng với họ theo một cách nào đó. 



Tác giả: Sora

BẢN THẢO
Bài viết liên quan