Bệnh Lý Tâm Thần Ảnh Hưởng Thế Nào Đến Sức Khỏe Thể Chất?

Với những người phải chịu đựng trầm cảm và lo âu, việc được chẩn đoán có tình trạng sức khỏe thể chất ngoài vấn đề sức khỏe tinh thần có thể được xem như là một loại xui xẻo tồi …

Với những người phải chịu đựng trầm cảm và lo âu, việc được chẩn đoán có tình trạng sức khỏe thể chất ngoài vấn đề sức khỏe tinh thần có thể được xem như là một loại xui xẻo tồi tệ nhất. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây đã cho thấy rằng kiểu chẩn đoán kép này không chỉ đơn thuần là một sự trùng hợp đáng tiếc. Các nhà khoa học đang tìm hiểu về những vấn đề thể chất và tâm lý có vẻ không liên quan đến nhau lại thật sự có thể liên hệ chặt chẽ với nhau. 

Các bác sĩ từng nghĩ rằng mối liên kết giữa những vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần hoàn toàn thuộc về hành vi. Ví dụ như, người bị trầm cảm ít có khả năng hơn trong việc tiến hành các biện pháp trị liệu hay rèn luyện các thói quen lành mạnh, vì vậy mà họ trở nên ốm yếu đi. Ngược lại, những người mắc bệnh thể lý phải trải qua đau đớn và suy giảm chức năng, điều này gây ảnh hưởng đến trạng thái cảm xúc của họ.  

Tiến sĩ David Gitlin – Chủ tịch Hội đồng Y học Tâm thể thuộc Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ, Phó chủ tịch lâm sàng tại Bệnh viện Brigham and Women – chia sẻ: “Tuy nhiên chúng tôi tìm hiểu được rằng đó không phải là vấn đề. Những yếu tố này dĩ nhiên là quan trọng nhưng còn có nhiều thứ liên quan đến mặt sinh lý đang diễn ra.”

Mối liên hệ bí ẩn này giữa tâm lý và thể chất dường như đã được hé lộ trong một nghiên cứu mới được công bố tuần trước trên Tạp chí Nghiên cứu Da liễu, tập trung vào sức khỏe thể chất và tinh thần của những người mắc bệnh vẩy nến, một bệnh tự miễn gây ra các mảng đỏ và vảy bong tróc hình thành trên bề mặt da. Trầm cảm thường xuất hiện ở những người mắc phải bệnh này, bởi họ thường xuyên phải xoay sở với sự khó chịu và sự kỳ thị xã hội liên quan đến tình trạng của mình. 

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những bệnh nhân vẩy nến được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm có khả năng mắc bệnh viêm khớp vảy nến – một biến chứng liên quan đến viêm khớp và vùng xung quanh khớp – cao hơn 37% so với người không bị trầm cảm.

Theo lời các tác giả nghiên cứu, trầm cảm có khả năng dẫn đến những hành vi có thể gây ra viêm khớp vẩy nến hoặc làm cho tình hình hiện tại trầm trọng hơn. Đối với người dễ mắc bệnh, các yếu tố như thiếu vận động thể dục thể thao, tăng cân quá mức và chế độ ăn uống kém đều có thể ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã thử kiểm soát những hành vi này và mối liên hệ trên vẫn được giữ nguyên. Điều này cho thấy chính bản thân trầm cảm hay gốc rễ của trầm cảm có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của bệnh viêm khớp vẩy nến. 

Tiến sĩ Gitlin (người không tham gia cuộc nghiên cứu) cho biết điều đó là hợp lý bởi viêm khớp vẩy nến xuất hiện do cơ chế viêm bên trong cơ thể. Nghiên cứu trong suốt 20 – 30 năm trở lại đây cho thấy quá trình viêm có thể đẩy nhanh sự phát triển của bệnh trầm cảm. Ông chia sẻ thêm, “Chúng ta giờ đây đều biết rằng các quá trình này có khả năng tương tự với những quá trình làm gia tăng các bệnh về thể chất.”

Mức độ tăng lên của hormone căng thẳng cortisol cũng có thể liên kết các tình trạng bệnh tâm lý và thể chất, ngoài viêm khớp vẩy nến. Tiến sĩ Gitlin cho biết, “Chúng ta biết rằng mức cortisol cao có mối liên hệ với chứng trầm cảm, và chúng ta cũng biết rằng chúng cũng có thể góp phần gây ra tình trạng viêm và các tình trạng như tiểu đường và bệnh tim”.

Nghiên cứu trước đây đã liên kết trầm cảm với sự gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như đột quỵ, tiểu đường và viêm khớp dạng thấp, và một nghiên cứu năm 2016 đã tìm ra rằng khí sắc trầm buồn – bao gồm cả những triệu chứng như lo âu và mệt mỏi – là một chỉ báo nguy cơ mắc bệnh tim mạch với độ hiệu lực cao không kém những chỉ báo đã được biết đến nhiều như nồng độ cholesterol cao và béo phì. Các chẩn đoán sức khỏe tâm thần khác, bao gồm rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt, cũng có mối liên hệ với sự gia tăng nguy cơ về các vấn đề sức khỏe thể chất. 

Tuy nhiên vẫn còn có mặt đáng lạc quan. Theo tiến sĩ Gitlin, điều trị trầm cảm và các tình trạng sức khỏe tâm thần khác (bằng thuốc, liệu pháp tâm lý hoặc kết hợp cả hai) có thể giúp cải thiện các triệu chứng liên quan đến thể chất hoặc giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe thể lý trong tương lai, đặc biệt là khi những liệu pháp trên thành công trong việc giảm nồng độ cortisol và các dấu hiệu viêm khác. Tương tự, điều trị các bệnh về thể chất và kiểm soát các triệu chứng có thể giúp cải thiện sức khỏe tinh thần.

Đối với các nhà khoa học, việc nghiên cứu sâu hơn và hiểu rõ hơn về phản ứng viêm của cơ thể có thể giúp thúc đẩy sự phát triển của các phương pháp điều trị và phương pháp phòng ngừa đối với nhiều loại bệnh khác nhau cả về thể chất và tâm lý.

“Các nhà nghiên cứu đang bắt đầu xem xét các chất chống viêm để xem liệu chúng có thể giúp ích cho việc chữa trị các loại bệnh thể lý lẫn tâm lý không” – tiến sĩ Gitlin chia sẻ. Ông còn cho biết rằng những nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa thuốc statin làm giảm lượng cholesterol với sự giảm thiểu nguy cơ trầm cảm, hay mối liên hệ giữa thuốc chống trầm cảm với sự giảm thiểu nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch. “Chúng tôi biết rằng cơ chế viêm là điểm chung duy nhất giữa một số chứng bệnh thể lý và tâm lý, và đang tiến gần hơn đến những giải pháp mới.”

Dịch: Châm

Biên tập: Lyo Kiu

Nguồn: https://time.com

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan