Bí Ẩn Của Vô Thức Trong Sáng Tạo

Vô thức theo mô tả của Freud và Jung không chịu trách nhiệm cho sự sáng tạo.

Vô thức theo mô tả của Freud và Jung không chịu trách nhiệm cho sự sáng tạo.


Có một niềm tin lâu đời vào nguồn gốc vô thức của sự sáng tạo. Được viện dẫn thường xuyên trong sự kết nối với sáng tạo hơn hầu hết bất cứ hoạt động hay trải nghiệm nào khác của con người, vô thức được coi là chịu trách nhiệm cho những ý tưởng bất chợt, những tia sáng lóe lên trong đầu, tỉnh dậy từ giấc ngủ với những ý tưởng đã định hình, và các trạng thái biến đổi năng lượng giải phóng đầy bí ẩn của ý thức. Các tác phẩm văn học và nghệ thuật cũng dường như được thổi hồn từ vô thức. Ý tưởng cho rằng sáng tạo có nguồn gốc từ vô thức đã ăn sâu tới mức mà những nhà nghiên cứu sẽ gặp rắc rối khi đưa ra bằng chứng chứng tỏ những nhân tố có ý thức mới thực sự làm điều đó; họ có nguy cơ bị bác bỏ ngay lập tức bởi cả chuyên gia và người thường.


Niềm tin vô thức là gốc rễ của sự sáng tạo là cổ hủ và sai lầm. Bởi vì sáng tạo là vô thức, những người ủng hộ cũng thường nói, nó không thể được giải thích hay thấu hiểu một cách tường tận. Quan niệm này có một lịch sử lâu dài và gần như được thần thánh hóa. Nó quay trở lại thời của triết gia Plato, người đã đặt nền móng trong những nhận xét sau đây cho nhà thơ Ion:


Bởi vì nhà thơ là một thứ thanh tao, có cánh và thánh thiện, và không có sự sáng tạo nào trong anh cho đến khi anh được truyền cảm hứng và thoát ra khỏi các giác quan của anh và tâm trí thì không còn trong anh nữa; khi anh chưa đạt tới trạng thái này, anh bất lực và không thể thốt ra lời tiên tri nào. Nhiều từ ngữ cao quý được các nhà thơ sử dụng để nói về những hành động của đàn ông; nhưng như chính anh [Ion] khi nói về Homer, các nhà thơ đó không tuân theo bất kỳ quy luật nào của nghệ thuật: họ chỉ đơn giản được truyền cảm hứng để thốt ra điều mà Muse muốn thúc đẩy họ, và chỉ vậy thôi; và khi được truyền cảm hứng, một người trong họ sẽ làm thơ tán tụng, thêm các bài thánh ca, các dòng hợp xướng, các câu thơ sử thi hay iambơ-và một người giỏi ở thể thơ này thì không giỏi bất kì thể thơ nào khác: vì không phải bởi tài năng làm nên thi sĩ, mà bởi sức mạnh linh thiêng. Nếu đã học được các quy luật của nghệ thuật, anh chắc hẳn sẽ biết ngâm không chỉ một thể, mà là tất cả; và do đó, Chúa lấy đi tâm trí của các nhà thơ, và sử dụng họ như là các sứ giả của mình, giống như ngài cũng sử dụng các thầy bói và tiên tri thánh, để chúng ta khi nghe thấy họ có thể biết họ không nói về chính họ, những người nói ra những lời vô giá này trong trạng thái vô thức, mà chính Chúa là người nói, và thông qua họ trò chuyện với chúng ta. (Plato, 1924a)


Tôi không có ý nói rằng trong đoạn văn này, Plato đã hình thành một khái niệm về vô thức hay ông coi nguồn gốc của sự sáng tạo nằm ở một khía cạnh cụ thể nào đó trong tâm trí con người. Trái lại, ông rõ ràng đã coi sáng tạo là siêu nhiên hay có nguồn gốc thần thánh, ở một chỗ khác, đã tuyên bố rõ ràng rằng màn trình diễn sáng tạo của nghệ sĩ là kết quả của “sự điên rồ thần thánh.” (Plato,1924b) Khi trình diễn một cách sáng tạo, các giác quan của chính nghệ sĩ không trực tiếp chịu trách nhiệm cho sản phẩm, và do đó, quá trình sáng tạo là vấn đề của việc thoát li khỏi tâm trí và bị tước đi các giác gian. Sự nhấn mạnh vào khía cạnh dường như bị chiếm hữu của hoạt động sáng tạo như vậy là cơ sở cho một truyền thống tán dương cả sự điên rồ và siêu nhân hoặc các nguồn lực bên ngoài của sự sáng tạo. Một mặt, nó tiếp tục thúc đẩy ý tưởng cổ điển cho rằng cảm hứng đến từ nàng thơ Muse, và mặt khác, ngày nay, nó đã đạt đến đỉnh điểm nhấn mạnh tầm quan trọng của tâm lý học trên khía cạnh vô thức của tâm trí: thay vì các ý tưởng được truyền cảm hứng bởi một nguồn lực bên ngoài tác giả, chúng đã được đặt bên trong tác giả dưới một hình thức khác của tâm trí. Mặt dù ý tưởng về sự sáng tạo phát sinh từ vô thức không giống như quan niệm điên rồ của Plato, nhưng nó lại nảy sinh ra nhiều vấn đề. Khái niệm hiện đại của vô thức chủ yếu gắn liền với phân tâm học và Sigmund Freud (và cả C.G.Jung, “Vô thức tập thể”).


Các nhà phân tâm học đã phát triển ý tưởng cho rằng vô thức và quá trình hoạt động tư duy chính của nó (không logic mà cũng không thực tế) đóng một vai trò quan trọng trong sự sáng tạo. Chuyển sang nghiên cứu các tác phẩm nghệ thuật vĩ đại để làm vững thêm các phát hiện về các quá trình tâm lý đã được nảy sinh từ khi nghiên cứu trên bệnh nhân, các nhà phân tâm học từ lâu đã quan tâm tới các biểu hiện rõ ràng của vô thức và quá trình tư duy chính trong các tác phẩm văn học và hội họa. Trong phần trình bày đầu tiên của mình cho khái niệm nền tảng “mặc cảm Oedipus”, Freud đã chuyển sang minh họa và củng cố cho vở kịch Hamlet nổi tiếng của Shakespeare. Trích dẫn Hamlet không có khả năng chống lại cha dượng của mình, cùng với mối quan hệ căng thẳng giữa Hamlet và mẹ anh, Gertrude, Freud cho rằng cảm giác vô thức về việc loạn luân đối với Gertrude và ý muốn sát hại đối với người cha ruột của mình có thể giải thích cho sự do dự và dằn vặt của Hamlet. Sau phân tích này và các phân tích nghệ thuật khác của Freud, rất nhiều nhà phân tâm học khác đã cố gắng mô tả vô số trường hợp các hiện tượng vô thức xuất hiện trong các tác phẩm nghệ thuật. Do tính chất chung của các trường hợp này, các nghệ sĩ sáng tạo đã được cho là đặc biệt nhạy cảm với các quá trình vô thức của chính họ, và những quá trình này được xem là đóng một vai trò quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật. Lời chứng thực của chính các nghệ sĩ đã củng cố thêm cho ý tưởng này. Nhiều lần, các nghệ sĩ ở tất các lĩnh vực nói rằng họ không thể theo dõi được tiến trình đã dẫn tới những thành tựu ngoài sức mong đợi của họ và những ý tưởng đó dường như xâm nhập vào trong nhận thức của họ mà không có sự báo trước hay chuẩn bị nào. Trong nhiều trường hợp, các ý tưởng quan trọng được cho là xuất hiện khi nghệ sĩ không thật sự làm công việc sáng tạo mà đúng hơn là khi họ đang thư giãn hoặc bận làm điều gì khác. Theo đó, ý tưởng của Plato về việc bị chiếm hữu bởi một yếu tố bên ngoài đã thay đổi thành một yếu tố mà nằm bên ngoài của nhận thức.


Ở đây, tôi sẽ thêm vào một lưu ý và làm sáng tỏ về sự khác biệt giữa vô thức và không ý thức. Nếu một cái gì đó được mô tả đơn giản là bên ngoài của nhận thức hay không ý thức, nó chỉ là một yếu tố phủ định. Nói “không”, phủ định, hoặc bác bỏ sẽ tạo ra một phạm trù rộng lớn, và mô tả ai đó hay cái gì đó như “không cao” hay “không nóng” chỉ là loại trừ một đặc điểm hơn là làm sắc nét hay làm sáng tỏ sự mô tả. Mặc dù, chúng ta thường dùng phủ định như thể chúng là đối lập, nhưng “không cao” không đồng nghĩa với thấp, và “không nóng” không đồng nghĩa với lạnh. Phủ định của cao và nóng bao gồm một phạm vi rất rộng của chiều cao và nhiệt độ. Việc không nhận ra sự khác biệt này đã gây ra nhiều tranh cãi liên quan đến ý tưởng và thuật ngữ “vô thức”. Nó được sử dụng cả theo nghĩa là đối lập của ý thức và (cùng với thuật ngữ cũ khác đã bị dùng sai, “tiềm thức”) như là một hình thức phủ định gần như tương đương với không ý thức hay vô thức.


Không có ý thức bao gồm cả Subconscious (tiềm thức) và Unconscious (vô thức)

Tuy nhiên, định nghĩa vô thức của Freud không chỉ là phủ định của ý thức, mà cực kì cụ thể. Bản chất của quan điểm “tâm động học” của Freud là một cấu trúc rõ ràng, và do đó, vô thức được định nghĩa theo hướng khẳng định, vô thức tức là đối lập với có ý thức. Vô thức theo Freud chứa đựng các yếu tố bắt nguồn từ quá khứ của một cá nhân mà được giữ bên ngoài nhận thức vì một lý do nào đó. Các yếu tố này, được xác định như là những ý chí, mong muốn, ký ức, và xúc cảm, duy trì trạng thái vô thức với bản thân một người bởi vì chúng không được chấp nhận, về mặt cá nhân hoặc xã hội, và do đó không thể được chứa trong ý thức. Chúng được giữ ở dạng vô thức bởi một cơ chế phòng vệ gọi là “sự kiềm chế”, một quá trình hay rào cản tâm lý tích cực.

Ngoài ra, các yếu tố trong vô thức còn có hiệu ứng lan truyền và khả năng kiểm soát nhờ được giữ bên ngoài nhận thức. Các yếu tố này gây ra một hiệu ứng nhất quán và tiềm tàng lớn trên suy nghĩ và hành vi có ý thức một cách chính xác bởi vì chúng duy trì trạng thái vô thức một cách chủ động. Khi một yếu tố trở nên có ý thức – khi hình thái và nội dung của nó được nhận biết – thì nó có thể được thay đổi bằng cách kiểm soát có chủ ý. Khi các ký ức, mong muốn, và xúc cảm cá nhân không được chấp nhận bị giữ ngoài nhận thức hoặc bị kìm nén, chúng vẫn có sức ảnh hưởng, nhưng chúng gây ra hiệu ứng không tự chủ. Và càng bị ngăn cản khỏi nhận thức, thì hiệu ứng của chúng càng lớn và lan tỏa. Chẳng hạn, những ý chí vô thức bị kìm nén mạnh mẽ có xu hướng ảnh hưởng đến tất cả các suy nghĩ và hành vi có ý thức.


Nếu loại vô thức này chịu trách nhiệm hoàn toàn cho sự sáng tạo, như nhiều nhà lý thuyết tranh luận, thì điều đó thực sự có ý nghĩa gì? Nó có tầm quan trọng gì trong bản chất của quá trình sáng tạo? Vì một điều, với loại vô thức này và khả năng kiểm soát các sự kiện trong quá khứ cũng như nhận trách nhiệm cho toàn bộ hoạt động sáng tạo, chúng ta sẽ phải giới hạn lại định nghĩa về sự sáng tạo rất nhiều. Điều thật sự mới mẻ, bao gồm một sự cắt đứt hoàn toàn với quá khứ, sẽ không phải là một tính chất, hay thậm chí là một đặc điểm, của quá trình sáng tạo hoặc của các tác phẩm. Các tác phẩm không thể mới thật sự được vì chúng là sản phẩm trực tiếp của các yếu tố vô thức trong quá khứ và có từ trước. Một định nghĩa đầy đủ của sự sáng tạo nên tính đến khả năng của con người tạo ra những ý tưởng, lý thuyết, phong cách và hình ảnh nghệ thuật, hoặc các phát minh thật sự mới. Hệ quả là, sự tranh luận là vô ích.

Một kết quả đáng nói hơn thứ hai của lý thuyết này là những nội dung không được chấp nhận và, thực tế là, thông thường và tầm thường của vô thức sẽ là nền tảng cho các công trình nghệ thuật vĩ đại và những thành tựu khác của con người. Tuy nhiên, các tác phẩm nghệ thuật thường không gây tranh cãi hay không được chấp nhận hay tầm thường một cách rõ rệt, và do đó, một chuyển dạng hoặc thay đổi nào đó sẽ phải xảy ra trong quá trình đi từ vô thức tới thành phẩm. Vô thức, hay đúng hơn là một yếu tố chuyển dạng đặc trưng – bất kể là nó là gì – sẽ trở thành nguồn gốc của sự sáng tạo. Vấn đề lớn nhất trong việc chấp nhận ý tưởng này về nguồn gốc vô thức của sự sáng tạo là đặc tính gắn liền với khả năng kiểm soát rộng trên suy nghĩ và hành vi có ý thức. Bởi vì, mặc dù khả năng kiểm soát này có thể giải thích hợp lý cho sự xuất hiện của các yếu tố vô thức trong nội dung của một tác phẩm nghệ thuật, nhưng nó không thể giải thích cho hình thái nghệ thuật. Một chức năng cơ bản của các cơ chế kiểm soát theo Freud là để che giấu nội dung vô thức: chúng thay đổi và bóp méo nội dung vô thức để nó không thể bị nhận ra trong ý thức. Nhưng hình thái nghệ thuật – các hình dạng, kiểu mẫu, phong cách, và đặc điểm cấu thành tác phẩm nghệ thuật – có một chức năng đối lập: nó mở ra và tiết lộ các ý nghĩa và các quá trình tâm lý sâu xa. Nó cho thấy cách cấu thành những cảm xúc và hành động của con người cũng như những âm thanh và cảnh vật của thiên nhiên. Thoát khỏi sự kiểm soát của các quá trình vô thức chịu trách nhiệm cho hình thái thì tất yếu cần phải tiết lộ hơn là che giấu, và sáng tỏ hơn là mập mờ. Ngoài ra, một tác dụng kiểm soát vô thức rộng lớn không thể tạo ra sự hòa quyện quan trọng trong nghệ thuật, nhưng, bởi vì bản chất vô thức là bị tan rã, nó sẽ dẫn đến mất tính thống nhất hoặc đơn điệu.


Tuy nhiên, việc khám phá ra các quá trình tư duy đồng nhất không gian (homospatial process), phản biện (janusian process) và tách – nối (sep-con articulation process) trong sáng tạo như đã mô tả trong các bài viết trước, đã giúp giải thích cho cảm giác không nhận thức được cũng như cho thấy sự biểu hiện một phần của vô thức. Không quá trình nào ở trên xuất hiện trực tiếp trong nhận thức, và cũng không quá trình nào phát sinh trực tiếp từ các nguồn vô thức. Tuy nhiên, không có quá trình nào tuân theo các mô hình tư duy hệ thống hay tư duy năng suất thông thường. Với cả ba quá trình này, tác giả chỉ có ý thức về các sản phẩm tư duy của họ. Chỉ có ẩn ý, tính cách nhân vật, ý tưởng cốt truyện, hình ảnh trực quan, cụm từ âm nhạc, hay hệ thống lý thuyết xuất hiện trong nhận thức, chứ không phải là các đặc điểm cấu trúc của những quá trình này như là tìm kiếm những điều đối lập (tư duy phản biện), các hình ảnh tâm trí chồng chất (tư duy đồng nhất không gian) hay phân tách và khớp nối (tư duy tách – nối). Bởi vì tác giả không nhận thức được (và cũng không cần nhận thức) cấu trúc tư duy của họ và hiếm khi truy cứu lại những trình tự tư duy cụ thể đã dẫn đến các ý tưởng sáng tạo, các ý tưởng dường như xuất phát từ các yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của họ. Tất cả giữ lại các đặc trưng của các kiểu vô thức của tư duy.


Ví dụ, trong trường hợp của tư duy phản biện (janusian process), có một bước nhảy tư duy khi nhiều mặt đối lập hoặc phản đề được đưa đến cùng một lúc. Những ý tưởng, hình ảnh, hay mệnh đề thông thường được coi là hợp lý hay thực tế được kết nối với các cực hay các mặt đối lập của chúng; sự kết hợp các yếu tố hoàn toàn trái ngược nhau như vậy tạo ra một cảm giác và trải nghiệm về một thứ gì đó đến từ hư không. Bởi vì cực đối lập trước đây chưa được xem xét nghiêm túc là đúng hay có ý nghĩa, thậm chí đôi khi còn không được xem xét là tồn tại hay không, nó được giữ ở ngoại vi của ý thức. Kết hợp nó với một ý tưởng đang là tiêu điểm của sự chú ý tạo ra cảm giác sáng suốt đột ngột hay một bước nhảy vọt của tư duy. Một vài đặc tính trong vô thức của Freud, cái mà hoạt động tương đương với các mặt đối lập, và cơ chế kết hợp của “sự ngưng tụ” có thể xuất hiện. Các trải nghiệm tương tự có thể xảy ra với một phần các biểu hiện của các yếu tố vô thức thông qua cả hai quá trình tư duy đồng nhất không gian và tách-nối.

Quay lại điểm xuất phát, mô tả của Plato về bản chất không thực sự quá xa vời. Chỉ có các kết luận của ông về sự điên rồ và truyền thống mà ông thúc đẩy, trong đó nhấn mạnh một nguồn sáng tạo hoàn toàn nằm bên ngoài ý thức, là tỏ ra yếu kém. Lý do tác giả không nhận thức được các yếu tố cụ thể giải thích cho tài năng nghệ thuật của mình là vì họ không nghĩ đến các đặc điểm cấu trúc cụ thể của quá trình sáng tạo mà họ sử dụng để tạo ra các tác phẩm của mình. Chúng là một phần khía cạnh phức tạp của phủ định ý thức trong hoạt động tâm thần của họ, và ở một mức nào đó, chúng có thể lưu giữ các khía cạnh của một vô thức cụ thể và chắc chắn. Tuy nhiên, tác giả không ra khỏi tâm trí của mình và cũng không bị tước mất các giác quan. Họ nhạy cảm và tư duy linh hoạt hơn chúng ta và có khả năng sử dụng các quá trình tư duy và các phương thức pha trộn tư duy theo những cách khác thường và thú vị.

Dịch: Thiên Vương

Biên tập: Tuấn Ngọc

Minh họa: (Ảnh tham khảo trên internet)

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/creative-explorations/201909/the-mystique-the-unconscious-in-creativity

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan