Bí mật thầm kín của những người sợ yêu

Là bí mật rất thầm kín ... của những người ... rất sợ yêu đương... Bạn có muốn khám phá?

Để nói về những tâm sự thầm lặng nhất, chúng ta đã phải đánh đổi nhiều thời gian và đớn đau nhận lấy chút ít sự lắng nghe chân thành của một người bạn, hoặc một người xa lạ nào đó cùng cảnh ngộ.


Cảnh ngộ này, chính là những người đang mắc hội chứng sợ yêu mang tên philophobia. Chúng ta có thể muốn được yêu thương, nhưng sợ bị phản bội và bỏ rơi. Chúng ta muốn được quan tâm yêu chiều thật ấm áp và thoải mái, nhưng sợ rằng người mình yêu thao túng cảm xúc qua những hành động đó. Vậy nên, không yêu chỉ là một biện pháp phòng vệ tạm thời để tránh cho ta những tổn thất đáng ra không phải gánh chịu. Có thể nói, ta tự hào về lý trí mình thật sáng suốt và tỉnh táo khi dám từ chối mọi vũng lầy của sự sa ngã cảm xúc.


Chúng ta đang sống trong một xã hội tôn vinh tình yêu trong mộng. Nền văn minh đại chúng ta tiếp xúc, phủ bụi phép làm mê hoặc tâm trí ta bởi hình tượng soái ca yêu thương những cô gái yếu đuối, những cô vợ đảm đang hiền hậu chu toàn dẫn dắt người chồng tới đỉnh cao của thành công. Tôi cảm thấy nó quá xa lạ, chẳng lấy điều gì mở ra sự kết nối bền chặt với tình yêu giữa con người, trái lại, nó biến thành quy chuẩn vô hình và bó hẹp tầm nhìn về cái đẹp của sự sống. Bởi quá nhiều kết cục đau khổ đã vỡ ra và nhận ra tác hại khôn lường của hình tượng đó, dường như đã quá muộn.


Bởi hình tượng không phải là một ánh sáng vĩnh viễn đem lại cho ta hy vọng sống. Chỉ là nó che mắt trước công chúng, che đi những khuyết điểm xấu xí bấy lâu nay không ai nhìn thấy. Khi nó lộ ra, những người yêu mơ tưởng bắt đầu vỡ mộng, và dần mất đi cảm tình lãng mạn ban đầu dành cho đối phương. Hình tượng giống như một tấm ảnh poster thông báo lịch quẩy bar hoành tráng, rồi qua ngày đó tiệc cũng sẽ tàn. Đen Vâu đã từng có câu: "Những ngôi sao soi sáng sẽ có lúc tàn, mơ chi làm cá lớn ở trong ao làng?", quả thật, tình yêu thời nay gắn với giá trị hình tượng làm cho bao người đánh mất niềm tin như thế sao?


Quay trở lại với chuyện sợ yêu. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ sự ảo tưởng quá đà của con người hiện nay về mẫu người yêu lý tưởng. Sợ yêu là sợ những rạn nứt bóc trần ra, sợ một ngày nào đó người yêu từ mặt bạn chỉ vì bạn không phải chàng bạch mã hào hiệp hoặc công chúa xinh đẹp. Tôi còn sợ dành cả đời gắn bó với văn học mà không được công nhận nỗ lực hoặc được tạo cơ hội phát triển, đến chuyện yêu, tôi sợ gấp ngàn lần. Tôi sợ cố gắng làm mẫu đẹp để người ta yêu, họ không trân trọng tôi. Vì có thể họ đem yêu cầu khuôn mẫu để chỉ thẳng tôi chỉ giả tạo trong khi tôi thực sự đã cố gắng, hoặc họ bỏ tôi và theo những người đáp ứng lý tưởng của họ thuần túy hơn. Đó là lý do, có nhiều vụ bóc phốt gái thành phố chê trai quê nghèo khó, tiền kiếm được một chiếc xe Wave không làm chị em thỏa mãn lại còn trách mắng họ không kiếm được ô tô!


Tình yêu thời nay không đơn giản như tình yêu thời ông bà anh.


Nhiều câu chuyện đắng ngậm ngùi xảy ra.


Và khiến chúng ta sợ yêu đương.


Tôi, một cô gái tuổi 19 chập chững, khóc rất nhiều khi bước chân làm quen với cuộc sống độc thân. Tôi chán ghét tình yêu đến nỗi không còn muốn làm quen với bạn mới, không muốn hẹn hò với bất kỳ ai, sợ rằng tôi chỉ là cái bóng dáng của người yêu cũ. Bạn bè tôi cũng là người anti-love, thường trải qua những mối tình dang dở kết thúc buồn. Ít ra, tôi đủ chút dũng khí để chia sẻ với những anti-love ở đây, rằng, chúng ta là những con người yêu sâu sắc. Chỉ là chúng ta mạnh mẽ hơn rất nhiều, không để cho ai bước vào cuộc đời rồi làm trái tim ta tan nát.


Hội chứng sợ yêu có thuật ngữ của riêng nó, philophobia.


Ngoài ra, còn có philemaphobia (sợ hôn), cherophobia (sợ hạnh phúc), genophobia (sợ tình dục), gamophobia (sợ kết hôn)...


Tôi muốn đắm mình trong nỗi buồn với vẻ kiêu hãnh khi ngẩng đầu lên, đứng lên với dáng bước độc thân cá tính.


Điều muốn nói nhất với chúng ta là gì?


Chúng ta không cần phải xấu hổ hoặc tội lỗi khi không thể yêu được một ai, bởi chúng ta yêu một lần cũng đủ thấy đau.


Vì sao?


Vì tình yêu rất đẹp, nhưng cách con người yêu thì không đẹp. Họ yêu nhau để chuốc lấy đau khổ, rồi lấy nó làm cái cớ để cho rằng tình yêu khó khăn như thế thì mới là yêu thật lòng. Thật không đúng. Yêu kiểu đó chỉ là rắc rối thêm hại vào người, mà anti-love đã rời bỏ nó để vươn tới một chân trời sáng rực hơn. Việc dám chia tay một mối tình độc hại hoặc phản đối việc bị chèn ép kết hôn đã nói lên bạn rất gan dạ, dám bứt phá vòng an toàn của bản thân để tự làm đẹp cuộc sống của chính mình. Việc gì phải yêu đại một người khi chính mình không thiết trọn trái tim cho ai nữa, trong khi đó, cuộc sống không hẹn hò lứa đôi làm ta thoải mái hơn rất nhiều?


Những người sợ yêu đã cho ta một bài học đáng nhớ: yêu không phải là để trải nghiệm từ lần này qua lần khác. Yêu chỉ là một gia vị, và đừng làm to chuyện chỉ vì muốn tạo những cuộc tranh cãi vô bổ để minh chứng rằng càng gần nhau hơn. Tình yêu không phải là chiến trường để khiêu khích sự hiếu thắng, bởi nhân loại yêu thương nhau để nuôi dưỡng tâm hồn và tạo nên cầu nối sự khác biệt. Tình yêu thực sự là tình cảm đặc biệt không có giới hạn, nơi thế giới yên bình mở lòng với những trái tim yêu mãnh liệt. Hãy mở rộng quả tim và đầu óc mình, ta sẽ thấy philophobia cho ta thấy tình yêu đích thực đẹp đẽ như thế nào.


Trong phim The Lion King của Disney, vua Mufasa nói với Simba: "Dũng cảm không đồng nghĩa là đi tìm rắc rối".


Những người lưu giữ tình yêu bền chặt và người philophobia để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng sâu sắc.


Câu nói trên cho ta thấy, rắc rối chỉ là một từ ngữ thôi, nhưng làm ta phải suy nghĩ rất nhiều về cách xử trí nó ra sao. Trong chuyện yêu đương, nhiều cặp đôi cứ moi ra lỗi lầm của nhau và tạo ra những lỗi lầm khác để khẳng định mình luôn là người đúng, những ý mình nói đều sáng tỏ làm người kia phải biết lỗi (giống như cha mẹ dạy bạn phải biết cách cúi mặt xin lỗi vậy). Đấy là những rắc rối nhân tạo. Tình yêu hiện đại thật đáng sợ, bởi con người xem thường giá trị cần thiết của sự nhường nhịn và sự khác biệt. Động thái trên dẫn đến có những người tìm cách phá đảo cuộc sống của người philophobia, thúc ép họ kết hôn và sinh con, cùng họ hàng và hàng xóm đồng tình với cách đó, nhưng hóa ra chỉ là đổ thêm dầu vào lửa.


Dũng cảm thực sự là thành thật với bản thân và tự tin hiên ngang dù cho giá trị của ta không được đám đông công nhận.


Những rắc rối chỉ là ngoại cảnh của việc ta làm hoặc hệ quả khi nghĩ chưa thấu đáo, không phải là cái ta tự tìm lấy để quản thúc tình yêu.


Vậy, người philophobia có rất nhiều giá trị đẹp về trí tuệ và tâm hồn.


Họ giúp ta cách làm bạn với một người khó yêu.


Ta có thể không bao giờ hiểu hết được bên trong nội tâm đặc biệt của họ, nhưng ta hiểu được, không yêu mãi là một phần hệ quả trong cuộc sống, một mảnh ghép trong bức tranh đa chiều về thế giới.


Những nỗi đau giằng xé trái tim họ, chúng ta không bao giờ chữa lành hẳn dù cho hết sức đến đâu. Nỗi đau và họ là bạn của nhau, đừng cố gây khó dễ cho họ, bởi họ không muốn chịu thêm sự bất hạnh nào nữa. Vì sẽ có một ngày chính bạn mất niềm tin vào tình yêu, và bạn phải tự học cách hàn gắn vết thương ấy lại.


Yêu hay không yêu, chỉ là một lựa chọn đem đến cho mỗi người sự an toàn lâu dài.


Dành cho những ai đang ở hoàn cảnh này, tôi muốn động viên các bạn, đừng vì bố mẹ thúc giục mà đánh mất cuộc sống của mình, lựa chọn của mình. Các bạn đừng đâm đầu yêu nếu chưa sẵn sàng hoặc không muốn, bởi suy cho cùng, tình yêu không thể đảm bảo uy tín một tương lai tốt đẹp được.


Những bài báo thân mến, đừng cho rằng philophobia là hội chứng đáng lo ngại và chữa bệnh cho họ bằng cách thuyết phục rằng nên yêu để không bỏ lỡ cơ hội trào dâng cảm xúc cùng với tuổi thanh xuân của họ. Những người yêu thương ta rồi sẽ ra đi để lại bao mất mát khôn nguôi, thời gian chữa lành sẽ lâu hơn. Đừng cho họ hy vọng rồi thất vọng, đừng trao đi những ảo ảnh để rồi cảm thấy tức giận vì bị phản bội. Họ không yêu vì tiếng gọi của tuổi trẻ, bởi tình yêu trong đó chỉ là một khát vọng đầy hão huyền. Tình yêu đích thực của họ là một tình yêu không tàn lụi theo dòng chảy của thời gian, những vết sẹo được lành lại bằng tình thương vĩnh hằng và sự cho đi tự nguyện trong hiện tại.


Tác giả: Bùi Minh Thúy

BẢN THẢO
Bài viết liên quan