Biết chính mình là ai

Rất nhiều người trong số chúng ta đã đặt chân đến rất nhiều nơi trên thế giới, trở nên thành công, đạt được nhiều thành tựu, nhưng vẫn thiếu mất một mảnh ghép vô cùng quan trọng, để có thể …
Rất nhiều người trong số chúng ta đã đặt chân đến rất nhiều nơi trên thế giới, trở nên thành công, đạt được nhiều thành tựu, nhưng vẫn thiếu mất một mảnh ghép vô cùng quan trọng, để có thể tiến xa hơn nữa; đó là, chúng ta không biết rõ mình là ai. Tất nhiên, không phải là chúng ta quên mất tiểu sử của chính mình. Mà mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ: ta không có được cảm giác chắc chắn về giá trị của bản thân, và không biết nắm giữ những điều quý giá của riêng mình.

Nếu không biết rõ mình là ai, người ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi phải đối mặt với những lời chê bai hay nịnh hót. Nếu như một người luôn tự cho rằng mình là kẻ vô dụng và tồi tệ, thì sẽ không có điều gì xuất phát từ nội lực của bản thân ,có thể ngăn chúng ta khỏi việc tiếp nhận hết tất cả những lời bình phẩm của người khác, dù có sai lầm và tiêu cực đến đâu. Chúng ta sẽ trở nên vô lực trước dư luận xã hội. Ta sẽ luôn luôn phải để người khác quyết định những gì mình xứng đáng thay vì tự mình tìm kiếm câu trả lời. Không có chủ kiến cá nhân, người ta sẽ luôn thèm khát những lời khen ngợi từ bên ngoài: sự cổ vũ của người khác trở nên quan trọng hơn mức cần thiết. Và rồi ta sẽ lao vào chạy đua theo bất kỳ một lý tưởng gì mà số đông ủng hộ.

Ta sẽ phá lên cười chỉ bởi những trò đùa vô nghĩa, chúng ta sẽ chấp nhận ép mình vào những quy chuẩn phổ biến chỉ để được đồng tình một cách dễ dàng, và bỏ quên khả năng đặc biệt của chính mình. Chúng ta sẽ như con cừu chạy theo số đông, dễ dàng thay đổi, hơn là tự hỏi chính mình những gì mình cảm nhận được, khao khát và trân trọng.

Chúng ta cần phải đối xử thật tốt với chính mình. Chẳng ai sinh ra là đã may mắn hiểu được mình là ai cả. Tất cả đều phải học cách nhận ra chính mình. Nếu may mắn, trong những năm tháng đầu đời, ta sẽ có được người thay ta tìm hiểu chính mình, với sự chân thành, lòng tốt, sự quan tâm và đối xử lại với ta những gì ta xứng đáng, và nhờ đó, việc nhận thức bản thân của chúng ta sẽ trở nên dễ dàng hơn. Người yêu thương đó sẽ tặng cho bạn sự nhận diện chân thực của bản thân bạn, và bạn chỉ việc nắm giữ lấy nó và phát triển nó, trở thành một thứ vũ khí có thể giúp bạn đối mặt với sức ép từ dư luận. Vì thế, việc nhận được yêu thương và thấu hiểu ngay từ những năm tháng đầu tiên sẽ là một điều vô cùng quý giá, để bạn có thể hiểu được bản thân trong tương lai.

Điều này đòi hỏi những bậc bố mẹ, những người gần gũi nhất đối với những đứa trẻ, phải có một cái nhìn bao dung với đứa bé của mình, và có sự nhìn nhận tích cực với những biểu hiện của con trẻ. Nếu họ luôn bên cạnh con và sẵn sàng đưa cho con cách nhìn nhận tích cực ngay cả trong những thất bại và những phút giây thiếu kiềm chế của bé, thì điều này sẽ hình thành nội lực cho con trẻ, góp phần tạo nên sức bật khi trưởng thành. Trái lại, nếu từ nhỏ những đứa trẻ không được giúp đỡ trong việc nhìn nhận những biểu hiện của chính mình, hay những người khác khiến chúng cảm thấy mình thật tệ, mình không đáng được nâng niu, thì sau này rất nhiều khả năng chúng sẽ thiếu hụt tình thương cũng như sự thấu hiểu đối với bản thân. 

Phải chấp nhận rằng chúng ta không có được nhận thức chắc chắn về chính con người của mình nghe thì có vẻ không mấy dễ chịu. Nhưng cũng từ đó, ta cũng có thể bắt đầu thay đổi mọi thứ. Có lẽ ta sẽ cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ một người khác, ví dụ như là một nhà tham vấn, người có thể giúp chúng ta nhìn nhận và phản ánh, công nhận chính mình một cách khách quan. Bằng cách đó, chúng ta có thể học cách tìm hiểu, có lẽ là lần đầu tiên, những gì mình đang cảm thấy và những gì mình thật sự muốn. Chúng ta có thể, bằng cách được nhìn nhận một cách bao dung, có được chính kiến, xây dựng niềm tin vững chắc hơn vào chính mình, và cảm thấy rằng mình hoàn toàn có thể nói không, thay vì luôn chạy theo chiều gió. Hiểu rõ bản thân, chúng ta sẽ không còn thèm khát lời khen ngợi của người khác, bớt lo lắng về những quan điểm trái chiều, và có được lối tư duy độc lập hơn. Và chúng ta sẽ học được về nghệ thuật nhận thức, và yêu thương con người thật của mình. 

Người dịch: Ngọc

Nguồn: https://www.theschooloflife.com/thebookoflife/knowing-who-one-is/

Nguồn ảnh: Pinterest

Nếu bạn thấy bài viết bổ ích, dự án có ý nghĩa đối với cộng đồng, donate cho A Crazy Mind qua: http://acrazymind.vn/donate/ nhé!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: A Crazy Mind”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày!
(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan