Bình Thường: Con Đường Chẳng Dẫn Tới Đâu Cả

“ Bình thường là điều bất bình thường nhất của nhân loại.” – Tom Robbins Bình thường, tưởng như chẳng có từ nào xuất hiện với tần suất dày hơn từ “bình thường” trong cái lúc đương dịch này. Bình …

“ Bình thường là điều bất bình thường nhất của nhân loại.” – Tom Robbins

Bình thường, tưởng như chẳng có từ nào xuất hiện với tần suất dày hơn từ “bình thường” trong cái lúc đương dịch này. Bình thường, nỗi khát khao mà người ta dùng nước mắt để cầu khẩn và hy vọng, đó là cả một giấc mơ được chạm đến “ngưỡng bình thường mới”. Những căng thẳng và công việc thường ngày trước vốn chiếm hết khoảng thời gian để chúng ta dừng và ngẫm, giờ đây bỗng không cánh mà bay, và chúng ta lại mải miết kiếm tìm cái lịch trình “từng là của nợ” đó, để thỏa mãn tính kiểm soát trong ta.

man in middle of wheat field

Cuộc sống ngừng chuyển động và trao tay chúng ta một quãng nghỉ cần thiết, nhưng chúng ta dường như đang bị choáng ngợp bởi món quà này: nó dấy lên trong ta những suy nghĩ đa chiều về những tiêu chuẩn và giá trị quen thuộc, sự bất công và bất bình đẳng của xã hội. Trong một chớp mắt, chúng ta thấy bản thân mình đang đối diện với những nỗi sợ mà từ trước đến nay thường gắn với những người “khác thường”: bị phân biệt, khác biệt, và bất thường. Nó làm chúng ta phải định nghĩa lại bình thường là gì.

Hãy nhìn vào “sự bình thường” từ quan điểm tâm lý học. Không có một định nghĩa duy nhất nào của “sự bình thường”. Văn hóa và xã hội ảnh hưởng đến nhận thức về “sự bình thường” giữa vô vàn quy tắc ứng xử, các vấn đề và giá trị. Như Browing đã từng viết, “Định nghĩa bình thường và khỏe mạnh chính là một trong những vấn đề mà tâm lý học đang phải đối mặt ngày nay, nó cũng là vấn đề của toàn xã hội”. Tâm lý học có thể quy ước nhận thức về đúng và sai, bình thường và bất thường so với xã hội, và do đó, chịu trách nhiệm xã hội rất lớn.

Tâm lý học lâm sàng và tâm thần học ảnh hưởng rất lớn đến cách hiểu về “sự bình thường” trong xã hội. Chính cách cắt nghĩa này đã, đang tạo ra khuynh hướng “bệnh lý hóa” hay nói cách khác là chẩn đoán quá mức việc xem xét những hành vi thông thường trở thành “bệnh lý” (pathologization), phần nào lý giải số lượng sự gia tăng rối loạn tâm thần. Có hai hệ thống phân loại rối loạn tâm thần chính trên thế giới: Phân loại quốc tế về bệnh tật (ICD) được phát triển bởi WHO từ năm 1949 và Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM) được phát triển bởi Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (APA) từ năm 1952. Cả hai hệ thống này đều liên tục được cập nhật qua các thập niên. 

Một mặt, DSM khẳng định rằng hệ thống này cung cấp một chỉ dẫn đến định nghĩa của rối loạn tâm thần chứ không hẳn là một định nghĩa cụ thể, bởi vì không có định nghĩa nào có thể phân biệt chính xác các giới hạn của rối loạn tâm thần.  Nhưng mặt khác, những chỉ dẫn của nó dường như khá có tầm ảnh hưởng, và nó bị chỉ trích vì đưa ra quá nhiều phạm trù chẩn đoán. DSM đã sản sinh ra ngày càng nhiều phạm trù chẩn đoán,  “phát minh” ra các loại bệnh, và thu nhỏ triệt để phạm vi “bình thường” hay “tâm thần”.   

green grass field near way during daytime

Sự ảnh hưởng của những tác nhân bên ngoài vào định nghĩa “sự bình thường”, vào hệ thống phân loại rối loạn tâm thần và sự phát triển của tâm lý học không còn là một điểm mới tạm thời hay đơn độc. Biết được hàm ý lịch sử của hệ thống phân loại này cung cấp một cách hiểu sâu hơn về nhận thức cửa bình thường, và tình trạng hiện nay của những vấn đề liên quan. Nền tảng của DSM được xây dựng bởi William C. Menninger, một nhà tâm thần học người Mỹ nổi tiếng, người đã làm việc bố và anh trai, Karl, cũng là những nhà tâm thần học, đã thành lập nên Quỹ tài trợ Menninger, tiên phong trong lĩnh vực chẩn đoán và điều trị rối loạn hành vi. Trong giai đoạn thế chiến II, giai đoạn chứng kiến “sự tham gia đông đảo của những nhà tâm thần học Mỹ trong các cuộc tuyển chọn, đào tạo và điều trị cho binh lính”. Menninger được mời để lãnh đạo đơn vị tâm thần học trực thuộc Quân đoàn Quân y Hoa Kỳ. Ông làm việc cùng với Adolf Meyer, một giáo sư tâm thần học, người nhìn nhận bệnh tâm lý như sự bất lực của một cá nhân trong việc thích nghi với không gian sống vốn là hệ quả của quá khứ trong họ.  Nỗi lo phản ánh những góc khuất từ chính địa vị xã hội, kinh tế và chính trị trong mỗi người, là đặc điểm chính của rối loạn thần kinh chức năng. Menninger, sau này trở thành một thiếu tướng, đã phát triển một hệ thống phân loại mới gọi là “Quân y 203, sau được cải biên bởi Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA) và được xuất bản năm 1952, tái bản lần đầu như một cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM). Trong cùng thời gian và chịu tác động của chiến tranh , WHO giới thiệu Hệ thống Phân loại thống kê quốc tế về bệnh tật (ICD) phần thứ sáu: phần mới này tập trung vào bệnh tâm thần.

Ấn bản lần đầu của DSM chịu tác động mạnh mẽ bởi những điều vốn có của tâm động học và phân tâm học. Cốt lõi là hiểu được ý nghĩa của triệu chứng và đào sâu vào nguyên nhân của nó. Các ấn bản sau, bắt đầu từ DSM-III, chịu ảnh hưởng bởi sinh học tâm thần (biological psychiatry), tâm bệnh học mô tả (descriptive psychopathology) và các bài thực nghiệm lâm sàng, và bệnh tâm lý bắt đầu được định nghĩa bởi những triệu chứng hơn là nguyên nhân của chúng. DSM trở thành cơ sở chẩn đoán được tham khảo hàng đầu trên thế giới. Ấn bản đầu tiên của DSM liệt kê 106 bệnh. Ấn bản cuối cùng, DSM-5, liệt kê khoảng 300 căn bệnh. Bản đầu tiên chịu ảnh hưởng của quân đội, còn bản gần đây nhất liên quan mật thiết với ngành kinh doanh dược phẩm. Trong suốt lịch sử phát triển của DSM, không phải lúc nào nó cũng hoàn toàn khách quan. Đã có lúc DSM thể hiện sự kì thị với đồng tính luyến ái như trong ấn bản đầu tiên, gán mác cho nó như một sự rối loạn nhân cách chống đối xã hội (sociopathic personality disturbance) . Trong khi đó, các ấn bản sau lại bệnh lý hóa sự lo lắng và “đẻ ra” nhiều loại bệnh hơn.

silhouette of off-road car

Khoa tâm thần, một ngành khoa học đóng vai trò trụ cột trong việc điều trị bệnh tâm thần, bị lên án bởi tập trung nhiều vào việc kiểm soát và quản thúc bệnh nhân hơn là giúp đỡ họ. Ảnh hưởng mạnh mẽ của chính trị và kinh doanh lên nhận thức về “sự bình thường” không phải chỉ có thể tìm thấy ở Mỹ. Trong thời Liên Xô cũ, toàn bộ ngành khoa học tâm thần và tâm lý, dù thời điểm đó tâm lý học chưa thực sự phát triển, đã được sử dụng một cách tàn bạo để bịt miệng những người phản đối sự độc tài của hệ thống nhà nước và lý tưởng. Sự kì thị “những điều bất thường” được nhân rộng và những người bất đồng quan điểm sẽ được “chữa trị” bởi các bác sĩ tâm thần và tâm lý ở trong những bệnh viện đặc biệt, nhà tù và các trại “hành vi” với thuốc tâm thần và phẫu thuật thùy não cho đến khi lý trí và tính cách của những bệnh nhân này hoàn toàn bị phá vỡ. Phân tích và trị liệu tâm lý không được công nhận và bị lên án mạnh mẽ bởi phương pháp này đang khuyến khích tư duy phản biện và suy nghĩ cá nhân.

Trên thế giới, những khát vọng cơ bản với quyền lực và tiền tài, và theo đó là sự kiểm soát, đã trở thành nguồn khai thác mấu chốt của ngành tâm lý và tâm thần học.

Khái niệm về “sự bình thường” vẫn còn nhiều tranh cãi. Luôn tiềm tàng những nguy hiểm khi gắn mác mọi thứ là “bất thường” bởi chúng lệch so với chuẩn mực hiện tại, những thứ mà thực ra, lại chịu ảnh hưởng của lợi nhuận kinh tế và quyền lực. Sư phát triển trong thời gian gần đây đã dẫn đến hiện tượng “y học hóa sự bình thường”. Kinh doanh và áp lực kinh tế ngày càng tăng lên, đặt ra những thách thức với toàn bộ nền kinh tế và hệ thống sức khỏe. Trong những khao khát mang sự bất thường về với bình thường, chúng ta rơi vào mộng tưởng giành được quyền kiểm soát. Tâm lý học có thể đóng vai trò mấu chốt trong việc cân bằng những thái cực nếu nó có thể hoạt động độc lập, cảnh giác những ý định khai thác và thao túng vì lợi nhuận, quyền lực và sự kiểm soát. Cho đến nay, tâm lý học vẫn chưa hoàn toàn nắm giữ vai trò này. Bây giờ chính là cơ hội đáng giá để mang đến sự thay đổi quyết định. Chúng ta, cũng không nằm ngoài vòng tròn cơ hội này.

Dịch: Murph
Biên tập: Tuấn Ngọc
Minh họa: (Ảnh tham khảo trên internet)
Nguồn: https://psychcentral.com/lib/normality-the-road-to-nowhere/
A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/
(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan