Bộ phim “A BEAUTIFUL MIND” đã khắc hoạ chứng TÂM THẦN PHÂN LIỆT như thế nào?

Tâm thần phân liệt được khắc hoạ trên một bộ phim như thế nào và có khác gì so với đời thực?


“A Beautiful Mind” là bộ phim được sản xuất dựa trên câu chuyện có thật về cuộc đời nhà toán học John Nash và cuộc chiến của ông với căn bệnh tâm thần phân liệt.


Nash phát hiện ra bản thân bị mắc các triệu chứng của tâm thần phân liệt vào những năm 1950. Sau đó ông vẫn có những đóng góp đáng kể cho lĩnh vực toán học, bao gồm ứng dụng toán học trong việc đưa ra quyết định và sự mở rộng các lý thuyết về game. Bộ phim kể về cuộc đấu tranh của ông với chứng rối loạn tâm thần và những ảnh hưởng của căn bệnh này đến gia đình ông đã khơi dậy những câu hỏi xung quanh chứng rối loạn tâm thần phân liệt. Vậy chứng tâm thần được khắc hoạ trong bộ phim như thế nào, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.


Tâm thần phân liệt là gì?


Tâm thần phân liệt là một dạng rối loạn tâm thần mãn tính ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của con người. Dạng rối loạn này cũng khiến con người cảm thấy mất kết nối với đời thực. Căn bệnh này có rất nhiều triệu chứng nhưng phổ biến nhất là ảo giác, ảo tưởng và mất tập trung.


Tâm thần phân liệt là căn bệnh tâm thần mãn tính nghiêm trọng có thể gây những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bất cứ ai. Nếu không được điều trị một cách thích hợp thì một số bệnh nhân có thể mất mạng vì chứng rối loạn này.


Bộ phim “A Beautiful Mind” đã đề cập đến những triệu chứng nào của căn bệnh tâm thần phân liệt?


“A Beautiful Mind” đã đưa ra một số ví dụ về các triệu chứng tiêu cực của căn bệnh tâm thần phân liệt như:


  • Ảo tưởng về sự vĩ đại của bản thân
  • Giảm sút các hoạt động thường ngày
  • Bỏ bê việc chăm sóc vệ sinh
  • Xa lánh mọi người
  • Hoang tưởng
  • Ảo tưởng
  • Lời nói không mạch lạc
  • Tự làm hại bản thân
  • Nỗi sợ bị ngược đãi
  • Thiếu thốn các mối quan hệ cá nhân


Những điều mà bộ phim “A Beautiful Mind” nói đúng về bệnh tâm thần phân liệt


Những người mắc tâm thần phân liệt có thể nghe và nhìn thấy những thứ không có thực, thậm chí là những thứ không hề có sự kết nối nào với thực tế hay bị cuốn vào một thế giới hoàn toàn khác. Mặc dù bộ phim “A Beautiful Mind” không lột tả chính xác hoàn toàn về cuộc đời của nhà toán học John Nash nhưng bộ phim cũng đã đưa ra một vài mô tả đúng đắn về căn bệnh này.



Triệu chứng ảo tưởng về sự vĩ đại của bản thân


Ảo tưởng về sự vĩ đại hay ảo tưởng về sự cao cả là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh tâm thần phân liệt hoang tưởng. Sự ảo tưởng xuất hiện khi một người có cảm giác bản thân quan trọng, khác biệt, quyền lực, giàu kiến thức một cách thái quá. Nói cách khác, người có triệu chứng này thường suy nghĩ và hành động như thể họ vượt trội hơn những người khác theo nhiều hình thức khác nhau. Minh chứng của điều này trong bộ phim chính là khi John xúc phạm các bạn học khác bằng việc chế nhạo các tác phẩm của họ là “đồ đạo nhái” và tự tuyên bố rằng mình sẽ làm một cách gì đó “phá cách” .


Các triệu chứng khởi phát


Mặc dù trên thực tế, John không hề có các triệu chứng của bệnh mãi cho đến khi anh ấy hơn 30 tuổi nhưng bộ phim đã khắc họa các dấu hiệu biểu hiện khi anh ấy 20 tuổi. Điều này rõ ràng là không chính xác so với sự thật cuộc đời của John, nhưng về mặt khoa học thì chính những năm 20 tuổi là giai đoạn phổ biến nhất mà căn bệnh này thường tự bộc lộ.


Thiếu thốn về mặt cảm xúc


Một dấu hiệu phổ biến khác của căn bệnh này là sự thay đổi trong cách nói chuyện của người bệnh. Trong rất nhiều phân cảnh của phim, bao gồm cả phân cảnh John nói với Charles rằng “không thích mọi người cho lắm” thì anh ấy cũng rất ít biểu hiện cảm xúc khi nói. Điều đó được thể hiện xuyên suốt bộ phim.


Ảnh hưởng của bệnh đến cuộc sống con người


Những người mắc chứng bệnh này gặp khó khăn trong việc phân biệt thực hư, điều này được lột tả chân thật trong phân cảnh John phát biểu về nghiên cứu của mình. Trong cảnh này, John đã nhìn thấy những người đàn ông mặc vest và cho rằng họ là gián điệp Liên Xô được ra lệnh đến bắt anh ta, trong khi thực tế thì họ chỉ là những người được cử đến để đưa John về bệnh viện tâm thần. Những ảo tưởng của John cứ lớn dần khiến cho anh ta nghĩ rằng mình đang thực sự làm việc cho Bộ Quốc Phòng dưới quyền đặc vụ William Parcher. Tuy nhiên đến cuối cùng thì vợ anh đã giúp anh nhận ra rằng không hề có bức thư nào trong số những bức thư anh gửi đến cơ quan được chấp nhận và cũng chẳng có đặc vụ nào tên là William Parcher tồn tại.


Những điểm thiếu sót trong cách khắc họa căn bệnh tâm thần phân liệt của bộ phim “A Beautiful Mind”


Mặc dù trong phim, có rất nhiều đặc điểm về căn bệnh được miêu tả đúng đắn, song cũng có một số dấu hiệu bị phóng đại quá mức và không hoàn toàn chính xác.


Không hề có một “liều thuốc đặc trị nhanh chóng” cho tâm thần phân liệt


Trong phim, có vẻ như John chỉ ở lại bệnh viện trong một thời gian ngắn, nhận điều trị và dùng thuốc thích hợp trước khi quay trở lại với công việc nghiên cứu, tuy nhiên điều này trên thực tế là không chính xác. Tâm thần phân liệt là căn bệnh kéo dài đến hết đời, nó đòi hỏi một liệu pháp lâu dài và phù hợp để giúp người bệnh điều chỉnh và đối phó với các rối loạn tâm thần. Chính John Nash cũng đã phải vật lộn suốt nhiều thập kỷ với căn bệnh của mình mà không thể làm việc trong một thời gian dài.


Sự ảo tưởng


Mặc dù ảo tưởng là triệu chứng phổ biến của căn bệnh này nhưng không hải ai mắc tâm thần phân liệt cũng bị ảo tưởng. Riêng với trường hợp của John Nash, anh không hề thấy ảo tưởng như Charles hay các gián điệp Liên Xô như cách mà họ được miêu tả trong phim, đúng hơn là anh nghe thấy những ảo tưởng. Thông thường, sự ảo giác về thính giác - nghe thấy những điều vô thực - có thể dẫn đến ảo tưởng. Khi sự ảo tưởng này xảy ra thì những trường hợp như tưởng tượng ra gián điệp Liên Xô hay người bạn Charles chính là triệu chứng phóng đại của căn bệnh. Những nhân vật giả tưởng này giúp khán giả hình dung rõ hơn về những gì John suy nghĩ.


Rất nhiều người đã xem bộ phim “A Beautiful Mind” để hiểu hơn về cách mà căn bệnh tâm thần phân liệt được khắc họa. Nhìn chung, bộ phim này được coi là bức tranh miêu tả thú vị về căn bệnh suy nhược tâm thần gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người.


-------------------------

Dịch bởi: bluewhale52

Biên tập: Ori

Ảnh: Pixabay

Tham khảo:

Alyssa (2020), How Schizophrenia was portrayed in “A Beautiful Mind”

Available at:

<https://www.banyanmentalhealth.com/2021/03/30/how-schizophrenia-was-portrayed-in-a-beautiful-mind/#:~:text=An%20example%20of%20this%20in,he'll%20make%20something%20original.&text=Although%20John%20didn't%20begin,symptoms%20manifesting%20in%20his%2020s.> [Accessed at 13th September 2021]

--------------------------


BẢN THẢO
Bài viết liên quan