Bức chân dung về giấc mơ – Những giấc mơ thực sự mang ý nghĩa gì?

Trong khi có vô vàn những giả thuyết giải thích nguyên nhân vì sao chúng ta nằm mơ, thì vẫn chưa có ai thực sự hiểu hết được mục đích của những giấc mơ đó, chứ đừng nói đến làm …

Trong khi có vô vàn những giả thuyết giải thích nguyên nhân vì sao chúng ta nằm mơ, thì vẫn chưa có ai thực sự hiểu hết được mục đích của những giấc mơ đó, chứ đừng nói đến làm thế nào giải mã được ý nghĩa của chúng. Những giấc mơ vốn đã rất huyền bí rồi, nhưng việc hiểu được ý nghĩa của chúng lại càng khó khăn hơn. Giấc mơ của chúng ta có thể chuyển nội dung rất đột ngột, tạo ra những yếu tố kì dị, hoặc có thể khiến chúng ta hoảng sợ với những hình ảnh kinh khủng. Thực tế rằng những giấc mơ rất phong phú và hấp dẫn chính là lý do vì sao nhiều người tin rằng có ý nghĩa nào đó ẩn sau chúng.

Một số nhà nghiên cứu xuất sắc, ví dụ như G.William Domhoff, nói rằng hầu như những giấc mơ không có mục đích thực tế nào. Dù vậy, việc giải nghĩa giấc mơ vẫn trở nên ngày càng phổ biến. Trong khi chưa có nghiên cứu nào chứng minh được rằng những giấc mơ có mục đích, vẫn rất nhiều chuyên gia tin rằng có những ý nghĩa nhất định đằng sau mỗi giấc mơ.“’Ý nghĩa’ tức là phải có tính mạch lạc và liên kết có hệ thống với các biến số khác, và về mặt này, thì giấc mơ đúng là có ý nghĩa thật,” Domhoff nói trong một cuộc phỏng vấn với The Daily Mail.

“Hơn thế, chúng còn tiết lộ những gì đang xảy ra trong tâm trí ta.”

“Chúng tôi đã chỉ ra rằng 75 trên tổng số 100 giấc mơ của một người sẽ cung cấp cho ta một bức chân dung tuyệt vời khắc họa tâm lý người đó. Cứ đưa cho chúng tôi một nghìn giấc mơ trong khoảng hơn vài cái chục năm của ai đấy và chúng tôi có thể cho bạn thấy hẳn một tiểu sử về tâm trí người đó, gần như đặc thù và chính xác như dấu vân tay của họ.”

Freud: Giấc mơ là con đường dẫn đến Tiềm thức

Trong cuốn sách “Giải mã những giấc mơ”, Sigmund Freud chỉ ra rằng nội dung giấc mơ có liên quan đến việc hoàn thành ước nguyện. Freud tin rằng những nội dung được thể hiện rõ ràng trong giấc mơ, hình ảnh thực trong mơ hay các sự kiện trong đó đều là nhằm mục đích che giấu những suy nghĩ tiềm ẩn hoặc những mong ước vô thức của người đang mơ.Freud cũng mô tả 4 yếu tố của quá trình này – cái mà ông gọi là “quá trình nằm mơ”.

Cô đọng: Nhiều ý tưởng và khái niệm được thể hiện chỉ trong quãng thời gian của duy nhất một giấc mơ. Thông tin được cô đọng lại dưới dạng một ý nghĩ hoặc hình ảnh đơn lẻ.

Thế chỗ: Yếu tố này trong quá trình mơ che đậy, ngụy trang ý nghĩa về mặt cảm xúc của nội dung tiềm ẩn bằng cách xáo trộn những phần quan trọng với những phần không quan trọng của giấc mơ.

Hình tượng hóa: Quá trình này cũng kiểm duyệt những ý tưởng bị kiềm nén bên trong giấc mơ bằng cách thêm vào những đối tượng, vật thể với mục đích tượng trưng cho nội dung tiềm ẩn của giấc mơ.

Sửa đổi thứ cấp: Trong suốt bước cuối cùng của quá trình nằm mơ, Freud cho rằng các yếu tố kì dị của giấc mơ được tổ chức lại một lượt để khiến cho giấc mơ dễ hiểu, từ đó tạo ra nội dung rõ ràng cho giấc mơ.

Jung: Cổ mẫu/Nguyên mẫu và Vô thức tập thể

Dù Carl Jung có chung vài quan điểm tương đồng với Freud, ông lại thấy rằng giấc mơ không chỉ đơn giản là hình thức thể hiện của những mong muốn bị kìm nén. Jung đưa ra quan điểm rằng giấc mơ tiết lộ cả sự Vô thức của tập thể và Vô thức của cá nhân, và ông tin rằng giấc mơ là nhằm để bù đắp những phần tinh thần không được phát triển đầy đủ trong cuộc sống của con người khi họ tỉnh táo và có ý thức.

Jung cũng cho rằng những cổ mẫu như anima (tính nữ), shadow (bóng tối), animus (tính nam) là những vật thể, hình thái thường xuyên mang tính biểu tượng trong giấc mơ. Những biểu tượng này, ông tin là, thể hiện thái độ bị kìm nén khi con người đang có ý thức.

Không giống như Freud, người thường cho rằng những biểu tượng riêng biệt sẽ đại diện cho những suy nghĩ vô thức riêng biệt, Jung lại tin rằng giấc mơ có thể mang tính cá nhân cao và việc giải nghĩa những giấc mơ của một người cần đến một lượng lớn thông tin và hiểu biết về cá nhân người đó.

Hall: Những giấc mơ là quá trình nhận thức

Calvin S.Hall đưa ra ý kiến cho rằng giấc mơ là một phần của quá trình nhận thức, mà trong quá trình đó những giấc mơ đóng vai trò như những “khái niệm” của mỗi cá nhân về các yếu tố trong cuộc sống riêng tư của họ. Hall tìm kiếm chủ đề và hình thái của những giấc mơ bằng cách phân tích hàng ngàn nhật kí giấc mơ từ những người đăng kí tham gia vào dự án nghiên cứu. Cuối cùng ông tạo ra một hệ thống mã hóa định lượng và phân chia nội dung giấc mơ của chúng ta thành một số nhóm riêng. Dựa theo giả thuyết của Hall, để giải mã giấc mơ cần phải biết về: Những hành động của cá nhân đó trong giấc mơ. Những vật thể và hình ảnh trong giấc mơ. Sự tương tác giữa chủ thể và các nhân vật trong mơ. Bối cảnh giấc mơ, cách giấc mơ chuyển cảnh và cái kết của giấc mơ.

Thế nhưng, mục đích cuối cùng của việc giải mã giấc mơ không phải là để hiểu giấc mơ, mà là để hiểu được chủ thể của giấc mơ đó. Nghiên cứu của Hall khám phá ra rằng những nét tính cách, đặc điểm mà con người thể hiện ra ngoài khi đang tỉnh táo cũng tương đồng với những gì họ thể hiện trong mơ.

Domhoff: Những giấc mơ là hình ảnh phản chiếu của cuộc sống con người khi tỉnh táo

G. William Domhoff là một nhà nghiên cứu giấc mơ xuất sắc, ông là đồng nghiệp nghiên cứu cùng Calvin Hall ở Đại học Miami. Với những nghiên cứu quy mô lớn về nội dung giấc mơ, Domhoff phát hiện ra rằng những giấc mơ phản chiếu suy nghĩ và mối quan tâm của chủ thể giấc mơ khi còn tỉnh táo.

Domhoff đưa ra giải thuyết về một mô hình nhận thức thần kinh về những giấc mơ, mà trong đó, quá trình nằm mơ là kết quả của những quá trình tư duy logic và một hệ thống những giản đồ. Nội dung của giấc mơ, ông cho rằng, được sản sinh ra từ các quá trình nhận thức.

Đại chúng hóa việc giải mã giấc mơ

Từ những năm 1970, việc giải mã giấc mơ đã ngày càng trở nên phổ biến. Cuốn sách mang tên “Trò chơi Giấc mơ”, xuất bản vào năm 1974 của Ann Faraday đã chỉ ra một số kĩ thuật và ý tưởng mà bất cứ ai cũng có thể dùng để giải nghĩa giấc mơ của họ. Ngày nay, người tiêu dùng có thể mua được số lượng lớn các cuốn sách từ điển giấc mơ, hướng dẫn đọc kí hiệu, và các bí quyết để giải mã và thông hiểu giấc mơ.

Không nghi ngờ gì, việc nghiên cứu giấc mơ chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển. Song, G. William Domhoff – chuyên gia giấc mơ lại khuyến cáo rằng “… trừ khi các bạn thấy giấc mơ của mình vui vẻ, thú vị về mặt trí tuệ, hoặc là truyền cảm hứng nghệ thuật; còn không thì cứ thoải mái mà quên chúng đi.”

Những người khác, như Cartwright và Kaszniak, lại đưa ra ý kiến rằng giải nghĩa giấc mơ thực ra có thể tiết lộ nhiều thứ về người giải nghĩa chúng hơn là chính ý nghĩa của giấc mơ.

Thiên kiến ảnh hưởng đến quá trình giải mã giấc mơ như thế nào?

Các nhà nghiên cứu Carey Morewedge và Michael Norton đã nghiên cứu những giấc mơ của hơn 1,000 cá nhân từ Mỹ, Ấn Độ và Hàn Quốc. Cái họ khám phá ra chính là, trong số những sinh viên tham gia vào nghiên cứu, chỉ có rất ít người tin rằng những giấc mơ của họ chỉ đơn giản là phản ứng của não bộ với những kích thích ngẫu nhiên. Thay vào đó, đa số đều tán thành quan điểm của Freud rằng giấc mơ tiết lộ những mong ước và ham muốn vô thức.

Tuy nhiên, họ cũng phát hiện ra rằng mức độ quan trọng mà người ta gán cho những giấc mơ phụ thuộc phần lớn vào thiên kiến của mỗi người. Có nhiều khả năng con người sẽ ghi nhớ những giấc mơ tiêu cực nếu giấc mơ đó có liên quan đến người mà họ không ưa. Họ cũng có thể quan tâm đến những giấc mơ tích cực nếu chúng có liên quan đến bạn bè hoặc những người yêu thương.

Nói cách khác, mọi người có động lực để giải thích giấc mơ của họ theo hướng hỗ trợ niềm tin sẵn có của họ về bản thân, thế giới và những người xung quanh. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những điều như Thiên kiến ​​xác nhận và Thiên kiến ​​vị kỷ có thể ảnh hưởng đến cách mọi người phản ứng với giấc mơ của chính họ.Bởi vì mọi người thường có xu hướng xem trọng những giấc mơ của họ; các nhà nghiên cứu cho rằng, những giấc mơ này cũng có thể trở thành một thứ gì đó của một Lời tiên tri tự hoàn thành. Nếu bạn mơ thấy mình sắp thi trượt, bạn có thể bị mất động lực học tập hoặc thậm chí trở nên căng thẳng đến mức học hành sa sút.

Những giấc mơ có thể có hoặc không có ý nghĩa, nhưng trong thực tế, việc giải nghĩa những giấc mơ đã trở thành một trò tiêu khiển phổ biến. Một số người thậm chí còn đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc đời dựa trên nội dung của những giấc mơ của họ.

Dịch: Phương Nguyên

Nguồn: https://www.verywellmind.com/dream-interpretation-what-do-dreams-mean-2795930

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: https://acrazymind.vn/donate/. Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcLhttps://acrazymind.vn/shadow-self-lam-the-nao-de-om-lay-phan-toi-ben-trong-ban-phan-1/

BẢN THẢO
Bài viết liên quan