Bước khỏi vùng an toàn có đáng sợ?

Việc “ bước ra khỏi vùng an toàn” không có nghĩa là tích cực đối với tất cả mọi người. Đương nhiên sẽ có những người chấp nhận và bác bỏ quan điểm này. Nhưng nếu mãi đứng tại chỗ và ngại va chạm sẽ khiến bản thân mình trì trệ cả về mặt hình thức lẫn tâm hồn. Bước ra vùng an toàn là “ dám nghĩ, dám làm và dám thay đổi”.


“Bạn đã bước ra khỏi vùng an toàn của mình chưa?”. Sau khi thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ trên facebook, tôi đa phần nhận được câu trả lời là “không” đến từ thế hệ trẻ. Vậy nó có gì đáng sợ mà đa số các bạn trẻ chưa dám vùng mình bứt phá để bước qua nó?



“Vùng an toàn” (comfort zone) là một trạng thái thỏa mãn về mặt cảm xúc, tất cả mọi thứ xung quanh đều mang một cảm giác thân thuộc, thoải mái mà không có sự tiêu cực từ môi trường đến các mối quan hệ xung quanh họ. Ở trạng thái này, mức độ rủi ro, tiêu cực của bản thân được giảm xuống mức tối thiểu. Chính vì thế, bạn có thể kiểm soát được quyết định và dẫn đến hành động một cách dễ dàng, không mang đến sự lo lắng và không một yếu tố nào có thể ngăn cản. Tất thảy mang lại cảm giác an toàn và thoải mái.



Liệu “Vùng an toàn” có thật sự an toàn? Có thể nói rằng, tính chất an toàn ở đây không có nghĩa là toàn diện. Theo khía cạnh chủ quan, bạn thật sự an toàn trên mặt cảm xúc, suy nghĩ. Còn nhìn về khía cạnh sâu xa hơn, không chắc chắn sự an toàn ấy sẽ tồn tại một cách bền vững. Câu hỏi đặt ra, tại sao chúng ta phải bước ra khỏi vùng an toàn? Nó chẳng phải là quá an toàn cho bản thân rồi sao? Khi đang ở trạng thái an toàn - hình thành nên một thói quen cho bản thân thì việc thoát khỏi nó là một điều thật sự khó khăn. Hơn hết, điều ấy đem lại cảm giác ấm áp như được đang “ở nhà”. Bởi lẽ như thế, việc thoát ra khỏi vùng an toàn là một điều khá trắc trở và trở thành một lời khuyên sáo rỗng nếu bạn không biết cách thực hiện.


Tất nhiên điều gì cũng có hai mặt của nó. Cũng giống như vậy, để có thể đứng được ở bất cứ vị trí nào, bạn cũng phải buộc chấp nhận đánh đổi một số thứ quan trọng hoặc không quan trọng. Nhưng ở vấn đề này, khi vị trí bạn đứng quá an toàn và phạm vi ở mức tối thiểu, chỉ quẩn quanh trong một khoảng không nhất định thì việc “va chạm” với thế giới bên ngoài hầu như là không. Lúc ấy, tâm lý cá nhân dường như bị bó hẹp và phụ thuộc vào “ thế giới riêng” của mình.



Bên ngoài vùng an toàn (Comfort zone) sẽ có những vùng khác, đương nhiên sẽ không trù dập tâm lý và khả năng của bản thân một cách tối đa. 


Vùng sợ hãi ( Fear zone), khi bạn đang hạnh phúc trong chính thế giới riêng của mình, thì việc bắt đầu va chạm và lăn xả với môi trường mới đòi hỏi phải có một tâm lý vững vàng và sự chấp nhận đối đầu. Nếu không bạn sẽ lạc vào thế giới của sự sợ hãi và lo lắng.


Cuối cùng, sau mọi thử thách về mặt tâm lý, con người sẽ bước vào vùng học hỏi (Learning zone). Tại đây, bạn sẽ được trải nghiệm, học hỏi và nhận thức được khả năng của bản thân. Bạn sẽ chắc chắn hơn với những việc bạn thực hiện và có được những chính kiến rõ ràng.


Bước ra khỏi vùng an toàn có cần thiết hay không? Theo quan điểm cá nhân, câu trả lời ở đâu là cần thiết nếu bạn đủ tự tin và sự dũng cảm. Vậy bước ra khỏi vùng an toàn, sẽ nhận được gì?


Hiểu được chính mình: Việc lẩn quanh trong một môi trường không có sự va chạm, tiếp xúc thì việc nghi ngờ khả năng của bản thân là một điều không tránh khỏi. Và đương nhiên khi tích cực va chạm với cuộc sống, bạn sẽ nhận thức được bạn đang ở đâu, vị trí nào và biết được khả năng của mình ở mức nào.


Sự phát triển bản thân: Không ai muốn mình giậm chân tại chỗ ở bất cứ công việc nào, việc tạo động lực và cơ hội để phát triển bản thân là cần thiết. Khi bước ra khỏi một môi trường an toàn nhưng bó hẹp, bạn sẽ có cơ hội tiếp xúc và học hỏi nhiều điều bổ ích từ cuộc sống. Tức nghĩa là bạn sẽ học được cách tự tin cất bước nhanh nhẹn trong bất kì môi trường, dù hẹp hay rộng, dù dễ dàng hay đầy rẫy những thử thách.


Rèn luyện sự thích nghi: Bất cứ việc gì, đã hình thành thói quen thì rất khó bỏ. Việc ở một khoảng không nhất định sẽ làm sự nhạy bén trong việc thích nghi của bản thân bị hạ thấp và rất khó tìm lấy được sự nhạy bén nếu bạn không dám thoát khỏi sự “an toàn hai mặt” kia. Vì vậy, việc bước ra để thích nghi là rất cần thiết, đồng thời nó cũng rèn luyện sự thích nghi của bạn thân khi dịch chuyển sang nhiều môi trường khác nhau.


Can đảm và tự tin hơn: Khi bạn đã vượt qua khỏi vùng an toàn đương nhiên nhũng thử thách sẽ đến bất cứ lúc nào và đòi hỏi bạn phải biết cách vượt qua. Giống như cuộc phiêu lưu, việc đương đầu với thử thách sẽ khiến bạn tự tin hơn, cảm đảm hơn trong việc đối đầu với những khó khăn phía trước. Rèn dũa lối sống tích cực và bình tĩnh trong mọi chuyện.Và sẽ không lo lắng hóa vấn đề trong tâm lý bản thân.


Việc “ bước ra khỏi vùng an toàn” không có nghĩa là tích cực đối với tất cả mọi người. Đương nhiên sẽ có những người chấp nhận và bác bỏ quan điểm này. Nhưng nếu mãi đứng tại chỗ và ngại va chạm sẽ khiến bản thân mình trì trệ cả về mặt hình thức lẫn tâm hồn. Bước ra vùng an toàn là “ dám nghĩ, dám làm và dám thay đổi”.


Cuộc sống là một vòng tròn cứ xoay đều và tâm của vòng tròn chính là bạn. Bạn sẽ không biết ngày mai sẽ như thế nào. Việc đối đầu với thử thách sẽ giúp bạn dạn dĩ hơn, chính chắn hơn trong việc giải quyết vấn đề. Mỗi ngày hãy tiến bước về phía trước, vượt qua những rào cản vô hình, dù lại nhỏ hay lớn. Tự tin bứt phá mọi giới hạn, bạn sẽ thực sự hiểu được chính mình.


Tác giả: Như Quyền

BTV: Anh Dương

Nguồn ảnh: Amy Humphries, Nickson , Texco- kwok - Unsplash

BẢN THẢO
Bài viết liên quan