Các vấn đề xảy qua xung quanh việc ăn uống

Rối loạn ăn uống xảy ra khi bạn chẳng thể kiểm soát những thực phẩm đưa vào cơ thể...


Rối loạn ăn uống xảy ra khi bạn chẳng thể kiểm soát những thực phẩm đưa vào cơ thể, điều này được biểu hiện dưới nhiều hình thức. Một số người thì ăn quá nhiều, một số lại ăn quá ít, số khác thì chật vật với chuyện ăn uống.


Rối loạn ăn uống thường xảy ra khi con người gặp những vấn đề phức tạp với thức ăn hoặc cơ thể của chính mình. Nhiều người cố gắng kiểm soát cơ thể thông qua việc tập thể dục, dùng thuốc (giảm cân/tăng cân) hoặc ăn kiêng. Lại cũng có những người phải nhờ đến thức ăn để xoa dịu nỗi đau.

Rối loạn ăn uống không chỉ đơn giản gây ra những khó chịu về mặt cảm xúc. Chúng còn có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất. Trong một vài trường hợp nghiêm trọng, nó có thể dẫn đến tử vong.


Rối loạn ăn uống thông thường


“Sổ tay chẩn đoán và thống kê các dạng rối loạn tâm thần” (DSM) là cuốn sách được các chuyên gia sử dụng để chẩn đoán tình trạng sức khỏe tâm thần. DSM không liệt kê tất cả các vấn đề về thực phẩm và ăn uống, nó liệt kê các tình trạng phổ biến nhất và cách nhận biết chúng.

Sáu loại rối loạn ăn uống được liệt kê trong DSM là:


  • Ăn uống vô độ: Đặc điểm chính là ăn quá nhiều. Một người mắc chứng này sẽ tiêu thụ rất nhiều thức ăn chỉ trong một thời gian ngắn. Người đó thường cảm thấy họ không thể kiểm soát được những gì họ ăn hoặc khi nào thì họ có thể dừng lại. Thông thường, những người mắc chứng này sẽ cảm thấy xấu hổ hoặc hối hận vì đã ăn quá nhiều.
  • Chứng ăn ói: Là một quy trình lặp lại giữa việc ăn uống vô độ và việc nôn mửa. Người mắc chứng này sẽ có một giai đoạn ăn uống vô độ, sau đó lại cảm thấy tội lỗi và xấu hổ. Họ sẽ tìm đến các biện pháp cực đoan để tránh tăng cân bằng cách cố gắng đẩy thức ăn ra khỏi cơ thể, thông qua việc uống thuốc nhuận tràng hoặc hành động nôn ói. Họ cũng có thể nhịn ăn và tập thể dục quá mức để giảm lượng calo.
  • Chứng chán ăn tâm thần: Là việc hạn chế ăn uống một cách quá mức. Cũng giống với chứng ăn uống vô độ, chứng chán ăn tâm thần bắt nguồn từ việc sợ hãi tăng cân hoặc trở nên béo. Ngay cả khi họ gầy đến trơ xương, họ vẫn cứ thấy bản thân thừa cân. DSM xác định hai dạng chính của chứng chán ăn:
  • Kiểu ăn uống hạn chế: loại này phổ biến hơn cả. Họ sẽ giảm cân bằng cách ăn rất ít thức ăn. Họ tập thể dục nhiều để đốt cháy lượng calo đã thu nạp.
  • Kiểu ăn uống vô độ/ăn ói: Người mắc chứng này cũng có thể hạn chế việc ăn uống. Tuy nhiên, họ cũng sẽ trải qua những giai đoạn ăn uống vô độ rồi lại nôn mửa. Những người như thế này có thể sẽ nhẹ cân hơn nhiều so với những người mắc chứng cuồng ăn.
  • Rối loạn thu nạp thực phẩm hạn chế (ARFID): Là tình trạng một người không ăn đầy đủ để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và năng lượng hàng ngày. Không giống chứng chán ăn tâm thần, ARFID ít khi liên quan đến những nỗi ám ảnh về cân nặng. Người mắc chứng bệnh này thường từ chối việc ăn uống vì họ không thích hương vị hoặc kết cấu của món ăn. Nếu ai đó từng trải qua các chấn thương tâm lý với việc nghẹt thở hoặc nôn mửa, ký ức đó cũng có thể dẫn đến chứng bệnh này.
  • Chứng ăn bậy: Là một tình trạng hiếm gặp. Người mắc chứng này thường ăn những thứ không phải là thực phẩm, chẳng hạn như: đất sét, giấy, xà phòng, phấn, bùn hoặc bột giặt. Hội chứng này thường gặp ở một vài nhóm dân số cụ thể như: người lớn bị thiếu chất sắt, phụ nữ mang thai và trẻ em.
  • Rối loạn nhai lại: Là sự trào ngược thức ăn không thể kiểm soát. Sau khi nôn thức ăn ra ngoài, những người mắc chứng này có thể nhai và nuốt lại thức ăn đó, cũng có thể nhổ ra ngoài. 



Chế độ ăn kiêng khắc nghiệt


Không phải tất cả các vấn đề về ăn uống đều được xếp vào 6 loại rối loạn ở trên.

Nhiều người ăn kiêng theo cách không gây hại đến cơ thể. Một trong số đó cố gắng giảm cân bằng cách giảm lượng calo hoặc tránh ăn một số loại thực phẩm nhất định. Một số khác lại ăn uống kiểu đó để kiểm soát việc dị ứng thực phẩm hoặc muốn tốt cho cơ thể, nhưng nếu quá mức thì điều ấy sẽ phản tác dụng và gây hại cho sức khỏe của họ. 

Thế nào là chế độ ăn kiêng khắc nghiệt? Có thể là nhịn ăn trong một khoảng thời gian dài, hạn chế calo một cách quá mức, hoặc cũng có thể là nỗi ám ảnh về việc ăn một số loại thực phẩm nhất định. Nếu một người quá bận tâm đến chế độ giảm cân lành mạnh và thà nhịn đói còn hơn ăn những thực phẩm “độc hại”, họ có thể gặp vấn đề về ăn uống.


Ăn kiêng một cách khắc nghiệt có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Nếu một người không ăn đủ chất, họ có thể gặp các vấn đề về tiêu hóa, mất nước và rối loạn trao đổi chất. Suy dinh dưỡng cũng có thể dẫn đến căng thẳng và khó tập trung.

Mặc dù không có sự phân biệt rạch ròi giữa chế độ ăn kiêng lành mạnh và chế độ ăn kiêng khắc nghiệt, nhưng có thể nhận biết thông qua các dấu hiệu sau đây:

  • Giảm năng lượng: Thiếu hụt năng lượng đồng nghĩa với việc lượng calo trong cơ thể quá thấp.
  • Ám ảnh với thức ăn: Họ có thể gặp rắc rối với đồ ăn nếu cứ luôn ám ảnh về nó mọi lúc mọi nơi.
  • Khó ngủ: Giấc ngủ bị gián đoạn cũng có thể do người đó ăn không đủ chất. Họ không hấp thu được các dinh dưỡng cần thiết để có một giấc ngủ ngon.
  • Bài trừ toàn bộ các nhóm thực phẩm: Mỗi nhóm thực phẩm đều chứa các chất dinh dưỡng cần thiết cho một chế độ ăn kiêng cân bằng. Bài trừ tất cả, chẳng hạn như carbohydrate có thể giảm cân nhưng cũng có thể dẫn đến các triệu chứng như chóng mặt hay mệt mỏi.
  • Thay đổi tâm trạng thất thường: Hạn chế calo một cách quá mức có thể dẫn đến lo âu, trầm cảm và dễ nổi cáu.
  • Thay đổi các lịch trình xã hội: Chế độ ăn kiêng sẽ trở nên quá khắc nghiệt nếu người đó để cuộc đời họ xoay quanh chuyện giảm cân, hoặc từ chối các sự kiện để né tránh việc ăn uống.


Tại sao con người có xu hướng mắc các loại rối loạn ăn uống?


Nhiều nền văn hóa phương Tây tôn vinh nét đẹp mảnh khảnh. Văn hóa đại chúng của Mỹ thì tràn ngập các chương trình giảm cân, xu hướng ăn kiêng và sự miệt thị ngoại hình. Những việc này có thể tạo điều kiện thuận lợi để chứng rối loạn ăn uống phát triển. Một số người tin rằng nếu gầy đi thì sẽ trở nên thu hút hơn, còn nếu béo lên thì trông kém hấp dẫn đi. Đối với những trường hợp như vậy, rối loạn ăn uống còn đi đôi với việc đánh giá giá trị của bản thân.


Những người mắc các chứng rối loạn ăn uống thường trải nghiệm cảm giác lo âu, lòng tự tôn thấp đi, và có nhu cầu làm hài lòng người khác. Họ tận dụng áp lực để đạt được sự hoàn hảo, không chỉ với cơ thể mà còn với rất nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống. 

Rối loạn ăn uống ở các nhóm dân số khác nhau

Rối loạn ăn uống không phân biệt bất kỳ ai. Chúng có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, chủng tộc, giới tính và xu hướng tính dục. Khoảng 30 triệu người Mỹ bị mắc chứng rối loạn ăn uống trong đời.

  • Các nghiên cứu cho thấy nữ giới có khả năng bị mắc chứng rối loạn ăn uống hơn nam giới. Khoảng 0.9% phụ nữ sẽ chán ăn trong đời. 
  • Khoảng ⅓ người Mỹ mắc chứng rối loạn này là nam giới. Con số này cứ mặc nhiên tăng lên dù vẫn chưa ai lý giải được. Nguyên nhân có thể do nhiều người đàn ông đang dần sống chung với chứng rối loạn ăn uống hơn, hoặc họ dần mở lòng để chia sẻ những trải nghiệm của riêng họ, giúp việc thống kê diễn ra dễ dàng hơn.
  • Tỷ lệ người thuộc cộng đồng LGBTQ+ mắc chứng rối loạn là không cân xứng. Ví dụ, ước tính có khoảng 5% nam giới là đồng tính luyến ái, nhưng 42% nam giới mắc chứng rối loạn ăn uống lại là đồng tính nam. 
  • Hầu hết các thanh thiếu niên đều bị ảnh hưởng bởi chứng rối loạn này, trung bình từ 12 đến 13 tuổi. Áp lực trang lứa và phương tiện truyền thông xã hội có thể lan truyền các tiêu chuẩn về vẻ đẹp một cách phi thực tế.
  • Việc những người dân tộc thiểu số không được quan tâm (về sức khỏe, y tế…) có thể dẫn đến chứng rối loạn ăn uống.


Nhận sự trợ giúp cho chứng rối loạn ăn uống

Tình trạng rối loạn ăn uống có thể diễn biến phức tạp. Nếu bạn hoặc người thân đang cân nhắc đến việc chữa trị, bạn có thể đọc những điều chúng tôi vừa chia sẻ và tìm một nhà trị liệu chuyên về chứng rối loạn ăn uống.

Hãy nhớ rằng, không có gì đáng xấu hổ khi bạn cần giúp đỡ.


----------------------

Dịch bởi: bluewhale52

Biên tập: Khuynh Thần

Ảnh: pexels

Tham khảo: Mandy Rubin (2019), Eating and Food Issues

Available at:

<https://www.goodtherapy.org/learn-about-therapy/issues/eating-disorders?fbclid=iwar0fudonflypmwddqcqnsoyccxsl4az3h3f-bynrocnlrzvuzud6j1iwbqe> [Accessed at 24 August 2021]

-----------------------




BẢN THẢO
Bài viết liên quan