Cách để chấp nhận cuộc sống vô thường này

Mỗi chúng ta đều có khả năng tận hưởng cuộc sống của mình một cách trọn vẹn, miễn là chúng ta hiểu được rằng việc gặp phải những tình huống tiêu cực là không thể tránh khỏi và chẳng có gì tồn tại mãi mãi cả.

Những khoảnh khắc cứ tới rồi đi. Ngày này trôi qua, đến tuần, tháng rồi lại năm. Bạn và cuộc sống của bạn sẽ liên tục thay đổi, và chẳng có gì là vĩnh viễn cả.

Nguồn:tappancollective.com


Thật tốt nếu bạn có thể nhắc nhở bản thân về điều này mỗi khi đối mặt với nghịch cảnh hoặc khi bị chiếm lĩnh bởi những cảm xúc tiêu cực trong lòng. Bởi vì hầu hết chúng ta ở một thời điểm nào đó đều đã từng trải qua nỗi đau đớn tột cùng khi mất đi một người thân yêu.


Trong tương lai, nhiều người trong chúng ta có thể rơi vào trạng thái buồn bã, đau đớn sau khi chấm dứt một công việc hay một mối quan hệ. Và không may là một số người trong chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của tội ác, hoặc những hành động sai trái.


Việc ngẫm nghĩ trước những điều có thể xảy ra không nhất thiết phải đi kèm với cảm giác nặng nề hoặc đau khổ. Không thể phủ nhận rằng mỗi chúng ta đều sẽ trải qua những thử thách để đạt được sự an lạc, và chúng là những nguy cơ mà chúng ta không thể nào kiểm soát nổi. Nếu chúng ta có thể đối mặt với những tình huống này mà biết rằng không có gì là vĩnh viễn, vậy thì chúng ta sẽ có nhiều khả năng xử lý và vượt qua chúng một cách thích hợp. "Nhận thức rõ về sự vô thường và đánh giá cao tiềm năng của con người sẽ thúc đẩy chúng ta phải trân trọng và sống trọn theo từng phút giây." (Dalai Lama)


Cuộc sống không phải được cấu thành bởi toàn những điều tiêu cực, và ngược lại, những điều tốt đẹp cũng chẳng thể tồn tại vĩnh viễn. Vì vậy, nhận thức rõ điều này là vô cùng cần thiết để bạn có được một góc nhìn toàn diện. Bên cạnh đó, việc thấu hiểu về sự vô thường của những gì xảy đến trong cuộc sống sẽ thúc giục bạn sống hết mình và tận hưởng trọn vẹn những điều tuyệt vời nhất trên cuộc đời này.


Từ đó, thay vì coi những tình huống này là không thể tránh khỏi, bạn dần xem chúng là những món quà tuyệt vời theo đúng như bản chất vốn dĩ của chúng.  


Chấp nhận sự vô thường giúp thúc đẩy một đời sống tinh thần khỏe mạnh và mang lại hạnh phúc

Trong khi tâm lý học lâm sàng chủ yếu tập trung vào chẩn đoán và chữa trị những rối loạn và vấn đề liên quan đến tâm thần thì tâm lý học tích cực quan tâm đến cách tự tạo dựng niềm vui và các phương pháp để có được một đời sống tinh thần lành mạnh. Nó không chỉ đơn giản là loại bỏ trạng thái tinh thần tiêu cực.


Một nghiên cứu vào năm 2006 đã tìm hiểu cách thức để kết hợp những lý luận truyền thống của Phật Giáo và hệ tư tưởng phương Tây để đạt được sự cân bằng trong tâm trí (Wallace & Shapiro, 2006). Sự cân bằng tâm trí đáng mong ước này được xác định dựa trên ý tưởng về sự vô thường, một khái niệm mang tính nền tảng của Phật giáo.


Sự cân bằng tâm trí đạt được dựa trên sự vô thường sẽ ngăn chặn những vòng lặp của suy nghĩ tiêu cực, thứ khiến nhiều người phải đau khổ. Đó là một trong những lý do tại sao các tư tưởng Phật giáo đã xâm nhập vào văn hóa phương Tây chính thống: Tất cả mọi người đều tìm cách để có được một tâm hồn bình lặng và an yên.


Nguồn: Phoebe Garnsworthy



Đối mặt với khoảng thời gian khó khăn dễ dàng hơn

Nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý học tích cực cho thấy rằng các yếu tố bên ngoài không quyết định hạnh phúc của một người. Tất nhiên là các yếu tố tích cực bên ngoài cũng sẽ kết hợp và bổ sung cho sự hài lòng tổng thể. Tuy nhiên, các yếu tố bên trong mới là cần thiết để đạt được một cuộc sống hạnh phúc thực thụ.


Hạnh phúc đến từ bên trong, và nó có thể được vun đắp thông qua quá trình thiền chánh niệm và các hoạt động khác, bao gồm: ghi chép lại những điều mình biết ơn, tôn trọng và tập trung suy nghĩ vào những điều tốt đẹp.


Trong những thời điểm khó khăn, người ta thường cảm thấy buồn vì đã đánh mất một số vật mà họ đã từng gắn bó sâu sắc. Và ở một số trường hợp, ngay cả nguy cơ mất đi một yếu tố bên ngoài cũng đủ dấy lên những cảm xúc tiêu cực.


Sự vô thường cho phép con người đối phó dễ dàng hơn với khoảng thời gian khó khăn. Nếu ai đó đi đến kết luận rằng cuộc sống không vĩnh viễn và cũng không có bất cứ thứ gì là tồn tại mãi mãi (như bạn đời, con cái, công việc, thể chất, tài chính và địa vị xã hội), thì người đó nhiều khả năng là sẽ phản ứng một cách khéo léo hơn khi thứ gì đó được coi là có giá trị bị mất đi (LaBier, 2012).


Bạn không thể cưỡng ép để có được sự hạnh phúc.

Theo Phật giáo, sự gắn bó là cội rễ của đau khổ, và nó có thể giải thích tại sao nhiều người lại khó lòng hiểu thấu được sự vô thường. Chấp nhận một cách lý trí rằng mọi người và mọi thứ đều chỉ là tạm bợ là một khái niệm mới mẻ. Tuy nhiên, cho dù bạn có muốn tin hay không thì đó cũng là sự thật.



Nguồn: ZhaldakART


Bạn cũng cần hiểu rằng việc nắm bắt những suy nghĩ, cảm xúc tích cực và những điều xảy ra trong cuộc sống không phải là những gì mà tâm lý học tích cực khuyến nghị. Nếu bạn chấp nhận khái niệm vô thường, nhưng vẫn cố gắng cưỡng cầu hạnh phúc và niềm vui thì bạn đã hiểu sai mất rồi. Mỗi chúng ta đều có khả năng tận hưởng cuộc sống của mình một cách trọn vẹn, miễn là chúng ta hiểu được rằng việc gặp phải những tình huống tiêu cực là không thể tránh khỏi và chẳng có gì tồn tại mãi mãi cả. Mọi thứ trong cuộc sống của bạn, bao gồm cả bản thân bạn đều có “hạn sử dụng”.


Trích dẫn này của Paul T.P. Wong (2007), một nhà tâm lý học tích cực chuyên nghiên cứu về những phong tục truyền thống của Trung Quốc, đã tóm tắt một cách tuyệt vời khái niệm vô thường. Nó được trích từ một bài báo mà ông đã viết phác thảo về sự khác biệt giữa tâm lý tích cực của Mỹ và Trung Quốc: “Khát khao có được hạnh phúc khiến chúng ta sợ hãi hoặc sẽ từ chối bất cứ điều gì gây ra nỗi bất hạnh hoặc đau đớn. Sự gắn bó mật thiết với những thứ mà ta sở hữu và các thành tựu luôn dẫn đến thất vọng và vỡ mộng. Đơn giản là bởi vì mọi thứ đều vô thường. Do đó, việc tâm lý học tích cực chỉ theo đuổi những trải nghiệm tích cực mà tránh những trải nghiệm tiêu cực là cực kỳ phản tác dụng, bởi vì chính sự tập trung vào hạnh phúc đã vô tình gieo trồng mầm mống của niềm bất hạnh và đau khổ. Không nắm bắt được toàn bộ kinh nghiệm từ cuộc sống là căn nguyên của khổ đau.”


------------

Người dịch: Ivoanh

Biên tập: Khuynh Thần

Nguồn bài viết:<https://positivepsychology.com/impermanence/>

BẢN THẢO
Bài viết liên quan