Cái Bẫy Của Cha Mẹ

“Đặc quyền trong suốt cuộc đời của một con người là được sống thật với chính mình”

“Đặc quyền trong suốt cuộc đời của một con người là được sống thật với chính mình”

Đó là lời khẳng định vượt thời gian của Carl Jung vào đầu thế kỷ XX. Nhiều người trong chúng ta khi đã đến độ tuổi trung niên, mới nhận ra rằng cuộc đời mình bị thôi thúc bởi những kỳ vọng bên ngoài. Cái nhìn sâu sắc này khiến ta bối rối – và ta thường có xu hướng gỡ rối bằng cách cố gắng tìm ra bản thân mình ở độ tuổi trung niên.

Thách thức trong việc khám phá bản thân khi đã đi đến giữa cuộc đời được đề cập khá rộng rãi, nhưng sẽ ra sao nếu chúng ta áp dụng châm ngôn của Jung lên những đứa trẻ của mình? Liệu rằng hầu hết chúng ta có để cho những đứa trẻ phát triển trở thành con người thật của chúng? Hoặc, liệu ta có vô tình đẩy chúng vào những khuôn phép được thiết lập dựa trên nhận thức hạn hẹp của mình?

Bài Học Từ Chú Cừu Non Bé Bỏng

Việc chứng kiến những đứa trẻ của mình “đủ lông đủ cánh” và bắt đầu “rời tổ” là một việc gây khó chịu. Cuốn sách dành cho trẻ em, Chú Cừu Woolbur, minh họa sâu sắc cảm giác lo âu của cha mẹ:

“Hôm nay Woolbur gặp chút rắc rối với bầy đàn,” Maa nói.

Paa hỏi: “Chuyện gì vậy?”.

Woolbur đáp: “Con không muốn đứng yên trong đàn. Thế nên con lại chạy cùng với lũ chó.”

“Nhưng đó là những con chó bán hoang dã!” Paa nói.

“Con biết,” Woolbur đáp. “Nhưng nó không tuyệt sao ạ?”

“Chúng sẽ chạy vòng vòng quanh con đó!” Maa nói.

“Con biết. Nhưng không phải điều đó rất tuyệt sao ạ?”

Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với tư cách là những bậc phụ huynh, việc nhìn thấy con cái chúng ta rẽ hướng là điều thật sự khó chịu.

Thành Kiến

Tri giác của con người là một cơ chế phức tạp. Chúng ta nhìn sự vật theo cách của chúng ta chứ không theo cách của chúng. Mọi tri giác của chúng ta về thế giới xung quanh bị điều khiển bởi những kinh nghiệm và kỳ vọng trước đây.

Tất cả mọi thứ chúng ta cho rằng mình đang nhìn thấy hiện tại đều được xây dựng nên từ lịch sử của bản thân. Là con người, chúng ta không tiến hóa với sự nhìn nhận thế giới một cách chính xác. Dữ liệu đi qua các giác quan của chúng ta nhưng lại chẳng có ý nghĩa gì.

Chúng ta cần giải thích các dữ liệu thuộc giác quan, vì vậy chúng ta dựa vào những gì mình đã trải qua để gán nghĩa cho các dữ liệu ấy. Quá trình nhận thức này thấm dần qua các giả định và thành kiến của ta, từ đó tạo nên tri giác về thực tại. Bằng cách khuyến khích khả năng tiên đoán những thay đổi của môi trường, phương thức này sinh ra nhằm duy trì cảm giác an toàn trong chúng ta, giúp làm giảm cảm giác lo lắng, hoang mang trong một thế giới đầy hiểm họa.

Liệu hệ thống tri giác của chúng ta có thúc đẩy tầm nhìn hạn chế khi chúng ta trở thành các bậc phụ huynh?

Nhiều cơ chế nhận thức thúc đẩy sự đưa ra quyết định nhanh chóng. Những lối tắt tinh thần cho phép chúng ta có những hiểu biết về thế giới. Vào thời xa xưa, những lối tắt này đã giúp chúng ta thích nghi và bảo vệ chúng ta khỏi các mối đe dọa trước mắt – như những kẻ săn mồi. Tuy nhiên, trong thế giới luôn thay đổi của chúng ta, một vài trong số những lối tắt này có thể không có khả năng thích nghi tốt bởi ta bóp méo tri giác của chính mình và tự đẩy bản thân vào các khuôn mẫu.

Năm 1955, nhà tâm lý học Gordon Allport đã đưa ra thuật ngữ “tập hợp tri giác” như là một “sự sẵn lòng tri giác những đặc điểm cụ thể của một kích thích.” Bằng cách thúc đẩy chúng ta chú ý đến khía cạnh nào đó của một tình huống và ngăn chặn góc nhìn những khía cạnh khác, tập hợp tri giác khiến ta nhìn nhận sự vật một cách hạn chế. Động lực, kỳ vọng, cảm xúc và văn hóa điều khiển quá trình tri giác bị hạn chế này.

Tập hợp tri giác thu hẹp khả năng của chúng ta trong việc vượt qua rào cản những thứ mà ta đã biết để định liệu con đường khác biệt cho bản thân và con cái của mình. Việc bức phá bản thân cũng như thay đổi cách thức của chúng ta trong việc nuôi dạy con cái là vô cùng khó khăn, và hầu hết chúng ta không nhận biết được sự hạn hẹp trong tri giác của mình.


Khi nào thì điều này trở thành vấn đề?

Sự bất lực trong việc thay đổi tri giác của chúng ta sẽ thực sự trở thành vấn đề nghiêm trọng khi chúng ta đang nuôi nấng một đứa trẻ có xu hướng khác biệt – giống Woolbur. Hằng ngày những đứa trẻ này đối diện với sự mâu thuẫn giữa các nhu cầu tâm lý, nhu cầu thể chất của chúng và môi trường xung quanh. Việc không hiểu ý nhau dẫn đến những mâu thuẫn gia đình trong thời gian ngắn và sự suy giảm sức khỏe tinh thần về lâu dài.

Do tri giác hạn hẹp của chúng ta, việc đưa ra những lựa chọn và cho phép đứa trẻ của mình rẽ hướng là vô cùng khó khăn. Mong muốn giảm bớt cảm giác lo âu khiến chúng ta bị giữ chân trên hành trình tra tấn, và thúc ép trẻ phải tuân theo.

Chúng ta có thể làm gì để sửa đổi tri giác của mình?

Beau Lotto – một nhà thần kinh học nghiên cứu về tri giác con người – cho biết, bạn cần phải đối mặt với những cảm giác lo âu của mình. Bước đầu, bạn cần chấp nhận rằng mọi thứ bạn làm đều mang những thành kiến và giả định được hình thành nên từ những gì bạn đã trải qua; sau đó hãy liên tục đặt ra câu hỏi về những thành kiến và giả định đó.

Nếu một ngôi trường, một môn thể thao, một câu lạc bộ hay một hoạt động nào đó không phù hợp với con cái hoặc gia đình của bạn, hãy đặt câu hỏi tại sao bạn lại tiếp tục tham gia. Sẽ ra sao nếu bạn xem xét các lựa chọn thay thế?

Nếu bạn có thể đối mặt với những lo âu và đặt câu hỏi về các giả định của mình, bạn sẽ mở ra một lối sống mới cho cuộc đời mình. Bạn sẽ trở thành một người hoạt động tích cực trong môi trường của bạn. Sự thay đổi nhận thức này có thể được ví như việc xóa bỏ cái bẫy mà cha mẹ đặt ra.

Trở lại với câu chuyện Woolbur

Cha mẹ của Woolbur một mực yêu cầu cậu đi theo đàn, điều này khiến cậu trở nên vô cùng đáng thương. Cậu đã không tuân theo sự ép buộc này. Những chú cừu khác nhìn thái độ và hành vi thích thú của Woolbur liền quyết định đi theo cậu. Sự không tuân thủ, khả năng vui đùa của Woolbur cùng việc nhìn nhận thế giới một cách khác biệt đã trở thành yếu tố kích thích khả năng lãnh đạo của cậu. 

Việc cho phép những đứa trẻ của chúng ta đối mặt với cảm giác lo lắng và trở thành con người thực sự của chúng có thể mang lại những kết quả tích cực mà chúng ta không thể biết trước được.


Lời cuối

Là bậc cha mẹ, vai trò của chúng ta là động viên, hướng dẫn và dạy dỗ, tuy nhiên chúng ta nên thận trọng với việc giới hạn những con đường của trẻ dựa trên tri giác không hoàn hảo của mình về thế giới. Hãy thách thức những phương án mặc định trong việc nuôi dạy con cái và sẵn sàng đặt câu hỏi cho những giả định khó hiểu nhất của bạn.Cho phép con cái chúng ta phát triển trở thành con người thật của chúng là một đặc ân, như Jung đã phát biểu. Việc này đòi hỏi sự can đảm, thế nhưng sự khác biệt có thể dẫn chúng đến những con đường mới mẻ mà chúng ta chưa thể mường tượng được? Điều đó chẳng phải rất tuyệt ư?

Dịch: Châm

Biên tập: Catthi

Minh họa: Phan Lê Hoàng

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/beyond-school-walls/201912/the-parent-trap  

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan