Cái giá của hạnh phúc

Khi chúng ta buông bỏ quan niệm của mình về sự hoàn hảo, chúng ta tự giải thoát chính mình khỏi sự căng thẳng và thất vọng khi cố gắng chạy theo một tiêu chuẩn độc đoán nào đó

"Tất cả chúng ta đều muốn biết làm thế nào để hạnh phúc, nhưng hiếm khi chúng ta xem xét cái giá tiềm ẩn của hạnh phúc ấy. Nó không hề miễn phí. Và mặc cho những gì Covergirl, Tony Robbins hay Dalai Lama đã từng nói với bạn, không phải lúc nào cũng dễ dàng để có được hạnh phúc."


Hapiness


Bất cứ ai đã từng tham gia lớp học về kinh tế đều đã từng nghe qua câu nói:” Không có gì là miễn phí ”. Cái gì cũng đều có giá của nó. Kể cả khi cái giá đó không thực sự rõ ràng, bạn cũng cần phải đánh đổi một thứ gì đó để đạt được điều mình mong muốn. Nhưng ở trong thế giới ám ảnh theo đuổi hạnh phúc này, hầu hết chúng ta lại mong muốn điều ngược lại: chỉ nhận lại mà không phải cho đi, hái quả mà chẳng phải vun trồng. Hay thành công mà không phải trải qua đau đớn.


Trớ trêu thay, chính sự không sẵn sàng hi sinh lại khiến chúng ta đau khổ hơn.


Hạnh phúc cũng có cái giá phải trả. Hạnh phúc không hề miễn phí. Bất chấp những gì Cover Girl, Tony Robbins hay Dalai Lama đã từng nói, không phải lúc nào hạnh phúc cũng đến dễ dàng. Và sau đây chính là cách để bắt đầu tìm ra hạnh phúc là như thế nào. 


1. Bạn phải chấp nhận những khiếm khuyết và sự không hoàn hảo


Nhiều người tin rằng mọi thứ sẽ là mỹ mãn nếu họ có nhà lầu, xe hơi và một gia đình đủ vợ đủ chồng với 2-3 đứa con. Hoàn thành danh sách những mục tiêu đó, sống vui vẻ đến già và rồi chết đi. Thật không may, cuộc sống không phải lúc nào cũng diễn ra theo cách đó. Những vấn đề không biến mất- chúng luôn thay đổi và phát triển. Sự hoàn hảo của ngày hôm nay sẽ trở thành vô nghĩa vào ngày mai. Vì vậy càng nhanh chóng bạn chấp nhận rằng cuộc sống là sự tiến bộ, không phải sự hoàn hảo, càng sớm chúng ta có thể đặt một chiếc bánh pizza và đi về nhà.


Hoàn hảo là một sự lý tưởng hóa. Sự hoàn hảo ấy chỉ có đường tiệm cận mà không thể chạm vào. Dù khái niệm về “hoàn hảo” trong đầu óc bé nhỏ của bạn là gì thì bản thân nó cũng là một thứ không hoàn hảo chẳng thể đạt được. Thực tế, sự hoàn hảo không tồn tại. Chúng ta không thể quyết định hoàn hảo là gì. Tất cả những gì chúng ta biết là điều gì tốt hơn hay tệ hơn so với hiện tại. Và thậm chí sau đó chúng ta thường sai.


Khi chúng ta buông bỏ quan niệm của mình về sự hoàn hảo, chúng ta tự giải thoát chính mình khỏi sự căng thẳng và thất vọng khi cố gắng chạy theo một tiêu chuẩn độc đoán nào đó. Và thông thường đó không phải là tiêu chuẩn mà chúng ta đặt ra. Đó là những tiêu chuẩn mà chúng ta áp đặt từ người khác.


Chấp nhận sự không hoàn hảo là một điều khó khăn, bởi điều đó buộc chúng ta phải sống chung với những gì mình không thích. Chúng ta muốn nắm quyền kiểm soát và để cả thế giới biết rằng nền dân chủ phương Tây nên là như thế nào và tại sao phần cuối cuối của Game of Thrones lại có lẽ là điều tồi tệ nhất từng xảy ra. Giá như thế giới sẽ chiều theo những ý muốn của ta thì mọi thứ sẽ tốt hơn biết mấy.


Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng tuân theo ý muốn của ta. Đã từng. Và tương lai chúng ta cũng sẽ vẫn mắc sai lầm về một điều gì đó theo một cách nào đó. Trớ trêu thay, chính sự chấp nhận điều này lại khiến cho chúng ta hạnh phúc và thông cảm với những khiếm khuyết của bản thân cũng như người khác. Và đó, các bạn của tôi, ấy là một điều tốt.


Happiness


2. Bạn phải chịu trách nhiệm cho những vấn đề của mình


Đổ lỗi cho thế giới về những vấn đề của bạn là một lối thoát dễ dàng. Nó là một giải pháp hấp dẫn và thậm chí có thể khiến chúng ta hài lòng. Khi đổ lỗi cho người khác, chúng ta sẽ trở thành nạn nhân và phẫn uất trước tất cả những bất công khủng khiếp xảy đến. Chúng ta thoải mái đắm chìm trong vai trò nạn nhân mà ta tưởng tượng để khiến bản thân cảm thấy độc đáo và đặc biệt theo một cách mà chúng ta chẳng thể cảm thấy như thế ở bất kì nơi nào khác.


Nhưng vấn đề của chúng ta không phải là duy nhất và chúng ta cũng chẳng đặc biệt.


Vẻ đẹp của việc chấp nhận sự không hoàn hảo trong kiến thức của bản thân là việc bạn không còn quả quyết rằng vô can trong những vấn đề của chính mình. Bạn có thực sự đến muộn vì tắc đường không? Hay bạn có thể xuất phát sớm hơn? Có thật sự người yêu cũ của bạn là một tên khốn ích kỉ không? Hay bạn kiểm soát và đòi hỏi quá mức đối với anh ấy? Có thực sự là sự yếu kém của quản lí khiến bạn mất đi sự thăng tiến? Hay bạn có thể làm điều gì đó hơn thế nữa?


Hapiness


Sự thật thường nằm đâu đó xung quanh “cả hai”- mặc dù nó thay đổi theo từng trường hợp. Nhưng điểm mấu chốt là bạn chỉ có thể sửa chữa những khuyết điểm của bản thân , không phải của người khác. Bản thân bạn, sự kiểm soát và công việc của bạn. Vì vậy, hãy bắt đầu.


Chắc chắn cũng sẽ có những điều tồi tệ xảy ra. Đó không phải là lỗi của bạn nếu một người tài xế say xỉn đâm vào bạn và bạn bị mất chân sau một cuộc phẫu thuật hỏng. Trách nhiệm của bạn là phục hồi từ những mất mát đó, cả thể chất và tinh thần. Hãy đứng dậy.


Đổ lỗi cho người khác về những vấn đề của bạn trong cuộc sống có thể đem lại sự nhẹ nhõm tức thời, nhưng cuối cùng thì nó chỉ thể hiện một thứ rất nguy hại rằng bạn không có khả năng kiểm soát chính số phận của mình. Và đó là giả định đáng buồn nhất trong tất cả những gì chúng ta phải đối mặt.


3. Hãy xuyên qua nỗi sợ


Dũng cảm không có nghĩa là không sợ hãi. Dũng cảm là dẫu cho cảm thấy sợ hãi, hoài nghi hay bất an vẫn tiếp tục làm đến cùng những gì ta coi trọng.


Nếu chúng ta theo những cảm xúc biến đổi liên tục và sự nhạy cảm của mình, hạnh phúc sẽ dâng lên và rồi vỡ tan giống như cuộc truy hoan loạn lạc nơi phố Wall không được kiểm soát. Đối với những bạn không biết chút gì về phố Wall, điều đó thực sự tồi tệ. Chúng ta muốn hạnh phúc vững chắc và bền lâu, chứ đâu phải chỉ những cuộc vui.


Hạnh phúc đích thực, lâu dài mà mọi người đều công nhận không phải đến từ những trạng thái cảm xúc nhất thời. Việc luôn luôn vui vẻ là không thể và đôi lúc sẽ gây khó chịu. Đúng hơn hạnh phúc lâu dài của chúng ta bắt nguồn từ những giá trị sâu sắc mà chúng ta đặt ra cho chính mình. “Sự hài lòng đích thực trong cuộc sống” không được định nghĩa bởi những gì chúng ta làm hay xảy đến với với chúng ta. Điều quan trọng đến từ lí do tại sao chúng ta làm và việc đó có ý nghĩa như thế nào.


4. Bạn phải tìm ra mục đích thực sự cho hành động của bạn


Nói cách khác câu ấy có nghĩa là bạn phải chọn ra đươc cái gì sẽ truyền động lực cho bạn. Một cái gì đó phù phiếm, đến từ những gì trước mắt? Hay một điều gì đó có ý nghĩa cao cả?


Purpose

Động cơ vì tiền dẫn đến việc điều tiết cảm xúc không ổn định và nhiều hành vi nông nổi. Nhưng mong muốn có tiền để một người có thể mang lại cuộc sống tốt đẹp cho gia đình và con cái của họ lại là nền tảng vững chắc hơn nhiều để cố gắng. Mục đích sâu sa đó sẽ đem đến sức mạnh để họ vượt lên tất cả những áp lực, nỗi sợ hãi và vết thương biết trước không thể tránh khỏi. Điều mà mục đích chỉ vì những gì trước mắt sẽ không thể làm được.


Được thúc đẩy chỉ bởi sự đồng tình của người khác có thể dẫn đến những hành vi thiếu sót và không ấn tượng. Nhưng mong muốn có được sự ủng hộ để trở thành một nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật lay động trái tim và truyền cảm hứng cho những người xung quanh theo một cách mới mẻ lại bền vững và đáng ngợi ca hơn nhiều. Bạn có thể vượt qua hết những sự phản đối, xấu hổ và cả những thất bại.


Vậy làm thế nào để một người tìm thấy mục đích cao cả của mình? Chà, điều đó không hề dễ dàng. Nhưng cũng phải nói lại, hạnh phúc bền lâu trọn đời cũng đâu phải dễ dàng( Chưa từng có ai nói với bạn điều đó à?)


Phần lớn trong cuốn sách của tôi nói về việc tìm kiếm mục đích sống đích thực? Đây là một gợi ý: Nó liên quan đến hai yếu tố: phát triển và cống hiến. Phát triển có nghĩa là tìm ra cách để bản thân trở nên tốt hơn.Cống hiến có nghĩa là giúp cho người khác trở nên tốt hơn. Cố gắng tìm cách để kết hợp để cả hai yếu tố đó trở thành động lực của bạn.


Không có gì là sai nếu đó là tình dục, tiền bạc hay nhạc rock and roll. Nhưng tình dục nên xuất phát từ tình yêu chứ không đơn thuần là sự thỏa mãn thể xác. Nhu cầu về tiền bạc nên đến từ những giá trị sâu xa hơn là những con số. Nhạc rock and roll không nên đơn thuần chỉ là giải trí. Hãy tìm cách cân bằng để có thể đạt được kết quả tốt nhất.


5. Bạn nên sẵn sàng đối mặt với sự thất bại và xấu hổ


Trong cuốn sách về hẹn hò của tôi, tôi đã viết: “ Để trở thành sự xuất hiện có ý nghĩa thay đổi mạnh mẽ đối với một vài người, bạn phải chấp nhận việc trở thành trò cười cho ai đó”. Thật thú vị, đây có lẽ đã trở thành dòng được trích dẫn nhiều nhất từ ​​cuốn sách và là dòng tôi nhận được nhận được email quan tâm thường xuyên nhất.


Một trong những điều đặc biệt của con người chính là sự đa dạng của những giá trị sống. Khi bạn sống hết mình với những giá trị ấy và để chúng tiếp lửa cho hành động của bạn, cũng không thể tránh khỏi việc tồn tại những người có giá trị mâu thuẫn với chúng ta. Những người đó có thể không thích bạn, hay để lại những bình luận ẩn danh ác ý về mẹ của bạn. Khi bạn làm bất cứ thứ gì cũng sẽ có những người mong bạn thất bại. Không hẳn họ là người xấu, đơn giản bởi họ có những mục tiêu khác bạn.


(OK, một vài người trong số họ là những kẻ xấu xa)


Một người khôn ngoan hơn tôi đã từng nói: “ Người đã không thích bạn thì bạn có làm gì người ta cũng không vừa mắt.”


Trong bất cứ dự án nào, thất bại cũng là điều cần thiết để tiến bộ. Và sự tiến bộ, theo như định nghĩa, chính là thứ thúc đẩy hạnh phúc- tiến bộ của chúng ta, tiến bộ của người khác, tiến bộ của những giá trị và những gì ta quan tâm. Không có thất bại, không có tiến bộ và không có tiến bộ đồng nghĩa với không có hạnh phúc.


Làm dịu cơn đau. Đắm mình trong sự khinh bỉ. Nhớ rằng một trong những kỹ năng quan trọng nhất trong cuộc sống không phải là làm thế nào để tránh bị gục ngã, mà là học cách đứng dậy. “Người ghét vẫn sẽ ghét.”

--------------

Người dịch: Ivoanh

Biên tập: Rabbie

Nguồn ảnh:

Nguồn bài viết:

<https://markmanson.net/hidden-costs-of-happiness>



BẢN THẢO
Bài viết liên quan