Cái Giá Của Việc Luôn Cố Gắng Tỏ Ra Hạnh Phúc

Nhiều năm trước, trong nhóm bạn của tôi có một anh chàng với vẻ ngoài vui vẻ và luôn sôi này, tràn đầy sự phấn khích. Bạn sẽ luôn nhận được những cử chỉ nhẹ nhàng ấm áp từ anh …

Nhiều năm trước, trong nhóm bạn của tôi có một anh chàng với vẻ ngoài vui vẻ và luôn sôi này, tràn đầy sự phấn khích. Bạn sẽ luôn nhận được những cử chỉ nhẹ nhàng ấm áp từ anh ấy. Đó là cái ôm trong những lần gặp mặt . Luôn luôn sẵn lòng đi chơi với bạn. Dành lời khen cho bạn từ những điều nhỏ nhặt mà ít ai để ý nhất. Và chúng tôi gọi anh ấy là “Jon”.

Jon ngoan ngoãn y hệt một chú cún, là một trong số rất ít người có thể kiềm chế được sự sôi nổi và phấn khích, những điều đôi khi khiến người khác cảm thấy không thoải mái. “Cậu có thể, tỏ ra…chán ghét cuộc sống này một lát thôi được không?”, tôi đã luôn tự nhẩm trong đầu như vậy. Nhưng không, tôi đã không tự lừa dối bản thân mình. 

Ôi trời, chuyện đó đã chẳng bao giờ xảy ra. Và tôi cảm thấy mình thực sự là một kẻ xấu xa với những suy nghĩ tồi tệ đến vậy. Tôi dám chắc rằng mình đã đố kị. Hoặc có thể rơi vào trường hợp tệ hơn: một kẻ xấu. 

Nhưng tôi đã không phải chịu đựng cảm giác như một kẻ xấu xa quá lâu, bởi vì Jon quá đỗi vui vẻ và hòa nhã, đến mức bạn không thể tránh khỏi việc được truyền năng lượng tích cực để trở nên hạnh phúc hơn. Anh ấy luôn muốn song hành cùng bạn trải qua mọi thăng trầm trong cuộc sống. Đó là con người sẵn sàng trao cho bạn sự hạnh phúc và tự hào về bạn, kể cả khi bạn không thể yêu thương hay tự hào về chính mình . Thậm chí tôi còn cho rằng Jon là một trong những người thông thái. Người có thể vượt qua hết mọi điều bất hạnh trong cuộc sống. Bằng cách nào đó cậu ấy giải quyết mọi điều khó khăn một cách rất dễ dàng. Đó là người biết rằng bản thân được ban phước lành và dành cả cuộc đời anh ấy giúp đỡ người khác có cuộc sống tốt đẹp như mình. Rồi vào một ngày, tôi vô tình bắt gặp Jon đang chơi thuốc ngay sau cửa nhà vệ sinh. Chuyện quái gì đang xảy ra vậy?

Không thể nào! Anh chàng này đáng ra phải là người đã tìm ra được lẽ sống chứ! Trong mắt mọi người cậu ấy luôn là anh chàng có sức đề kháng cao với những giây phút mềm yếu như vậy! Bạn tôi ơi, cậu đã là người tuyệt vời như thế đấy!

Hóa ra, mọi thứ về Jon đều là một mớ bòng bong. Cuộc sống gia đình hỗn loạn. Đời sống cá nhân rắc rối. Chính nguồn năng lượng tích cực vô tận cùng đôi lần chơi thuốc là những điều duy nhất giúp anh ấy còn giữ được tỉnh táo, như những mảnh vỡ vụn được chắp ghép lại nguyên dạng nhờ vào dải băng dán. 

Và tôi đã mất khá lâu để có thể luận ra điều này nhưng nó cũng khiến tôi bất ngờ không kém: Jon bị cuốn theo những cảm xúc. Tôi biết nghe qua thì luận điểm này khá điên rồ, anh ấy luôn xuất hiện với vẻ ngoài đáng ao ước: cực kì vui vẻ, hạnh phúc và ấm áp, luôn luôn suy nghĩ tích cực và tràn đầy nhựa sống, chưa bao giờ rơi vào tình trạng ủ rũ. Nhưng đây là sự thật. Jon không chỉ bó tay trong việc giải quyết các cảm xúc, anh ấy còn phải chịu đựng nhiều đau khổ từ nó. 

Vậy các cung bậc cảm xúc ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?

Cảm xúc là phản ánh của não bộ trước sự khác nhau giữa môi trường ngoại cảnh và kì vọng của bạn. 

Cũng giống như cảm giác nóng và lạnh khi bạn bước ra ngoài trời (cơ thể bạn tiếp xúc với không khí, làn da sẽ điều chỉnh nhiệt độ thích hợp với nhiệt độ cơ thể và gửi một tín hiệu tới bộ não thông báo “lạnh” hay “nóng”), các cảm xúc cũng có chung cơ chế này trước sự việc tâm lí phức tạp.

Vậy bạn đi ra ngoài , cơ thể gửi tới bộ não tín hiệu “trời lạnh” và bạn chạy vào trong nhà, lấy thêm áo khoác. Tương tự vậy, nếu bạn tan ca và bắt gặp chồng mình đang “đá lưỡi” với cô nàng giao thư, cơ thể bạn gửi một tín hiệu cảm xúc tới bộ não với nội dung, “chuyện quái gì đang diễn ra vậy?”, không lâu sau bạn li hôn anh ta và tận hưởng khoản phân chia tài sản khổng lồ cùng thật nhiều kem trên ghế bành.

Các cảm xúc được thiết lập nên với mục đích tạo động lực mạnh mẽ đủ để chúng ta có thể bắt tay hành động và tìm cách hạn chế sự chênh lệch giữa kì vọng và ngoại cảnh, bằng việc thay đổi ngoại cảnh hoặc điều chỉnh lại kì vọng của chúng ta.

Hãy xem ví dụ sau, bạn trò chuyện cùng với một đồng nghiệp và phát hiện ra con nhỏ Betty đã cướp mất ý tưởng tuyệt vời của bạn, kết quả là nó đã nhận được sự tán dương nồng nhiệt từ mọi người.

Nhiều khả năng bạn sẽ cảm thấy nhiều cảm xúc mạnh như giận dữ, ghen tỵ, và phản bội giữa rất nhiều lựa chọn khác. Cơ hội bạn quyết tâm bày tỏ suy nghĩ của mình trước con bé Betty (và/hoặc sếp) cũng không hề thấp. Những điều chết tiệt sẽ chỉ xảy ra ở trong cái văn phòng này bởi vì sự bất công sẽ không thể tồn tại được đâu, cô bạn ạ . Tất cả sự giận dữ và đau đớn mà bạn cảm nhận được cũng phần nào khiến cái nhìn của bạn đối với công ty và cả sự nghiệp trở nên khắt khe hơn. Không chỉ dừng lại ở đó, bạn sẽ trở nên rất thận trọng trong tương lai tất cả vì bạn không muốn phải chịu đựng cảm giác này thêm một lần nào nữa, vì vậy bạn sẽ làm việc chăm chỉ để đảm bảo thành quả của mình sẽ được cộng nhận ở những cơ hội khác. Có thể đó là một trải nghiệm không mấy dễ chịu, nhưng những cảm xúc đã kích thích bạn giải quyết vấn đề và sẽ còn có ích đối với bạn không chỉ ở lần này.

Và đó là lí do khiến cảm xúc của chúng ta cực kì “quyền lực”, có sức ảnh hưởng và hữu dụng. Bất kể chúng ta có cảm thấy dễ chịu hay không thì chúng đều mang lại cho ta động lực thực hiện những hành động phù hợp và khả năng giải quyết bất kì điều gì đến. 

Nhưng có một vấn đề được đặt ra ở đây là, những cảm xúc sẽ không có ích nếu chúng được đặt ở sai hoàn cảnh. Nếu tôi buồn chán khi đúng ra là phải đang sợ hãi, hoặc quá phấn khích khi đúng ra sẽ phải tức điên lên, vậy thế quái nào mà cảm xúc có thể giúp tôi xoay xở với cuộc đời, chứ đừng nói đến việc tồn tại.

Vấn đề này tương tự với hiện tượng “vui vẻ mọi lúc bất kể sự xô đẩy của cuộc đời”. Đây chính là lí do Jon trở thành một mớ bòng bong tồi tệ. Thay vì phản hồi đúng cảm xúc trong đúng hoàn cảnh, cậu ấy lại cố che đậy sự việc bằng cả tá thứ hào quang, lấp lánh chết tiệt.

Bằng cách nào mà sự phong phú của cảm xúc có thể giúp bạn trở thành người mạnh mẽ?

Trong từ điển chuyên ngành Tâm lí học có khái niệm “sự đa dạng xúc cảm”. Bạn có thể hình dung nó như là sự trải nghiệm tính đa dạng của tâm trạng. Và sự thật là những cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực giúp con người ta tốt đẹp hơn, về mặt thể chất lẫn tinh thần so với những người thương chỉ gói gọn bản thân trong vài cảm xúc, tốt hoặc xấu. 

Cũng giống như khi hồ sơ cổ đông càng đa dạng thì khả năng phục hồi sau các nhiễu loạn càng cao, một tâm hồn đa sắc thái sẽ giúp bạn bình tĩnh vượt qua mọi rào cản mà cuộc sống mang lại. Nếu bạn cảm thấy bình tĩnh với sự giận dữ, bạn sẽ biết tận dụng nó ở thời điểm thích hợp. Nếu bạn chung sống hòa bình với sự vui vẻ, tội lỗi hoặc muộn phiền, bạn cũng sẽ biết cách kiểm soát chúng một cách hợp lí nhất.

Cuộc sống đa xúc cảm không đơn thuần chỉ là vài trạng thái “tốt’ và “xấu”. Bạn cũng có thể sở hữu nhiều trạng thái khác như thích thú, hân hoan, toại nguyện, biết ơn, hãnh diện, yêu thương, hi vọng và giận dữ, đau buồn, tội lỗi, khinh bỉ, lo lắng, căm ghét, xấu hổ,…

Những nhà nghiên cứu cho rằng người cảm nhận và trải qua càng nhiều sắc thái cảm xúc cũng đồng thời biết cách đứng lên sau những vấp ngã trong cuộc đời, bởi vì họ giỏi hơn trong việc xác định nguyên nhân sinh ra những cảm xúc đó. Vì thế nếu bạn hiểu rõ chính xác nguyên nhân đằng sau cảm xúc của mình thì sẽ thật dễ dàng để phản ứng lại khi gặp chúng. Điều này giúp họ thành thạo hơn trong việc làm chủ cuộc sống, một yếu tố quan trọng để khám phá niềm vui và trên hết là sự hạnh phúc.

Một “bộ sưu tập” đa dạng các cảm xúc sẽ khiến bạn thêm cảm kích vì tính chất không bất biến của chúng. Khi bạn chỉ cho phép bản thân cảm nhận một hoặc hai trạng thái tâm lí trong mọi hoàn cảnh, bạn sẽ nhận thấy dường như chúng không thể biến mất (hoặc nên như thế). Thế giới luôn luôn ngu xuẩn. Cuộc sống thật tuyệt vời. Bạn mãi mãi chìm trong cảm giác tội lỗi bởi vì nhân cách xấu xí của mình. Hoặc có thể bạn luôn tự hào về bản thân, triệu chứng của bệnh rối loạn nhân cách ái kỉ và tự sướng với những tấm ảnh kỉ yếu cấp ba. Khi bạn mắc kẹt trong trạng thái “nhìn nhận thế giới qua một bộ lọc cảm xúc”, bạn quên mất rằng các cảm xúc là dạng hình thể thoáng qua chớp nhoáng mà không thực sự ẩn chứa ý nghĩa gì.

Tính đa dạng của cảm xúc cho chúng biết rằng chúng đến rồi sẽ vụt đi. Nếu hiện tại bạn đang tức giận, hãy chú ý xem, sau vài giờ nữa sẽ là một trạng thái khác thôi. Nếu bạn đang cảm thấy vui vẻ, quá tuyệt vời, hãy hưởng thụ nó bởi vì ai biết được tai ương gì sẽ diễn ra tiếp đây. Khi bạn buồn rầu hay cảm thấy tội lỗi, cũng đừng lo lắng, mọi chuyện sẽ khá hơn vào một ngày không xa. Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây là “bằng cách nào chúng ta có thể làm phong phú nội tâm của mình đây?”

Hãy trở thành một ninja cảm xúc

Bước đầu tiên để sở hữu nguồn cảm xúc dồi dào: hãy xác định giá trị bản thân. Hãy chú ý và chấp nhận những điều bạn cảm nhận được khi bắt gặp chúng. Nghe có vẻ đơn giản và cũng không kém phần vô vị. Nhưng sự thật là nếu bạn khước từ một cảm xúc đủ lâu, bạn sẽ hoàn toàn không nhận ra rằng mình đang cảm nhận nó.

Tôi đã từng đề cập về việc nhận dạng và biệt lập các cảm xúc của con người như là một cách để rèn luyện năng lực tự nhận thức bản thân và hiểu hơn về những cảm xúc đó. Đây chính là bước đi tiếp theo. Hãy học cách nhận diện sự có mặt của cảm xúc và đừng để nó ảnh hưởng đến quá trình đưa ra quyết định của bạn. Có một sự khác nhau giữa mong muốn tẩn vào mặt một tên khốn, và hoàn cảnh hiện thực để làm điều đó. Hành động nếu được thực hiện sẽ là điều không thể chấp nhận được, và ta có thể ngăn chặn sai lầm này. Cảm giác thôi thúc bạn lại là bản năng tự nhiên của con người.

Khi cảm xúc không thể lấn át được lí trí, bạn sẽ lạc trong những trải nghiệm sâu sắc và phức tạp hơn trong thế giới cảm xúc. Chẳng hạn có những thời điểm trong cuộc đời bạn cảm thấy mệt mỏi, nhưng khi bạn thành công trong việc cách ly tâm trí khỏi nỗi phiền muộn đó và khám xét nó thật kĩ càng, lúc đó bạn sẽ nhận ra những điều khiến bạn mệt mỏi cũng là những điều làm bạn tức giận. Đến đây chúng ta đã có thể luận ra điều gì rồi đấy. Thay vì biến mình trở thành một gã trai ủ rũ nằm dài trên sofa và chấp nhận sự thật rằng cuộc sống này là vô nghĩa – Ồ! Mà những hành động đó cũng giúp gì cho ta chứ? – Khi mà sự tức giận có thể thúc đẩy bạn làm điều gì đó để phản ứng lại thực tế này, tất nhiên không phải để bạn lẩn trốn khỏi cuộc đời, thay vào đó giúp bạn xoay xở trong những tình huống khó khăn.

Đây cũng chính là tất cả những đặc điểm của một ninja cảm xúc. Mọi cảm xúc của họ không chỉ giới hạn trong phạm vi vui vẻ hay sự thỏa mãn. Bí quyết nằm ở chỗ tìm ra những lớp cảm xúc nằm sâu trong con người bạn và biến chúng thành những vũ khí hữu dụng. Sự tức giận là động lực của hành động. Nỗi buồn dẫn tới sự chấp nhận. Sai lầm giúp bạn trưởng thành. Niềm vui là chìa khóa của cánh cửa động lực. 

Cuộc sống không chỉ là kiểm soát những cảm xúc. Rõ ràng điều này là không thể. Cảm xúc tới rồi đi không theo ý muốn của chúng ta. Cuộc sống được dùng để truyền tải các cảm xúc. Và mỗi kênh cảm xúc cũng gần như là một kĩ năng của nó. Tương tự như kĩ năng chiến đấu cùng côn nhị khúc , những thanh trượng và gươm samurai là những bộ kĩ năng khác nhau trong giới võ sư, truyền tải mỗi cảm xúc để có hành động đúng đắn là tuyệt kĩ cần trau dồi và luyện tập trong suốt cuộc đời. Một khi bạn đã làm chủ tất thảy chúng, bạn sẽ trở thành ninja cảm xúc, dễ dàng thích nghi và nhẹ nhàng xắt nhỏ mọi nghịch cảnh mà cuộc sống ném vào bạn. 

Bạn từng cho rằng Ninja Rùa chỉ dành cho bọn nhóc tì? Thôi nào bạn tôi. Đằng sau đó rõ ràng là một bài học thâm thúy. Mỗi nhân vật đại diện cho một cao thủ trong giáo phái cảm xúc –  Raphael nóng tính, Donatello lại tò mò, Leonardo luôn có cảm giác bất an, và bạn có thể xem Michaelangelo là một miếng pizza. Làm chủ tất cả những cung bậc cảm xúc đó và rồi làm chủ chính mình (hence, “Master Splinter”). 

Dịch: Jade

Biên tập: Linh Vũ

Nguồn: https://markmanson.net/happiness-is-not-enough

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL


BẢN THẢO
Bài viết liên quan