Căng thẳng có thể thay đổi tính cách của bạn như thế nào?

Căng thẳng có thể biến bạn thành một con người mà bản thân không hề mong muốn, một người thiếu kiên nhẫn, bi quan và không có động lực.


Căng thẳng có thể ảnh hưởng và thay đổi tính cách của bạn. Có thể bạn đã từng rất lạc quan, tự tin, và thường đáp lại mọi người quanh bạn bằng một nụ cười. Thế nhưng giờ đây, mọi chuyện có vẻ đã khác. Dường như mọi thứ đều có thể khiến bạn phiền muộn. Bạn dễ dàng mất kiên nhẫn và luôn mang một tâm trạng không tốt. Bạn nghi ngờ tất cả mọi thứ và chẳng thể nào loại bỏ sự hờ hững của chính mình.


Phải chăng tất cả là hồi chuông cảnh tỉnh cho bạn?


Thật buồn khi đó là thực trạng chung mà nhiều người gặp phải và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, điều gây ngạc nhiên nhất chính là việc trong những trường hợp này, con người thường nhận thức được việc họ thay đổi thế nào. Cách họ phản ứng lại với những yếu tố bên ngoài tạo ra sự lo lắng và họ thường băn khoăn tại sao lại hành động như vậy. 


Tuy nhiên, họ chẳng thể làm gì ngoài việc quan sát thế giới với sự mệt mỏi. Mọi thứ dường như tối tăm và gây lo lắng. Họ không có bất kỳ động lực nào cho những thứ đã từng thúc đẩy và truyền cho họ năng lượng tích cực. Những điều đó hiện tại dường như chỉ khiến họ kiệt sức. Khi chúng ta chú ý tới sự khác biệt giữa cách chúng ta đã và đang cư xử do căng thẳng gây ra, chúng ta sẽ phát hiện bản thân mình chỉ đơn giản là đang khiến những vết thương trở nên sâu sắc hơn.



Ảnh: Siora Photography | Unsplash


Một bước tiến tích cực


Như nhà tâm lý học trị liệu Carl Rogers đã chỉ ra, việc nhận thức được sự lo lắng lẫn sự không hài lòng của bản thân, cùng với những việc bạn đang làm và những gì đang xảy đến với bạn là một bước tiến tích cực. Giờ đây bạn có cơ hội để giải quyết vấn đề một cách rõ ràng và dũng cảm. Bạn chỉ đang thiếu đi những động cơ đúng đắn để làm việc này mà thôi


Căng thẳng có thể thay đổi tính cách của bạn như thế nào?


Như đã đề cập ở trên, căng thẳng có thể thay đổi tính cách của bạn theo nhiều cách khác nhau. Những người đã từng có rất nhiều động lực, tận tâm và tốt bụng đều có thể trở nên dễ dàng nổi cáu chỉ trong vài tháng. 


Bạn có thể thấy điều này không chỉ ở bản thân mình mà còn ở những người đồng nghiệp, bạn bè hoặc đối tác, những người dường như không còn tận hưởng khoảng thời gian làm việc cùng bạn. Họ trở nên dè dặt, trả treo, dễ dàng chán nản và luôn tìm cớ bới móc thêm nhiều vấn đề khác dù trước đó đã có nhiều hướng giải quyết được đề xuất. 


Tại sao điều này lại xảy ra? Chuyện gì đang diễn ra trong tâm trí để rồi tạo ra những sự thay đổi này? 


Căng thẳng khiến bạn trở nên bi quan 


Mãi cho đến gần đây, các chuyên gia cho rằng tích cách của con người ở một thời điểm nhất định nào đó trong cuộc sống sẽ trở nên ổn định và không dễ dàng thay đổi theo thời gian (Costa and McCrae, 1988). Tuy nhiên, nghiên cứu của tiến sĩ Grant Shields từ đại học California cho ta thấy điều này không hẳn đúng. 


Tính cách của bạn dao động và thay đổi, đặc biệt là do những sự kiện hoặc trải nghiệm không tốt mà bạn học được và chúng khiến bạn nhìn thế giới theo một cách khác. Điều này được xem là tích cực bởi nó cho phép bạn trưởng thành và phát triển thành một con người thực thụ. 


Mặt khác, chúng ta sẽ có ít hơn những trải nghiệm mang tính khuyến khích, nơi những căng thẳng thường xuyên được duy trì trong một khoảng thời gian dài tạo ra những thay đổi rõ nét trong tính cách của bạn. 


Căng thẳng thường xuyên (không phải loại ngắt quãng) thay đổi tính cách bởi nó khiến bạn trở nên bi quan. Tình trạng không có khả năng tự vệ và mệt mỏi về tâm lý cũng nghiêm trọng tới mức tạo ra những cảm xúc trái chiều như bi quan, tiêu cực và bất hạnh, cuối cùng là nhấn chìm cuộc sống của bạn. 


Stress thay đổi mạch thần kinh của bạn


Căng thẳng sẽ kích hoạt hệ thống não bộ bao gồm vùng dưới đồi, tuyến yên và vỏ thượng thận. Những vùng này là nơi tiết ra những hợp chất tương tự cortisone, ví dụ như glucocorticoids. Hormone có ảnh hưởng lớn nhất lên não bộ và cơ thể là cortisol. 


Vì vậy, căng thẳng có thể thay đổi tính cách của bạn là bởi ảnh hưởng của loại hormone này. Bạn càng mệt mỏi, bạn sẽ không thể tập trung, hay quên và cũng trải qua hiện tượng được gọi là “quá nhạy cảm với môi trường”.


Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ gặp phải kích thích mạnh mẽ hơn. Đó là lý do tại sao bạn thiếu kiên nhẫn và làm quá mọi thứ lên, dẫn tới tình trạng không thể đối mặt với những tình huống khó khăn trong cuộc sống. 



Ảnh: Nathan Dumlao | Unslash


Bạn có thể làm gì để giảm bớt tác động của sự căng thẳng?


Giống như lo lắng, căng thẳng là một phần trong cuộc sống của bạn. Do đó, mục đích của bạn không phải là loại bỏ mà là chế ngự để hoàn toàn kiểm soát được nó. Tuy nhiên, nếu bạn bị căng thẳng ở mức độ nghiêm trọng, chúng tôi khuyên bạn nên tìm gặp chuyên gia để được tư vấn.


Dưới đây là những cách cơ bản và đơn giản mà bạn có thể nghĩ tới nhằm giúp bạn bắt đầu thay đổi mọi thứ trong cuộc sống.


  • Thiết lập thứ tự ưu tiên. Ngay khi có thể, bạn hãy đơn giản hóa và tổ chức lại cuộc sống thường nhật của mình.


  • Luyện tập thiền chánh niệm rất hiệu quả trong việc giảm căng thẳng.


  • Có một quy tắc cơ bản bạn nên áp dụng trong cuộc sống hàng ngày: Bắt đầu một việc ở một thời điểm và hoàn thành nó. Cho dù làm bất cứ điều gì, đừng cố gắng nghĩ đến hoặc thực hiện vài hành động khác nhau trong cùng một thời điểm. 


  • Bạn nên đặt ra những mục tiêu tích cực cho bản thân mỗi ngày. Đăng ký một khóa học, dành một vài giờ cho bản thân, đi dạo,...


  • Thận trọng với việc đối thoại nội tâm. Những suy nghĩ và ngôn ngữ nội tâm sẽ luôn có lợi cho bạn. Chúng có thể sẽ vô cùng tốt đẹp, đồng thời khiến bạn có thể nhận ra những suy nghĩ tiêu cực hoặc không phù hợp trước khi chúng ăn sâu vào tâm trí bạn.


  • Chúng tôi cực kỳ khuyến khích bạn tin tưởng và dựa vào những người có ý nghĩa đối với bạn.


  • Xác định điều gì khiến bạn thấy căng thẳng nhất và giải quyết.


_ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _


Dịch bởi : Van Anh

Biên tập : Khuynh Thần

Nguồn: https://exploringyourmind.com/stress-can-change-your-personality/



BẢN THẢO
Bài viết liên quan