Cha Mẹ Độc Hại: Nỗi Đau Mà Con Trẻ Phải Chịu Lớn Đến Mức Nào?

Cha mẹ “độc hại” có thể hoặc không mắc bệnh tâm thần hay rối loạn nhân cách. Nếu có thì họ cũng có thể hoặc chưa bao giờ tìm cách điều trị cho chứng rối loạn đó. Tuy vậy, “chất …

Cha mẹ “độc hại” có thể hoặc không mắc bệnh tâm thần hay rối loạn nhân cách. Nếu có thì họ cũng có thể hoặc chưa bao giờ tìm cách điều trị cho chứng rối loạn đó. Tuy vậy, “chất độc” mà họ lây sang cho người khác có thể gây nên một vài căn bệnh mà những căn bệnh này có khả năng được chữa khỏi. Dù chưa có bất kỳ số liệu thống kê nào để tham khảo về điều này, tuy nhiên, theo giai thoại, có thể nói rằng các nhà trị liệu thường điều trị cho những người bị ảnh hưởng bởi cha mẹ “độc hại”, hơn là điều trị cho chính các bậc cha mẹ ấy.

Vấn đề ở đây chính là, những đứa con của các bậc cha mẹ “độc hại” đã “ăn chất độc” mà họ mang đến từ khi còn là trẻ sơ sinh và, ít nhất trong những năm đầu đời, tin rằng điều này là hoàn toàn bình thường. Thật vậy, nhiều đứa trẻ của cha mẹ “độc hại” tin rằng, chính chúng mới là người phải chịu trách nhiệm cho việc cải thiện tình hình chứ không phải cha mẹ của mình.

Định nghĩa về một bậc phụ huynh lành mạnh là một người đủ trưởng thành về mặt cảm xúc để có thể làm chủ được nó, tránh việc để nó ảnh hưởng đến đứa con của mình. Sự trưởng thành về xúc cảm có nghĩa là, cha mẹ có khả năng làm chủ cảm xúc của mình và sử dụng chúng như hệ thống truyền tải thông điệp nội tâm của bản thân, từ đó tạo điều kiện cho quá trình tự nhận thức bản thân phát triển một cách đúng đắn. Có nhiều yếu tố liên quan đến bản thân trong nhận thức của mỗi người, trong đó tồn tại một mối quan hệ tình cảm, xúc cảm với chính mình, bao gồm việc tự cảm thông, tự yêu bản thân và thể hiện các hành động chăm sóc, trân trọng bản thân. Tất cả điều trên cho thấy các bậc cha mẹ lành mạnh đều là những người trưởng thành có khả năng độc lập về cảm xúc và có thể kiểm soát được xúc cảm của chính mình. Do đó, mối quan hệ của họ với những người xung quanh hoàn toàn tốt đẹp, không có bất kỳ ranh giới không phù hợp hay sự độc hại nào. Cha mẹ lành mạnh luôn biết cách yêu thương con vô điều kiện, giúp nâng cao lòng tự trọng cho chính đứa con của mình. Ngoài ra, họ còn có thể tạo ra ranh giới phù hợp với trẻ và giáo dục chúng (chẳng hạn như dạy học) một cách đúng đắn, đồng thời củng cố thêm lòng tự trọng cho trẻ.

Trái lại, cha mẹ “độc hại” lại là những người chưa đủ chín chắn về mặt cảm xúc. Do đó, họ có khuynh hướng “xả” hết những cảm xúc của mình lên đứa con một cách vô thức và không kiểm soát. Những đặc điểm chung thường gặp ở các bậc phụ huynh này bao gồm: họ thường xuyên nổi nóng với đứa con của mình, thậm chí là có những hành vi tàn nhẫn hay mang tính lạm dụng; yêu cầu đứa trẻ phải đáp ứng đủ các nhu cầu về mặt cảm xúc và/hoặc thể chất của họ; không có khả năng đưa ra những hướng dẫn hay áp dụng hình thức kỷ luật phù hợp đối với con cái mình; chơi các trò chơi “cân não” hòng đánh lừa tâm lý đứa trẻ; cố gắng tách con ra khỏi sự yêu thương từ bậc phụ huynh (lành mạnh) còn lại; luôn tìm cách cạnh tranh với trẻ để có được sự chú ý, sự chấp thuận và đồng thời để duy trì hình tượng của bản thân; trừng phạt đứa trẻ bằng cách “thu hồi” lại tình cảm, sự thương yêu và xem chúng như người vô hình trong gia đình; lạm dụng trẻ về mặt cảm xúc, tinh thần, thể chất và/hoặc tình dục.

Thông thường, trẻ sẽ cố gắng giữ kết nối với người cha/người mẹ “độc hại” bằng cách tìm lời bào chữa cho những thiếu sót của họ, tương tự như việc lấy băng gạc băng lại vết thương mà hành vi của người cha/người mẹ đó đã gây nên. Nói cách khác, đứa trẻ thường sẽ cố gắng làm hài lòng cha/mẹ bằng cách làm bất cứ điều gì mà cha/mẹ yêu cầu chúng phải làm theo, điều đó giúp trẻ cảm nhận được sự an toàn trong thế giới đầy những bối rối và hỗn độn của chính mình. Tiếp đến, trẻ có thể nhận thức được những nỗi lo âu và trầm cảm đang dần hiện hữu trong cuộc sống của chúng. Điều này có thể được xem như là kết quả của việc trẻ đã lãng quên đi sự hiện diện của bản thân để có thể tồn tại trong chính căn nhà của mình. Đôi khi, nhưng khá hiếm, đứa trẻ sẽ nhận thức được một cách rõ ràng những lỗi sai của cha/mẹ, cố gắng ngậm đắng nuốt cay trong nhiều năm, và cuối cùng lại trút giận bằng cách tự làm hại chính mình. Thậm chí có trường hợp hiếm hơn là trẻ sẽ thực sự hiểu rõ những sai sót của phụ huynh và kiên nhẫn chờ đợi một cơ hội để có thể rời khỏi gia đình mình.
Trong tất cả các trường hợp nêu trên, đứa trẻ đều phải trải qua những giai đoạn vô cùng khó khăn, buồn bã để có thể tìm về chốn bình yên. Sự phủ nhận, giận dữ, đau khổ, thỏa thuận và chấp nhận đều là những giai đoạn “đấu tranh nội tâm” khắc nghiệt trong việc vượt qua nỗi buồn mà cha mẹ “độc hại” mang đến. Trẻ phủ nhận khi nghĩ rằng: “Việc này không thể xảy ra”; tuy nhiên, cơn giận dữ của trẻ lại khiến trẻ cho rằng mọi sự tức giận của trẻ đều do sự việc ấy mà ra; sự thỏa thuận trong suy nghĩ của trẻ thì kiên quyết: “Tôi có thể khiến việc ấy dừng lại”; và cuối cùng, sự chấp nhận chốt hạ: “Sự việc cũng đã xảy ra và tôi có thể vượt qua những tổn thương mà nó để lại, tôi cũng sẽ chấp nhận rằng nó đã xảy ra như một phần trong cuộc sống của mình.” Tuy nhiên, để tránh khỏi cảm giác tồi tệ của cơn giận dữ và đau khổ, những đứa con của gia đình “độc hại” thường sẽ bỏ qua giai đoạn này và bị mắc kẹt ở giai đoạn muốn thỏa thuận.

Trong giai đoạn thỏa thuận, những đứa trẻ thường cố gắng làm mọi thứ chuyển biến theo chiều hướng tốt đẹp hơn bằng cách tuân theo hình mẫu lý tưởng mà cha mẹ muốn chúng trở thành. Thông thường, trẻ thậm chí có thể biểu hiện một vài triệu chứng thuộc vấn đề tâm thần mà phụ huynh mắc phải, điều này cho phép vị phụ huynh ấy có thể tránh khỏi việc chối bỏ vấn đề của họ. Bằng cách này, người cha/mẹ ấy chỉ cần gán mác cho đứa con là bất bình thường và không cần suy đoán gì thêm. Hoặc, có lẽ đứa trẻ sẽ cho rằng nếu nó cư xử đúng mực, lịch sự, yên lặng đến mức như vô hình trước mặt mọi người thì sẽ không bị cha/mẹ la rầy. Ngoài ra, đứa trẻ còn có thể đóng vai trò như một người cha/mẹ thực thụ trong gia đình khi không những phải chịu trách nhiệm chăm sóc anh chị em mà còn phải nuôi dạy chính cha mẹ của chúng. Hoặc thậm chí đứa con sẽ đứng ra hứng chịu những sai lầm, những tệ hại của cha mẹ bằng cách hành động như thể nó là đứa trẻ hư đốn chứ không phải cha/mẹ nó có vấn đề. Như vậy, phụ huynh nó không cần phải đối mặt với những bất ổn của bản thân mà chỉ cần một mực khẳng định rằng đứa con của mình bất bình thường, có vấn đề.


Tất cả những điều này được xem là thỏa thuận, trong đó tồn tại những giả định “Nếu-Thì”, một ví dụ điển hình như: “Nếu tôi chăm sóc mẹ mình thì cô ấy sẽ ít làm tôi tổn thương hơn.” Và rồi đến cuối cùng, khi sự thỏa thuận được diễn ra một cách tự nhiên, đứa con của cha mẹ “độc hại” sẽ bắt đầu cảm thấy đau khổ, buồn rầu khi không có được tình yêu thương mà mình luôn mong muốn từ cha mẹ. Nỗi buồn này là một hình thức tự đồng cảm với bản thân, giúp trẻ hiểu thấu được mọi thứ khi nhận ra những thương tổn mà việc sống chung với phụ huynh “độc hại” mang đến. Thông thường, cơn giận có thể chưa xuất hiện ngay, nhưng sớm muộn gì nó cũng sẽ đến. Tuy vậy, nỗi tức giận ấy có thể được xem là sự khẳng định cho việc đứa trẻ có tồn tại trên đời, rằng chúng đang ở đây, chúng hiện hữu và đóng một vai trò quan trọng trong gia đình. Đây là lúc trẻ bắt đầu bước chuyển biến từ thương lượng sang chấp nhận. Đứa trẻ – giờ đây khi đã trưởng thành – bắt đầu biết đưa ra quyết định cho cuộc đời mình, quyết định yêu thương, chăm sóc bản thân nhiều hơn; biết đưa ra những quyết định để giải quyết vấn đề của chính mình. Những quyết định ấy cho trẻ thấy rằng trong cuộc sống vẫn luôn có một người nào đó cực kỳ quan tâm đến chúng và có thể đáp ứng cho chúng tất cả các nhu cầu về mặt cảm xúc và thể chất theo cách mà cha mẹ chúng chưa từng làm. Người ấy không ai khác ngoài chính bản thân trẻ.

Đến cuối cùng, việc “sớm trở thành một bậc phụ huynh trong gia đình” giúp trẻ học được cách chăm sóc, yêu thương, nuôi dưỡng và tự kỷ luật bản thân. Tương tự như kết quả của việc phục hồi những tổn thương khi phải lớn lên trong gia đình có cha mẹ “độc hại”, việc tự chăm sóc bản thân cũng có sức mạnh chữa lành mọi vết thương lòng.

Dịch: Hoàng Anh

Biên tập: Catthi

Nguồn ảnh: Pinterest

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/us/blog/traversing-the-inner-terrain/201805/surviving-the-toxic-parent 

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL


BẢN THẢO
Bài viết liên quan