Chẩn đoán trầm cảm

Khó khăn lớn nhất đối với việc chẩn đoán và điều trị trầm cảm là phải nhận biết được ai đó đang mắc phải căn bệnh này. Thật không may, khoảng một nửa số người bị trầm cảm lại chẳng bao giờ được chẩn đoán hoặc điều trị.


Trầm cảm từng là tập hợp các rối loạn khí sắc được gộp chung lại với nhau. Tuy nhiên hiện nay, bác sĩ đã phân loại nó thành từng dạng rối loạn cụ thể hoặc các dạng phụ của trầm cảm mà bệnh nhân có thể mắc phải. Ví dụ, bác sĩ sẽ xác định xem liệu bệnh nhân có mắc chứng trầm cảm nặng, trầm cảm mãn tính bao gồm rối loạn nhịp tim, rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD), rối loạn lưỡng cực hoặc một số loại trầm cảm lâm sàng khác hay không.


Bạn sẽ gặp khó khăn trong việc trò chuyện với bác sĩ nếu bạn nghĩ rằng bản thân đang bị trầm cảm. Bạn có thể cảm thấy xấu hổ hoặc bị cô lập, nhưng bạn không đơn độc như bạn nghĩ đâu, bởi cứ 5 người thì sẽ có 1 người bị mắc một vài chứng bệnh tâm thần xuyên suốt cuộc đời họ.


Ngoài ra, bệnh trầm cảm hiếm khi tự biến mất và thậm chí có thể trở nên tồi tệ hơn khi không được điều trị. Vì vậy, điều quan trọng là phải liên hệ để được hỗ trợ ngay khi bạn nhận thấy bản thân có các triệu chứng trùng khớp với trầm cảm. Bác sĩ chăm sóc chính sẽ hỗ trợ bạn một cách tốt nhất. Họ có thể giúp bạn sàng lọc các triệu chứng và giới thiệu bạn với một chuyên gia sức khỏe tâm thần như nhà tâm lý học, bác sĩ tâm thần hoặc nhà trị liệu.


Bác sĩ chẩn đoán bệnh trầm cảm bằng cách nào?


Bác sĩ thường sử dụng phương pháp xét nghiệm máu hoặc các xét nghiệm phức tạp khác trong phòng thí nghiệm để giúp họ đưa ra những chẩn đoán chính xác. Tuy nhiên, hầu hết các xét nghiệm không hữu ích lắm trong việc đưa ra chẩn đoán bệnh trầm cảm. Trên thực tế, việc trò chuyện với bệnh nhân có thể là một công cụ chẩn đoán quan trọng nhất, cho nên các bác sĩ được khuyến cáo kiểm tra chứng trầm cảm ở tất cả mọi người một cách thường xuyên. Việc kiểm tra này có thể được thực hiện khi khám bệnh mãn tính, khám sức khỏe hàng năm, hoặc trong lần khám thai và khám sau sinh.


Để chẩn đoán và điều trị hiệu quả, bác sĩ phải nghe kỹ bệnh nhân mô tả về các triệu chứng cụ thể của họ với căn bệnh trầm cảm bằng cách sử dụng một loạt các câu hỏi tiêu chuẩn để sàng lọc. Việc khám định kỳ sẽ tiết lộ tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân, bác sĩ cũng có thể tìm hiểu thêm về các vấn đề khác có liên quan đến việc chẩn đoán trầm cảm thông qua quá trình trò chuyện. Ví dụ, một bệnh nhân có thể chia sẻ về những vấn đề như tâm trạng hàng ngày, hành vi, thói quen cũng như lối sống.


Việc chẩn đoán thường gặp khó khăn bởi chứng trầm cảm lâm sàng có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, một số bệnh nhân sẽ có trạng thái thờ ơ, những người khác có thể trở nên cáu kỉnh hoặc thậm chí dễ bị kích động. Ngoài ra, có những người lâm vào tình trạng ăn và ngủ một cách thiếu kiểm soát. Trầm cảm lâm sàng có thể khiến một người ngủ và ăn quá mức, hoặc gần như không thể làm cả hai việc này.


Các triệu chứng thuộc về hành vi hoặc có thể quan sát được của trầm cảm lâm sàng rất ít, mặc dù nội tâm của người bệnh bị xáo trộn hết cả lên. Trầm cảm có thể là một chứng rối loạn liên đới, nó ảnh hưởng đến cơ thể, cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của một người theo nhiều cách khác nhau.


Bác sĩ cần gì để chẩn đoán bệnh trầm cảm?


Bác sĩ sẽ loại trừ các tác nhân gây nhiễu có thể dẫn đến trầm cảm bằng cách khám sức khỏe, trò chuyện trực tiếp và làm một số xét nghiệm liên quan. Bác sĩ cũng sẽ đánh giá chẩn đoán một cách đầy đủ, thảo luận tiền sử gia đình về chứng trầm cảm hoặc các bệnh tâm thần khác.


Bác sĩ sẽ đánh giá kỹ càng các triệu chứng của bạn, bao gồm thời gian mang bệnh, khởi phát lúc nào và sẽ được điều trị ra sao. Họ cũng muốn biết về cảm giác của bạn lúc này, dựa theo các triệu chứng của bệnh trầm cảm như:


  • Cả ngày, hoặc gần như là tất cả các ngày đều buồn bã và chán nản
  • Mất hứng thú với những sở thích trước đây
  • Thay đổi lớn về cân nặng (tăng hoặc giảm hơn 5% trọng lượng trong vòng một tháng) hoặc đột ngột có cảm giác thèm ăn
  • Hầu như mỗi ngày đều mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều 
  • Có các triệu chứng dễ nhận biết như bồn chồn, lo lắng hoặc mệt mỏi
  • Hầu như mỗi ngày đều mệt mỏi hoặc mất năng lượng 
  • Hầu như mỗi ngày đều cảm thấy tuyệt vọng, vô dụng hoặc có cảm giác tội lỗi quá mức cho phép 
  • Hầu như mỗi ngày đều gặp vấn đề với việc tập trung hoặc đưa ra quyết định
  • Ý nghĩ về cái chết hoặc tự sát được lặp đi lặp lại, có kế hoạch tự sát hoặc đang cố gắng tự sát


Làm thế nào để chẩn đoán bệnh trầm cảm dựa trên những triệu chứng?


Để được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm nặng, bạn phải có ít nhất 5 trong số các triệu chứng được liệt kê ở trên, một trong 2 triệu chứng đầu tiên phải xảy ra hàng ngày và trong khoảng ít nhất 2 tuần.


Các triệu chứng trầm cảm có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng hoặc thậm chí là hàng năm. Chúng có thể ảnh hưởng đến nhân cách, các mối quan hệ xã hội, thói quen làm việc, và có khả năng khiến người khác khó đồng cảm được với bạn. Một vài triệu chứng còn có thể ảnh hưởng đáng kể đến khả năng hoạt động của bạn. Trong trường hợp nghiêm trọng, những người bị trầm cảm không thể ăn uống, giữ vệ sinh hoặc thậm chí là chẳng thể rời khỏi giường.


Các giai đoạn trầm cảm có thể chỉ xảy ra một lần duy nhất trong đời, hoặc có thể tái phát, trở thành bệnh mãn tính, hoặc sẽ kéo dài. Ở một vài trường hợp, căn bệnh này dường như sẽ tồn tại vĩnh viễn. Các triệu chứng có thể xuất hiện do những cuộc khủng hoảng trong đời sống. Vào những thời điểm khác, chúng có thể xảy ra một cách ngẫu nhiên.


Trầm cảm lâm sàng thường đi kèm với các bệnh nội khoa khác liên quan đến tim mạch, hoặc ung thư và khiến tình trạng của chúng ngày một tệ đi.



Có các dấu hiệu trầm cảm liên quan đến thể chất hay không?


Câu trả lời là có. Trên thực tế, rất nhiều người bị trầm cảm lần đầu đến gặp bác sĩ chỉ vì các vấn đề về thể chất. Bạn có thể nhận thấy qua một vài dấu hiệu phía dưới:


  • Đau lưng
  • Nhức đầu
  • Đau khớp
  • Đau tứ chi
  • Các vấn đề liên quan đến đường ruột (vấn đề về tiêu hóa và đau bụng)
  • Mệt mỏi liên tục
  • Các vấn đề về giấc ngủ
  • Chậm chạp trong vận động thể chất và suy nghĩ 


Bạn có thể nhận thấy những triệu chứng và dấu hiệu này trước các triệu chứng sức khỏe tâm thần của bệnh trầm cảm, hoặc bạn có thể nhận thấy cả hai triệu chứng cùng một lúc. Bác sĩ có thể giúp bạn tìm ra nguồn gốc của các triệu chứng này.


Những xét nghiệm nào có thể giúp chẩn đoán trầm cảm?


Sau khi xem xét tất cả thông tin từ cuộc trò chuyện với bạn (dấu hiệu, triệu chứng, tiền sử bệnh nhân, tiền sử gia đình và khám thể chất), bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm để loại trừ tình trạng yếu tố liên quan đến thể chất có thể gây ra các triệu chứng tâm thần. Một số loại vi rút, thuốc, thiếu hụt nội tiết tố hoặc vitamin và bệnh tật cũng có thể gây ra các triệu chứng giống như trầm cảm. Ngoài ra, bác sĩ sẽ xem xét tất cả các loại thuốc cũng như rượu hoặc chất kích thích mà bạn có thể đang sử dụng.


Làm thế nào để tôi có thể giúp bác sĩ chẩn đoán một cách chính xác?


Trước buổi hẹn với bác sĩ, hãy viết ra những lo lắng của bạn về bệnh trầm cảm và các triệu chứng cụ thể mà bản thân đang mắc phải. Việc tìm hiểu trước tiền sử bệnh tật của gia đình một cách kỹ càng cũng cực kỳ hữu ích. Thông tin này có thể giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn để đảm bảo hiệu quả điều trị. Trước khi thăm khám, hãy suy nghĩ và viết ra những thứ sau đây:


  • Mối quan tâm về sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn
  • Các triệu chứng bạn đã nhận thấy
  • Những hành vi bất thường mà bạn đã có
  • Các căn bệnh trong quá khứ
  • Tiền sử gia đình về bệnh trầm cảm
  • Thuốc bạn đang dùng hiện tại và trước đây, bao gồm cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn
  • Tác dụng phụ bất thường của thuốc bạn đang dùng hoặc đã dùng
  • Thực phẩm chức năng tự nhiên bạn đang dùng
  • Thói quen và lối sống của bạn (tập thể dục, ăn kiêng, hút thuốc, uống rượu, sử dụng ma túy...)
  • Thói quen ngủ của bạn
  • Nguyên nhân có thể gây ra căng thẳng trong cuộc sống của bạn (hôn nhân, công việc, xã hội...)
  • Những câu hỏi bạn có liên quan đến trầm cảm lẫn thuốc điều trị 


Làm cách nào để biết khi nào cần tìm sự trợ giúp?


Khó khăn lớn nhất đối với việc chẩn đoán và điều trị trầm cảm là phải nhận biết được ai đó đang mắc phải căn bệnh này. Thật không may, khoảng một nửa số người bị trầm cảm lại chẳng bao giờ được chẩn đoán hoặc điều trị. Điều này có thể đe dọa đến tính mạng, hơn 10% những người bị trầm cảm thường tự kết liễu cuộc sống của mình.


Khi trầm cảm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống (gây rắc rối với các mối quan hệ, công việc hoặc mâu thuẫn gia đình) mà bạn lại không có giải pháp rõ ràng cho những vấn đề trên, bạn cần tìm kiếm sự giúp đỡ để mọi thứ không trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt nếu những cảm giác này cứ tồn tại một cách dai dẳng.

Nếu bạn hoặc ai đó mà bạn biết đang có suy nghĩ hoặc cảm xúc muốn tự sát, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập tức.


------------

Dịch bởi: Trúc Phạm 

Biên tập: Khuynh Thần

Ảnh: Pexels

Tham khảo:

Debra Fulghum Bruce. (2020). Depression Diagnosis [Online] Available at: <https://www.webmd.com/depression/guide/depression-diagnosis#1> [Accessed June 30, 2020]

----------

BẢN THẢO
Bài viết liên quan