Chàng trai, mùa hạ và bản tình ca - Chương 1 - Phần 2

Cuộc gặp gỡ tình cờ, đất nước lãng mạn, bản nhạc tình ca và chuyện tình ngày hạ.

CHƯƠNG 1: Cuộc gặp gỡ tình cờ (Phần 2)


Tôi nhìn thấy vạt váy voan hoa vàng nhẹ tung bay, mái tóc nâu sáng xoăn được thả xõa mềm mại. Một cô gái tiến đến gần tôi. 


Người con gái ấy cao gầy, chiếc váy vừa vặn với thân hình cô khiến tôi chợt có ý nghĩ phải chăng nó sinh ra như để dành cho cô vậy. Giữa những cánh bồ câu trắng, mái tóc của cô càng nổi bật, khiến tôi mải nhìn mà quên cả cây đàn đang nhét dở vào bao. 


Cô gái tiến lại gần tôi, tôi nghe thoang thoảng hương hoa nhẹ từ không khí xung quanh. Đã gần trưa, từng vạt nắng nhẹ đã chuyển dần sang thành vệt đậm màu nhưng không quá chói chang. Cơn gió như dịu dàng và nhẹ nhàng hơn. 


“Anh thích nhạc Trịnh à?” Cô khẽ hỏi.


Lúc ấy tôi mới biết, cô gái này hóa ra là người Việt. Bởi gương mặt hơi lai Tây và mái tóc nâu của cô, tôi cứ đinh ninh cô là một du khách Châu Âu nào đó tò mò đứng lại lắng nghe bài ca tôi hát. Tôi trả lời:

- Đúng vậy. Tôi nghe nhạc Trịnh từ nhỏ, lúc học đàn những bản tình ca đầu tiên cất lên cũng là nhạc Trịnh. Ở Italy xa lạ này tôi tìm thấy được hơi ấm quê hương qua tiếng đàn da diết buồn ấy. 


Lúc này cô gái đã tiến đến gần hơn, gương mặt cô hiện rõ trước mặt tôi. Khuôn mặt thanh tú hơi mang nét lai Tây, nhưng gần hơn tôi nhận ra những nét Á trên đôi mắt cô.


Sau câu hỏi thả nhẹ vào gió, cô bước tới ngồi cạnh tôi một cách tự nhiên. Hương hoa từ mái tóc cô thanh mát nhẹ nhàng, khiến tôi cảm nhận được nét thanh lịch từ cô gái này. 


- Đã lâu rồi tôi chưa được nghe thứ nhạc tuyệt vời này một cách trực tiếp. Anh có thể hát một bài nữa được không?

Cô gái nghiêng đầu, nhìn tôi rồi khẽ mỉm cười. Mái tóc nâu trượt trên bờ vai cô, rơi xuống. Vài vạt nắng đậu lại trên mái tóc bồng bềnh. Từng cử động của cô đều hiện lên rõ ràng trước mắt tôi. Sự thu hút từ cô gái người Việt này khiến tôi khó rời mắt. 


Tôi hỏi cô: 

- Cô thích bài gì?

Rồi tôi chợt im lặng sau câu nói của mình. Thật ra điều tôi muốn nói là: "Trời đã gần trưa rồi, tôi phải trở về thôi." Nhưng đến khi câu nói phát ra, lại thành hỏi cô ấy muốn nghe bài hát gì. "Sao mày hồ đồ quá vậy Việt?" Tôi thầm mắng mình trong lòng.


Cô gái có vẻ biết rằng tôi sẽ đồng ý, cô trả lời không thể thoải mái hơn:

- "Còn tuổi nào cho em", bài này hơi khó đó, anh có đàn được không?

Giọng cô mang ý cười, nhưng trước mặt cô gái này, tôi lại không suy nghĩ được nhiều đến thế. Tôi như một đứa trẻ bị khích, vội vàng dùng mọi cách để chứng minh bản thân.

- Có gì mà không. Tôi còn hát được hết chứ đừng nói là đàn.


Dứt lời, như để minh chứng rằng mình không khoác lác, tôi nhanh chóng lôi cây đàn đã cất đi, đặt nghiêm chỉnh trên tay. Ngón tay tôi nhanh nhẹn lướt trên dây đàn, giai điệu nhẹ nhàng lại vang lên. 


Cô gái có chút thích thú, reo lên:

- Đúng là bài này rồi!

Tôi cũng thầm cười lớn trong lòng, nhưng ngoài mặt vẫn thản nhiên, chăm chú vào từng sợi dây ghi-ta rung lên gieo từng nốt nhạc vào gió.  

Gần hết nhạc dạo, tôi đang chuẩn bị cất lời thì một giọng nữ trầm ấm, nhẹ cất lên câu hát đầu tiên:

- “Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay

 Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời

 Tay măng trôi trên vùng tóc dài

 Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này

 Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may…”


Cô gái bên cạnh tôi đang hát. Cô khẽ đung đưa, như đang hoàn toàn chìm đắm vào một không gian chỉ có thứ nhạc tình ca tuyệt vời này. Cơn gió nhẹ thổi qua, cánh bồ câu bay lượn xung quanh và bộ váy vàng khiến cô như bông hướng dương rực rỡ trên cánh đồng Tuscany. 


Dưới vạt nắng hiền hoà của Milan, tôi ngồi một bên cầm cây đàn, vẽ lên nốt nhạc tình ca, lén lút nhìn ngắm cô gái ấy. Tiếng hát của cô, mùi hương và nhiều thứ khác nữa, bầu trời và những cánh bồ câu hòa trong bản giao hưởng, tôi chưa từng thấy Duomo lãng mạn đến nhường ấy.


“...Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai

Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời

Xin cho tay em còn muốt dài

Xin cho cô đơn vào tuổi này

Tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài...”


Tôi chìm trong nhiều suy nghĩ. Năng lượng đầy sức sống và giọng hát không quá hoàn hảo nhưng ấm áp của cô khiến tôi thấy mình như đang hòa làm một với bài hát. 


Cô không nhìn tôi, tập trung thả hồn vào từng câu ca. Thế nhưng, tôi chẳng bỏ qua bất kỳ biểu cảm nào của cô. Đôi khi cô mỉm cười ngân nga, rồi lại nhíu mày và nhắm đôi mắt lại. Cô ấy giống như đang đọc một cuốn sách, xem một bộ phim. Chẳng hề xao lãng hay suy nghĩ gì khác. Chỉ cô và âm nhạc.

“...Em xin tuổi nào còn tuổi nào cho nhau

Trời xanh trong mắt em sâu

Mây xuống vây quanh giọt sầu

Em xin tuổi nào

Còn tuổi trời hư vô

Bàn tay che dấu lệ nhòa…


Ôi buồn!

Tuổi nào ngồi khóc tình đã nghìn thu

Tuổi nào mơ kết mây trong sương mù

Xin chân em qua từng phiến ngà

Xin mây xe thêm mầu áo lụa

Tuổi nào thôi hết từng tháng năm mong chờ…”


Tiếng hát của cô ngân nga theo những nốt nhạc cuối. Cô mỉm cười, tôi thấy được sự vui vẻ và hài lòng trên gương mặt cô. 


Sau khi thả dây đàn rung nhẹ nhàng, tôi thu tay, nhìn cô gái. Lần này, cô ấy cùng nhìn lại tôi. Tôi nói:

- Bất ngờ thật đấy, không ngờ cô hát cũng được quá chứ!

- Cũng thường thôi - Cô gái cười thật tươi rồi trả lời - Tôi cũng chưa biết đánh ghi-ta với nhiều nốt nhạc sai.


Nụ cười của cô khiến tim tôi rung lên vài nhịp lạ lùng. Tôi khẽ hắng giọng, đặt cây đàn sang một bên. Quả thật, do mải ngắm nhìn cô, tôi đã đánh sai nhiều nốt trong bài hát. Để chữa thẹn, tôi vờ hỏi:

- Cô sang đây du lịch à? 

- Không, tôi ở Ý gần năm năm rồi. 

Tôi khẽ ồ một tiếng, rồi tiếp lời:

- Cô cũng là du học sinh sao? 

Cô gái không trả lời, cô hỏi ngược lại tôi: Anh là du học sinh?

- Đúng thế, tôi ở đây được hai năm rồi. 

- Anh học ở Milan?

- Pavia, cách đây hơn 35km.

Cô đáp lại: 

- “Thành phố của một trăm tháp”?

(Nguồn ảnh: Pinterest)

“Thành phố của một trăm tháp” là tên người ta thường dùng để gọi thị trấn Pavia. Quả thực, Pavia là một thị trấn nhỏ nhưng có dấu ấn lịch sử hết sức huy hoàng. Đây từng là thủ đô và trung tâm văn hóa của vương quốc Lombard tiền Trung cổ, vì thế, số lượng nhà thờ và tháp vô cùng nhiều. Trước khi sang Ý, cũng vì rung động trước cái lãng mạn của những khu phố nhỏ hẹp, nhà thờ lớn nhỏ cùng lâu đài nguy nga và quảng trường của thị trấn nhỏ này mà tôi đã quyết định thuê nhà và giành học bổng học tập ở đây. 


Tôi trả lời:

- Đúng vậy. Nhưng giờ không còn nhiều tháp thế đâu. Bù lại, cô có thể đi thăm lâu đài và nhà thờ. Kỳ thực ở đâu trên đất nước này cũng đều lãng mạn và tuyệt vời hết cả.

- Vậy à…?

Cô gái trẻ hỏi lại, nhưng giọng cô không giống như đang hỏi tôi. Trông cô như đang thầm nói với bản thân mình hơn. 


Tôi nói, như để tự giải đáp cho chính mình:

- Ở đây năm năm, có lẽ cô nhìn mọi thứ cũng quen thuộc rồi. Cô định cư bên này à?

Cô mỉm cười nhìn tôi. Tôi chợt phát hiện, cô mang một chút gì đó bí ẩn sau nụ cười ấy, khiến tôi không khỏi tò mò và bị cuốn hút. 

- Chắc anh không tin đâu, nhưng tôi chưa từng thấy cái đất nước này có gì đẹp cả.

- Ồ. Nhưng cô cũng lựa chọn ở lại đây suốt năm năm đó thôi.


Cô gái quay mặt nhìn lên bầu trời. Mái tóc nâu mượt mà từng sợi, nụ cười của cô lúc này lại pha chút gì đó tự giễu:

- Tôi sẽ chẳng bao giờ có cái lựa chọn ngu ngốc như thế.

Dường như không muốn tiếp tục chủ đề này, cô hỏi tôi:

- Anh thích làm gì?

- Tôi sao? Ừm, đi loanh quanh đâu đó ở Milan, nghe nhạc Trịnh ở Duomo từ chính cây đàn này, rồi bắt chuyến bus ngẫu nhiên đến Pavia. Tôi lạc đường suốt vì vụ ấy, nhưng dù sao thì cũng khá tuyệt. Còn cô, cô thích gì?

Tôi không quên hỏi cô gái.

- Có lẽ là đến quảng trường này, lắng nghe một người nào đó với cây ghi-ta và bản nhạc Trịnh đánh sai nhiều nốt?

Nói xong, cô cười thật lớn. Nhìn cô trông thật vui vẻ. Còn tôi, không cười nổi. 


Thấy tôi im lặng, cô mới nói:

- Tôi đùa một chút thôi. Đã lâu rồi mới được hát, tâm trạng có chút thoải mái. 

Nói rồi, cô đứng dậy, nhìn tôi và nói:

- Đã trưa rồi, nếu lần sau gặp lại, tôi sẽ mời anh một tách Cappuccino nhé!


Tôi chưa kịp đáp lời, cô gái đã quay đi, rảo bước. Chiếc váy vàng khẽ đung đưa theo từng bước chân cô.

Chợt nhớ ra mình chưa biết tên cô gái ấy, tôi vội gọi lớn theo:

- Aspetta, come ti chiami? (Chờ đã, tên cô là gì thế?)


Cô gái quay lại, chắp tay thành hình cái loa, nói thật to:

- An!


(Hết chương 1)

Tác giả: Cấn Khánh Linh

BẢN THẢO
Bài viết liên quan