Chắt chiu bụi vàng từ đáy nỗi đau

Thương gửi những tâm hồn sắp, đã và đang trên bờ vực của sự tuyệt vọng… Phải chăng ở nơi đen tối, khổ đau, tuyệt vọng nhất vẫn còn vương lại đâu đó những hạt bụi vàng?

Thương gửi những tâm hồn sắp, đã và đang trên bờ vực của sự tuyệt vọng…

 

Tôi đã phải nghĩ ngợi thật lâu, thổn thức thật sâu khi biết đến truyện ngắn “Bụi quý” của nhà văn K. G. Paustovsky. Chuyện kể về Chamette - một người quét rác nghèo đã sớm hôm bòn đãi từng hạt bụi vàng bé xíu từ trong đống rác rưởi bẩn thỉu của thành Paris để mong sao có thể tặng cô gái mình yêu một hoa hồng vàng. Bởi vì, người ta thường bảo, ai nhận được nó thì sẽ hạnh phúc cả đời. Đến một ngày, kỳ tích đã xuất hiện: có một bông hoa vàng kết tinh từ cát bụi sáng lên trong hang tối mịt mờ…


Phải chăng ở nơi đen tối, khổ đau, tuyệt vọng nhất vẫn còn vương lại đâu đó những hạt bụi vàng?


Trên đời có ngàn vạn lý do để chúng ta buồn bã, u sầu, nhất là khi sợi dây tình cảm mong manh bị cắt đứt. Cảm giác bất lực, vô dụng và không thể nào xoay chuyển tình thế ám ảnh người ta ghê gớm. Ta cô đơn và sợ hãi trước dòng người xuôi ngược, trước thị phi hay trước những câu hỏi vô tình được ngụy trang bằng vỏ bọc của sự quan tâm. Người ta thường khổ đau vì điều đã gặp phải thì ít mà vì ánh nhìn của người khác thì nhiều. Ta muốn sống an nhiên, tự tại nhưng càng muốn quên sầu thì sầu càng dai dẳng. Có những nỗi đau âm ỉ, hóa thành trầm tích rồi nhấn chìm ta rơi xuống đáy đại dương mênh mông. Trong không gian tăm tối, lạnh lẽo ấy, ta không thể nào thoát ra, ta cố vùng vẫy thì lại càng ngập lún hơn. Như một kẻ đuối nước thường chỉ biết sợ hãi vì sông sâu, hồ rộng mà chưa bao giờ nghĩ rằng nếu nằm đúng tư thế và thả lỏng thì mình lại chính là chiếc phao cứu sinh.


Bởi lẽ, lớn lên đồng nghĩa với việc chúng ta phải tự đối diện với nỗi đau của chính mình. Ngày bé tôi có đôi lần buồn bã, nỗi buồn chóng qua như cơn gió khẽ khàng vì những lần quậy phá bị trách mắng, vì đánh mất một món đồ chơi mà mình yêu quý nhất, vì những khi ngủ dậy mà không thấy ba mẹ đâu nên tưởng chừng như mình bị bỏ rơi… Sau những lần òa khóc, tôi được người thân vỗ về, an ủi và nói “không sao đâu con, đã có ba mẹ ở đây rồi” ... Lúc đó, tôi đâu biết thế nào là gánh mưu sinh, là vinh nhục cuộc đời, là mất mát, là chia ly. Thế nhưng khi lớn lên, hiện thực phũ phàng cứ đâu đó quanh quẩn, chiếm lấy sự hiểu biết hạn hẹp của tôi. Cứ một giây trôi đi là trên thế giới lại có thêm ít nhất mấy mươi tâm hồn sầu khổ. Tôi đoán thế thôi chứ một khi đã rơi vào tuyệt vọng thì chắc gì người ta đã chịu nói ra để kẻ khác biết. Tôi nhắm mắt lại và cố nhớ cho kì hết những nguyên do đã từng khiến mình rơi vào nỗi đau như một người khó ngủ đếm cừu trong cơn tỉnh thức. Tôi tiếc nuối nhớ về ông bà tôi – những người ông người bà đáng kính đã lần lượt rời xa, bỏ lại đám con cháu nhỏ dại; còn đâu những ngày tôi vòi quà, vòi kẹo, còn đâu những nụ cười với nếp nhăn hằn trên đuôi mắt của người có tuổi. Tôi chua chát nhớ về khoảng thời gian học cấp ba của tôi, những câu chuyện hồn nhiên bên bịch bánh tráng muối nồng mùi tỏi, mùi hành nhường chỗ cho vài toan tính, lọc lừa khi người ta vào đời. Tôi dằn vặt nhớ về một mối tình đã tan vỡ khi biết rằng kẻ bội bạc thì có bao giờ dừng chân tại một người. Và còn biết bao điều vụn vỡ đang ngày ngày rình rập người ta sơ hở mà vồ lấy, mà ngấu nghiến, mà cắn xé tâm can.

Nỗi sầu khổ là điều mà mỗi chúng ta có chạy cũng không kịp, có trốn cũng không thoát, không thể nào tránh khỏi. Ở chung lâu ngày với nỗi đau cũng giống như người dân vùng đồng bằng sống chung với lũ mà lũ thì từng cơn, từng cơn ập đến không lúc nào ngơi nghỉ. Vậy mà, người ta vẫn lạc quan, vẫn đối diện, vẫn nghĩ về ngày mai. Bởi vì…


Trước nỗi đau đã từng là tin yêu

Người ta thường tiếc nhớ về điều đã mất đi chứ ít khi nào nghĩ về khoảng thời gian tươi đẹp trước đó. Trước khi nỗi đau ùa đến, có phải chăng tất cả chúng ta đều đã ít nhất một lần được đặt chân đến miền hạnh phúc? Ta thường trách cứ sao người khác lại tàn nhẫn như vậy, lại vô tâm đến thế, lại nỡ đẩy người khác xuống bờ vực thẳm. Thế nhưng, bạn hãy nhớ rằng ai cũng có một cuộc đời để sống và làm cho bạn hạnh phúc mãi mãi không phải là nhiệm vụ của họ như câu hát vấn vương “hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi” …

Xin được gửi đến những ai đã làm tôi thất vọng một lời cảm ơn chân thành, vì trước kia (dù chỉ là một khoảng thời gian ngắn ngủi), bạn cũng đã từng cho tôi thêm tin yêu cuộc đời!


Còn nỗi đau là vẫn còn hy vọng

Điều đáng sợ nhất không phải là khi ta thấy đau mà là khi tâm hồn ta đã chai sạn, không còn cảm giác gì trước những tổn thương. Khi đó, chúng ta không khác gì một hòn đá lạnh lẽo, vô hồn. Nỗi đau ùa đến chính là lúc ta đang tự hỏi lòng mình và dùng lý trí để lắng nghe được tình cảm mãnh liệt bên trong. Dẫu cho sau đó, bản thân lựa chọn hành động như thế nào thì cũng đã không hổ thẹn với chính mình. Bạn có biết ác quỷ Medusa với ánh nhìn hóa đá và mái tóc đầy rắn độc lại chính là một biểu tượng của nữ quyền thế kỉ hai mươi? Cuộc đời của Medusa là hành trình đầy can đảm của một thiếu nữ xinh đẹp mải miết chạy theo đam mê tự do thuần khiết cho đến sự phẫn uất tột cùng khi qua muôn vạn nỗi đau. Medusa trong hình hài một ác quỷ vẫn sống, vẫn vùng vẫy đến hơi thở cuối cùng để cho thiên đường, địa ngục và cả nhân gian biết nàng là ai.

Nếu không có cách nào ngăn cản nỗi đau, thì tội gì ta lại từ bỏ đi mảnh hồn tươi trẻ của chính mình…


Phía sau nỗi đau là những hạt bụi vàng

Nỗi đau không phải là điểm dừng, nó chỉ là một bước ngoặt ngả nghiêng trong đời người xô lệch. Bởi lẽ, phía sau nỗi đau tăm tối vẫn hiện lên đâu đó những hạt bụi vàng của hy vọng, của niềm tin, của mong mỏi về một tương lai sẽ khác. Có được sẽ có mất, có nhớ sẽ có quên, có niềm vui cũng đồng thời có những tổn thương. Chính những nốt thăng trầm mới làm nên điều khác biệt ở mỗi người.

Dù không hề thích nhưng vẫn phải thầm cảm ơn nỗi đau và nghịch cảnh vì đã cho tôi thêm minh triết giữa dòng đời xuôi ngược. Mỗi thứ sẽ hiện lên từng chút một, lấp lánh như sợi nắng ban mai giữa ngày mưa bão. Khi đứng trước bão giông, liệu chúng ta sẽ là ngọn hải đăng vững chãi hay loài thực vật được dưỡng kỹ trong lồng kính an toàn?


Tác giả: Kiều Giang

Tài liệu tham khảo: 


  1. Truyện ngắn “Bụi quý” (trích trong K.G. Paustovsky, Bông hồng vàng và bình minh mưa, NXB Văn học, 2017)
  2. Về Medusa (chi tiết xem tại: https://vi.wikipedia.org/wiki/Medusa)

——————

Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 03 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/cuocthiVDDT

Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”


BẢN THẢO
Bài viết liên quan