Chế độ ăn uống tiết lộ điều gì về con người bạn?

Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người tuân thủ các chế độ ăn kiêng khác nhau có thể khác nhau về mặt tâm lý.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng những người tuân thủ các chế độ ăn kiêng khác nhau có thể khác nhau về mặt tâm lý.


Có phải những người tuân thủ các chế độ ăn kiêng khác nhau cũng khác nhau về đặc điểm tâm lý chính? Đây là câu hỏi trong một nghiên cứu mới do nhà tâm lý học Rebecca Norwood thuộc Đại học Queensland đặt ra. Trong khi nghiên cứu tập trung vào các yếu tố tâm lý liên quan đến chế độ ăn kiêng giảm cân, Norwood và các cộng sự của cô nhận thấy rằng mọi người thường ít tập trung vào việc các yếu tố này tương quan như thế nào với các kiểu chế độ ăn kiêng khác. Nhóm nghiên cứu lập luận rằng việc khám phá những mối liên hệ này có thể làm sáng tỏ những thách thức thường đi kèm với chế độ ăn kiêng giảm cân và cung cấp những hiểu biết mới về tâm lý tiêu thụ thực phẩm.

 

Để khám phá mối tương quan giữa chế độ ăn uống và các đặc điểm tâm lý, Norwood và nhóm của cô đã bắt đầu bằng cách tuyển những người tham gia và hỏi về chế độ ăn kiêng của họ. Họ cung cấp bảy lựa chọn: “chế độ ăn nửa chay”, “chế độ thuần chay”, “chế độ ăn kiêng Paleo”, “chế độ ăn nói không với gluten, “chế độ ăn giảm cân”, “chế độ ăn không hạn chế” và một chế độ ăn có những hạn chế cụ thể khác. Những người tham gia cũng được hỏi xem họ đã tuân theo chế độ này trong bao lâu và liệu họ có mắc bất kỳ bệnh lý nào không.


Những người tham gia đã hoàn thành hai bộ thước đo đánh giá tâm lý. Nhóm đầu tiên được hỏi về thái độ và hành vi ăn uống, với bảng câu hỏi thăm dò về các hành vi rối loạn ăn uống, khả năng tự kiểm soát, ăn uống theo cảm xúc và cảm giác thèm ăn. Họ cũng được đánh giá về sự tự tin vào năng lực của bản thân (họ cảm thấy tự tin như thế nào khi tuân thủ kế hoạch ăn kiêng của mình trong 90 ngày tới), mục đích ăn kiêng (dự đoán về những nỗ lực trước mắt để thay đổi thói quen ăn uống). Động lực ăn kiêng cũng là một yếu tố được đánh giá (tức là một thước đo đi sâu vào việc lựa chọn thực phẩm, trong đó những người tham gia đánh giá mức độ quan trọng của các yếu tố sức khỏe, tâm trạng, sự tiện lợi, sự hấp dẫn các giác quan, hàm lượng các chất tự nhiên, giá cả, kiểm soát cân nặng, mức độ quen thuộc và mối quan tâm đạo đức trong lựa chọn thực phẩm của họ). Bộ thước đo thứ hai liên quan đến hạnh phúc. Những người được hỏi đã hoàn thành các biện pháp đánh giá mức độ tự ti, trầm cảm, lo lắng, căng thẳng và mức độ tiêu cực của họ.


Vậy các nhà nghiên cứu đã tìm ra điều gì? Những người tham gia đã được chia thành 5 nhóm chế độ ăn kiêng và giữa họ có sự khác biệt đáng kể về các đặc điểm tâm lý nhất định:

 

Những người ăn nửa chay (trong chế độ ăn chỉ bỏ thịt, cá và vẫn sử dụng các thực phẩm từ động vật như trứng, sữa, mật ong,...) 


Các điều tra viên nhận thấy rằng, nhìn chung, nhóm này có sự giảm thiểu các tình trạng bệnh lý và có sức khỏe tâm lý tốt. Họ cho thấy thái độ và hành vi ăn uống nhìn chung là tích cực, đặc biệt là về mục đích ăn kiêng, chứng rối loạn ăn uống, sự thèm ăn, lòng tự trọng và sự tin tưởng vào năng lực bản thân.


Những người ăn chay trường



Trong tất cả các nhóm ăn kiêng, nhóm này có số lượng người tham gia đông nhất. Các tác giả cho rằng điều này có thể là do quan điểm yêu thích của họ về việc tiêu thụ thực phẩm và nghiên cứu này là một cơ hội đáng quý để họ chia sẻ chúng. Kết quả tiết lộ rằng nhóm này rất tự tin về khả năng tuân thủ chế độ ăn kiêng của mình và do đó mức độ hiệu quả của chế độ ăn kiêng cao hơn. Những người ăn chay trường cũng khỏe mạnh về mặt tâm lý hơn so với các nhóm khác, đặc biệt là về các triệu chứng rối loạn ăn uống, giảm mức độ ăn uống theo cảm xúc và mục đích ăn kiêng. Hơn nữa, mức độ căng thẳng và động cơ kiểm soát cân nặng của họ cũng thấp hơn. Thêm vào đó, những người ăn chay trường cũng cho thấy động cơ lựa chọn thực phẩm dựa trên sự quen thuộc của họ thấp hơn so với các nhóm khác.


Những người nói không với gluten (Gluten là loại protein chính có trong lúa mì và nhiều loại ngũ cốc khác nhau)


Nhóm này là nhóm lớn tuổi thứ hai và nặng thứ hai trong tất cả các nhóm (đứng sau những người ăn theo chế độ Paleo) trong nghiên cứu này. Và để kiên trì với sự mong đợi, họ đã gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe liên quan đến chế độ ăn uống nhất. Phần lớn những người được hỏi trong nhóm này đã được chẩn đoán mắc bệnh celiac (hay còn gọi là bệnh không dung nạp Gluten) hoặc nghi ngờ mắc bệnh này - hoặc bị dị ứng hay không dung nạp gluten. Có lẽ không đáng ngạc nhiên lắm khi nhóm này cho thấy mức độ căng thẳng tăng cao.





Những người ăn theo chế độ Paleo (sử dụng các loại thực phẩm tương tự như những gì có thể đã được ăn trong thời kỳ đồ đá như thịt nạc, cá, rau, trái cây, các loại hạt)


Nhóm này là nhóm lớn tuổi nhất trong nghiên cứu. Họ có tỷ lệ béo phì cao nhất, và 37% những người tuân theo chế độ ăn Paleo có vấn đề về sức khỏe liên quan đến chế độ ăn uống. Do đó, động cơ liên quan đến sức khỏe để tuân theo chế độ ăn kiêng này của họ ở mức cao nhất và động lực để ăn các thực phẩm tự nhiên cũng cao nhất. Nhóm này cho thấy sức khỏe tâm lý tốt, cũng như thái độ và hành vi ăn uống tốt. Họ thể hiện sự tự kiểm soát, lòng tự trọng cao hơn và cho thấy mức độ ảnh hưởng tiêu cực và trầm cảm thấp hơn so với các nhóm khác. Lưu ý rằng những người ăn theo chế độ Paleo ít có khả năng bị thúc đẩy bởi việc kiểm soát cân nặng để tuân theo chế độ ăn kiêng này.


Những người ăn theo chế độ giảm cân


Những người tham gia trong nhóm này phải vật lộn nhiều hơn những người thuộc các nhóm ăn kiêng khác. Cụ thể, họ có các triệu chứng rối loạn ăn uống, thèm ăn, ăn uống theo cảm xúc và ảnh hưởng tiêu cực ở mức cao nhất. Họ cũng có khả năng tự kiểm soát và tin tưởng vào năng lực của bản thân thấp hơn đáng kể. Những phát hiện này vẫn phù hợp với nghiên cứu trước đó – thứ đã cho thấy mô hình ăn kiêng này có liên quan đến chứng trầm cảm, ăn uống vô độ và mất kiểm soát trong ăn uống. 


Mức độ tăng cường ăn uống theo cảm xúc và ảnh hưởng tiêu cực, cũng như mức độ của lòng tự trọng và tin tưởng vào năng lực của bản thân thấp hơn, có liên quan đến việc tiêu thụ nhiều thức ăn hơn, ăn uống vô độ hơn và nhiều khả năng giảm cân không thành công hơn. Điều đó chỉ ra rằng, các nhà điều tra cho rằng có sự khác biệt cốt lõi giữa chế độ ăn kiêng giảm cân được giám sát và không được giám sát. Nghiên cứu đang phát triển chứng minh rằng “giảm cân hiệu quả, có hướng dẫn” có liên quan đến sức khỏe tâm lý tốt hơn và giảm bớt chứng rối loạn ăn uống. Nói cách khác, các chế độ ăn kiêng giảm cân không thành công thường là những chế độ mà người ăn kiêng thực hiện chúng một mình.


Tài liệu tham khảo


The psychological characteristics of people consuming vegetarian, vegan, paleo, gluten free and weight loss dietary patterns. R Norwood, T Cruwys, VS Chachay, & J Sheffield. Obesity science & practice 5 (2), 148-158.

 


-------------

Dịch bởi: Boba

Biên tập: Ori

Ảnh: Pexels

Tham khảo:

Vinita Mehta Ph.D., Ed.M.(2019), What Does Your Diet Say About You? [Online] Available at: <https://www.psychologytoday.com/us/blog/head-games/201906/what-does-your-diet-say-about-you> [Accessed 3 September 2021]

-------------

BẢN THẢO
Bài viết liên quan