Chỉ khi mất đi thứ gì đó, chúng ta mới thực sự trân trọng

Ngoại ơi, dù ngoại có ở đâu, hãy hứa với con, ngoại phải sống thật an nhiên và hạnh phúc ngoại nhé. Con mãi yêu và nhớ ngoại rất nhiều

Năm mình tròn 20 tuổi cũng là lúc mình mất đi một trong những thứ quý giá nhất của cuộc đời mình….


Nếu bạn có một điều ước, bạn sẽ ước điều gì? Mình ước mùa hè năm ấy trôi qua thật nhanh. Mình ước đó không phải lần cuối cùng mình nắm tay ngoại, bàn tay in dấu bộn bề của những năm tháng cực nhọc trước ấy. Mình ước khi mình trở về nhà, ngoại vẫn ở đó, vẫn như lúc mình còn bé bằng nắm cơm, ôm mình vào lòng, vuốt ve lên mái tóc dày cộm của mình, và hít hà mùi hương chân chất của ngoại. 


Dường như mình quá tham lam phải không? Nhưng thực sự, một trong những điều hối tiếc nhất trong suốt quãng đời còn lại của mình, LÀ NGOẠI.


Hôm đó là một buổi chiều bình thường, vẫn những chuỗi ngày hùng hục đi làm thêm từ sáng tới tối mịt như con thiêu thân (nhiều khi còn hơn thế). Đang tới tả chạy tới chỗ làm thêm cho kịp giờ, chuông điện thoại rung lên liên hồi. Mẹ gọi. Lại là mẹ. Mẹ lúc nào cũng cằn nhằn về mình, về công việc của mình, về nhiều thứ…Nhấc máy vội trong khi vẫn đang chạy cho kịp giờ, chưa kịp nói gì, đầu dây bên kia đã thất thanh:"Bà nguy rồi con ơiii, con có đang bận không, thu xếp về thăm bà nha con” Mình lặng đi đến cả chục phút, nói không lên hơi, đúng ra là không nói được gì nữa. Đây là lần hiếm hoi sau bao nhiêu năm trời, mình cảm thấy biết ơn mẹ vô cùng. Khi mà tất cả mọi người trong gia đình (là bác, bá, chú và dì) đều giấu không nói cho anh, chị em khác của mình biết, mẹ lại chọn cách nói ra hết tất cả cho mình. Và mình là đứa cháu duy nhất ở bên cạnh bà lúc bà đang “cô đơn” và “đau đớn” nhất. 


Bắt chuyến xe sớm nhất buổi chiều hôm đó, mình ngồi trên xe, tim đập, chân run, nước mắt cố nén thật chặt vào trong. Mình vừa cầu nguyện vừa lẩm bẩm không thành tiếng “Ông trời ơi, con xin đánh đổi tất cả mọi thứ của con, chỉ xin một điều duy nhất lúc này là ngoại chờ được cho đến khi con về, dù cho ngoại có ra sao, ngoại cũng phải chờ cho đến khi con về nha ngoại, con xin ngoại đấy.” Ngoại mình từ mấy năm trước khi đổ bệnh nặng đã bị đủ thứ bệnh đeo bám, người ngoại gầy không sao tả hết được, đã vậy ngoại còn vẫn rất chăm chỉ chăm sóc cho luống rau lẻ loi gần nhà. Mặc dù con cái ai cũng có điều kiện kinh tế, và ai nấy đều luôn sẵn sàng chăm sóc cho ngoại, lúc nào cũng muốn ngoại được sống an nhàn. Nhưng nào ai biết, cái “an nhàn” ấy của ngoại chính là mỗi ngày được chăm sóc và nhìn luống rau ấy xanh tốt, kiếm được vài đồng cũng được bữa cơm đạm bạc, không phải ngửa tay xin con cái. Tính ngoại mình là vậy. Nhưng ít ai hiểu ngoại lắm. Mọi người luôn bảo ngoại làm sao mà phải rước khổ vào cái thân như vậy, chưa kể nhiều lần vừa đi viện được vài ngày, ngoại lại mò mẫn ra luống rau ấy, nói thể nào cũng không được. 


Từ khi nhỏ xíu cho đến khi học hết cấp ba, lúc nào mình cũng là đứa cháu kề cạnh bên bà và tâm sự với bà nhiều nhất. Nhà mình ở gần nhà ngoại, mỗi lần cuối tuần hay buổi tối rảnh rỗi, mình đều đi bộ hay đạp xe qua nhà ngoại. Ngoại quý mình lắm, mỗi khi có gì ngon đều cho mình hết. Còn an ủi mình mỗi khi mình có chuyện không vui, mỗi khi mình cãi tay đôi với mẹ. Ngoại còn luôn miệng nói “Có gì cũng từ từ giải thích và ngồi xuống nói chuyện với bố mẹ, đừng cãi lại hay nóng vội nha con”. Mình thương ngoại lắm, kể cả khi lên đại học rồi, mỗi lần về quê mình lại ra quấn quít bên ngoại, nói đủ thứ chuyện trên đời. 


Cho đến khi mình lên năm hai đại học, gia đình cũng không có điều kiện quá nhiều, mà học phí trường lại khá tốn kém, chưa kể mình là đứa luôn muốn tự lập. Mình bắt đầu nhận việc làm thêm, rồi thời gian về quê cũng ít hơn, mà lúc về quê mình cũng ít ra thăm ngoại hơn. Đi học rồi đi làm, làm rồi lại chạy đi học luôn, mình cảm thấy quá tải. Những cuộc gọi điện về nhà vì thế cũng ít dần theo thời gian. Ngoại vẫn ở đó, tình cảm của mình dành cho ngoại vẫn ở đó. Chỉ có điều sự hiện diện của mình với ngoại dần mờ đi. Thời gian đó mình gặp khá nhiều chuyện không vui, với bố mẹ, với việc học ở trường và với chính con người hướng nội trong mình. Mình biết điều đó sẽ ảnh hưởng tới nhiều mối quan hệ của mình, nhất là với ngoại, nhưng lý trí lúc đó bị cái cảm xúc “tiêu cực” của mình dường như lấn át hoàn toàn. Mình biết mình cần quan tâm đến gia đình nhiều hơn, thế nhưng vì cái tôi quá lớn của mình ngày đó, mình không muốn thu mình lại, muốn chứng minh cho cả thế giới biết mình không phải là đứa con gái vô dụng. Và đổi lại, sau tất cả mình nhận ra, mình dường như đã quên mất ngoại thích ăn gì, dường như đã quên mất những lần ngoại ân cần chỉ bảo từng chút một cho mình. 



Thế giới bộn bề làm chúng ta vô tình quên đi còn có những người vẫn luôn ở đó, chờ chúng ta trở về | Ảnh: Metro


Ngoại mình mất vài ngày sau khi nhập viện. Lúc mình về, nghe tin bố nói ngoại đã qua cơn nguy kịch, mình đã rất vui, mình hấp tấp phi xe ngay vào bệnh viện cách nhà khoảng chừng 4-5 cây số. Vào đến viện, thấy ai nấy đều khóc, thấy đủ thứ máy móc bủa vây quanh người ngoại, mình đau lắm. Mình cố kìm nước mắt để chấn an ngoại, để ngoại yên tâm điều trị bệnh. Nhưng nhìn cơ thể gầy guộc, dường như không còn chút sức lực chống chọi với đủ thứ bệnh trên người ấy của ngoại, mình không cầm nổi nước mắt. Mình nắm chặt tay ngoại, đưa mắt nhìn ngoại không rời. Ngoại cũng nhìn mình, nhưng không nói được gì vì phải cắm ống thở. Và vì đã gần như kiệt sức sau đợt hồi sức trước đó không lâu. Mình đau như có con dao nhọn cứa ngang tim vậy. Xung quanh mình mọi người đều động viên ngoại cố chịu đựng, rồi chuyển lên tuyến viện trên tỉnh để người ta chữa trị. Lúc đó ngoại đã vùng vẫy, chắc ngoại đau lắm, và dường như ngoại muốn nói gì đó, mắt ngoại nhìn mình đã nói lên tất cả. Dường như ngoại biết mình không qua khỏi nữa. Ngoại biết mình phải nói gì đó trước khi “lên đường". Mọi người không ai khuyên được ngoại, nhưng thật kỳ lạ, khi mình nhìn sâu vào đôi mắt ấy, mình cố gắng muốn nói rằng ngoại hãy nghe mọi người, lên tuyến trên để chữa bệnh, vì lúc đó mình thực sự rất rối và điều mình nghĩ tốt nhất cho ngoại lúc này là chữa trị cho mau khỏi. Và ngoại nhìn mình, gật đầu ra hiệu đồng ý. 


Và quả thật..., khi được chuyển lên tuyến trên, ngoại không qua khỏi, sau cơn phẫu thuật căng thẳng, ngoại dường như bất tỉnh. Và hai hôm sau đó, gia đình mình đưa ngoại về nhà và chuẩn bị nghi lễ. Trời ơiiiii. Giá như lúc đó mọi người cho ngoại nói đôi lời, giá như lúc đó có ai đó lắng nghe ngoại, giá như lúc đó mình nhìn vào mắt ngoại lâu hơn nữa, và nói ngoại biết mình yêu ngoại đến nhường nào. Nhưng mình cũng không thể trách mọi người, dẫu sao mọi người cũng chỉ vì yêu và lo lắng cho ngoại quá mà thôi. Đó là lần cuối cùng mình được nhìn vào đôi mắt ấy. Nhưng mình tự thấy an ủi bản thân sau đó, vì chí ít, mình cũng đã giao tiếp với ngoại lần cuối - qua ánh mắt. 


Thật kỳ lạ, suốt mấy ngày lo hậu sự cho ngoại, ở sát bên ngoại, mình không rơi một nước mắt nào, mặc dù trong lòng mình biết mình thương ngoại nhiều lắm, nhớ ngoại nhiều lắm. Sau đó không lâu mình mới chợt hiểu, có lẽ ngoại muốn mình luôn vui, muốn mình mừng cho ngoại vì đã được giải thoát khỏi bệnh tật, khỏi những cơn đau. Và hơn hết, ngoại muốn mình luôn hiểu rằng ngoại vẫn luôn ở đó, chờ mình trở về. 


Yêu và được yêu là một đặc ân và may mắn không phải ai cũng may mắn có được. Có những đứa trẻ không gia đình, có những đứa trẻ sinh ra đã không biết mình thuộc về đâu. Suy cho cùng, gia đình, dù như thế nào đi nữa, vẫn bao dung và tha thứ cho mình vô điều kiện, yêu thương mình vì mình là chính mình. Và mình, một đứa con gái bướng bỉnh với nhiều khát khao hoài bão, mình biết rồi sau này mình có thể sẽ cần đi xa, cần thay đổi để hoàn thiện hơn mỗi ngày. Thế nhưng, tình yêu mình dành cho gia đình, vẫn mãi ở đó, không bao giờ thay đổi.


Ngoại ơi, dù ngoại có ở đâu, hãy hứa với con, ngoại phải sống thật an nhiên và hạnh phúc ngoại nhé. Con mãi yêu và nhớ ngoại rất nhiều.


_From Ori_

BẢN THẢO
Bài viết liên quan