Chia sẻ những vết thương thời thơ ấu

Mỗi chúng ta đều cố gắng giữ cho mình những bí mật thời thơ ấu. Có những ký ức tưởng chừng như đã qua nhưng thực chất lại đeo bám bạn đến hiện tại. Tuổi thơ bạn có "vết thương "nào không?


Phần một: Chuyện gì đã xảy ra?


Chắc chắn có những điều tồi tệ đã xảy ra trong thời thơ ấu: cha mẹ của chúng ta không hoàn hảo; có những tình huống “dở khóc dở cười” bị bại lộ; có những vấn đề phải đối mặt mà chúng ta không thể giải quyết chúng một cách ổn thỏa khi còn trẻ. Cho dù bạn luôn cố hết sức để quên đi những “vết sẹo” thời thơ ấu nhưng nó vẫn bám riết lấy phiên bản trưởng thành của bạn, khiến bạn luôn mắc kẹt trong “mớ suy nghĩ tăm tối” ấy. Bạn có thể cảm thấy ngượng nghịu khi đề cập đến chúng vì nghe có vẻ như chúng ta chỉ đang ngụy biện - nhưng thực ra chúng ta đang xoay quanh những sự kiện quan trọng - thứ là lý do của việc chúng ta trở thành con người như bây giờ. Chúng tạo nên sự khác biệt lớn về mức độ chúng ta thấu hiểu bản thân cũng như đối tác và khi xem xét một vấn đề bắt nguồn từ đâu.


Giai đoạn đầu tiên là phác họa lại những gì khó khăn xảy ra với chúng ta. Chúng ta đang cố gắng ghi nhớ một cách chi tiết những thời điểm đau khổ hoặc cảm thấy tổn thương về mặt tinh thần. Cố gắng đừng nhìn chúng qua đôi mắt trưởng thành hiện tại mà hãy kết nối lại với cảm nhận của chúng ta khi đó. Tất nhiên danh sách này sẽ khác nhau, tùy thuộc vào mỗi cá nhân - nhưng đây là một số ví dụ về những kỷ niệm không vui điển hình:


  • Thật kinh hoàng khi bố tôi chỉ trích gay gắt điều mà ông gọi là “đồ con nít”: Ông ấy nói rằng tôi đã quá lớn để chơi gấu bông hay để mẹ phải bế tôi lên giường. Tôi cảm thấy ông ấy đang ép buộc mình theo một cách nghiêm khắc, lạnh lùng và xấu tính. Và điều đó khiến tôi không hề vui vẻ chút nào.


  • Vào khoảng hồi 5 tuổi, tôi đã rất buồn khi thấy mẹ đi dự tiệc vào buổi tối trong một chiếc váy đặc biệt. Tôi có cảm giác như bà ấy đang bỏ rơi mình. Một thế giới khác thù địch với không gian ấm cúng của tôi khi bà ấy nói rằng: “Con thật phiền phức, mẹ muốn được tự do.”


  •  Khi tôi lớn lên, mẹ tôi luôn tự ti, bà thường khá sợ hãi và không bao giờ cảm thấy bản thân mình đủ tốt (đặc biệt là khi ở cùng đại gia đình của bố tôi). Mỗi khi nhìn thấy bà ấy bị tổn thương hay bị khinh miệt, tôi lại cảm thấy đau đớn.


  • Khi còn nhỏ, cha mẹ tôi đã dạy rằng tình dục là một thứ gì đó rất tồi tệ và ghê tởm.


  • Tôi nhớ mình đã đứng một mình lẻ loi trong sân trường vì tôi không biết làm thế nào để tham gia với mọi người. Tôi hoảng sợ và phải cố gắng giả vờ như mình không hề bận tâm và muốn ở một mình.


Bạn hãy lập danh sách của riêng mình- càng bao quát và chi tiết càng tốt - về những trường hợp trong thời thơ ấu của chính bạn khi bạn cảm thấy mình bị tổn thương về mặt tinh thần. Ở bước này, chúng ta chỉ đơn giản là thừa nhận một sự thật khắc nghiệt rằng: khi chúng ta bước vào một mối quan hệ nào đó, chúng sẽ đều mang theo một quá khứ với những vết thương tình cảm khó lành. Nhưng sau tất cả, chúng ta xứng đáng nhận được sự thấu hiểu và cảm thông cho điều đó.



Phần hai: Ngày hôm nay, những vết thương ấy đã được chữa lành?


Những vết thương thời thơ ấu tạo nên những thói quen ăn sâu vào trong cuộc sống của chúng ta khi trưởng thành. Và khi chúng ta còn chưa kịp nhận ra điều đó thì chúng đã làm thay đổi tính cách và hủy hoại chính chúng ta.


Vết thương thời thơ ấu thường có một số xu hướng biểu hiện sau đây:


Chúng ta quá nhạy cảm: Những trải nghiệm thời thơ ấu khiến chúng ta có tính cảnh giác cao. Những thứ tưởng chừng rất bình thường và không đáng lo ngại cũng làm chúng ta cảnh giác và coi chúng như một mối đe dọa. Chẳng hạn như một từ bị phát âm sai, hình ảnh một ai đó đang khoe khoang, hoặc nắp đĩa bơ còn sót lại cũng đủ để khiến chúng ta thấp thỏm, lo âu. Không phải vì chúng ta quái dị mà bởi vì những vết thương tình cảm trong quá khứ đã gợi nên những mối nguy hiểm tiềm tàng từ chúng.


Chúng ta cố gắng bù đắp quá mức và dẫn đến phản tác dụng: Chúng ta đã thất bại trong một lĩnh vực quan trọng và bù đắp một cách cực đoan cho những gì chúng ta chưa đạt được. Ví dụ: nếu xung quanh quá hỗn loạn, chúng ta sẽ đầu tư hết mức vào trật tự và an ninh; nếu chúng ta bị cấp trên quản lý quá nghiêm ngặt, chúng ta có thể cảm thấy mình cần phải khẳng định sự độc lập hay nếu chúng ta luôn khắt khe về chi tiêu, chúng ta có thể bị cám dỗ bởi những thứ xa xỉ đắt tiền.


Chúng ta thiếu sự tự tin: Chúng ta hình thành suy nghĩ trong đầu rằng để bản thân xứng đáng được yêu thương thì chúng ta phải đáp ứng những điều kiện nghiêm ngặt kèm theo. Ví dụ như phải thật thành công, rất “tốt” hoặc không bao giờ phàn nàn. Hoặc chúng ta cảm thấy rằng mình sẽ được mọi người yêu mến miễn là không cạnh tranh với người khác hoặc chúng ta đáp ứng kỳ vọng của mọi người hay che giấu sở thích tình dục của bản thân một cách kỹ lưỡng.


Hãy lần lượt hoàn thành các câu sau:

Một điều tôi nghĩ rằng tôi có thể quá nhạy cảm với nó là…

Và tôi nghĩ điều này bắt nguồn từ…

Tôi nghĩ rằng tôi có lẽ đã bù đắp quá mức về điều này vì…

Thứ khiến tôi thiếu tự tin là…

Và tôi nghĩ điều này xuất phát từ...


-------------

Dịch bởi: Boba

Biên tập: Ori

Ảnh: Pexels

Tham khảo:

The School Of Life, Sharing Our Early Wounds [Online] Available at: <https://www.theschooloflife.com/thebookoflife/sharing-our-early-wounds/> [Accessed 30 August 2021]

---------------

BẢN THẢO
Bài viết liên quan