Chính Bạn Là Người Phải Chịu Trách Nhiệm Với Cảm Xúc Của Mình

Tôi tin rằng bạn và chỉ mỗi bạn mới có khả năng kiểm soát được hạnh phúc của mình. Nếu bạn vui, đó là lỗi của bạn. Nếu bạn buồn, tức giận, chán nản, thì đó là lỗi của bạn. …

Tôi tin rằng bạn và chỉ mỗi bạn mới có khả năng kiểm soát được hạnh phúc của mình. Nếu bạn vui, đó là lỗi của bạn. Nếu bạn buồn, tức giận, chán nản, thì đó là lỗi của bạn. Chỉ BẠN mới có thể kiểm soát và điều chỉnh tâm trạng của bạn hàng ngày.

Chúng ta không thể kiểm soát những sự việc bên ngoài xảy ra với chúng ta trong cuộc sống – nhưng một điều mà chúng ta CÓ THỂ kiểm soát là cách chúng ta phản ứng với những tình huống đó. Chúng ta có thể học cách phản ứng sao cho phù hợp với những lợi ích tốt nhất của chúng ta, thay vì làm theo thói quen phản ứng với những cảm nhận của cảm xúc.

Đúng vậy – nói thì dễ hơn làm. NHƯNG, tôi tin rằng có nhiều cách mà chúng ta có thể trau dồi khả năng tốt hơn để phản ứng một cách hợp lý.

Chúng ta làm điều đó như thế nào?

Đầu tiên chúng ta cần hiểu những phản ứng là gì và tại sao chúng diễn ra.

Đây là cách tôi nhìn nhận nó – Những sự việc bên ngoài xảy ra >> Phản ứng xúc cảm như những cảm xúc bắt đầu diễn ra  > Đầu óc phản ứng lại những cảm xúc này với sự mong muốn hoặc tránh né.

“Những sự việc” xảy ra với bạn, điều này gây ra những cảm xúc nhất định trong bạn, và sau đó bạn phản ứng với những cảm xúc đó. Nếu đó là một trải nghiệm tốt, bạn phản ứng với sự mong muốn (Tôi muốn nhiều hơn như vậy!). Nếu đó là một trải nghiệm không dễ chịu gì, bạn sẽ phản ứng với hình thức tránh né (hãy để điều này tránh xa tôi!)

Khi bạn tức giận, bạn chỉ đơn thuần là phản ứng với cảm giác của sự giận dữ. Khi bạn cảm thấy bực tức, bạn phản ứng lại với những cảm xúc liên quan đến sự bực tức của bạn.

Hãy lấy ví dụ kinh điển “họ đã làm tôi tức giận!”

Ai đó có thể đã nói hoặc làm điều gì đó gây ra một cảm giác khó chịu nhất định bên trong bạn, điều đó khiến tâm trí bạn rối loạn và làm cho bạn tức giận.

Nếu bạn để ý kĩ bất kỳ cảm xúc nào đó, luôn có một cảm giác gắn liền với nó. Tức giận có thể cảm thấy bức bối và nóng. Buồn có thể cảm thấy lạnh và run. Hạnh phúc có thể cảm thấy ấm áp và háo hức.

Đây là một quy luật phổ quát – Nếu bạn nhìn đủ sâu, có một cảm giác liên quan đến mọi tình huống xảy ra với chúng ta trong cuộc sống. Càng nhận thức được những cảm giác này, chúng ta càng có thể hiểu rõ hơn về phản ứng của chúng ta trước các tình huống.

Bước 1 trong việc làm chủ tâm trí của bạn là hiểu được cảm giác mà các tình huống khác nhau gây ra cho bạn. Bước đầu tiên trong hành trình này là nhận thức về những cảm giác này và chú ý các điểm đặc trưng trong các tình huống tương tự.

Theo thời gian, một khi bạn trở nên quen thuộc với những cảm giác này, bạn có thể học cách quan sát chúng. Nếu bạn từng tức giận và sau đó mất 30 phút để bình tĩnh lại, thì bây giờ có thể bạn sẽ mất 15 phút chỉ bằng cách ngồi lại với những cảm xúc và suy nghĩ đó và theo dõi chúng.

Cuối cùng, bạn có thể đến một nơi mà bạn có thể thấy được những cơn sóng giận dữ / buồn bã / lo lắng vượt qua bạn thay vì rơi vào vòng xoáy đó.

Mục đích ở đây là gì ? Đó là để nhận ra rằng chỉ có bạn mới có thể kiểm soát được những phản ứng của bạn với các sự việc bên ngoài. Thế giới nội tâm của bạn nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Hạnh phúc của bạn nằm trong tay của chính bạn.

Cùng với sự hạnh phúc nằm trong tay của bạn, nửa sau của vấn đề là nơi điều này trở nên thú vị.

Tôi đã luôn bị cuốn hút bởi hiệu ứng giả dược và thực chất của việc làm thế nào chúng ta có thể khiến mình tin vào BẤT CỨ ĐIỀU GÌ.

Nếu thuốc trấn an có thể làm cho bạn mạnh mẽ hơn, nhanh nhẹn hơn, có sức chịu đựng tốt hơn,… thì điều đó nói lên điều gì về cách mà suy nghĩ của chúng ta có thể ảnh hưởng đến biểu hiện của chúng ta?

Suy nghĩ của chúng ta giống như những viên thuốc trấn an mà chúng ta tin dùng hàng ngày. Nếu bạn tin rằng những suy nghĩ đi qua đầu bạn là sự thật, thì nó sẽ tự biểu lộ ra!

Hãy để sử dụng một ví dụ để minh họa.

Hãy nói đến khi ai đó xúc phạm bạn vì gương mặt của bạn. Bạn có đầy đủ lý do và cơ sở để tức giận với người này. Họ vừa xúc phạm bạn đúng chứ?!

Vậy nên nếu sau đó bạn cảm thấy tức giận, thì điều đó hoàn toàn đúng thôi. Bạn có mọi lý do trên thế giới để tức giận và phàn nàn tất cả những gì bạn muốn với tất cả bạn bè và gia đình của bạn.

Nhưng đây có phải là điểm then chốt? Bao lâu thì chúng ta trở nên tức giận / buồn bã /… đơn giản chỉ vì chúng ta có LÝ DO? Tình huống x xảy ra trong cuộc sống vậy phản ứng của tôi NÊN LÀ tức giận / buồn… đúng chứ?

Bạn có thực sự tức giận không? Hay bạn chỉ là có một lý do để tức giận vậy nên bạn thuyết phục bản thân về điều đó? Có phải là bạn chỉ đơn thuần lặp đi lặp lại một câu chuyện sai lầm trong đầu, cứ xoay quanh một điểm cho đến khi bạn chắc chắn?

Tôi tin rằng mọi người lợi dụng các sự việc bên ngoài và câu chuyện về các sự việc như thế để biện minh cho sự khốn khổ của chính họ. Họ chỉ đơn giản là tức giận / buồn vì họ có lý do. Đó là một câu chuyện mà họ đã kể cho chính họ (và những người khác) nhiều lần.

Làm thế nào tôi có thể vui vẻ khi cả ngày tôi phải đối phó với những tên khốn, người làm tôi bực mình và không làm được gì ngoài làm cho tôi đau đầu?!

Khi điều này xảy ra, những người này chỉ đơn giản là hoàn toàn tin tưởng vào viên thuốc trấn an sự tức giận.

Một cái gì đó chỉ có thể làm bạn tức giận nếu bạn tin nó! Bạn chỉ đơn giản là TIN TƯỞNG câu chuyện mà bạn tự kể với mình để biện minh cho lý do tại sao bạn tức giận.

Nếu đúng là như vậy, tại sao không sử dụng hiệu ứng giả dược cho lợi ích của chúng ta?

Tại sao không tin một câu chuyện khác? Tại sao không tin một câu chuyện về lòng trắc ẩn, sự đồng cảm và sự thấu hiểu? Tại sao không tin một câu chuyện về sự tha thứ và mang lại cho mọi người lợi ích của sự nghi ngờ?

Điểm quan trọng là, đừng để bị lừa. Đừng tức giận chỉ vì bạn có lý do. Đừng buồn chỉ vì điều gì đó đã xảy ra mang đến cho bạn lý do để như vậy. Vượt lên những điều đó và kể cho chính mình một câu chuyện khác.

ĐÚNG THẾ – nếu những cảm xúc này xuất hiện một cách tự nhiên, điều đó ổn thôi! Ngồi lại với chúng và để cho chúng đi qua mà không bị cuốn vào quá nhiều. Nhưng hãy chú ý đến CÂU CHUYỆN mà bạn kể với chính mình.

Câu chuyện bạn kể với bản thân trở thành những viên thuốc trấn an bạn dùng hàng ngày. Nếu bạn có một câu chuyện được tạo ra mà ở đó bạn là nạn nhân, đó sẽ là hình ảnh của con người bạn mang bên mình. Nếu bạn tạo ra một câu chuyện và ở đó bạn vượt qua cuộc đấu tranh của mình bằng quyết tâm và hiểu biết, thì tấm gương bạn lựa chọn là một con người có hai phẩm chất ấy.

Nếu bạn đang ở trong một lối mòn, chỉ có bạn mới có thể kéo mình ra khỏi nó. Nếu bạn ở một nơi tối tăm, chỉ có bạn mới có thể tự mình thoát ra khỏi nó.

Những người khác có thể ở đó để giúp đỡ, để khuyến khích, động viên và truyền cảm hứng – nhưng cuối cùng thì bạn vẫn cần phải tự mình nỗ lực cố gắng.

Câu chuyện của bạn tùy thuộc vào bạn. Phản ứng của bạn tùy thuộc vào bạn. Hạnh phúc của bạn tùy thuộc vào bạn. Đó là trách nhiệm của bạn, đó là bổn phận của bạn, nhiệm vụ của bạn trong cuộc sống.

Bây giờ hãy đối mặt với nó cùng một nụ cười trên khuôn mặt bạn và xây dựng cuộc sống mà bạn mong muốn.

—————————–
Dịch: Thảo Mi
Biên tập: DeathBlossom
Minh họa: Bảo Trân
Nguồn: https://troyerstling.com/only-you/

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan