Chủ nghĩa sống Hippie

Xưa nay tạo hóa xoay vần, hết khá rồi khắm, chẳng cần gì đâu. Hụp lặn khói bụi chán chê, tự dưng nay nhân loại “đùng đoàng” trào lưu “về quê, nuôi cá và trồng thêm rau…”


Xưa nay tạo hóa xoay vần, hết khá rồi khắm, chẳng cần gì đâu. Hụp lặn khói bụi chán chê, tự dưng nay nhân loại “đùng đoàng” trào lưu “về quê, nuôi cá và trồng thêm rau…” rồi còn đồng lòng điều chỉnh cả cuộc sống theo nhịp điệu miền quê nữa. Một số khác thì ôm nỗi khiếp sợ tương lai, đã tuyệt vọng trở lại quá khứ và ngày ngày cố gắng tìm lại thế giới chết mòn đã sinh ra họ, cùng lúc đó đặt ra vô vàn giả thiết về khoảng không mù mờ phía trước. Nào là mớ hổ lốn còn tàn dư của liên hoàn đấu đá, nào là quyền lực giật dây yên cương. Đã thế thì ta đành lui về chốn bình yên, đoạn tuyệt với xã hội thôi. Cũng phải, đôi lần tôi nghĩ có phải sự mất cân bằng giữa vật chất và tinh thần đã quá rõ ràng rồi chăng, bên ba bên bảy nặng gáng cheo leo.


Trong những năm 1960, cuộc cách mạng lối sống - Hippie diễn ra tại Hoa Kỳ cũng lặp lại tình tiết tương tự nhưng đến cùng, dư luận một lần nữa đảo chiều. Phát sinh từ tính chi phối bởi chủ nghĩa tiêu dùng và tư tưởng đàn áp dành cho tầng lớp trung lưu, một bộ phận giới trẻ lúc bấy giờ trở nên bất mãn với những định ước xã hội đương thời. Thế mà, xuyên suốt chiều dài lịch sử, truyền thông chỉ thường châm biếm chủ nghĩa Hippie giống như một kiểu trò đùa nông cạn mà các bộ phim từ màn ảnh nhỏ đến lớn đều thích giễu nhại. Hầu hết họ đều được mô tả như một đám quái dị ăn bận lố lăng và khác thường, nhịn đói, nhịn khát để theo đuổi một tư tưởng hoang đường nào đó. Họ đi ngược với chuẩn mực xã hội thông thường, tức là người bẩn tóc bết, ăn nói khó hiểu và cực kỳ “đi mây về gió”.


Chủ nghĩa “quái đản”.


Năm 2015, bộ phim tài liệu khá đặc biệt tên The Wolfpack được ra mắt công chúng, nhằm kí họa một diện mạo “thiếu sáng” của hình thức giáo dục tại gia. Mạch truyện là tập hợp vô số lời nguyền về chiếc lồng kẽm tại New York, khi những gì bọn trẻ hình dung về thế giới bên ngoài hoàn toàn thông qua phim ảnh, kiến thức sách vở và lời mẹ bảo. Chỉ đợi đến ngày nọ, một đứa trẻ bước khỏi lằn ranh an toàn (ý tôi là bậc thềm chung cư), chúng mới thực sự có cái nhìn khái quát về cuộc sống thực.


Rất giống với câu chuyện trên, đạo diễn Matt Ross chấm lửng “Captain Fantastic” như một phản đề cho nền giáo dục truyền thống đặt vào bối cảnh hiện đại, cho lối sống mì ăn liền và quy chuẩn đạo đức nặng nề, khiên cưỡng. Sáu anh chị em với dáng dấp hao hao bộ tộc ít người cùng người cha tuyệt hảo Ben Cash, đạm bạc “một túp lều tranh” nơi rừng sâu. Cha mẹ chúng, sau khi lấy nhau, bằng sự căm ghét chủ nghĩa tư bản và xã hội Mỹ, đã quyết định dứt áo ra đi và rằng sẽ trồng người thành công một khi bên rìa nỗi ám ảnh vật chất.


Mỗi ngày sáu đứa trẻ tiến hành một lịch sinh hoạt gần như cố định bao gồm rèn luyện thể chất, kỹ năng sinh tồn, công việc gia đình và học tập trên tinh thần độc lập. Dồn dập loạt chuyển biến mới mẻ, làn sóng công nghiệp cứ như thể thuỷ triều, dâng cao cách mạng rồi kéo theo đó đám rong rêu hỗn tạp ngoài khơi xa. Hiện trạng rối ren ấy khiến người ta không giấu nổi suy ngẫm về ý nghĩa đích thực của phong cách “rừng rú”. Đơn cử như vị chỉ huy, tách biệt hẳn thế giới hiện đại để tập trung truyền đạt những giá trị thuần túy, thông qua phương thức cổ điển song luôn hiệu quả: đọc sách, đồng thời vấn đáp trực tiếp để phân tích và thấu hiểu. (những phát biểu đa diện của đứa con gái về tác phẩm Lolita). Theo phương châm nguyên tắc - chính xác - toàn diện, đám trẻ nhà Ben Cash nắm quyền hiệu chỉnh bản tính hoang dã một cách thông minh và có giáo dục.


Sở dĩ, dân Hippie luôn nuôi thành kiến vô cùng tiêu cực đối với tôn giáo và “hệ thống” xã hội, vì tư tưởng khởi điểm của phong trào này xuất phát từ những nhà trí thức và nghệ sĩ vào thời kì thói đạo đức giả lên ngôi. Toà án tối cao, pháp luật hay truyền bá điều răn từ những “con chiên” tự xưng, chung quy là biểu hiện mang tính hình thức, còn bên trong thì rỗng tuếch. Một phiên bản sinh đôi của anti-social, nhóm người “ăn lông ở lỗ” này có xu hướng phản xã hội, ngược lại họ đề cao tự do - tình yêu - hoà bình. Những sự tiêu cực mà chúng ta thấy ở dân Hippie sau đó là do phong trào này đã chệch hướng sang sa đọa khi con người trở thành dốt nát.



Lý tưởng hay Ảo tưởng?


Căn cứ vào cấu trúc xã hội lý tưởng của Plato, một cuộc sống tốt đẹp không chỉ đòi hỏi một loại tri thức nào đó mà còn phải hình thành thói quen với những phản ứng cảm xúc lành mạnh. Công lý, Cái đẹp và Bình đẳng thuộc dạng mô thức điển hình mà mỗi người cần nghiêm túc tuân theo, để nhờ đó mới có sự hài hoà giữa ba phần tâm hồn. 


Ví von với nấc thang thiên đường, chuyên tâm từng dấu chân và cám dỗ chớ cản lối, Ben muốn cuộc sống gia đình theo hướng hoàn hảo như nền cộng hòa của Plato. Chỉ có điều Ben sai lầm ở chỗ, để hiện thực hoá lý tưởng rốt cuộc chỉ là sự ảo tưởng. Bởi lẽ, hiếm bậc cha mẹ nào đủ trình độ giống vợ chồng Ben, ngoài ra thì xã hội còn bị chi phối nhờ chuỗi quy luật ngầm, ví như sự cạnh tranh sinh tồn giữa người và người, những đam mê và dục vọng.


Những đứa trẻ điểm trang tiếng cười, nhưng ẩn sau là mối trăn trở khôn nguôi. Nỗi lo lắng rất thường trực trong xã hội hiện đại, khi người ta nhận ra rằng chúng khác người và khó có thể tồn tại được vì lỗ hổng kinh nghiệm sống còn quá lớn. Cụt đường, hay có lẽ lại chính là khởi đoạn, đan xen giữa tia hy vọng và luồng hơi trĩu nặng, cái chết của mẹ đám trẻ điềm báo cho bước ngoặt khó lường sắp tới. Leslie tự sát, sau thời gian dài chống chọi với chứng rối loạn lưỡng cực. Cuối cùng, Ben và những đứa con quyết định quay trở về ngôi nhà của ông ngoại để thực hiện di nguyện của mẹ mình.


Hành trình ngược dòng xã hội bắt đầu. Đối lập với những tác phẩm khác khi con người hoà hồn thiên nhiên, ở đây con người quay trở về nơi chốn dành cho họ. Rõ rệt hơn cả, phép tương phản về nhận thức giữa các thành viên và “kí sinh trùng” trong xã hội càng khó dứt tranh cãi nếu soi theo quan niệm thời đại; một bên là hiểu bản chất cốt lõi, bên khác thì sa vào những thứ tạp nham kém giá trị. Sự tương phản thấy rõ trong những đứa trẻ có khả năng sử dụng iPhone, thích chơi điện tử, thức ăn nhanh và những đứa trẻ dù rất nhỏ đã đọc Dostoevsky, khoa học lượng tử đến khoa học thiên văn.


Giống như Ben, bọn trẻ đều biết mình xuất sắc hơn người từ cung cách sống hiện tại. Và bằng sự cao ngạo cố hữu của người thông minh trông xuống kẻ dốt nát hơn mình, lũ trẻ sẽ không đời nào hòa vào cuộc sống tầm thường hiện tại với điện tử, béo phì và những trói buộc xã hội khác. Tất cả xúc tác ấy đủ châm ngòi cho xung đột của sáu đứa trẻ khi tiếp cận các mối quan hệ xã hội, tình cảm gia đình, tình yêu, những điều rất đỗi bình thường lại khiến chúng trở nên bất an và bối rối.


Lúc này phản đề giáo dục được mở ra. Cha mẹ thông thường và cha mẹ khác thường, xã hội thông thường và xã hội sách vở.


Cuộc sống hiện thực và khoảng trời “trong xanh”


Sở hữu kiến thức và kỹ năng phong phú, Ben Cash cứ thế chắt lọc, chỉ giữ lại những gì mà anh cho là hợp lý để tồn tại trong vô vàn xô bồ, độc hại và một mực áp dụng cả thảy nguyên tắc đó vào cách giáo dục theo đường lối triệt để. Xét cho cùng, Ben Cash là một người trưởng thành từng trải, nhưng những đứa con của anh thì không. Chúng rốt cuộc vẫn chỉ là đám trẻ ngây thơ, gần như xa lạ với thế giới bên ngoài.


Dĩ nhiên ông bố không nhận ra sự “không áp đặt song hóa ra lại chính là áp đặt” của mình; bởi lẽ cải cách “sống xanh sạch đẹp” vốn chỉ phớt qua, biến động trên bề mặt chứ chẳng cách nào cởi trói được tư tưởng then chốt. Ben sợ các con mình sa lối mòn mà ông và vợ đã từ bỏ, nó chỉ đơn giản là sau cái chết của vợ, gia đình, cuộc sống mà ông níu giữ đang vỡ ra thành muôn mảnh mà ông không thể kiểm soát được nữa. Hóa ra bên trong những cá thể tưởng như phải có tư tưởng tự do nhất vẫn luôn bị bó hẹp trong khoảng trời của chính mình và chấp niệm những hạn chế cố hữu.

— — —


Xã hội lý tưởng của Plato đã chết giống như người vợ Leslie, có chăng do cuộc sống hiện thực chao đảo những triệu chứng tâm thần phân liệt, lúc thì dịu dàng, lúc thì giận dữ, lúc thì hạnh phúc, lúc thì khổ đau; đó cũng là mâu thuẫn đang tồn tại trong hạt nhân xã hội và loài người. Ben và những đứa con của anh muốn cứu cô ấy nhưng họ không thể, cũng giống như phong trào Hippie tiên khởi, các trí thức muốn cứu sự sa đọa của xã hội phương tây nhưng họ thất bại và bản thân phong trào cũng thoái hóa; vì bản chất con người không hoàn mỹ, nên chúng ta phải chấp nhận điều đó. Sự không tưởng trong niềm tin của anh ấy, nó đã đi quá xa, nó không thực tế trong một xã hội đã xuống cấp. Dù sao đi nữa bản thân mỗi người không thể tự tồn tại bên ngoài xã hội, trừ những tu sĩ muốn lánh đời.


Sweet Child O’Mine


Jean-Jacques Rousseau đã không đề cử sáng kiến về với đất mẹ như điều tốt đẹp nhất. Nhận định được đúc kết thế này, nếu con người có thể “hồn nhiên như cây cỏ," thì có lẽ hết thảy vấn đề nan giải trên thế giới đều được giải quyết trong tích tắc. Tuy nhiên, có một sai lầm trong kiểu suy nghĩ này. Công dân của các nước kém phát triển đã sống trong tình trạng “tự nhiên”, lam lũ đồng áng, thiếu nguồn nước sinh hoạt tối thiểu, cứ thế vật vờ rày đây mai đó. Vì vậy, họ ắt hẳn nên khảng khái thừa nhận rằng "thiên nhiên" thô thực chất không phải là món sinh tố ngon. Vừa buông lời, tôi dám chắc dân Hippie thượng đẳng sẽ không ngớt luận điểm phản biện, kinh điển là “đã không biết tới xa hoa thì làm gì xuất hiện tư tưởng lạc lõng được”, y hệt một con mèo béo tự mãn. Ừ chí phải đó, nhưng hạnh phúc mà họ đang nắm giữ ấy, chả khác nào con ếch ngồi đáy giếng, coi trời bằng vung cả.


Tất nhiên xã hội thực tế không hoàn toàn mang tính tệ hại, vì nếu chỉ có những thứ rỗng tuếch và tiêu cực thì nó sẽ sớm sụp đổ. Có một điều mà chúng ta cần hiểu, những môn học xã hội mới là nguồn lực trên bước đường trưởng thành và phát triển, còn các môn tự nhiên chỉ thuần công cụ nuôi sống bản thân; thứ trước dành cho số ít người, thứ sau dành cho đa số.


Giải pháp tối ưu nhất thời điểm hiện tại chính là thỏa hiệp giữa hệ tư tưởng bảo thủ và quyền lợi sống còn. Ben cho các con mình quyền nếm mùi vị của thế giới xấu xa, nhìn nhận bằng con mắt của chúng và quyết định tồn tại như thế nào. Giữa hai cực trái ngược, thế giới rừng rú cao siêu cực đoan của Ben và thế giới béo phì đa dạng chúng ta đang sống, con lắc đang được dung hòa hết sức cân bằng ở giữa. Cải tạo xã hội dẫu có cao thượng đến mấy vẫn là quá khả năng đối với cá nhân và sự chuyển hướng từ lý tưởng cộng đồng sang lý tưởng cá nhân hoặc gia đình bỗng dưng đúng đắn hơn cả.


Cứ vậy, chủ nghĩa Hippie chứa nhiều điều khó tin vì nó phóng dụ, để trình bày thông điệp của mình, nó chứa đựng hiện thực xã hội, gợi suy nghĩ và truyền cảm hứng. Vì thế nên đôi khi chúng ta hãy thả lỏng tâm trí của mình, đi ra ngoài logic sẵn có để hiểu hơn về chính cuộc sống này. Chấp nhận cái chết của người yêu dấu nhẹ tênh như cú xả nước bồn cầu, bật nhạc và nhảy múa trong đám tang của bà mẹ, mọi thông điệp cao siêu đến cùng đều giao nhau tại một điểm chung. Nó đơn giản là rất dễ chịu, mọi thứ đều rất đẹp đẽ, vốn là thế. 

-----

Tác giả: Cát Phương

Ảnh: Unplash

BẢN THẢO
Bài viết liên quan