Chữa lành sang chấn thời thơ ấu

Có nhiều trải nghiệm khác nhau có thể dẫn đến sang chấn. Sang chấn thời thơ ấu là một sự kiện đe dọa đến tính mạng hoặc sự toàn vẹn cơ thể mà một đứa trẻ phải trải qua trong quá khứ.

Mặc dù người lớn thường nói những câu như “Khi điều đó xảy ra, thằng bé còn quá nhỏ; thậm chí nó sẽ không nhớ sự việc này khi đã trưởng thành đâu”; tuy nhiên, sang chấn thời thơ ấu có thể ảnh hưởng đến suốt cuộc đời mỗi người. Ngay cả khi những đứa trẻ này tỏ ra kiên cường, thì chúng thật ra không phải được sinh ra từ những hòn đá.

Điều đó không có nghĩa là con bạn sẽ bị tổn thương về mặt tình cảm suốt đời nếu chúng phải chịu đựng một trải nghiệm kinh hoàng. Quan trọng là bạn phải biết được khi nào con mình đang cần sự trợ giúp của các chuyên gia để ứng phó với những sang chấn. Việc can thiệp sớm có thể ngăn ngừa việc con bạn phải trải qua những ảnh hưởng liên tục của sang chấn khi chúng bước vào tuổi trưởng thành.

Sang chấn thời thơ ấu là gì?

Có nhiều trải nghiệm khác nhau có thể dẫn đến sang chấn. Sang chấn thời thơ ấu là một sự kiện đe dọa đến tính mạng hoặc sự toàn vẹn cơ thể mà một đứa trẻ phải trải qua trong quá khứ. Ví dụ, lạm dụng thể chất hoặc lạm dụng tình dục rõ ràng có thể gây tổn thương cho những đứa trẻ. Các sự kiện chỉ xảy ra một lần như tai nạn xe hơi, thiên tai (như bão) hoặc chấn thương y khoa cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý của chúng.

Căng thẳng liên tục như sống trong một khu phố nguy hiểm hoặc đã từng là nạn nhân của bắt nạt có thể tạo thành sang chấn, ngay cả khi nó trông có vẻ bình thường đối với một người trưởng thành.

Sang chấn thời thơ ấu cũng không nhất thiết phải xảy ra trực tiếp với đứa trẻ. Ví dụ, chứng kiến một người thân yêu đau khổ cũng có thể là một tổn thương vô cùng to lớn. Tiếp xúc với các phương tiện truyền thông bạo lực cũng có thể khiến trẻ bị sang chấn.

Tuy nhiên, nếu chỉ vì một trải nghiệm khiến chúng ta khó chịu thì không đủ để tạo thành sang chấn. Ví dụ, việc cha mẹ ly hôn có thể ảnh hưởng đến một đứa trẻ, nhưng không thể khẳng định chắc chắn rằng nó sẽ dẫn đến một sang chấn.

Sang chấn thời thơ ấu và PTSD

Nhiều đứa trẻ phải đối mặt với những sự kiện đau buồn vào lúc này hay lúc khác. Trong khi hầu hết chúng đều phải trải qua tình trạng đau khổ sau một sự kiện đau buồn, nhưng phần lớn trong số này trở lại trạng thái hoạt động bình thường trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Một số đứa trẻ ít bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh hơn những đứa trẻ khác.

Khoảng 3 - 15% trẻ em gái và 1 - 6% trẻ em trai mắc phải rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý (PTSD) sau một sự kiện đau buồn.

Trẻ em mắc phải PTSD có thể lặp đi lặp lại những tổn thương trong tâm trí của chúng. Chúng né tránh bất cứ điều gì khiến bản thân nhớ đến những sang chấn hoặc có thể tái hiện những sang chấn của mình trong trong lúc chúng chơi đùa.

Đôi khi, những đứa trẻ tin rằng chúng đã bỏ lỡ các dấu hiệu cảnh báo về sự kiện đau buồn. Với nỗ lực ngăn chặn những tổn thương trong tương lai, chúng trở nên cảnh giác quá mức trong việc tìm kiếm những dấu hiệu cảnh báo rằng điều gì đó tồi tệ lại sắp xảy ra một lần nữa.

Trẻ em gặp phải PTSD cũng có thể gặp vấn đề với:

  • Cơn giận và sự gây hấn
  • Lo âu
  • Trầm cảm
  • Gặp khó khăn trong việc tin tưởng người khác
  • Nỗi sợ
  • Cảm giác bị cô lập
  • Lòng tự trọng kém
  • Hành vi tự hủy hoại bản thân

Ngay cả những trẻ không mắc phải PTSD vẫn có thể biểu hiện các vấn đề về cảm xúc và hành vi sau một trải nghiệm đau thương. Dưới đây là một số điều cần lưu ý cho trẻ trong vài tuần và vài tháng sau một sự kiện đau buồn:

  • Vấn đề về cơn giận
  • Vấn đề về sự chú ý
  • Thay đổi cảm giác thèm ăn
  • Sự phát triển của những nỗi sợ mới
  • Gia tăng suy nghĩ về cái chết hoặc sự an toàn
  • Cáu gắt
  • Mất hứng thú với các hoạt động bình thường
  • Có vấn đề về giấc ngủ
  • Buồn bã
  • Từ chối đến trường
  • Than phiền về cơ thể như đau đầu và đau bụng

Chữa lành sang chấn thời thơ ấu | Nguồn ảnh: Pexels

Hậu quả sức khỏe lâu dài

Các sự kiện đau thương có thể ảnh hưởng đến cách não bộ phát triển của trẻ và để lại những hậu quả kéo dài suốt đời. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2015 đã chỉ ra rằng, một người càng phải trải qua thời thơ ấu bất hạnh thì nguy cơ mắc phải các vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần sau này càng cao.

Sang chấn thời thơ ấu có thể làm tăng nguy cơ:

  • Bệnh hen suyễn
  • Bệnh tim mạch vành
  • Trầm cảm
  • Bệnh tiểu đường
  • Đột quỵ

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2016 trên tạp chí Psychiatric Times lưu ý rằng, tỷ lệ cố gắng tự tử cao hơn đáng kể ở những người trưởng thành từng trải qua sang chấn tâm lý như lạm dụng thể chất, lạm dụng tình dục và bạo lực gia đình của cha mẹ khi còn nhỏ.

Sự gắn bó và các mối quan hệ

Mối quan hệ của trẻ với người chăm sóc - dù là cha mẹ, ông bà hay những người khác - đều rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ. Mối quan hệ và sự gắn bó này giúp đứa trẻ học cách tin tưởng người khác, quản lý cảm xúc và tương tác với thế giới xung quanh.

Tuy nhiên, khi đứa trẻ trải qua một sang chấn khiến chúng nghĩ rằng bản thân không thể tin tưởng hoặc dựa dẫm vào người chăm sóc đó, thì chúng có khả năng tin rằng thế giới xung quanh là một nơi đáng sợ và tất cả người lớn đều nguy hiểm. Điều này khiến cho việc hình thành các mối quan hệ trong suốt thời thơ ấu trở nên vô cùng khó khăn, bao gồm cả với bạn bè cùng trang lứa và trong những năm trưởng thành.

Những đứa trẻ gặp khó khăn trong việc duy trì sự gắn bó lành mạnh với người chăm sóc cũng có khả năng phải vật lộn với các mối quan hệ lãng mạn khi trưởng thành. Một nghiên cứu năm 2008 của Úc với hơn 21.000 người từ 60 tuổi trở lên và bị lạm dụng khi còn nhỏ đã chỉ ra rằng tỷ lệ các cuộc hôn nhân và các mối quan hệ của họ gặp thất bại cao hơn.

Làm thế nào để giúp đỡ?

Sự hỗ trợ của gia đình có thể là chìa khóa để giảm thiểu ảnh hưởng của sang chấn tâm lý đối với một đứa trẻ. Dưới đây là một số cách để hỗ trợ trẻ sau một sự kiện gây đau thương:

  • Khuyến khích con bạn nói về cảm xúc của mình và công nhận cảm xúc của chúng.
  • Trả lời những câu hỏi một cách trung thực.
  • Đảm bảo với con bạn rằng bạn sẽ làm mọi thứ có thể để giữ chúng an toàn.
  • Hãy tuân thủ thói quen hàng ngày của bạn càng nhiều càng tốt.

Tùy thuộc vào độ tuổi và nhu cầu của con bạn, đứa trẻ có thể được giới thiệu đến các dịch vụ như liệu pháp hành vi nhận thức, liệu pháp chơi hoặc liệu pháp gia đình. Thuốc cũng có thể là một lựa chọn để điều trị các triệu chứng của con bạn.

Vài lời từ người viết

Không bao giờ là quá muộn để tìm kiếm sự giúp đỡ. Việc điều trị vẫn sẽ có hiệu quả ngay cả với một thiếu niên bị lạm dụng mười năm trước mà bạn nhận nuôi hay với bạn - một người chưa từng nhận được sự giúp đỡ cho những trải nghiệm đau thương vào 40 năm về trước.



---


Dịch bởi: Trúc Phạm 

Biên tập: Mahoney Queen

Tham khảo:

Amy Morin. (2020). Treating the Effects of Childhood Trauma [Online] Available at: <https://www.verywellmind.com/what-are-the-effects-of-childhood-trauma-4147640> [Accessed June 30, 2020]

BẢN THẢO
Bài viết liên quan