Chuẩn bị cho cái chết, sự sống xuất hiện

Cái chết có thực sự đáng sợ, hay là một bài học để trưởng thành và biết cách tận hưởng sự sống đang hiện hữu ngay lúc này. Điều này còn tùy vào biến cố và sự chấp nhận có cùng đồng hành với nhau không?

Năm 2021, một năm không chỉ kinh tế buồn mà dường như trong góc nhỏ nào đó ở mỗi con người đều chất chứa những nỗi buồn bởi một năm 2021 nhiều biến động, với mình đó là cái chết.

Sự mất mát và cái chết luôn tồn tại cho dù nó có xuất hiện với tần số nhiều hay ít. Rồi năm nay, hơn 23.000 người chết trong đại dịch covid và sự ra đi của ông nội đã thật sự tác động mạnh đến nhận thức của mình về cái chết.


Ngày 19-11 vừa rồi, nhà nước tổ chức lễ tưởng niệm cho những người đã chết trong đại dịch vừa rồi, thật sự trong mình bao trùm một khoảng lặng lớn của người ngồi xem trước màn hình ảnh nhỏ. Làm sao có thể nói thành lời khi mọi thứ cảm xúc ấy không ngôn từ nào mà miêu tả rõ ràng được khoảng lặng trong tâm hồn ấy. Chỉ mong, những người ở lại và chịu những mất mát đã và đang xảy đến vững vàng trên hành trình phía trước.

Và trong đại dịch này, nội mình cũng từ bỏ cuộc sống.

Sự ra đi đã được biết trước và hành trình mới | Nguồn: Pinterest

Bước vào căn phòng nơi ông nằm với tiếng khóc của những người con, lúc ấy mình nhớ là về đêm nên khung cảnh ngoài còn tối lắm, tối đến mức màu đen đấy đang hiện hữu hòa chung nỗi buồn của những con người đang khóc bên cạnh thi thể của ông. Lạ lùng, mình không khóc. Mình đứng nhìn, chết lặng, đi nhẹ nhàng đến chỗ ông và quan sát.

Mình cảm nhận ông đi nhẹ nhàng nhưng còn những điều ông còn trăn trở vẫn vương trên gương mặt đấy dù mắt đã nhắm chặt, tim ngừng đập nhưng làn da cứ gồng gánh vậy, chẳng chút mềm hay mãn nguyện nào cả.


Mọi cảm nhận của mình dồn lại đúng khi vào sau ngày chôn cất và làm lễ theo phong tục, ông đã "nhập" vào cô mình và khóc, nói ra những điều mà trước giờ ông luôn giấu kín. Nhìn xung quanh từ con đến cháu ai cũng khóc, có mình cứ nhìn mọi thứ diễn ra và lắng nghe ông nói thôi. Mình biết, lúc này ông đã thật sự nhẹ nhàng để ra đi, chào tạm biệt cuộc sống.

Còn nhớ, lúc nhìn ông lần cuối trước khi chuẩn bị đưa ông đi chôn, mình đã chạm tay vào quan tài và nói với ông: “Ông ơi, ông đi thanh thản nhé, mọi việc ở đây sẽ được chăm sóc nên ông đừng lo lắng ”. Rồi bưng hoa, từng bước, từng bước tiễn ông một đoạn đường về với đất.


Về tới nhà, bà nội ngồi một góc buồn hiu, bước vào trong mọi thứ trở nên vắng lạnh quá bởi ông không còn hiện diện. Lần đầu tiên, mình chủ động trao cho bà cái ôm.

Sau đó, trở về Sài Gòn dường như mọi nỗi buồn hay sợ hãi vây quanh đến nỗi mình cứ có những cảm giác sợ, lạ, lạnh rất khó tả. Và phải đến ngày giỗ đầu tiên của ông nhuwnagx cảm xúc đó mới tan ra và biến mất.

Những giấc ngủ không còn ngon giấc nữa, sáng mở mắt mình lại sợ hãi bởi suy nghĩ rồi một ngày nào đó ba mẹ mình cũng sẽ chết, những người xung quanh sẽ như ông, vào một ngày kia sẽ phải từ biệt cuộc sống này.


Đây là một sự thật, mà giờ đây mình phải học cách đối diện và hiểu về nó.

Rồi một ngày ánh nắng chiếu qua cửa sổ giục mình thức dậy, nghe tiếng chim hót, nghe tiếng động nói chuyện của ba mẹ, hay tiếng xe cộ nhộn nhịp dưới đường rồi mình bắt đầu biết ơn mình còn thở, vẫn có một cơ thể đủ đầy, ba mẹ vẫn bên cạnh. Mọi thứ cứ đến tự nhiên khi mình đã học được rằng. Cái chết không phải kết thúc, nó chỉ là dấu chấm kết thúc một chương trong một cuốn sách dày. Ông đã ra đi, nhưng những gì thuộc về dòng máu, tinh túy đều đang hiện diện bên trong cơ thể lúc này, cả điều xấu và tốt.

Mình cũng chuẩn bị cho những cái chết chắc chắn sẽ diễn ra nếu như mình còn sống, và một cách tuyệt vời dường như mình biết cách tận hưởng cuộc sống hiện tại hơn.

Tận hưởng qua những điều nhỏ nhoi thôi | Nguồn: Pinterest

Cuộc sống của mình đã có những cái bớt rất tự nhiên. Bớt đòi hỏi, bớt phán xét, bớt chống đối, bớt tức giận, … nhiều thứ nhỏ thay đổi dần mà chỉ cần dành thời gian để nhìn thôi cũng sẽ nhận ra.

Vậy mình đang chuẩn bị cho điều gì?

Đó là một tâm thế sẵn sàng và đón nhận khi cái chết đến. Khó đấy, nhưng mình biết mình sẽ cần làm, bởi ngay giờ đây khi còn đang từng bước chuẩn bị, mình đã biết cách tận hưởng với những gì đang tồn tại ở hiện tại, đôi khi có nhiều lúc bay về tương lai, lội ngược quá khứ nhưng cũng không bị chìm quá lâu mà sẽ quay về cảm nhận hiện tại.


Frida Kahlo đã vẽ bức chân dung tự họa của bà vào năm 1943 với tên gọi "Nghĩ về Cái Chết" khi bà đang nằm trên giường bệnh; bức tranh được hiểu là cách mà ta nhìn nhận, đó là cái chết là dạng thức khác của đời sống


Và bức tranh này cũng nói ngụ ý rằng: Ta phải học cách đối diện với nỗi khiếp hãi trước cái chết và khích lệ bản thân khám phá nhận thức về cái chết, để điều này giúp ta định hướng cuộc sống hiện tại.

Và mình đã từng là người đi trên đường nhìn thấy bao nhiêu đám ma nhưng không có cảm xúc gì cho đến việc chứng kiến sự ra đi của người thân cộng thêm những sợ hãi bởi cái chết. Điều này có phải trốn chạy hay gạt qua trong những điều cần quan tâm không?


Ai rồi cũng đi từng bước, trốn chạy – chứng kiến – chấp nhận – sự sống xuất hiện.

Có thể đây là những bước mình đi và tự đúc kết, mỗi người đều có những hành trình và sự phát triển khác nhau về góc nhìn. Nhưng sau cùng, mọi thứ vẫn luôn tồn tại dù bạn và tôi không chấp nhận hay sợ hãi. Chi bằng dùng sự đớn đau để vượt qua rồi việc sống lại trở nên ý nghĩa hơn.


Có một câu chuyện đã góp sức ảnh hưởng không nhỏ đến với mình như sau:

Một tỷ phú ở Dubai sống trong căn biệt thư xa hoa nhưng phát hiện ra mình mắc bệnh hiểm nghèo. Tới lúc cái chết cận kề, ông mới chợt nhận ra rằng tất cả danh vọng, tiền tài và vật chất, thực ra đều hư vô như mây khói. Trong lúc bế tắc ông tìm đến một vị Sư để xin lời khuyên và hy vọng, tìm thấy tia sáng cuối con đường.


Sau khi hiểu câu chuyện của tỷ phú này, nhà Sư mới nói: “Bệnh của ông ngoài cách này ra thì không thuốc nào có thể chữa khỏi. Tôi sẽ kê 3 đơn thuốc, ông cứ theo đó mà làm, hết đơn thứ nhất thì chuyển sang đơn tiếp theo".

Về nhà, vị tỷ phú lấy đơn thuốc đầu tiên ra và đọc: “Hãy đến một bãi biển và nằm ở đó khoảng 30 phút, làm liên tục như vậy trong 21 ngày".


Mặc dù trong lòng thấy khó hiểu nhưng ông vẫn quyết định ra bờ biển, lang thang một vòng rồi ngả lưng nằm trên bãi cát. Bất chợt một cảm giác nhẹ nhàng và khoan khoái vô cùng bao trọn lấy cơ thể ông.

Trước đây, vì công việc bận rộn nên ông không có cơ hội nghỉ ngơi dành cho bản thân mình. Nay ông có thể tĩnh tâm lại để lắng nghe tiếng gió thổi vi vu, tiếng sóng biển rì rào hòa lẫn với tiếng kêu thánh thót của đàn hải âu gọi bầy… Trái tim bỗng thổn thức, chưa bao giờ ông có được cảm giác thoải mái như bây giờ.


Ngày thứ 22, ông mở đơn thứ 2, trong đó viết: “Hãy đi tìm những người nghèo khổ , khó khăn và hãy giúp đỡ họ trong 21 ngày ”.

Trong lòng ông một lần nữa đầy rẫy những băn khoăn, nhưng vẫn cặm cụi đi tìm rất nhiều người nghèo và giúp đỡ họ. Ngắm nhìn từng gương mặt hạnh phúc của họ, trong lòng ông không nén nổi nỗi xúc động và hạnh phúc.


Ngày thứ 43, ông đọc đơn thuốc cuối: “Hãy Tìm một cành cây và viết những điều khiến ông cảm thấy không hài lòng, đau khổ, dằn vặt trong lòng lên bãi cát”.

Nhưng khi ông vừa viết xong, thủy triều lại cuốn tất cả xuống biển. Ông lại tiếp tục viết, sóng lại cuốn đi... Ông bật khóc nức nở vì chợt hiểu ra tất cả..

Khi về nhà ông cảm thấy toàn thân nhẹ nhàng, tinh thần chưa bao giờ thoải mái và tự tại bình an đến thế, thậm chí ông cũng không còn sợ cái chết nữa.

... | Nguồn: Pinterest

Mình đã biết ba bài thuốc giá trị đó khi đọc xong câu chuyện này:

1.     Dành thời gian cho chính mình

2.    Cho đi mà không nhận lại

3.    Biết cách buông bỏ

Ba điều này có thể với phương tiện truyền thông mạnh mẽ như hiện nay thì có lẽ mọi người đã đọc nhiều, nhưng để làm được và hiểu rõ cần sự xuất hiện của biến cố. Khi ấy mọi thứ sẽ diễn ra rất tự nhiên chứ không còn lý thuyết.


Tác giả: Bất Hối 💙

BẢN THẢO
Bài viết liên quan