Chuyến xe buýt của mẹ

Lớn rồi, đi làm, lăn lộn một thời gian, ta hiểu ra những điều cha mẹ giấu kín bấy lâu.

Đã lâu rồi, mình mới bước lên xe buýt, đi lại chuyến xe ngày cũ mình từng đến trường mỗi ngày. Vẫn áo thun, quần jeans, giày bata, ấy thế mà lần này, xung quanh thay đổi quá nhiều. À, hay là chỉ có lòng mình đổi thay nhỉ?


Cô phụ xe vẫn vui vẻ trò chuyện với tài xế và mọi người trên xe khi tay liên tục bán vé. Mình chỉ ngồi vu vơ nhìn qua cửa sổ chứ không đeo tai nghe nhạc như mọi hôm nữa. Chỉ vì cái tật “não cá vàng” mà hôm đó mình bỏ mất cái earphone ở nhà.


Rồi tiếng chuông điện thoại của phụ xe vang lên, có lẽ cô không rảnh tay để áp điện thoại vào tai, nên cô bật loa ngoài và để nó trên chân khi cô ngồi ghế phía trước mình. Và cũng vì hôm đó không đeo tai nghe, mình đã tình cờ nghe được cuộc trò chuyện của cô và con gái.


Câu chuyện cũng không có gì quá đặc biệt. Chỉ là cuộc đối thoại giữa hai mẹ con, cô con gái nghe giọng còn khá nhỏ, mình đoán tầm cấp II. Cô bé chào mẹ rồi nói mẹ rằng mình thiếu sách gì đó, đòi mẹ dẫn đi mua. Cô phụ xe nói nhẹ nhàng rằng có thể cô đi không được, nhưng cô bé bướng bỉnh không chịu hiểu. Ngày còn bé, chắc các em chưa hiểu cha mẹ bận rộn như thế nào nên luôn muốn cha mẹ dành hết thời gian để cùng các em làm mọi thứ. Âu cũng là do các em thương cha mẹ, muốn ở bên cha mẹ nhiều hơn nhỉ?


Mình cũng từng như vậy mà. Lúc mình học cấp I, ba mình đi làm suốt ngày, mình ở nhà lủi thủi tự chơi, tự xem tivi, đọc truyện, tự học bài. Mẹ mình cũng không rảnh rỗi mấy. Lúc đó mình còn nhỏ, chưa hiểu chuyện. Mình vòi ba chơi với mình, đưa mình đi ăn kem, đi nhà sách, đi khu vui chơi. Mình không nhìn thấy ba vật lộn với công việc, không biết ba đau nhức người, càng không hiểu ba đang cố gắng thế nào chỉ để lo cho mình ăn học. Rốt cuộc, vì mình vòi vĩnh mè nheo quá, ba la mình. Lúc đó, ba có nói thế nào mình cũng không hiểu. Mình chỉ khóc, khóc và nghĩ ba quá đáng, tại sao ba không chơi với mình, ba không thương mình nữa ư?


Có lẽ cô bé kia cũng vậy. Mình nghe thấy cô phụ xe nhẹ nhàng nói với con gái rằng: “Con hỏi anh hai xem dẫn con đi mua sách được không? Con cần bao nhiêu tiền thì con mượn của dì trước đi, mẹ về trả dì sau”. Sau đó, cô bé nhõng nhẽo gì đó mình nghe không rõ, nhưng cuối cùng cô phụ xe vẫn dỗ con: “Thôi, con nói cần bao nhiêu, chiều nay về mẹ đi mua sách với con nghen”. Mình nghe mà mủi lòng, thấu hiểu biết bao cực khổ của cô cũng như những người mẹ khác.


Dù ngoài kia, mẹ có cực nhọc đến mấy, thì khi về nhà, gạt bỏ mọi mệt mỏi, mẹ luôn tươi cười nấu cơm, dạy mình học, chăm mình ăn, lo cho mình từng li từng tí. Cuộc hội thoại sau đó, cô bé kể về những chuyện xảy ra trong ngày. Mình thấy cô phụ xe lắng nghe rất kĩ. Có lẽ một ngày, cô không thể gặp con gái mình nhiều được, công việc phụ xe buýt chiếm khá nhiều thời gian. Có lần mình được nghe cô kể, sáng thức dậy từ 2-3 giờ, tối hơn 10 giờ mới về nhà. Mình trộm nghĩ, thế thì làm sao chăm lo gia đình và thời gian đâu chăm sóc bản thân? Các cô chú phụ xe, tài xế toàn ăn những bữa cơm vội vã trên xe, đi tới đi lui cả ngày, áp lực thời gian này kia nữa. Không hiểu cô bé kia, đến một ngày nọ khi hiểu ra những mệt mỏi của mẹ mình, cô bé có thương mẹ hơn không?


Gần kết thúc cuộc trò chuyện của hai mẹ con, cô liên tục động viên con mình: “Ráng học cho giỏi nghe chưa con. Ngoan, nghe lời anh chị. Chiều mẹ về đi mua sách với con nha”. Cô nhắc lại khá nhiều lần với con gái rằng: “Ráng học cho giỏi”, cứ như thể đó là con đường duy nhất để cô bé có được cuộc sống tốt đẹp. Mà có lẽ đúng là như vậy. Khi đã trải qua quá nhiều thăng trầm, đi qua vô vàn đoạn đường giông bão, cô nhận ra rằng “học giỏi” là cách gần như duy nhất để những đứa con của cô cũng như nhiều gia đình khác, nhất là ở tầng lớp bình dân, có thể có một tương lai tươi sáng hơn.



Cô nói rằng học giỏi đi để cô yên lòng, vô năm học cô còn phải đóng tiền học cho anh hai con bé nữa, sợ không xoay sở đủ. Có lẽ cô bé cũng lo cho mẹ nên lắng nghe rất chăm chú. Tự dưng nghe tới đây, mắt mình cay cay. Mình nhớ tới mẹ mình. Cũng nhiều lần như thế trong quãng thời gian mình còn đi học, mẹ liên tục dặn mình ráng học cho giỏi, thương mẹ thì cố gắng đi. Mẹ chẳng mong, chẳng vui gì hơn khi thấy mình đem giấy khen về khoe mẹ, hay những lúc mình kể về những lần được cô giáo khen, được lên bảng tuyên dương thành tích. Mình cố gắng kiềm lại và tiếp tục lắng nghe câu chuyện.


Cô con gái liên tục vâng dạ ngoan ngoãn và sau đó cúp máy. Mình chỉ ước em có thể nói với mẹ em một điều như: “Mẹ đi làm giữ sức khỏe nha. Con nhớ mẹ lắm”. Mà thôi, có lẽ em chưa biết nhiều đến thế.


Mình bỗng nhớ đến bài hát “Lớn rồi còn khóc nhè” của Trúc Nhân. Mình nghe bài đó, cũng nhớ lại những kỉ niệm ngày xưa. Những lần mình phạm lỗi, mình nói dối ba mẹ, những khi mình làm mẹ buồn lòng. Mình cũng nhớ cả nụ cười, cái ôm của ba mẹ, hay lần mẹ nói mẹ vui chứ khi mình đạt thành tích cao trong học tập. Và mình cũng đã khóc cùng Trúc Nhân ở cuối bài hát đó.


Đúng là hồi nhỏ, ít ai hiểu được những lời la mắng của mẹ, chỉ cho rằng mẹ quá phiền hà. Cũng hiếm ai biết được những nỗi khổ giấu sau dáng vẻ mạnh mẽ, kiên cường của cha, rồi vội nghĩ rằng cha vô tâm với mình. Lớn rồi, đi làm, lăn lộn một thời gian, ta hiểu ra những điều cha mẹ giấu kín bấy lâu. Nhưng có nhiều người đến lúc ngộ ra thì đã không còn cha mẹ bên cạnh nữa.


“Giờ tôi mới biết vâng lời, thương lắm khi mẹ cười
Giờ tôi muốn lắng nghe cho dù lời khắt khe
Không biết bao lâu còn có mẹ…” (*)


Giờ mình nhận ra rồi, và mình luôn dành thời gian với gia đình nhiều hơn. Những ngày nghỉ, thay vì luôn cố tìm cách rong chơi với bạn bè bên ngoài, mình thường quyết định ở nhà với ba mẹ, dù chẳng để làm gì đặc biệt. Có thể chỉ là nấu cơm cùng mẹ, tưới cây với ba, dọn dẹp nhà cửa, ngủ một giấc trưa và thức dậy nghe tiếng mẹ nấu đồ ăn dưới bếp, tiếng ba hát vọng cổ trên phòng khách. Rồi mình lại lon ton ra đòi ăn vụng món mẹ nấu trong lúc ngân nga ca khúc quen thuộc ba đang hát ở nhà. Đối với mình, vậy là đủ.


Cuộc sống sau này của con, con tự quyết định được. Ba mẹ yên tâm, con không làm gì trái lương tâm cả, con sẽ sống thật tốt, thật giỏi, không chỉ tự lo cho bản thân, mà còn lo cho ba mẹ, đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của ba mẹ từ trước tới giờ dành cho con.


Mọi người đã dành thời gian đủ cho cha mẹ chưa?


(*) Lời bài hát “Lớn rồi còn khóc nhè” – Trúc Nhân.


Tác giả: Ngọc Huyền

——————

Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

BẢN THẢO
Bài viết liên quan