Tác Hại Của Sự Cô Đơn Tới Sức Khỏe Tâm Lý Của Chúng Ta

Theo như bài viết của Mcleod trong Tháp Nhu cầu của Maslow (2019), nhu cầu yêu thương và cảm giác thuộc về là một trong những nhu cầu tâm lý của mỗi cá nhân. Trong thế giới chúng ta sống …

Theo như bài viết của Mcleod trong Tháp Nhu cầu của Maslow (2019), nhu cầu yêu thương và cảm giác thuộc về là một trong những nhu cầu tâm lý của mỗi cá nhân. Trong thế giới chúng ta sống ngày nay, nhiều người trong chúng ta dựa vào các mối quan hệ bạn bè và gia đình để thỏa mãn những nhu cầu tâm lý của mình. Vậy, cô đơn là gì? Theo như bài viết của Carlton (2019), cô đơn được định nghĩa là “một trạng thái tinh thần đặc trưng bởi sự phân ly giữa những điều một cá nhân kỳ vọng ở một mối quan hệ với những điều mà cá nhân đó trải nghiệm trong chính mối quan hệ này.” 

Ngoài ra, cô đơn cũng là một phản ứng cảm xúc phức tạp được cấu thành bởi nhiều yếu tố xã hội, tâm lý, thể chất và cảm xúc. Do đó, nhiều người vẫn có thể cảm thấy cô đơn dù những nhu cầu tâm lý của mình được đáp ứng đầy đủ. Có thể còn nhiều tác hại nữa của cô đơn chưa được đề cập tới trong bài viết này nhưng tôi sẽ chia sẻ với bạn một số tác hại của sự cô đơn tới cả sức khỏe thể chất và tâm lý của chúng ta.

1.       Cô Đơn Có Thể Dẫn Đến Trầm Cảm

pink and white aesthetic | Tumblr

Theo như Singh và Mirsa (2009), cô đơn là một trong những yếu tố góp phần làm phát triển trầm cảm ở mỗi người. Nghiên cứu của Stek và cộng sự (2005) cho thấy rằng hiệu ứng của trầm cảm phần lớn xuất phát từ cảm nhận về cô đơn của một cá nhân, đồng thời, những triệu chứng của trầm cảm cũng có nét tương đồng và bao hàm những triệu chứng của cô đơn. Việc thiếu những mối quan hệ xã hội có thể dẫn tới cảm giác cô đơn. Bằng cách này, cảm xúc cô đơn đôi khi có thể chuyển hóa thành triệu chứng của trầm cảm ở một cá nhân, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tâm lý toàn diện của họ.

2.       Cô Đơn Có Thể Dẫn Tới Tự Tử

Khi khám phá sâu hơn về những hiệu ứng mà cô đơn gây ra đối với sức khỏe tinh thần, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng cảm xúc cô đơn dai dẳng cũng có thể dẫn đến tự sát. Theo nghiên cứu của Pitman và cộng sự (2012), tự tử là nguyên nhân gây tử vong cao thứ hai trên toàn cầu. Do có mối liên hệ với trầm cảm nên tự tử cũng có thể là hệ quả của cô đơn. Năm 2001, Stravynski và Boyer đã chỉ ra rằng có mối liên hệ mạnh mẽ giữa cô đơn và ý tưởng tự sát  ở cá nhân. Điều này có thể là do tác động của những thành tố tạo nên cảm giác cô đơn. Quay lại với tháp nhu cầu của Maslow, có thể thấy rằng những nhu cầu tâm lý không được thỏa mãn này có thể phương hại tới cho sức khỏe tâm lý của mỗi người.

3.    Cô Đơn Có Thể Dẫn Tới Nhiều Vấn Đề Về Sức Khỏe Thể Lý

Bên cạnh những vấn đề về sức khỏe tinh thần, cảm giác cô đơn cũng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của chúng ta. Theo kết quả nghiên cứu năm 2019 của Viện nghiên cứu Lão hóa Quốc gia (National Institute on Aging), sự cô lập xã hội và cảm giác cô đơn có thể tăng nguy cơ phát triển những vấn đề ở sức khỏe thể lý như huyết áp cao, bệnh tim mạch và sự suy yếu hệ thống miễn dịch. Vì sức khỏe toàn diện của con người là sự giao thoa giữa những khía cạnh thể lý lẫn tâm lý, nên có thể hiểu vì sao những cảm xúc cô đơn này góp phần ảnh hưởng tới tình trạng sức khỏe thể chất của chúng ta.

4.    Cô Đơn Có Thể Làm Giảm Chất Lượng Giấc Ngủ

Aesthetic Dark Tumblr Drawings

Theo như nghiên cứu của Cacioppo và cộng sự (2002), sự suy giảm chất lượng giấc ngủ có mối liên hệ cao hơn với các cá nhân cảm thấy cô đơn và thời gian ngủ của những người này cũng ít hơn so với những người không cô đơn. Bên cạnh cảm giác cô đơn, thời gian thức dài hơn cũng giúp báo hiệu những yếu tố khác góp phần hình thành hành vi ảnh hưởng tới sức khỏe. Những người cô đơn có thể bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài làm giảm chất lượng giấc ngủ. Những yếu tố này có thể đến từ chính cảm nhận cô đơn hoặc những nguồn khác như cảm xúc, xã hội, thể chất và tinh thần. Hơn nữa, giấc ngủ kém hiệu quả hay thiếu ngủ có thể tác động ngược lại tới cảm xúc của mỗi cá nhân.

5.    Cô Đơn Có Thể Tác Động Tới Khả Năng Nhận Thức

Theo một nghiên cứu của Jaremka và cộng sự (2014), sự tiến triển của quá trình suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ có mối liên hệ với các mức độ của sự cô đơn ở mỗi cá nhân, đặc biệt ở độ tuổi trung niên – khi mà những người cô đơn phải trải qua sự suy giảm nhận thức rộng hơn những người còn lại. Áp lực từ cảm giác cô đơn là yếu tố nguy cơ gây ra những tác động tiêu cực đến hoạt động nhận thức và cũng có thể dẫn tới sự gia tăng mức độ stress. Sự suy giảm nhận thức do cô đơn cũng có thể ảnh hưởng tới khả năng học tập và ghi nhớ của cá nhân ở một mức độ nào đó.

Tổng Kết

Tóm lại, sự cô đơn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tự tử và có thể ảnh hưởng vô cùng xấu tới sức khỏe của chúng ta. Dù cảm nhận về sự cô đơn mang tính chủ quan của mỗi cá nhân, nhưng những hiệu ứng của nó có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe toàn diện. Vì sự cô đơn là điều rất thường thấy trong thế giới chúng ta đang sống nên việc am hiểu về những ảnh hưởng cũng như nguyên nhân gây nên nó có thể giúp chúng ta có những hành động đúng để xoa dịu cảm xúc không mấy ai mong muốn này. Việc biết cách phân biệt trạng thái cô độc (ở một mình) và việc cảm thấy cô đơn cũng rất quan trọng, và sự cô đơn là một thứ rất bình thường vì nó là một phần của con người. Điều quan trọng hơn là ta cần phải ghi nhớ rằng những cảm xúc cô đơn sẽ luôn đến rồi đi. Chúng ta cần phải ý thức và gọi tên được cảm xúc của mình cũng như hiểu được lý do tại sao bản thân lại cảm thấy như vậy.

Dịch: Nguyễn Tuấn Ngọc

Biên tập: Lyo Kiu

Minh họa: Lilien

Nguồn:  https://psych2go.net

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: https://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan