Có được hệ miễn dịch khỏe mạnh từ những cái ôm

Cách mà những cái ôm và những cử chỉ tiếp xúc khác thúc đẩy hệ miễn dịch của chúng ta!

Ảnh: @society6 | Pinterest


Trong một thế giới mà khoảng cách và sự tách biệt xã hội ngày càng phổ biến, các nghiên cứu lại chỉ ra rằng: Sự tiếp xúc giữa người với người, cụ thể là những cái ôm, lại đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe của con người. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cách mà những cái ôm và những cử chỉ tiếp xúc khác thúc đẩy hệ miễn dịch của chúng ta như thế nào nhé!

Tăng cường hệ thống miễn dịch nhờ những cái ôm

Một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Carnegie Mellon đã theo dõi hơn 400 người tham gia để xem xét mối quan hệ giữa sự tiếp xúc (chủ yếu là những cái ôm) với stress và khả năng phục hồi miễn dịch. Sau khi theo dõi số liệu thống kê về số lần ôm, người tham gia sẽ phơi nhiễm với một loại virus cảm lạnh và được cách ly trong hai tuần để đánh giá sự lây nhiễm và các triệu chứng.

Kết quả chứng minh rằng, những người nhận được sự tiếp xúc và những cái ôm thường xuyên hơn thì các triệu chứng bệnh sẽ ít nghiêm trọng hơn trên diện rộng. Mặc dù chúng ta đều có thể dự đoán rằng kết quả trên sẽ xảy ra, nhưng thực sự có những dữ liệu cho thấy cách thức những cái ôm tác động tích cực lên sức khỏe tinh thần và thể chất.

Nghiên cứu đã chọn những cái ôm để thể hiện sự thân thiết của các mối quan hệ vì “ôm” đại diện cho một sự kết nối chặt chẽ giữa con người hơn là những tiếp xúc có ít sự đụng chạm như bắt tay hoặc vẫy tay chào. Có lẽ những mối quan hệ càng thân thiết sẽ càng tăng cường được hệ miễn dịch, hay chí ít là khiến nó bình thường không bị suy giảm. Các phương thức có thể thay thế cái ôm có thể kể tới như nắm tay, hôn và âu yếm.

Ôm hỗ trợ hệ thống miễn dịch bằng cách kích thích xương ức (vùng xương ngực) và tuyến ức. Tuyến ức giúp điều chỉnh nguồn cung cấp tế bào bạch cầu của cơ thể, một trong những nhân tố chính trong hệ miễn dịch của bạn.

Những lợi ích khác từ việc ôm và tiếp xúc giữa người với người

1.Tăng hormone hạnh phúc

Ôm, cũng như các tiếp xúc thân mật khác, khiến cơ thể tiết ra các hormone tốt cho tinh thần như oxytocin, hormone “hạnh phúc” như dopamine và serotonin, đồng thời làm giảm các hormone gây tăng căng thẳng như cortisol và norepinephrine. Sự kết hợp này sẽ đưa cơ thể vào chế độ “phó giao cảm” (nghỉ ngơi và tiêu hóa), mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

2.Giảm căng thẳng

Khi cơ thể chiến đấu, thần kinh giao cảm sẽ được kích hoạt. Đây là một phản ứng không tự nguyện của cơ thể đối với các tình huống nguy hiểm hoặc căng thẳng. Ở trạng thái này, các hormone khác nhau tạo ra phản ứng bao gồm tăng nhịp tim, tăng huyết áp và tăng đường huyết, tất cả đều nhằm mục đích giúp bạn chiến đấu hoặc chạy trốn khỏi nguy hiểm.

Lối sống hiện đại áp đặt mức độ căng thẳng lên tâm trí và cơ thể thông qua các nhân tố gây stress về mặt hóa học, cảm xúc và thể chất. Nếu để cơ thể luôn ở trong trạng thái cường giao cảm, sẽ có những tác động rất xấu đến chính bản thân chúng ta. Mức độ căng thẳng mãn tính ở mức thấp có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng bao gồm không có năng lượng, mất ngủ, cảm lạnh thường xuyên, ham muốn tình dục thấp, đau đầu, cáu kỉnh, và nhiều hơn nữa.

Sự gần gũi về mặt thể chất như ôm, âu yếm, nắm tay và hôn có thể giúp cơ thể thoát khỏi trạng thái cường giao cảm và chuyển sang trạng thái “phó giao cảm”. Mối liên hệ giữa ôm và giảm stress chính là dây thần kinh phế vị, được kích hoạt bởi các thụ thể áp lực trên cơ thể. Khi dây thần kinh phế vị được kích thích, một loạt các hormone thư giãn sẽ được giải phóng trong cơ thể, do đó làm giảm huyết áp, nhịp tim và tăng cảm giác bình tĩnh và an toàn.

3.Cải thiện hệ vi sinh vật

Hệ vi sinh vật đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe miễn dịch vì theo khoa học mới nhất, hầu hết các hệ thống miễn dịch nằm trong ruột. Hệ vi sinh vật bao gồm hàng tỷ vi sinh vật sống trong đường tiêu hóa và chúng đóng vai trò quan trọng trong các chức năng tiêu hóa, trong trạng thái no và đói, trong tâm trạng và sức khỏe miễn dịch.

Do lựa chọn và lối sống, nhiều người thời nay có một hệ vi sinh vật chỉ chứa một phần nhỏ của sự đa dạng cần cho sự phát triển. Những thứ như thuốc kháng sinh, dược phẩm, căng thẳng, ngủ kém, chế độ ăn uống kém, tập thể dục quá ít hay quá nhiều và không dành đủ thời gian ngoài trời có thể khiến hệ vi sinh vật bị thu hẹp theo thời gian.

May mắn thay, những tiếp xúc thân mật chính là một cách đơn giản để gia tăng hệ vi sinh vật của bạn!

Chúng ta thường liên hệ việc những sự tiếp xúc giữa con người với khả năng lây nhiễm vi trùng và virus, nhưng ngược lại, khi thực hiện những cử chỉ thân mật đó, chúng ta cũng “lây nhiễm” cả những virus tốt cho hệ miễn dịch! Tiếp xúc gần gũi với mọi người, chẳng hạn như ôm họ, có thể tăng cường hệ thống miễn dịch. Không chỉ bởi điều này thi thoảng cho hệ miễn dịch của chúng ta chiến đấu với “kẻ xâm nhập” để trở nên mạnh mẽ hơn, mà còn nhờ sự trao đổi các vi khuẩn tốt làm tăng khả năng phục hồi của chúng ta.

4.Cải thiện sức khỏe tâm thần

Khoảng thời gian cô lập và hỗn loạn có thể gây khó khăn cho sức khỏe tâm thần, đó là lý do những sự tiếp xúc (những cái ôm!) trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ôm có thể làm giảm cảm giác cô đơn nhờ vào hormone oxytocin được tiết ra. Dopamine cũng được giải phóng và giúp cải thiện tâm trạng, mức độ hạnh phúc và niềm vui. Các rối loạn tâm trạng như trầm cảm và lo lắng có thể liên quan đến lượng dopamine thấp hơn bình thường.

5.Giảm triệu chứng viêm và giảm cortisol

Một nghiên cứu đã so sánh ảnh hưởng của chỉ 10 phút âu yếm với bạn đời và tác động của nó tới các yếu tố khác nhau bao gồm nồng độ oxytocin huyết tương, norepinephrine, cortisol và huyết áp. Kết quả được so sánh giữa 10 phút nghỉ ngơi bình thường và 10 phút nghỉ ngơi sau khi tiếp xúc với người khác, cho thấy tác động tích cực đáng kể đến hệ thần kinh phó giao cảm, tăng oxytocin huyết tương và giảm tổng thể cortisol gây viêm.

Vì vậy, đừng ngại ngần, hãy ôm đi!

Ôm là một quá trình không suy nghĩ: Ôm người giúp ta cải thiện cảm giác được kết nối và hỗ trợ. Từ các đặc tính tăng cường miễn dịch, lợi ích sức khỏe tâm thần, giải phóng serotonin và oxytocin và tăng cường hệ vi sinh vật, ôm có thể là một trong những cách dễ nhất để cải thiện sức khỏe của bạn dù là trong thời gian ngắn hay dài. Các nghiên cứu cho thấy rằng, một cái ôm hoặc âu yếm kéo dài 6 giây giải phóng oxytocin và serotonin đến mức tối đa.

Nếu bạn đang cảm thấy bản thân bị cô lập

Trong khoảng thời gian đầy thử thách và cách ly này, không phải lúc nào bạn cũng có thể tiếp xúc thân mật với người khác. May mắn thay, nhiều lợi ích như giảm thiểu lo lắng và thư giãn của việc ôm có thể được bắt chước được nhờ một chiếc chăn dày. Giống như những cái ôm, chăn có trọng lượng thúc đẩy quá trình giải phóng oxytocin trong cơ thể, làm dịu thần kinh cũng như làm giảm cortisol trong cơ thể, giảm huyết áp và cải thiện tâm trạng.

Sử dụng một chiếc chăn nặng có thể là một cách tuyệt vời cho bất kỳ ai cần một chút tiếp xúc trong những thời điểm mà chúng ta không cần thiết phải có chúng, đồng thời thúc đẩy khả năng phục hồi và sự khỏe mạnh, giúp bạn vượt qua giai đoạn khiến mình cảm thấy thấp thỏm. Với khả năng tăng chất lượng giấc ngủ đã được ghi nhận đầy đủ, một chiếc chăn nặng cũng có thể giúp ta tăng cường hệ miễn dịch!

Một cách khác để đạt được lợi ích của sự tiếp xúc giữa người với người là phương pháp tự xoa bóp. Có nhiều kỹ thuật khác nhau bạn có thể sử dụng, bao gồm:

Abhyanga: Một kỹ thuật Ayurvedic tự xoa bóp bằng cách sử dụng dầu ấm để thúc đẩy quá trình thanh lọc da, giảm căng thẳng, làm dịu hệ thần kinh, thúc đẩy tuần hoàn và giảm mức cortisol.

Havening: là kỹ thuật sử dụng các chuyển động nhẹ nhàng như quét và gõ nhẹ lên mặt và cơ thể để thư giãn hệ thần kinh. Nó cũng có thể được sử dụng cùng với những ký ức buồn để làm tan biến những tác nhân gây căng thẳng liên quan như PTSD.

   

Người dịch: LISA

Tác giả: Kathryn Kos, M.Ed., NTP

Link bài gốc

Theo dõi người dịch tại: Góc của LISA


BẢN THẢO
Bài viết liên quan