Có khi nào em không đỗ đại học?

Lo lắng, bồn chồn, thậm chí là sợ hãi, tôi nhìn trân trối chiếc đồng hồ đếm ngược ngày thi mà chỉ mong thi quách cho xong, cứ như trả xong món nợ đời thì tôi sẽ được tự do, vô lo vô nghĩ.


Có những ngày tôi mệt mỏi rã rời, tự hỏi bản thân tại sao lại thế, tôi cũng chẳng còn hơi sức để nghĩ về nguyên nhân. Tôi nhớ những năm tháng học cấp hai các thầy cô luôn động viên chúng tôi rằng: “Chăm chỉ lên, vào cấp ba các em học sẽ nhàn lắm!”. Lên cấp ba rồi các thầy cô lại bảo: “Cố lên em vào đại học sẽ không phải lo nghĩ gì!”.Tuổi thanh xuân của chúng ta xô đẩy qua những kì thi khốc liệt, kiểm tra 15 phút, kiểm tra một tiết, kiểm tra học kì. Những bài kiểm tra gắn với hệ số 1,2,3 khiến cho tôi mỗi lần đến lớp đều bị những con số đè nặng, phải tìm mọi cách để bảng điểm toàn tám, chín để ba mẹ cảm thấy mình làm lụng vất vả cho con ăn học là một quyết định sáng suốt, tuyệt vời! Tôi của ba năm về trước, ngày nào cũng mệt nhoài bên xấp đề thi và những tờ giấy trắc nghiệm xanh đỏ. Chiếc ba lô nặng trĩu tưởng như lúc nào cũng muốn tuột khỏi vai, tôi đang mang trên vai kì vọng của ba mẹ hay ước mơ của bản thân mà sao lúc nào cũng nặng trĩu? Lo lắng, bồn chồn, thậm chí là sợ hãi, tôi nhìn trân trối chiếc đồng hồ đếm ngược ngày thi mà chỉ mong thi quách cho xong, cứ như trả xong món nợ đời thì tôi sẽ được tự do, vô lo vô nghĩ.


Quán trà sữa quen thuộc, em ngồi đối diện tôi, trong bộ đồng phục cấp ba mà tôi đã mặc ngày nào. Em khẽ xoay xoay ống hút: “Chị ơi, có khi nào em sẽ trượt đại học không?”. Ánh mắt em chờ đợi phản ứng của tôi, ánh mắt khổ đau xen lẫn hi vọng. Nếu câu trả lời là có, liệu em có cảm thấy được ủi an, nếu câu trả lời là không, liệu em có mất dần dũng khí. Tôi sợ những câu hỏi không, có bởi câu trả lời tôi khuyên thường không đúng cho tất cả mọi người.


Tôi nhấp một ngụm trà, ân cần hỏi: “Đêm qua em lại mất ngủ, đúng không?”.


Em khẽ gật đầu. Mái tóc bù rối chưa kịp chải hay vì nỗi đau quá lớn trong tim khiến em không còn để ý đến vẻ ngoài của mình nữa.


Tôi biết em mất ngủ mà vẫn hỏi. Có những câu hỏi mà ta biết rõ ràng đáp án nhưng vẫn cần nói ra để trái tim ta thực sự chấp nhận sự thật phũ phàng. Tôi hỏi vì muốn em mở lòng hơn, tôi hỏi vì muốn được lắng nghe trái tim bé bỏng ấy dũng cảm nói ra những điều khiến em phiền muộn.

Mồ hôi em đổ lên trán, lòng bàn tay ướt nhẹp, em đang căng thẳng. Nhận ra điều thiếu tự nhiên ấy, tôi khẽ đứng lên, đổi vị trí ngồi, từ góc đối diện sang ngồi bên cạnh em. Tôi không muốn em nhìn tôi trực diện như thú nhận sai lầm với cô giáo chủ nhiệm, tôi không muốn em cúi đầu lí nhí với tôi như dạ thưa với ba mẹ ở nhà, tôi chỉ muốn em biết rằng tôi ở bên em với tư cách một người bạn, một người chị gái.


Em cười buồn: “Có bao giờ chị cảm thấy mình như một con rối của ba mẹ chưa? Sự kìm kẹp của ba mẹ khiến em sợ hãi, mẹ lúc nào cũng nói mẹ làm thế là vì muốn tốt cho em, nhưng em cảm thấy mình không hề tốt lên mà chỉ như con rối sống vì ước mơ và kì vọng của ba mẹ”


Mấy ngày nay em không ăn đủ bữa, thức ăn trở nên nhạt nhẽo, em cứ đưa thức ăn vào miệng vô thức như một chú robot phải nạp điện mới có thể vận hành. Chú robot sáng đi tối về, loanh quanh một vài địa điểm đã được lập trình sẵn. Sáng 7h đến lớp, 1 giờ chiều đi học thêm, 6 giờ tối về nhà, 7 giờ tối lại đi học thêm. Ngày này qua ngày khác. “Mẹ làm thế vì muốn tốt cho con” em đã nghe câu nói này không biết bao lần, mẹ bắt em phải làm thế này, thế kia nhưng mẹ lại không lắng nghe những gì em nói, mẹ luôn cho rằng “Mày do tao đẻ ra thì tao nói gì mày cũng phải nghe”. Lí do của mẹ biện minh cho sự bất lực khi không thể kiểm soát con cái của mình.



“ Học giỏi cũng bị nói, học kém cũng bị nói, liệu em có thể là một người bình thường được không?”


Thành tích của em không ổn định, lên xuống thất thường, có những khi được điểm cao em cảm thấy mình là trung tâm của thế giới nhưng khi bị điểm thấp em lại cảm thấy cả bầu trời gần như sụp đổ. Vui buồn lẫn lộn, trong mê cung cảm xúc em không thể nhận diện lúc nào mình vui, lúc nào mình muốn khóc. Có những lúc em ước mình có siêu năng lực, miễn nhiễm với tất cả những cảm xúc ở đời.


Lắng nghe giọng kể vô tình của em, tôi tưởng tưởng ra hình ảnh một cô bé đang bị giam cầm trong ngục tối, em đã khóc lóc, kêu than “Ba mẹ hãy thả con ra!” nhưng ba mẹ vẫn bình thản đứng ngoài và nói: “Thế giới này đáng sợ lắm, ba mẹ sẽ bảo vệ con”. Khi không thể thoát ra khỏi chiếc lồng ấy, em sẽ dần chấp nhận sự thật rằng mình mãi mãi sẽ ở lại đây. Ngục tù sẽ huyễn hoặc em: ở trong này an toàn lắm nhưng thực ra sức sống của em sẽ tiêu tan, cảm xúc của em sẽ dần vụn vỡ, trái tim của em sẽ mất dần nhịp đập, em sẽ không thể biết được thế giới ngoài kia màu sắc và tràn ngập ánh sáng như thế nào? Em giống cô công chúa tóc dài Rapunzel trong bộ phim tôi xem ngày nhỏ, từ bé cô một mực nghe lời mẹ về những lời hăm dọa: thế giới là nơi cực kì hiểm ác, chỉ khi ở nhà với mẹ, cô mới cảm thấy yên tâm.


Em biết không, thế giới này rộng lớn, chị em mình chỉ là một giọt nước nhỏ giữa đại dương mênh mông. Khi em đau khổ, buồn chán, thế giới vô tình chẳng quan tâm, khi em hạnh phúc, hân hoan, dòng người ngoài kia vẫn chảy trôi vội vã. Vấn đề của em chỉ có thể do em cầm nắm và thay đổi. Chỉ có em mới có thể quyết đinh sau tổn thương và vấp ngã em sẽ trở thành một phiên bản như thế nào? Rất khó để thay đổi người khác nhưng sẽ dễ dàng hơn khi em học cách thay đổi góc nhìn của chính mình. Ba mẹ chúng ta sinh ra trong thời đại thiếu thốn, ở những thập niên 70, 80 khi những nhu cầu mưu sinh cuộc sống còn nhiều vất vả, họ mong muốn sự ổn định, an toàn và đảm bảo cuộc sống dài lâu. Thay vì chống đối và phản kháng em nên lựa chọn một cách nhìn bao dung để thấu hiểu cho những vất vả của họ, “ có hiểu mới có thương” để mai kia khi em trở thành một người ba, người mẹ trong tương lai, em cũng sẽ mong con của mình cũng có được tấm lòng độ lượng và bao dung như thế!

Mong em sẽ có một giấc ngủ bình an và ngày mai dù có chuyện gì xảy ra, chị vẫn luôn ở đây, chờ em với vòng tay ấm áp.

Good luck for you!


"Đừng giới hạn một đứa trẻ bằng học thức của bạn bởi nó được sinh ra ở một thời đại khác."

- Rabindranath Tagore -


Tác giả: Lily Trương

____________________

Ảnh: Pinterest

(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 03 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”.

BẢN THẢO
Bài viết liên quan