Có những ngày chẳng muốn làm gì cả... phải làm gì đây?

Sẽ có một kiểu ngày như vậy. Một ngày mà mọi thứ bất chợt thật... mơ hồ, không hẳn nhàm chán nhưng cũng chẳng có gì thú vị. Cảm xúc của bản thân giống như bị rút cạn hết, chẳng có lấy chút sức sống nào.


Mọi người đều có những lúc thiếu động lực. Vào những ngày như thế này, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, cáu kỉnh hoặc không thể khơi dậy sự thích thú với những thứ bạn yêu thích thường ngày.


Thỉnh thoảng có những lúc cảm thấy như thế là chuyện vô cùng bình thường. Có thể bạn đang phải chịu quá nhiều áp lực hoặc cố đối mặt với điều gì đó khác thường trong cuộc sống. Những cảm xúc này chỉ là tạm thời và thường không có gì nghiêm trọng. Đôi khi chúng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn nên lùi lại, nghỉ ngơi một chút, để tâm trí và cơ thể của bạn thư thái. 


Vào những lúc khác, khi mà bạn chẳng muốn làm bất kỳ điều gì thì những cảm xúc dai dẳng này có thể là triệu chứng của những vấn đề nghiêm trọng hơn như trầm cảm hoặc một số loại rối loạn cảm xúc khác. Nếu bạn đang bị mất cảm hứng về những thứ bạn thường thích thú hoặc thờ ơ về cuộc sống nói chung kéo dài hơn hai tuần, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.


Nếu như những cảm xúc này thiên về trạng thái tinh thần tạm thời, sau đây là một số việc bạn có thể làm để cảm thấy dễ chịu hơn và khôi phục lại động lực của bạn.


Nghỉ ngơi một chút


Cảm giác như bạn không muốn làm bất kỳ điều gì có thể là một dấu hiệu cho thấy bạn đang căng thẳng hoặc cạn kiệt sức lực. Đôi khi nghỉ ngơi một chút và dành ra một khoảng thời gian chăm sóc bản thân là điều tốt nhất bạn có thể làm.


Hãy cân nhắc cho phép bản thân “một ngày cho sức khỏe tinh thần” mà bạn dẹp bỏ những kỳ vọng về điều bạn nghĩ bạn phải đạt được. Thay vào đó, hãy tập trung thực hiện những điều giúp bạn cảm thấy được hồi phục và an ủi.


Hãy để bản thân tận hưởng một giấc ngủ ngắn hoặc nằm dài cùng chiếc chăn ấm áp và quyển sách yêu thích của bạn. Điều quan trọng là dành thời gian này để thư giãn và để tâm trí và cơ thể của bạn thư thái.


Đôi khi một vài cách tự chăm sóc bản thân khá đơn giản có thể giúp bạn có được một tâm trạng thoải mái hơn. Thử đi tắm rửa, thực hiện vài động tác giãn cơ và uống một cốc nước.


Đối xử tử tế với chính mình 


Lòng trắc ẩn với bản thân không chỉ bao gồm việc đối xử tử tế với chính mình mà còn phải hiểu rằng những trải nghiệm của bản thân là một phần của việc làm người và thấu hiểu cảm xúc bản thân, cả mặt tốt và mặt xấu.


Thể hiện chút lòng trắc ẩn và sự quan tâm với bản thân có thể mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho sức khỏe tinh thần. Nghiên cứu đã cho thấy, khi mọi người có lòng trắc ẩn với bản thân, nó có thể giúp xoa dịu những ảnh hưởng tiêu cực của sự căng thẳng, giảm bớt cảm giác trầm cảm và lo âu, giảm thiểu khổ đau tâm lý nói chung.


Vì vậy, nếu bạn đang trải qua một trong những ngày bạn thực sự cảm thấy chẳng muốn làm bất kỳ điều gì, hãy đối xử tử tế với chính mình một chút. Chấp nhận điều đó, chấp nhận bản thân, cho bản thân không gian, thời gian và những thứ bạn cần.


Việc thể hiện lòng trắc ẩn với bản thân thực sự giúp thúc đẩy động lực khi bạn đang đương đầu với những thử thách.


Ra ngoài đi dạo


Đi dạo một lát vừa giúp bạn tập thể dục, vừa giúp bạn tận hưởng khoảng thời gian ngoài trời. Tập thể dục đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc điều trị và ngăn ngừa các triệu chứng trầm cảm. 


Nghiên cứu cũng cho thấy, việc dành thời gian sinh hoạt ngoài trời mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe tinh thần. Một nghiên cứu vào năm 2019 chỉ ra rằng tiếp xúc với thiên nhiên khiến sức khỏe tiến triển tốt hơn, tâm trạng vui hơn, những tương tác xã hội tích cực hơn và làm gia tăng hạnh phúc.


Vì vậy, nếu bạn đang đấu tranh với tâm trạng chán nản và thiếu động lực, việc đi dạo ngoài trời thậm chí có thể góp phần rất lớn giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn, cho dù đó là đi tản bộ bình thường vòng quanh khu nhà hoặc đi bộ trên con đường mòn gần nhà.



| Nguồn: Ksenia Chernaya | Ảnh: pexels


Trò chuyện với một ai đó


Khi bạn đang rối trí, việc tìm đến một người khác có thể là một cách tuyệt diệu để thoát ra khỏi lối suy nghĩ không hay. Hãy nghĩ xem ai có thể trở thành nguồn khích lệ đáng tin cậy trong những thời điểm như thế này. 


Bạn có thể trò chuyện với ai, người nào có thể thấu hiểu cảm giác của bạn? Bạn đang tìm kiếm một người có thể lắng nghe hay bạn muốn một người có thể truyền cảm hứng để bạn tiến về phía trước?


Nếu bạn không có tâm trạng để đi chơi với bạn bè hoặc nếu người bạn của bạn không ở bên, đôi khi chỉ việc ra ngoài và có mặt ở nơi có người cũng có thể hữu ích.


Thưởng thức một tách cà phê trong một quán cà phê nhộn nhịp, mỉm cười với mọi người ở cửa hàng bách hoá hoặc chào hỏi hàng xóm là tất cả những hành động xã giao đơn giản có thể giúp bạn thay đổi tâm trạng của bản thân.


Lên kế hoạch một việc gì đó


Ngay cả khi bạn không có động lực để tiến hành việc gì vào lúc này, điều đó không có nghĩa là bạn không thể bắt đầu lập kế hoạch cho những gì bạn mong muốn thực hiện trong tương lai. Nghiên cứu cho thấy hình ảnh tinh thần, hoặc hình dung những điều bạn muốn làm giúp gia tăng động lực, thích thú với kỳ vọng và dự tính trước thành quả của những hoạt động đã được lên kế hoạch trước đó.


Những việc như là lên kế hoạch du lịch hay một vài hoạt động khác có thể mang lại cho bạn điều gì đó đáng mong đợi và hào hứng về nó. Việc nghĩ về một dự án hay mục tiêu trong tương lai có thể liên quan đến việc thực hiện những điều như hình dung về kết quả, hoạch định các bước cần thiết hoặc thậm chí sáng tạo một bảng tâm trạng (một kiểu trình bày trực quan hoặc 'ảnh ghép' các đối tượng trong một bố cục) để tạo cảm hứng.


Bắt đầu từ việc nhỏ nhất


Khi đề cập đến việc tìm kiếm nguồn năng lượng để thực hiện điều gì đó, triển khai là giai đoạn khó khăn nhất. Vì vậy, nếu bạn đang đấu tranh với trạng thái chán nản, bắt đầu với một việc nhỏ có thể hữu ích.


Thay vì bị choáng ngợp bởi một núi công việc mà bạn thì chẳng có lấy nguồn năng lượng tinh thần hoặc thể chất nào để xử lý, hãy lựa chọn một việc nho nhỏ mà bạn có thể làm - sau đó thực hiện nó.


Những công việc đơn giản mà bạn có thể cố gắng xử lý bao gồm:


  • Rửa chén đĩa
  • Dọn giường ngủ
  • Gấp đống quần áo đã được giặt sạch
  • Trả lời một email
  • Lên lịch cho một cuộc hẹn
  • Dọn dẹp sạch sẽ quầy bếp
  • Thanh toán hóa đơn


Công việc nhà có thể nhàm chán, nhưng ngay cả những công việc đơn giản nhất cũng có thể bắt đầu cảm thấy choáng ngợp nếu bạn cứ để chúng chồng chất lên nhau. Bắt đầu với một công việc nho nhỏ đôi khi cũng đủ để duy trì đưa bản thân vào guồng quay. Một khi bạn đã hoàn thành công việc lặt vặt dễ dàng như vậy, bạn sẽ nghĩ rằng việc xử lý thêm một việc nữa cũng chẳng sao.


Và nếu bạn quyết định dừng lại chỉ sau một việc, điều đó cũng tốt thôi! Hãy nuông chiều bản thân một chút và làm những việc trong khả năng vào thời gian bạn muốn.


Viết nhật ký cá nhân


Khi bạn đang đấu tranh với những cảm xúc khó chịu, đôi khi nó có thể hữu ích khi viết ra hết những điều ấy. Một số nghiên cứu cho thấy rằng nhật ký cá nhân có thể là một công cụ hữu ích cho sức khỏe tinh thần.


Nhật ký cá nhân thường được mô tả là liệu pháp viết hoặc viết ra tâm tình, phương pháp này đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu khác nhau giúp hạ huyết áp, làm dịu các triệu chứng lo âu và giảm bớt các triệu chứng trầm cảm.


Dành thời gian viết nhật ký có thể là một cơ hội tuyệt vời để suy ngẫm về những gì bạn đang cảm thấy và khám phá một số lý do khiến bạn có thể cảm thấy như vậy.


| Nguồn: Anastasia Shuraeva | Ảnh: pexels


Tìm kiếm những gì phù hợp với bạn


Nếu những ý tưởng này không hiệu quả với bạn, hãy bắt đầu tìm kiếm điều gì đó phù hợp với tình trạng và cảm nghĩ của bạn. Sau đây là, một vài kế hoạch có thể giúp truyền cảm hứng cho bạn vào những ngày mà bạn cảm thấy không muốn làm bất cứ điều gì:


  • Liệt kê các bước cần thiết để đạt được mục tiêu
  • Liệt kê những bài hát truyền cảm hứng cho bạn
  • Tập trung vào những suy nghĩ tích cực
  • Đọc sách hoặc nghe sách nói
  • Nấu ăn hoặc đặt bữa ăn yêu thích của bạn
  • Tập thở sâu
  • Ngồi thiền


Nếu bạn đã cố thử những cách này và những cách khác mà vẫn cảm thấy uể oải và lơ đãng, có thể đã đến lúc bạn nên xem xét các triệu chứng của mình và quyết định xem liệu nó có phải là một vấn đề nghiêm trọng không.


Đánh giá các triệu chứng của bạn


Nếu tâm trạng của bạn cứ kéo dài và kèm theo các triệu chứng khác, đó có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Một số triệu chứng khác cần theo dõi bao gồm:


  • Cáu gắt
  • Thay đổi lộ trình giấc ngủ
  • Thay đổi khẩu vị
  • Cảm thấy tuyệt vọng
  • Cảm thấy bản thân vô dụng
  • Tâm trạng chán nản kéo dài


Liên hệ với bác sĩ hoặc nhà trị liệu của bạn nhờ trợ giúp, có thể bao gồm liệu pháp điều trị, thuốc, thay đổi lối sống hoặc kết hợp các phương pháp trên.


Lời khuyên từ Verywell


Vào những ngày bạn cảm thấy không muốn làm bất cứ điều gì, hãy xem lại bản thân để đảm bảo rằng bạn đang có những thứ bạn cần để cảm thấy ổn định. Đôi khi những tâm trạng này có thể xuất hiện do cảm thấy đói, mệt mỏi, khát nước hoặc thậm chí chỉ cảm thấy bị nhốt mãi trong nhà.


Xem xét tình trạng hiện tại của bạn và đảm bảo rằng bạn dùng nhu cầu thể chất hoặc tinh thần cấp thiết. Bằng cách thực hiện các bước để thay đổi tâm trạng và quan tâm đến bản thân, bạn có thể tự mình cảm thấy được truyền cảm hứng, động lực và hứng thú hơn.


------------


Dịch bởi: Uyen Nguyen 

Biên tập: July

Ảnh: pexels

[Online] Available at: 

<https://www.verywellmind.com/what-to-do-when-you-don-t-want-to-do-anything-5186366> [Assessed May 28, 2021]

BẢN THẢO
Bài viết liên quan