Có quá khó khăn để một người thay đổi?

Mặc cho sự thay đổi là cần thiết ở mỗi chúng ta, vẫn có một số người không thể thay đổi. Lựa chọn tiếp tục ở bên hay rời xa họ tùy thuộc vào bạn sau khi đã đọc bài viết này.

“Liệu con người có thể thay đổi không?” Câu hỏi tưởng chừng như mơ hồ và thờ ơ này thường được ta dùng để hỏi về một người bạn hoặc về cả vũ trụ này, nhưng có vẻ như ý nghĩa thật sự của câu hỏi đó nghiêng về động lực của chính bản thân ta hơn.


Chúng ta hỏi câu hỏi này một cách sâu sắc và điển hình khi ta đang ở trong một mối quan hệ với một người đang bắt ta phải chịu quá nhiều nỗi đau: một người nào đó từ chối việc mở lòng và không bao giờ dừng việc lừa dối. Một người nào đó hung hăng và tách biệt. Một người nào đó đang tổn thương chính họ hay đang cố hủy hoại chúng ta. Chúng ta cũng hỏi vì không thể tìm được lối thoát ngay lập tức cho riêng mình: ta không thể vực dậy và rời khỏi họ một cách dễ dàng, ta cho họ quá nhiều giá trị tinh thần và vật chất đến nỗi không thể buông tay, và thứ gì đó đang cố giữ chân ta lại. Và vì thế, hình bóng con người rắc rối ấy lẩn quẩn trong đầu chúng ta, khiến ta phải bắt đầu tự hỏi về bản chất của loài người, con người được tạo ra từ gì và ta có thể “uốn nắn” họ đến đâu?


Một điều khá rõ ràng với chúng ta là: ngay cả khi con người có thể thay đổi, họ cũng sẽ không thay đổi một cách dễ dàng. Họ có thể nổi giận mỗi khi ta đề cập đến việc thay đổi và bảo rằng ta đang cư xử ác độc và dạy đời họ. Họ có thể nhượng bộ và nhận rằng mình sai vào lúc đêm muộn nhưng khi trời vừa sáng, họ lại khăng khăng rằng họ chẳng làm gì sai cả. Họ có thể nói rằng họ hiểu vấn đề rồi, nhưng sau đó lại chưa từng biểu hiện cho ta thấy rằng họ thật sự hiểu vấn đề nằm ở đâu. Tốt nhất là chúng ta nên biết rằng ngay cả trước lúc ta có ý nghĩ muốn người nào đó thay đổi, thì chính họ cũng đã không có dự định sẽ thay đổi một cách dứt khoát hay một cách dễ chịu. 


Rồi ta lại hỏi tiếp một câu hỏi khác: Liệu có ổn không khi ta muốn người khác thay đổi? Thường thì những người làm ta phiền lòng đều sẽ ngấm ngầm trả lời một cách phẫn nộ là “không”. “Yêu tôi vì chính tôi” là câu cửa miệng của họ. Nhưng hãy tưởng tượng mà xem, chỉ một người hoàn hảo mới dám nói rằng họ không cần phải từng bước thay đổi bản thân để xứng đáng với tình yêu của người yêu họ. Còn đối với những người còn lại như chúng ta, ta nên lắng nghe một cách thật tâm và đôi khi cần phải thật nghiêm túc suy nghĩ và hành động nếu người khác yêu cầu ta thay đổi với ý tốt và lịch sự. Những người dựng đứng lên khi nghe người khác đề nghị rằng họ cần thay đổi thì – nghịch lý thay – lại chính là những người cần sự thay đổi nhất.


Tại sao sự thay đổi lại khó khăn đến vậy? Điều đó không đơn giản như khi ta nói với một người rằng họ có thức ăn dính ở kẽ răng để khiến họ lau đi, nó cũng không như việc một người nào đó không thay đổi chỉ đơn giản vì họ không biết họ cần thay đổi ở đâu và sẽ thay đổi nếu như được người khác chỉ dẫn. Ý chí của một người kháng cự sự thay đổi còn mạnh mẽ và kiên định hơn cả thế. Tính cách của họ có thể được xây dựng từ việc cố ý không muốn biết hoặc không muốn hiểu một vấn đề nào đó; họ xây dựng một bức tường ngăn cách những lời khuyên bảo, họ tránh né những điều đó qua việc uống rượu, làm việc quá độ, hoặc nổi giận với những người muốn phá vỡ bức tường rào của họ.


Cánh cửa ngăn cách họ và thế giới này | Nguồn ảnh: Unsplash.com


Nói cách khác, một người không muốn thay đổi không chỉ thiếu kiến thức, mà họ còn nhất quyết không muốn tiếp nhận những vốn kiến thức ấy. Và họ kháng cự nó vì họ đang phải chạy trốn khỏi thứ gì đó vô cùng đau khổ trong quá khứ, thứ mà họ đã không thể đối mặt vì họ đã quá yếu đuối và bất lực – và họ vẫn không thể tìm được cách để chống lại nó. Không phải là nói quá khi nói rằng việc cư xử với những người không chịu thay đổi cũng như việc cư xử với một người bị chấn thương tâm lý.


Một vấn đề ở đây nữa là cách người bên ngoài như chúng ta nhìn nhận những gì mà những người bên trong đang phải đối mặt. Chúng ta có thể cảm thấy rất bức bối vì không thể hiểu lý do tại sao sự thay đổi lại khó khăn với họ như vậy. Không phải là họ chỉ cần tiến lên một bước hay hai bước và đi về hướng đi đúng sao? Nhưng nếu chúng ta nghĩ sâu hơn, tất cả những gì mà con người đó đã phải trải qua vào lúc đó, cũng như là cách mà tâm trí của họ được hình thành (và chắc chắn rằng cánh cửa đi đến trái tim họ đã bị đóng chặt lại), thì chúng ta có thể thấu hiểu và đồng cảm với họ hơn. Và khi đó, câu hỏi “Việc thay đổi quá khó khăn với họ hay sao?” sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.


Cùng lúc đó, ta cũng có thể chẳng còn muốn ở bên cạnh họ nữa. Ngay lúc này đây, có lẽ ta nên hỏi bản thân một vài câu hỏi khá bất công và khó trả lời: ta thấy rõ ràng rằng họ không hề muốn thay đổi, và sẽ có rất ít khả năng họ có thể đáp lại kỳ vọng của ta, vậy thì ta còn ở lại bên cạnh họ làm gì? Tại sao ta cứ phải cố mở cánh cửa sẽ chẳng bao giờ mở được và cứ phải lẩn quẩn trong vòng tuần hoàn của sự bức bối và vô vọng? Phần “hỏng hóc” nào trong chúng ta không thể bỏ rơi “sự không hồi đáp” đó? Phần nào trong câu chuyện của ta cứ bị lặp lại trong một bộ phim dài tập của những vô vọng kéo dài?


Và, ngay khi chúng ta đang nói về sự thay đổi, một ngày nào đó liệu ta có thể trở thành một người không ngồi yên đó và chờ đợi người khác thay đổi trong vô vọng không? Liệu chúng ta có thể lựa chọn tốt hơn và chỉ cho phép những người có thể đáp ứng phần lớn mong ước của mình tiến vào cuộc đời ta? Ngoài ra, liệu chúng ta có thể trở nên dứt khoát hơn trong việc rời bỏ những người liên tục làm tổn thương ta chứ? Chúng ta có lẽ nên thay đổi suy nghĩ của mình để – theo thời gian – trở thành một người không chờ đợi quá lâu cho câu trả lời của những câu hỏi: Liệu con người có thể thay đổi không? Và khi nào thì họ mới có thể thay đổi?


------------------------

Dịch bởi: Mahoney Queen

Biên tập: Ori

Nguồn bài viết: <https://www.theschooloflife.com/thebookoflife/can-people-change/>

------------------------

BẢN THẢO
Bài viết liên quan