[Confession] Em Không Thể Tin Tưởng Vào “Người Lớn” Được Nữa

“Ông ta đã thất bại trong việc trở thành một người chồng tốt, và cũng không làm tròn nổi một vai trò của người cha đối với chúng em.” #Q: Em chỉ muốn tâm sự một chút thôi ạ, mong …

“Ông ta đã thất bại trong việc trở thành một người chồng tốt, và cũng không làm tròn nổi một vai trò của người cha đối với chúng em.”

#Q: Em chỉ muốn tâm sự một chút thôi ạ, mong mọi người không phiền vì em không biết phải giải toả những cảm xúc này ở đâu nữa. Em sẽ nói thẳng ra là em ghét ba em lắm luôn, rất nhiều, và đôi khi em ước gì ba em chết luôn đi. Nghe có vẻ thật sự nông nổi vì nó đúng là như thế ạ. Em xin phép được nói về gia đình, cơ bản là ba em, vì ba em là một kẻ ăn bám. Ba em không có việc làm, luôn ở nhà suốt bao nhiêu năm trời cũng không chịu cố gắng đi tìm việc. Có thể ba em làm househusband giả như làm phụ việc nhà để giúp đỡ mẹ em làm việc đi thì không nói, đằng này thì cũng chẳng làm gì cả, ngày qua tháng nọ sống trong một cái đống rác mà cũng không thèm dọn.

Ông ta đã thất bại trong việc trở thành một người chồng tốt, và cũng không làm tròn nổi một vai trò của người cha đối với chúng em. Ba đánh em từ nhỏ, mỗi khi em làm ông ta không vừa ý. Thật sự chẳng có lí do nào thật sự đủ để đánh một đứa trẻ cả, em có thể hiểu ba em không có việc nên có thể trở nên cáu bẳn nhưng việc trút giận lên em là điều vô cùng đáng trách. Em muốn giết ba em, nhưng em còn cả tương lai phía trước. Em không muốn phạm pháp, em không muốn để đánh mất bản thân mình và trở thành con người như ba em, kẻ mà em cực kỳ căm ghét. Em không muốn đánh liều nỗi thù hận của mình để mất đi những năm tháng sau này. Đó là những suy nghĩ ngăn em lại trước khi hành động dại dột. Và em nghĩ rất nhiều, khi đó em quyết định rằng em không muốn quan tâm bố em hay dành thời gian bất kỳ thứ gì tới bố em nữa. Đó là sự căm hận đơn thuần. Điều đấy cũng dẫn đến sự thờ ơ đối với chính cảm xúc của bản thân em, em không muốn quan tâm đến em hay ai khác cả. Mỗi khi bố đánh em và hỏi tại sao em không thích bố, em luôn muốn bố nhìn lại bản thân đã làm cái gì để chính con đẻ của mình phải thù ghét đến mức đấy. Ông ta bạo hành em, điều đó dẫn em đến sự nổi loạn, chứ không phải điều ngược lại. Em nhận thức rằng bố em là một kẻ hết sức tự luyến, luôn muốn trở thành người đàn ông, thể hiện quyền lực trong chính ngôi nhà mà không phải là của mình. Thể hiện cái gì ở đây vậy? Ông ta đánh em vì em là người duy nhất chống lại ông ta trong cái nhà này, và có lẽ cái lòng kiêu hãnh bé tý khốn nạn ấy bị tổn thương?

woman leaning on door looking outside

Em không bao giờ muốn nói về những điều như thế này, nhưng đôi khi thật sự giọt nước tràn ly, em chịu đủ lắm rồi. Em không muốn bạn bè hỏi vì sao em lại có những vết sẹo mới, những lần mắt em sưng tấy lên vì khóc qua đêm. Em bức xúc vô cùng, nhưng có vẻ nhiều người lớn em tâm sự cùng (đặc biệt là người Việt Nam, vì những người bạn lớn ở nước ngoài thường dặn em báo công an) cố gắng bình thường hoá hành động bạo lực gia đình như thế này. Yêu cho roi cho vọt? Thật sự kinh khủng, em cảm thấy kinh khủng cho những ai có suy nghĩ như thế. Bản thân em là một thanh thiếu niên, và em nhận thấy bản thân rất nông nổi, như bao bạn bè đồng trang lứa khác, em làm gì sai em có lỗi và khi đó ba mẹ sẽ là người chỉ ra những lỗi lầm của em và dạy em nên người, chứ không phải không vừa mắt một tý là cầm cái chổi cái dây sắt lên đánh cho đến khi vết thương cũ bắt đầu chảy máu lại lần nữa. Em bị tổn thương rất nhiều từ chính gia đình của mình, và đôi khi có những suy nghĩ tự sát, nhưng đằng nào em cũng sẽ nguôi ngoai bản thân và cho qua. Lần này em đã suýt gọi công an, nhưng em sợ lắm, em sợ họ sẽ không nhận rằng em bị bạo hành cả thế chất lẫn tinh thần (vì em không bị đánh thường xuyên, nhưng mỗi lần như vậy nó đều để lại cho em những vết sẹo không bao giờ lành trên cả thân xác lẫn tinh thần), sợ họ nói rằng em chỉ làm quá lên và ba em chỉ đang dạy con. Vậy nên thay vì gọi vào đường dây nóng, em đặt nó xuống một lần nữa, vì em không thể tin tưởng được người lớn nào.

Em đoán là em sẽ phải chịu đựng nhìn mặt ông ta cho đến hết vài năm nữa, và thật sự có một số vết thương ông ta để lại có lẽ sẽ chẳng bao giờ lành. Em sợ đàn ông/con trai, căm ghét, và nhiều xu hướng ứng xử tiêu cực đối với những người khác giới, em sợ khi ai đó bắt đầu lên giọng với em và khóc không ngừng khi điều đó xảy ra, và em sợ hãi phải giao tiếp với người khác.

Em chỉ muốn giãi bày một chút thôi, vì em khóc hết nước mắt rồi, cảm ơn mọi người nhiều lắm vì đã lắng nghe em mặc dù câu văn em hơi cục súc chưa thể diễn đạt được nhiều.

***

#A: Chào em! Chị rất chia sẻ với những cảm xúc và tâm trạng của em khi là nạn nhân của việc bạo hành gia đình. Khi nghe em kể câu chuyện của gia đình em thì chị thấy em kể là bố thường đánh em khi em làm những việc bố không vừa lòng và chỉ đánh em vì em là người duy nhất trong nhà tỏ thái độ chống đối bố. Chị nhận thấy một điều là bố em và em chưa thực sự hiểu và thông cảm cho nhau. Như em nói là bố em muốn thể hiện là một người đàn ông của gia đình nhưng bố lại không có việc làm, không giúp được gì mẹ và bố hay uống rượu. Điều đó chứng tỏ rằng bố em muốn thể hiện bản lĩnh của một người đàn ông nhưng bố em lại không làm được nên ông rất bất lực, tự ti, chán nản (tìm đến rượu). Và những việc làm đó của bố càng làm hình ảnh bố xấu đi trong mắt người thân và trong mắt em, nên em càng căm ghét bố. Và bố em thể hiện bản lĩnh người đàn ông trong nhà bằng việc đánh đập chính đứa con của mình khi nó chống đối lại mình. Nhưng chị muốn em một lần đặt mình vào địa vị của bố để hiểu bố hơn và có khi nào khi bố em bình thường em thử nói chuyện, chia sẻ cảm xúc, những mong muốn của em với bố chưa. Chị nghĩ đôi khi bố mẹ và con cái chưa thực sự hiểu nhau, chưa biết cách thể hiện tình yêu thương giành cho nhau.

Vậy thì hãy thử một lần ngồi lại để nói lên những cảm xúc, mong muốn của mình để bố mẹ hiểu em hơn. Nếu việc nói chuyện với bố là khó quá em có thể nói hết những tâm tư của em với mẹ và nhờ mẹ làm cầu nối để em và bố có thể hiểu và thông cảm cho nhau hơn. Ai cũng có những nỗi niềm mong muốn được cảm thông và chia sẻ, có những người họ có thể nói ra được nhưng có những người họ không biết nói thế nào. Chúng ta là những người thân trong gia đình nên hãy chia sẻ, cảm thông nhau nhiều hơn. Chị mong rằng em và bố em và những người thân trong gia đình em cần ngồi lại để nói chuyện với nhau và sẽ hiểu nhau hơn để bố em nhận ra những việc làm sai trái của mình, chấm dứt việc bạo hành trong gia đình. Chúc em và gia đình sớm vui vẻ nhé!

Được trả lời bởi Thạc sĩ Tâm lý học: Chu Thị Thơm

———————————–
Ảnh: Unsplash

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/. Xin cảm ơn!

A Crazy Mind confession là một dự án phi lợi nhuận mà tại đó, độc giả gửi gắm những câu chuyện, khó khăn tâm lý của mình – một chuyên mục với sự tham gia của các tham vấn viên tình nguyện, từ những sinh viên năm cuối đến các chuyên gia tâm lý học, nhằm đưa ra định hướng, hỗ trợ giải đáp, tìm ra con đường tối ưu nhất để giúp đỡ những người đang từng ngày đấu tranh với vấn đề tâm lý của mình để có một cuộc sống lành mạnh hơn. 

Hãy gửi những câu chuyện đó qua link: https://bit.ly/2MiscLv nhé!

Tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

BẢN THẢO
Bài viết liên quan