[Confession] Lời Cầu Cứu

“Đêm nào mình cũng ngủ cùng với những cơn la hét” #Q: Mình đang hoảng loạn, trong cơn hoảng loạn. Mình cảm thấy sợ hãi mọi thứ, những vật vô tri vô giác gần như sắp chuyển động và vồ …

“Đêm nào mình cũng ngủ cùng với những cơn la hét”

#Q: Mình đang hoảng loạn, trong cơn hoảng loạn.
Mình cảm thấy sợ hãi mọi thứ, những vật vô tri vô giác gần như sắp chuyển động và vồ lấy mình. Người yêu thương mình hết mực nằm đó, ngủ rất ngon và dành tất cả sức lực vào ngày để kiếm tiền và cưới mình. Nhưng mình lại thấy sợ, sợ và cô đơn trong chính vòng tay người mình sẽ đồng hành về sau này. Mình đã ngớ người khi anh ấy bảo đêm nào mình cũng ngủ cùng với những cơn la hét. Đây không phải lời mình muốn chia sẽ, cũng chẳng là tâm sự. Mình đang cầu cứu, cứu lấy mấy thứ trạng thái chết tiệt cứ đang điều khiển lấy mình. Mình thật sự không muốn tổn hại người mình yêu. Không một ai ngoài cơ thể và cả trong cơ thể biết được vấn đề của mình là gì. Mình không nhận thức được, mỗi một phân khúc linh hồn mình nhận thức khác nhau. bình tĩnh lại, vì mình đã cố hết sức rồi. Ngực mình đau nhói, không có một luồn khí nào khiến mình thở một cách bình thường. Mình đã phải ôm đầu co rúc vào góc tường khi người yêu cố trấn an mình. Sáng mai mình sẽ lại bình thường, đi làm và ăn uống. Nhưng tối đến loại trạng thái này ghé thăm. Mình là thể loại gì?

***

#A: Chào bạn!
Cảm giác sợ hãi đó là những gì bạn đang trải qua, không ai có thể hiểu được những cảm giác của bạn, nhưng thật may mắn là bạn đã biết được mình sợ hãi và dám chia sẻ những nỗi sợ hãi đó cho dù bạn chưa nhận diện được nỗi sợ đó hình hài ra sao. Bạn thân mến, những gì bạn miêu tả trong Cfs có nói tới bạn sợ những vật vô tri vô giác chuyển động và lao về phía bạn, bạn có biết rõ được đó là những đồ vật gì không, hình dáng, màu sắc của nó như thế nào, điều này sẽ dễ dàng hơn cho việc hỗ trợ cho bạn. Bạn cũng may mắn khi bên cạnh bạn còn có người yêu chăm sóc và yêu thương bạn, vấn đề nằm ở chỗ bạn đang chưa thực sự hiểu mình đang bị làm sao, và vì sao cảm giác sợ hãi xâm chiếm lấy bạn về ban đêm, với những cơn mộng mị ác mộng gào thét. Chúng ta cùng phân tích để làm rõ hơn vấn đề của bạn nhé.

Lật ngược thời gian một chút vào thời điểm khi bạn còn nhỏ, bạn có chịu sự ngược đãi, có chịu những tổn thương về mặt thể xác và tinh thần hay không? Nếu có bạn đã đi cùng những nỗi đau và tổn thương đó như thế nào và cùng với những ai?
Khi bước vào tuổi vị thành niên bạn có những sang chấn về mặt tâm lý hay không ví dụ như người thân mà bạn yêu quý bị mất, hoặc bạn có mất mát gì đó rất lớn nó khiến bạn cảm thấy dường như ngột ngạt không thể chịu đựng nổi, nó khiến bạn thay đổi tính cách từ hoạt bát vui vẻ sang trầm lắng..

Khi bạn trưởng thành bạn có vấp phải những định kiến, vấp ngã trong tình yêu, cảm giác bị bỏ rơi, cảm giác tội lỗi…. tất cả khiến cho bạn thấy mình như tội đồ hoặc chán nản…
Sau tất cả mọi sợ hãi đều có căn nguyên của nó và điều quan trọng là chúng ta cần khai mở lại từng chút một vấn đề nằm ở phân đoạn nào trong cuộc đời của bạn, có như vậy bạn mới có thể tự giải thoát được bản thân mình qua cơn sợ hãi, lo âu.
Ở đây bạn chưa nói rõ khi đi làm vào buổi sáng bạn có tâm trạng như thế nào, có vui vẻ và có bao giờ tâm trạng giống như buổi tối hành hạ bạn hay không, khi đi làm vào buổi sáng ban còn có nhớ những gì mình đã trải qua vào buổi đêm hay không, khi bạn ngủ trưa có bao giờ bạn bị ác mộng làm cho mệt mỏi hay không? Nếu như bạn không có những biểu hiện như vậy vào ban ngày thì bạn nên tìm hiểu về các loại nhân cách, bạn sẽ nhìn thấy mình ở 1 nhân cách nào đó, mình có thuộc dạng đa nhân cách hay không? để từ đó bạn sẽ có cái nhìn tổng quát hơn về bản thân mình, học cách chấp nhận hay đấu tranh loại bỏ những vấn đề đang xảy ra, hay nói cách khác là dung hòa mọi vấn đề, học cách thích nghi.

Bạn thân mến ạ! Bạn nên chia sẻ cảm giác bạn đang có cho người bạn yêu, mình tin anh ấy sẽ đồng hành được cùng bạn, chia sẻ chân thực những cảm xúc của bạn tại thời điểm xảy ra những nỗi sợ đó, không cần gọi tên cảm xúc đó là gì. Nếu có điều kiện mình có gợi ý cho bạn nên tới các bệnh viện có chuyên khoa về lĩnh vực tâm thần để thăm khám, ở đó các bác sĩ sẽ khám tổng quát sức khỏe tâm thần cho bạn, hỗ trợ bạn về thuốc giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn. Đừng ngại chấp nhận trị liệu nếu thực sự tình trạng trên của bạn kéo dài. Chúng ta cần quan tâm hơn và đối diện với những vấn đề về sức khỏe tâm thần, nó cũng cần được chăm sóc giống như khi chúng ta bị ốm về mặt thể chất vậy, mình hi vọng bạn sẽ tìm được lời giải đáp cho chính bản thân mình, và lựa chọn cách giải quyết phù hợp với mình nhất. Điều trọng là bạn phải đối diện và tháo gỡ từng bước những uẩn khúc trong chính cuộc sống của bạn, hay nói cách khác làm tìm nguyên nhân gây ra những cảm giác đó trong bạn. Chúc bạn bình an và tìm lại được niềm vui cho cuộc sống.

Được trả lời bởi Thạc sĩ Tâm lý học: Bùi Thị Ngọc Linh

———————————-
Ảnh: Unsplash

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/. Xin cảm ơn!

A Crazy Mind confession là một dự án phi lợi nhuận mà tại đó, độc giả gửi gắm những câu chuyện, khó khăn tâm lý của mình – một chuyên mục với sự tham gia của các tham vấn viên tình nguyện, từ những sinh viên năm cuối đến các chuyên gia tâm lý học, nhằm đưa ra định hướng, hỗ trợ giải đáp, tìm ra con đường tối ưu nhất để giúp đỡ những người đang từng ngày đấu tranh với vấn đề tâm lý của mình để có một cuộc sống lành mạnh hơn. 

Hãy gửi những câu chuyện đó qua link: https://bit.ly/2MiscLv nhé!

Tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

BẢN THẢO
Bài viết liên quan