[Confession] Trầm Cảm Hay Chỉ Là Sự Ngộ Nhận?

“Bản thân thấy rằng cười không khiến mình vui hơn thì không nhất thiết phải cười, nếu khóc khiến lòng nhẹ nhàng hơn làm ơn hãy cứ khóc, nhưng điều cuối cùng là sau khi làm vậy chúng ta cần …

“Bản thân thấy rằng cười không khiến mình vui hơn thì không nhất thiết phải cười, nếu khóc khiến lòng nhẹ nhàng hơn làm ơn hãy cứ khóc, nhưng điều cuối cùng là sau khi làm vậy chúng ta cần làm gì để cân bằng lại cảm xúc”

#Q: Tôi vẫn cho là mình bình thường, và bất kì ai cũng có những lần như vậy mỗi khi tôi cứ buồn điên dại mà chẳng thể có lấy một lí do. Tôi sợ việc tự cho mình là một đứa mắc bệnh trầm cảm là nghĩ quá để gây sự chú ý, nhưng thật sự tôi không muốn ai biết điều đó cả. Tôi chỉ muốn biết rằng tôi có thật sự mắc trầm cảm hay không, và tôi dần tìm hiểu thông tin qua các trang tâm lý nước ngoài. Tôi bắt gặp một chứng bệnh tâm lý mà hầu như mọi mô tả về nó đều đúng với trường hợp của tôi: high-functioning depression, nhưng thật sự tôi sợ rằng tôi chỉ đang ngộ nhận. Tôi vẫn thường khao khát được nói ra những hỗn loạn trong đầu mình, nhưng khi biến suy nghĩ thành lời nói, tất cả những gì tôi muốn truyền đạt, theo cách hiểu của người nghe đó là “buồn vu vơ”. Không phải tôi luôn u sầu buồn bã. Tôi có những lúc vui, nhưng ngay cả những khi vui vẻ nhất thì mối bận tâm lớn nhất trong tôi lại là những dự cảm đầy tiếc nuối về chuyện mọi thứ vui vẻ lúc này dù có tận hưởng trọn vẹn đến thế nào rồi cũng qua. Có những khi tôi tìm thấy chút ánh sáng tích cực le lói, tôi trân trọng nó và tự động viên bản thân rằng dù sao ngay lúc này tôi vẫn ổn, tôi vẫn còn hi vọng để sống tiếp, nhưng chuyện đó chỉ kéo dài bằng một phần rất nhỏ so với quãng thời gian tôi bất ổn.

black pineapple fruit

Mọi người thường bảo tôi hâm dở mỗi khi tôi nói tôi thấy buồn mà chẳng thể giải thích có chuyện tồi tệ nào đang xảy ra với tôi. Mọi thứ đều ổn, và thậm chí tôi còn tự vẽ ra những viễn cảnh đau buồn để thu mình vào một góc mà khóc tức tưởi, dù sao như thế vẫn dễ chịu hơn. Tôi có cảm giác mọi người thấy thật phiền vì tôi cứ liên tục những thứ buồn khổ xảy đến trong tâm trí tôi, làm sao tôi có thể nói với họ là tôi đang nghẹt thở dù chẳng có ai đang bóp cổ mình. Thậm chí tôi thấy thật tệ khi mọi người thường bảo là, tôi lúc nào cũng ngập tràn những nguồn năng lượng tích cực, bởi tôi luôn cười khi đứng trước bất kì ai ở thế giới ngoài kia, tôi có thể lắng nghe và giúp họ cảm thấy tốt hơn nhưng đối với bản thân thì tôi bất lực. Tôi luôn dễ cáu gắt với những người trong nhà, dù sau đó việc đó khiến tôi cảm thấy tội lỗi, nhưng tôi không thể kiểm soát được mình trước mỗi cơn nóng giận. Từ nhỏ tôi đã không cho phép mình tỏ ra không ổn trước mặt bố mẹ, thậm chí mỗi lần khóc lóc lăn lộn trong phòng thì cũng chẳng dám phát ra tiếng động nào, vì mỗi lần tôi biểu hiện ra trước bố mẹ, họ đều nhìn tôi một cách lo lắng thái quá hay muốn can thiệp vào thế giới tâm tưởng mà đến cả tôi cũng không thể nào lí giải được chính mình. Những người bạn thân thiết nhất nói với tôi khi tôi vu vơ hỏi, liệu mình có phải là có vấn đề gì bất ổn về tâm lý không, họ bảo đừng nghĩ như vậy vì nếu tôi cho rằng mình có bệnh thì điều đó sẽ thật sự xảy ra. Từ đó tôi không còn đề cập đến vấn đề đó trước mặt họ nữa. Tôi chỉ biết rằng, lí do duy nhất giữ tôi còn sống là vì tôi có duyên với Phật giáo, và tôi biết rằng nếu tự kết liễu bản thân, mọi khổ đau cũng không chấm dứt đâu, thậm chí ở kiếp sau tôi sẽ còn tệ hơn thế nữa. Nhưng đôi lúc tôi lại tự bào chữa cho chính mình, rằng tôi không thể chọn cái chết để nghỉ một lúc sao, dù kiếp sau có đau đớn thế nào, ít ra tôi cũng có được một quãng nghỉ, không phải sao? Lắm khi điều tôi mong ước duy nhất lại chính là, làm ơn, ai đó hay giết tôi được không, để ít ra tôi còn có một lí do để chết đi thay vì sống đợi đến một lúc nào đó tôi tự tử, người ta sẽ chỉ trỏ và thương hại tôi thế nào. Tôi thật sự cô đơn lắm, cô đơn đến đáng sợ. Người bạn duy nhất tôi có thể khóc kế bên là một nhân vật tưởng tượng mỗi khi tôi đặt bút xuống viết vào cuốn sổ của mình. Có lẽ nếu tôi nói điều này với những người biết tôi, họ sẽ cười vào mặt tôi và cho rằng tôi bị điên, vì xung quanh tôi không thiếu những người thương tôi thật sự. Ước gì, tôi có thể nói gì đó với họ. Ước gì có ai đó có thể khiến tôi cảm thấy đủ an toàn để nói ra.

Nhưng mà câu trả lời duy nhất tôi muốn làm rõ bây giờ, liệu tôi đang hoang tưởng về chuyện bản thân mắc bệnh hay là tôi có bệnh thật. Tôi hi vọng có ai đó sẽ trả lời tôi trước khi tôi không còn chờ được nữa. Ít ra như vậy thì tôi cũng có thể đặt tên cho cái chết của mình một ngày nào đó chẳng hạn!?

***

#A: Chào bạn!
“Sống thật với bản thân mình, lắng nghe chính bản thân mình” đó là thông điệp mà mình muốn gửi tới bạn của hiện tại.

Mỗi con người tồn tại trên thế giới này đều có những vị trí và vai trò khác nhau, ở mỗi hoàn cảnh chúng ta sẽ có một vai trò khác nhau, trong gia đình chúng ta là những đứa con, ra ngoài xã hội chúng ta học trò, là bạn bè, là đồng nghiệp… tất cả các mối quan hệ vừa riêng rẽ nhưng cũng chằng chịt và điều quan trọng là chúng ta là ai, ở đâu trong hành trình đó. Bạn sợ hãi khi nghĩ mình bị trầm cảm, bạn tìm hiểu những vấn đề liên quan tới trầm cảm, bạn thân mến ạ, nếu thật sự sợ hãi hãy tới khám tại các bệnh viện có uy tín để nhận về một chẩn đoán chính xác cho tình trạng của mình, không nên tự tìm hiểu và ám thị mình bởi những gì bạn đọc được trên mạng, sức khỏe tâm thần cũng quan trọng như sức khỏe thể chất bạn ạ, yêu thương bản thân mình, chăm sóc cho bản thân là điều chúng ta nên làm và đừng ngần ngại khi đi thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa tâm thần ( mình biết khi nhắc tới cụm từ này mọi người sẽ sợ và đôi khi là bài xích vì cho rằng nó ghê gớm và đáng sợ nhưng nó là một phần của cuộc sống chúng ta ” vật chất – tinh thần” luôn có một mối quan hệ qua lại chặt chẽ. Sức khỏe tâm thần có khỏe mình sẽ giúp cơ thể chúng ta khỏe mạnh và ngược lại. Vì vậy nếu thật sự cảm thấy không ổn hãy đi khám bạn nhé.

yellow sunflower in close up photography

Con người ta sống không phải để hài lòng tất cả mọi người, cho dù bạn có làm tốt đến đâu vẫn sẽ có những người chê bai bạn, vì vậy bản thân mình cảm nhận ra sao, đánh giá giá trị của bản thân bạn thế nào quan trọng hơn rất nhiều những điều bên ngoài. Bạn tìm tới sự tĩnh tại của Phật pháp nhưng bạn đã từng hỏi bản thân rằng mình có đủ niềm tin với Phật và hiểu được hết giá trị mà Phật dạy hay không?

Năng lượng tích cực bạn có là điều quý giá mà chẳng phải ai cũng có, nhưng có lẽ bạn đang mắc kẹt trong chính năng lượng tích cực đó của bản thân mình, bạn chia sẻ rằng bạn có thể lắng nghe mọi người, cho họ những lời khuyên, giúp họ nhưng bản thân mình thì không thể tự giúp mình, mình cho rằng điều đó hết sức bình thường vì bạn cho đi nhưng bạn đang đòi hỏi người khác cũng phải cho lại mình những thứ năng lượng mà bạn đã trao cho họ, vì bạn có chía sẻ rằng khi bạn nói rằng bạn không bình thường và khi nhận lại câu trả lời không mong muốn, ngay lập tức bạn đóng sập cánh cửa bản thân lại, và rồi lại tự gặm nhấm nỗi tổn thương và hờn trách không ai hiểu bản thân mình. Năng lượng tích cực mà bạn nói nó là năng lượng giả, tức là nó chưa thực sự xuất phát từ trái tim bạn, mà bạn đang cố gắng để thể hiện rằng mình ổn, không gì có thể làm mình gục ngã. Bạn thân mến ơi, chậm lại một chút nhé để cảm nhận dòng năng lượng đang thực sự chảy trong cơ thể mình, bạn là ai, bạn đang ở đâu trong cuộc hành trình đầy gian nan này, ai là người đồng hành cùng với bạn??? Bước chân qua ranh giới giữa cái có và không đôi khi rất dễ dàng nhưng có lúc cũng rất khó nếu như chúng ta không kiên nhẫn và nghiêm khắc với chính mình. Bản thân thấy rằng cười không khiến mình vui hơn thì không nhất thiết phải cười, nếu khóc khiến lòng nhẹ nhàng hơn làm ơn hãy cứ khóc, nhưng điều cuối cùng là sau khi làm vậy chúng ta cần làm gì để cân bằng lại cảm xúc, hãy tiếp cận với những quyển sách về trí thông minh cảm xúc nó sẽ phần nào đó giúp bạn nhận ra cảm xúc của bạn đang ở đâu, bạn hãy dành thời gian cho chính bản thân mình, dành thời gian để lắng nghe chính mình, lắng nghe những người đang như bạn, chia sẻ là cách để con người ta xích lại gần nhau và hiểu nhau hơn, hãy tìm cho mình một người bạn có thể nói chuyện, có thể lắng nghe mình, đôi khi chỉ là một người không thật sự thân thiết nhưng họ đủ kiên nhẫn để lắng nghe ta, và cuộc sống luôn có 2 mặt của nó, vì vậy việc bạn chia sẻ cũng có tính 2 mặt tốt hoặc xấu tác động tới bạn, nhiệm vụ của bạn là phải nhìn nhận và chấp nhận mọi sự sẽ xảy ra để học cách cân bằng. Hãy tìm tới thiền và yoga như một liệu pháp tâm lý giúp bạn có thể giải phóng năng lượng tiêu cực. HÀNH ĐỘNG VÀ NGHIÊM KHẮC chính là điều bạn cần làm. Chúc bạn đủ niềm tin và sức mạnh để đi qua được những vấn đề này.

Được trả lời bởi thạc sĩ tâm lý học: Bùi Thị Ngọc Linh

——————————
Ảnh: Unsplash

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/. Xin cảm ơn!

A Crazy Mind confession là một dự án phi lợi nhuận mà tại đó, độc giả gửi gắm những câu chuyện, khó khăn tâm lý của mình – một chuyên mục với sự tham gia của các tham vấn viên tình nguyện, từ những sinh viên năm cuối đến các chuyên gia tâm lý học, nhằm đưa ra định hướng, hỗ trợ giải đáp, tìm ra con đường tối ưu nhất để giúp đỡ những người đang từng ngày đấu tranh với vấn đề tâm lý của mình để có một cuộc sống lành mạnh hơn. 

Hãy gửi những câu chuyện đó qua link: https://bit.ly/2MiscLv nhé!

Tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

BẢN THẢO
Bài viết liên quan