Covid-19 thay đổi nhận thức của chúng ta về sức khỏe tinh thần như thế nào?

Đại dịch liên hoàn về sức khỏe tinh thần là hồi chuông báo động nhắc nhở chúng ta cần ưu tiên chăm sóc sức khỏe tinh thần



Những tháng đầu năm 2020, thành phố này tới thành phố khác, quốc gia này nối tiếp quốc gia khác bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa. Các doanh nghiệp ngừng hoạt động, trường học đóng cửa và các sự kiện công cộng bị hủy bỏ. Mỗi khi một khu vực bị phong tỏa cách ly, tất cả chúng ta được yêu cầu thay đổi lối sống, thường là tạm ngừng kết nối với những mạng lưới hỗ trợ quan trọng như gia đình hay bạn bè. Bất kể mức độ đặc quyền hay an toàn nào, chúng ta đều nhận được những đòn tấn công ngay lập tức và gây tổn hại đến tâm lý của mình. Có quá nhiều nỗi sợ không thể lường trước được. Ngay cả cả các chuyên gia cũng chưa tìm ra hết thông tin về cách thức lây truyền của virus, triệu chứng , cách điều trị bệnh nhân và những biện pháp can thiệp hiệu quả nhất. 


Cơ thể chúng ta phản ứng với COVID-19 theo bản năng giống như cách chúng ta phản ứng với bất kỳ mối đe dọa tức thời nào, như động đất hoặc lũ lụt: chúng ta chuyển sang chế độ sinh tồn. Phản ứng thích nghi này có lợi trong thời gian ngắn, là kết quả của những thay đổi nội tiết tố và phản ứng sinh lý giúp cơ thể sẵn sàng đối mặt với những nỗi sợ chưa biết.


Mặc dù chế độ sinh tồn có thể hữu ích trong một vụ tai nạn xe hơi hoặc cuộc đụng độ với một con gấu, nhưng nếu ở chế độ sinh tồn quá lâu, nó sẽ có vô số tác động xấu. Adrenaline tăng liên tục làm hỏng các mạch máu và động mạch, làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Khi lượng adrenalin và năng lượng bổ sung không được sử dụng hết trong chiến đấu hoặc chuyến bay, chúng ta sẽ thấy căng thẳng, bồn chồn và có cảm giác lo lắng thường trực. Ngoài ra, ở lâu trong chế độ sinh tồn dẫn tới mất ngủ hoặc khó ngủ, tác động sâu rộng đến sức khỏe tinh thần của chúng ta. 



Ảnh hưởng của Covid-19 tới sức khỏe tinh thần


Ngoài tác động trên cơ thể, ảnh hưởng tức thời nhất mà đại dịch gây ra đối với tất cả chúng ta là tổn thất gây ra đối với sức khỏe tinh thần. Khi đại dịch tiến triển, chúng ta có thể xác định bằng chứng giai thoại về việc gia tăng bệnh lý sức khỏe tinh thần qua nguồn dữ liệu. Theo Kaiser Family Foundation, cứ 10 người trưởng thành ở Hoa Kỳ thì có 4 người có các triệu chứng của rối loạn lo âu hoặc trầm cảm trong đại dịch, tăng đáng kể so với con số 1/10 được báo cáo từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2019.


Khi đại dịch bắt đầu ảnh hưởng đến kinh tế và tình trạng việc làm, nghỉ phép và cắt giảm lương tràn lan, nhiều người gặp căng thẳng về mặt tài chính cùng với nỗi lo về sức khỏe và an toàn của mình. Nghiên cứu từ các cuộc suy thoái kinh tế trước đây cho thấy rằng mất việc làm liên quan đến sự gia tăng trầm cảm, lo lắng, đau khổ và tự trọng thấp. Ngoài tác động tài chính của thất nghiệp, nhiều người coi công việc là một phần thiết yếu trong con người mình và đấu tranh để kiếm tìm mục đích và sự viên mãn trong thời gian cô lập, ít bị phân tâm.



Ngay cả những người không bị ảnh hưởng bởi gánh nặng tài chính hoặc phải trải qua sự mất mát hoặc bệnh tật của người thân , cuộc sống của họ vẫn bị gián đoạn với những bất ổn hàng ngày mà đại dịch mang tới. Trong một cuộc khảo sát của CDC với 5.412 người Mỹ vào tháng 6 năm 2020, 40,9% người được hỏi trả lời rằng mình có ít nhất một bệnh lý sức khỏe tinh thần hay hành vi bất ổn, bao gồm các triệu chứng rối loạn lo âu hoặc rối loạn trầm cảm (30,9%), các triệu chứng chấn thương tâm lý và rối loạn liên quan đến căng thẳng phát sinh từ đại dịch (26,3 %).


Tất nhiên, các khu vực dân cư khác nhau bị ảnh hưởng theo những cách khác nhau. Các trường học và văn phòng bị đóng cửa nên các bậc cha mẹ phải thêm một gánh nặng đặc biệt đó là chăm sóc và xoa dịu những đứa trẻ không tới được lớp trong khi họ đang phải vật lộn chuyển sang hình thức làm việc từ xa. Những ông bố bà mẹ đơn thân trên tuyến đầu chống dịch phải đưa ra lựa chọn khó khăn giữa việc để con nhỏ ở nhà một mình hoặc nguy cơ thất nghiệp và không có thu nhập. Ngay cả những người có thể tiếp tục làm việc ở nhà với những đứa con đang tuổi đi học và những người không làm việc cũng cảm thấy áp lực — mức độ căng thẳng, lo lắng và trầm cảm của các bậc cha mẹ đang ngày một gia tăng.


Các nhân viên y tế phải chịu đựng những khủng hoảng tinh thần không thể tưởng tượng được. Họ đã mạo hiểm mạng sống của mình để chăm sóc bệnh nhân COVID-19 khi không có đủ các thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE). Đáp lại những hi sinh của họ lại là sự vi phạm bất cẩn các nguyên tắc về sức khỏe cộng đồng của một bộ phận công chúng. Trong nhiều tháng, họ đã chứng kiến ​​sự giậm chân tại chỗ của các nhà lãnh đạo cùng với các bệnh viện chật kín bệnh nhân COVID-19. Điều này chắc chắn sẽ góp phần vào rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) của các nhân viên y tế.


Những người trẻ tuổi dường như là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất bởi cô lập xã hội, lo lắng và trầm cảm. Một cuộc khảo sát trực tuyến của CDC chỉ ra rằng thanh niên trong độ tuổi từ 18-24 có khả năng cao bị các vấn đề sức khỏe tinh thần trong đại dịch hơn bất kỳ nhóm tuổi nào. Theo khảo sát này, 63% thanh niên đang có các triệu chứng lo âu hoặc trầm cảm đáng kể. Gần một phần tư số người được hỏi cho biết họ đã bắt đầu hoặc gia tăng việc lạm dụng các chất gây nghiện, bao gồm rượu, cần sa và thuốc kê đơn, để đối mặt với cảm xúc của mình. Nhiều người đã bị tước đi những trải nghiệm phát triển quan trọng mà bộ não của thanh thiếu niên có được.


Trong khi lo lắng và trầm cảm là chủ đề thảo luận thường xuyên trong đại dịch, người ta dành ít thời gian hơn để phân tích mức độ dễ bị tổn thương khi phát triển chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD). Có lẽ là do chúng ta vẫn còn chìm sâu trong cuộc khủng hoảng, không thể lường trước được thiệt hại trong tương lai, hoặc chúng ta thường gắn PTSD với chiến tranh quân sự.



COVID-19 đã gây ra rất nhiều áp lực, từ áp lực tài chính, nỗi đau về cái chết của những người thân yêu đến khủng hoảng đạo đức của các nhà lãnh đạo toàn cầu khi xử lý sai sót hoặc phớt lờ cuộc khủng hoảng. Một số lượng chưa từng có những người có thể đã và sẽ trải qua rối loạn căng thẳng sau khủng hoảng liên quan đến tác động của COVID-19. Một nghiên cứu gần đây đã chứng minh sự phổ biến của PTSD ở 30,2% bệnh nhân sau khi nhiễm COVID-19 cấp tính. Tuy nhiên không phải chỉ những người đã mắc covid sẽ bị ảnh hưởng.



Chú ý đến sức khỏe tinh thần


Tuy nhiên, mọi cuộc khủng hoảng đều mang tới những cơ hội. Đại dịch đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng các vấn đề sức khỏe tâm thần, hướng tới nhu cầu chăm sóc tổng hợp, chú ý đến các nhu cầu về thể chất, tinh thần và xã hội của mọi bệnh nhân. Các vấn đề như lạm dụng hay nghiện chất kích thích và bạo lực gia đình được đặt lên hàng đầu trong nhiều cuộc thảo luận.


Sự xuất hiện liên tiếp các bệnh lý sức khỏe tinh thần đặt ra yêu cầu các chính phủ trên thế giới đưa ra chính sách chăm sóc sức khỏe tinh thần chưa từng có tiền lệ và đầy tham vọng. Chúng ta cần nhanh chóng mở rộng lực lượng chăm sóc sức khỏe tinh thần để đáp ứng số lượng lớn bệnh nhân và bảo vệ các cơ sở ý tế khỏi lại tình trạng kiệt sức. Đồng thời, chúng ta cần tìm kiếm các cơ hội ngoài các cơ sở chăm sóc sức khỏe truyền thống; đầu tư vào các chương trình sức khỏe cộng đồng và bắt đầu suy nghĩ về cách thực hiện sàng lọc và cung cấp hỗ trợ thông qua trường học, nơi làm việc, các nhóm tôn giáo và tổ chức cộng đồng khác. Cuối cùng, chúng ta cần thừa nhận tác động đến sức khỏe tinh thần của các chính sách cứu trợ kinh tế và hỗ trợ xã hội. Đối với một số người, việc giảm bớt những căng thẳng về tài chính có thể gây ra tác động nhiều hơn các liệu pháp như tư vấn.


Những vết sẹo tâm lý của COVID-19 có thể sẽ tồn tại lâu hơn chính đại dịch, và khi chúng ta thực hiện các bước hướng tới phục hồi, chúng ta phải lưu ý đến vô số các vấn đề sức khỏe tinh thần đã hoặc sẽ xuất hiện. Bằng cách coi sức khỏe tinh thần là nền tảng của chăm sóc sức khỏe và ưu tiên phù hợp, xã hội sẽ trở nên lành mạnh hơn.



_ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ __ _ _ _ _




Dịch bởi : Vân Anh

Biên tập : Ori

Tác giả : William A. Haseltine Ph. D

Nguồn : https://www.psychologytoday.com/intl/blog/best-practices-in-health/202106/how-covid-19-changes-our-understanding-mental-health

Nguồn ảnh : Unsplash




BẢN THẢO
Bài viết liên quan