Đã bao giờ bạn thực sự sống cho chính mình?

Dường như ngày nay, vô tình hoặc cố ý, người ta mặc định cho nhau những gì mình nghĩ và không để ý xem họ đã chật vật ra sao vì lời nói của mình. Và dường như chính ta cũng đang tự dán mác chính ta, rằng ta không đủ tốt và thu hút như mọi người xung quanh…

Có bao giờ bạn làm điều gì vì sợ người khác sẽ tổn thương, nhưng lại không ngại tổn thương chính mình không?


Hay có bao giờ bạn bị người khác gắn cho cái mác là “Kẻ giả tạo”, “Đứa làm màu” chỉ vì bạn đang thể hiện chính mình?


Hay chỉ đơn giản là cảm thấy mình không bằng ai?


Dường như ngày nay, vô tình hoặc cố ý, người ta mặc định cho nhau những gì mình nghĩ và không để ý xem họ đã chật vật ra sao vì lời nói của mình. Và dường như chính ta cũng đang tự dán mác chính ta, rằng ta không đủ tốt và thu hút như mọi người xung quanh…


---


Nhãn dán “Người lắng nghe”

Có bao giờ bạn được ai đó nhận xét rằng: “Ồ, mày thật sự là một người rất biết lắng nghe đấy!” hoặc “Cảm ơn cậu nhé, cảm ơn vì lắng nghe mình, mình thấy tốt hơn nhiều rồi!” hoặc những câu đại loại thế chưa? Bản thân tôi khi được ai đó khen như thế cảm thấy rất vui, vì dù không thể làm gì nhiều, nhưng chí ít mình có thể giúp được người khác trong những lúc họ khó khăn.


Đối với tôi, lắng nghe – chính là một nghệ thuật. Tôi biết có nhiều người khi nghe câu này sẽ nghĩ chỉ là ngồi nghe thôi mà, ai mà chẳng làm được, có gì đâu mà khó. Ừ thì nghe thì có vẻ dễ dàng đó, nhưng thực chất không phải ai cũng biết cách lắng nghe người khác. Những người tôi gặp – những người biết lắng nghe, thường là người đã trải qua nhiều chuyện, hoặc nếu không, thì họ cũng là một người đã từng phần nào trải qua cảm giác giống bạn. Cho nên họ mới có thể phần nào thấu hiểu để đồng cảm với câu chuyện của bạn.


Nhưng có bao giờ ta đặt câu hỏi, khi họ gặp chuyện thì sẽ như thế nào không?


Tôi có quen một người em, nó tâm sự với tôi: “Mọi người đều cho rằng em là một người lắng nghe giỏi, họ tìm tới em khi họ có vấn đề, em ở bên cạnh họ những khi họ có chuyện muốn nói. Nhưng tới khi em cũng có chuyện cần chia sẻ, không một ai ở bên em cả. Em cảm giác như mình bị mặc định là cái thùng rác, nơi rác là những nỗi buồn tất cả mọi người, và... chị biết đó, người ta… vứt rác vào thùng rác… Nhưng thường thì chẳng ai muốn đổ rác cả, hoặc quay lại để xem thùng rác đó đã đầy hay chưa, hoặc có thể nó cũng đang bị trục trặc gì đó chẳng hạn…”


Nhưng càng tâm sự tôi càng cảm thấy, vấn đề không hẳn là do những người tìm đến em để nói chuyện, mà còn là do em nữa. Em kể rằng: “Lúc trước khi em đang gặp một chút vấn đề, cùng lúc đó có một người bạn thân tìm đến em để than vãn về cuộc sống của cô ấy. Sau khi cô ấy tâm sự, em có kể về chuyện của mình. Em hy vọng cô ấy sẽ an ủi mình hay chỉ đơn giản là lắng nghe câu chuyện một cách nghiêm túc như em đã làm. Nhưng kết quả là cô ấy bực mình và nói Tớ đã mệt lắm rồi, tớ nói với cậu vì nghĩ cậu sẽ lắng nghe tớ, không lẽ giờ còn phải nghe cậu nói nữa à?... Sau này khi gặp những trường hợp như vậy, em đành im lặng. Mặc dù rất muốn nhưng em không thể từ chối cũng như không thể nói cho họ biết em cũng đang có vấn đề. Em sợ khi nghe chuyện của mình có thể sẽ làm tinh thần của họ đi xuống thêm, hoặc thậm chí sẽ nói em không quan tâm tới câu chuyện của họ…”


Có thể em là một người không hay tâm sự với ai, có thể em là một người quan tâm tới cảm xúc của người khác nhiều hơn chính mình, hoặc đơn giản là một người hay cả nể. Tôi không biết. Nhưng tôi biết nếu em làm vậy, là em đang cho phép mình tự làm tổn thương tới cảm xúc của mình.


Mỗi chúng ta đều có thiên thần và ác quỷ trong tiềm thức. Và sẽ vẫn ổn thôi nếu đôi lúc bạn nghe lời ác quỷ. Đôi lúc bạn có quyền ích kỉ với người khác để giành lấy niềm vui cho chính mình. Cuộc sống này vốn đã có quá nhiều mệt mỏi rồi, bạn không cần phải ôm hết tất cả vào mình, bạn có quyền lựa chọn và đưa ra sự lựa chọn, có quyền làm những gì bạn thích và từ chối những gì bạn nghĩ sẽ không tốt cho mình.


Ai cũng là người cần được lắng nghe, kể cả những người hay lắng nghe người khác. Bạn có thể là một người rất hay lắng nghe mọi người, là một người có thể vì người khác, nhưng bạn phải nhớ đừng bỏ mặc cảm xúc của mình, đừng quá sợ người khác sẽ cảm thấy thế nào về bạn, và nhất là đừng quên chính mình cũng rất cần được chữa lành.

---



Nhãn dán “Kẻ giả tạo” – “Người hoàn hảo”

Trước giờ trước mặt mọi người bạn là một người vô cùng mạnh mẽ, bạn không bao giờ rơi nước mắt vì bất cứ điều gì, bạn tự tin với chính mình và bình tĩnh trong mọi tình huống. Mọi người đều rất ngưỡng mộ bạn, cho tới một ngày, bạn khóc vì một điều mà nhìn vô người ta cho là rất nhỏ, bạn luống cuống trước một tình huống mà người ta nói là chả có gì đáng lo. Rồi bắt đầu, mọi người dán lên bạn cái mác “Kẻ giả tạo”, chỉ vì trong một phút giây nào đó, bạn không thể cố gắng “gồng mình” được nữa. Rồi bạn lại đứng lên, quay trở về với con người mạnh mẽ trước đây. Giờ thì hay rồi, bạn tưởng mình sẽ lại được tung hô, được ngưỡng mộ, nhưng không, mọi người cho rằng bạn là “Đồ hai mặt”…


Cuộc sống là vậy mà nhỉ? Có vẻ con người ta chỉ yêu thích những thứ hào nhoáng, những gì tươi đẹp. Mọi người chỉ nhìn vào bề nổi của sự việc, nhưng không ai để ý xem bạn đã phải trải qua những gì. Các bạn biết không, những người mạnh mẽ thường là những người đã đi qua rất nhiều chuyện trong cuộc đời. Cũng như câu nói tôi đã từng đọc: "Muốn ngồi ở vị trí không ai ngồi được thì phải chịu được cảm giác không ai chịu được". Nhưng dù là đã từng như thế nào, dù mạnh mẽ, kiên cường đến đâu, chúng ta ai cũng đều là con người cả mà, cũng sẽ có lúc phải đầu hàng trước viên đá rất nhỏ.


Hay trước giờ đối với mọi người bạn là một người vô cùng hoàn hảo. Không ai biết bên trong lớp vỏ “hoàn hảo” ấy là một đứa trẻ rất tự ti, đang cố trở thành bản sao của ai đó, hoặc một bản sao của chính mình nhưng tính cách thì là do lời nói của xã hội tạo nên. Bạn làm mọi thứ không phải là bạn, chỉ để có được sự yêu thích từ mọi người. Nhưng cuối cùng đằng sau sự yêu thích ấy, bạn phải sống với cái nhãn mác mà mọi người tạo ra, và thậm chí là chính bạn tạo ra – một bản thể không phải là bạn.


Có bao giờ bạn nghĩ Mình có đang thực sự vui không? Mình có đang thực sự hưởng thụ những thứ này không? Hay cứ phải lo lắng xem mình phải như thế nào để được mọi người yêu quý.


Bạn ơi, đừng cố gồng mình nữa, bạn có quyền yếu đuối mà, những giọt nước mắt ấy cũng có quyền được tuôn trào mà. Người khác nghĩ gì thì có quan trọng sao, cảm xúc của bạn và chính bạn mới là thứ đáng để quan tâm. Yếu đuối không có nghĩa là bạn đã sai, bạn chỉ sai khi chấp nhận thỏa hiệp với những gì người khác nghĩ về mình mà thôi!


Bạn ơi, bạn có thể là một người không đặc biệt, không xinh đẹp, bạn có thể không phải lúc nào cũng tràn trề năng lượng, bạn có thể không hoàn hảo. Nhưng trên thế gian này chỉ có một mình bạn là bạn, bạn đặc biệt hơn bất kì ai. Và chắc chắn rằng, luôn có những người yêu bạn, vì bạn là chính bạn, chứ không phải vì bạn là một người “hoàn hảo”.


Như trong cuốn sách Yêu những điều không hoàn hảo, tác giả Hae Min có chia sẻ: “Không phải chỉ khi làm tốt những điều thế gian đòi hỏi bạn mới là người có giá trị. Mà chỉ cần bạn tồn tại thôi, điều đó cũng đủ khiến bạn quan trọng và đáng được yêu thương rồi.”


Mong rằng, chính bạn sẽ yêu thương chính sự tồn tại của mình!


---



Không biết mọi người có biết tới chị Đỗ Khánh Vân – nữ diễn viên đóng vai Trà Long trong bộ phim điện ảnh Mắt biếc không nhỉ? Tôi thấy có rất nhiều người bảo chị sao làm người nổi tiếng mà chả ra dáng gì, ăn mặc thì không giống ai, đã vậy còn mít ướt, con nít… Tôi ban đầu chỉ theo dõi chị bởi vẻ ngoài xinh xắn. Nhưng càng theo dõi thì càng thích hơn, về cách chị sống và thể hiện chính mình trên mạng xã hội cũng như ngoài đời. Hôm trước mới thấy chị đăng một bài post nội dung như sau: “…Nhân cách và phẩm giá của con người là một thứ không màu, không mùi, không vị, không hình hài, vì vậy không một đơn vị cân đo đong đếm chuẩn mực nào nhận định được giá trị của nó cả. Mà phải tiếp xúc và cảm nhận qua trái tim. Nếu bạn có vấn đề với nhân cách của tôi thì đó là vấn đề của bạn. Không phải của tôi”.


Thật sự là như vậy, cuộc sống này vốn đã quá khắc nghiệt rồi, tại sao ta phải quan tâm người khác nghĩ gì về mình, hay vắt óc suy nghĩ xem mình phải làm gì để họ nghĩ tốt về mình. Bởi vì “Sự thật là bạn sẽ không bao giờ làm hài lòng tất cả mọi người. Sẽ luôn có một ai đó không tán thành con đường mà bạn đã chọn”.


Bản thân tôi cảm thấy nếu những gì bạn làm không có gì xấu, bạn không việc gì phải thay đổi cả. Nếu người đó tôn trọng bạn, họ sẽ không bao giờ bắt bạn phải thay đổi chính mình chỉ vì đó là những điều họ muốn cả.


---


Cuối cùng, bạn hãy thử một chút, nhắm mắt tự hỏi bản thân, rằng

Bạn có đang hạnh phúc không?

Nếu không, thì tại sao bạn lại không hạnh phúc?

Bạn có đã và đang thực sự sống cho chính mình chưa?

Nếu chưa, hãy cứ yên tâm nhé, bắt đầu từ bây giờ cũng chưa phải là quá muộn đâu.

Tôi rất muốn nghe câu trả lời của các bạn đó...


Tôi mong mọi người, dù ở bất kì độ tuổi nào cũng hãy sống cho chính mình, làm những điều mình muốn, và khiến mình vui vẻ, thoải mái, sống một cuộc sống trong mơ của mình.

“Sống và làm vì bạn muốn, đừng vì người khác muốn!”


" Tác giả: Dạ.

Ảnh: Unsplash

BẢN THẢO
Bài viết liên quan