Chứng bệnh tâm lý không quá mới, cũng không quá cũ. Nhưng đôi khi lại được hiểu nhầm thành trò đùa về sự lệch chuẩn trên quan điểm và giá trị mỗi cá nhân trong xã hội ngày nay. 


Nếu bạn có đọc quyển "Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải" thì ắt hẳn câu chuyện Ba chú heo con sẽ không còn lạ lẫm nữa. Đó chính là sự khắc họa chân thực về những nhân cách liên tục thay phiên nhau chiếm lấy và cùng "sống chung" trong một cơ thể. 


Bệnh nhân được nói đến là người đàn ông có diện mạo và tính cách hoàn toàn đối lập nhau: thân xác là một người đàn ông, nhưng nhân cách bên trong được tác giả từ tốn gọi bằng "cô ấy". Sau khi giết người bạn trai từng sống chung, "cô" khăng khăng rằng mình có một người anh trai. Chính người anh đó đã giúp cô giết người và kể cho cô nghe câu chuyện Ba chú heo con.


Tôi không biết vì sao mọi người đều không tin, tôi thật sự có một anh trai, nhưng anh ấy không nói gì cả, cứ như không ai nhìn thấy anh ấy vậy, tôi không biết phải làm sao nữa. Nhưng cầu xin anh hãy tin tôi được không?" 


"Lúc tôi nhìn thấy anh trai lần đầu tiên, tôi rất vui, anh ấy nói chuyện với tôi, chơi cùng tôi, kể cho tôi nghe câu chuyện Ba chú heo con. Anh ấy nói chúng cùng nhau đối phó với chó sói xám, rất đoàn kết, đặc biệt là con heo thứ ba, rất thông minh..." 


Ngược xuôi ngang dọc, hóa ra người anh trai kia chính là nhân cách khác của cô ấy. Sau đó tự mình xoá bỏ đi "cô ấy" trong cơ thể, đứng trước sự truy tố buộc phải chịu hình phạt của pháp luật về tội giết người, anh ta đã mong muốn bản thân sớm bị trừng phạt. Sự thật về câu chuyện Ba chú heo con cũng dần được tiết lộ. Nó chẳng phải là trang cổ tích trong trẻo, đáng yêu như anh trai vẫn hay thường nhắc đến lúc nhỏ. Mà đó chính là sự đấu tranh xen kẻ trả thù với con quái vật trong lòng mình, đồng thời từ đó phát sinh ra các nhân cách khác mà chỉ duy nhất bản thân "cô ấy" tin tưởng. 


Quá khứ đầy ám ảnh của những tổn thương tâm lý nặng nề. 


Rối loạn đa nhân cách nói riêng và hầu hết các bệnh rối loạn tâm lý khác nói chung. Trong quá trình phát triển, nếu phải trải qua những biến cố quá sức chịu đựng liên quan đến vấn đề nhận thức như bị bỏ bê, bạo hành hay lạm dụng, hầu hết con người ta sẽ mang trong mình một trái tim đầy vết xước cùng những suy nghĩ méo mó, lệch lạc. Tác động từ môi trường sống độc hại xung quanh đã theo đó mà ngày một ảnh hưởng đến hành vi, cách cư xử của người bệnh. Chúng thậm chí còn phóng đại và bẻ cong các giác quan và sự tỉnh táo bên trong họ. Ngoài ra, di truyền cũng được cho là một yếu tố có tính liên quan. 


Do đó, khi đối diện với những thắc mắc rằng tại sao một số người lại mắc các vấn đề về sức khỏe tâm lý, hãy ngừng phán xét và tự hỏi rằng trong quá khứ họ đã phải trải qua những đau thương, mất mát gì. Đa nhân cách cũng được liệt kê trong số đó, là một căn bệnh tâm thần có thể khiến người mắc bệnh tự tử, thực hiện những hành vi phạm pháp hoặc nặng hơn bất chấp cả rủi ro. Sự thay phiên lấn chiếm cơ thể của hàng loạt những nhân cách khác nhau nhằm giúp người bệnh có thể chạy trốn và giải quyết những tình huống căng thẳng trong cuộc sống. Thông thường, những kí ức trước không được tìm thấy và để lại lỗ hổng khi lần lượt từng nhân cách xuất hiện theo quá trình chuyển đổi phụ thuộc vào yếu tố môi trường xung quanh, giống như việc “mượn tạm” đôi mắt của người khác để nhìn ra bên ngoài thế giới của riêng mình.


Là một căn bệnh có thật và rất nghiêm trọng. 


Không ít lần tôi nghe thấy những người đang sinh hoạt bình thường tự nhận mình là người đa nhân cách. Thứ tôi nói đến ở đây, không phải là đánh giá hay chỉ trích ai, mà là ảnh hưởng sự đùa cợt qua loa trên một căn bệnh tâm lý. Khi ai đó cư xử khác chuẩn mực tự đặt ra hay làm những việc trái với thói quen thường ngày, người ta tự mặc định họ là người đa nhân cách. Thú thật, lúc trước, tôi cũng hay nói với bạn mình rằng: “Không phải tao đâu, nhân cách thứ hai của tao đó.” Khi đó, tôi cảm nhận như mình đang che giấu đi con người thật của chính mình rồi tự lấy tên căn bệnh này ra làm rào chắn. Dần dần tôi cảm thấy đó là một trò đùa không chút hay ho khi thản nhiên buông ra những lời như thế và từ đó nhắc nhở bản thân mình phải luôn cẩn trọng.


Rối loạn nhân dạng phân ly, hay rối loạn đa nhân cách, là một căn bệnh có thật. Nó rất nghiêm trọng và ảnh hưởng đến rất nhiều mặt khác nhau trong cuộc sống của người bệnh. Không phải trầm cảm hay rối loạn lưỡng cực. Nhưng dù thế nào đi nữa, đây thực sự là một cuộc chiến khốc liệt đối với những ai mắc bệnh, khi bản thân không biết mình đang đối diện với thế lực gì phía trước. Nên tôi hy vọng, ai đã đọc đến đây, xin đừng đem căn bệnh tâm lý này ra làm trò đùa, dẫu trong bất cứ hoàn cảnh nào. 


Ai đang trong cuộc chiến, đều là chiến binh của chính mình. Người “anh trai” trong câu chuyện Ba chú heo con sau khi chiếm được thể xác của nhân vật, cuối cùng đã tự sát, để tự giải thoát và chấm dứt cho chuỗi ngày chìm trong đau khổ của mình. Vì quái vật - là chính anh ta. 


- Anh ta đã dùng cách của mình để chứng minh với tôi, anh ta không hề nói dối, cho dù anh ta có thật sự điên hay không.


- Tôi vẫn luôn nhớ câu cuối cùng anh ta nói, được lưu trong máy ghi âm của tôi: “Thật sự muốn được nhìn thấy lại trời xanh.”


Chợt tôi nhớ đến bộ phim Split và cuộc đấu tranh đàn áp nhau của 24 nhân cách rời rạc đang cùng trú ẩn trong một cơ thể: “Khi bạn tin mình là ai, bạn sẽ trở thành kẻ đó.”


Và rồi tôi đã nhận ra một điều, không phải ở trên đời, bất cứ thứ gì khác nhau đều có thể dung hòa. 


Tác giả: May

Ảnh: Magazine 35mm

 

BẢN THẢO
Bài viết liên quan