Dành cho bạn: Tha thứ để chữa lành

Đôi khi tha thứ lại là cách để ta yêu thương chính bản thân ta...



Chữa lành những tổn thương trong tình cảm là một quá trình tự khám phá ra bản thân, điều sẽ mang lại vô số lợi ích trong bất kì giai đoạn nào của cuộc đời. Oán giận và căm ghét bản thân có thể sẽ để lại vết sẹo. Tha thứ là liều thuốc giải độc tốt nhất, cho dù là khi bạn muốn được ai đó tha thứ, tha thứ cho người đã làm tổn thương bạn, hay là tha thứ cho chính bản thân mình.


Trước khi bắt đầu hành trình chữa lành, điều quan trọng mà ta cần biết là tha thứ không đồng nghĩa với việc quên đi những lỗi lầm đã qua. “Tha thứ" và “quên đi" không giống nhau. Để tiến về phía trước, ta phải nhìn ra thực tế những gì đang diễn ra. Khi bạn chấp nhận những gì đã xảy ra và chấp nhận rằng bạn không thể thay đổi quá khứ, bạn sẽ tìm thấy động lực để làm điều xứng đáng với giá trị bản thân của bạn: tha thứ và chữa lành.


Bày tỏ sự tha thứ một cách trực tiếp tới người làm tổn thương tới bạn không phải lúc nào cũng cần thiết và khả thi. Tha thứ cho ai đó để tốt cho bản thân bạn, không phải là cho họ. Quá trình tha thứ và giải phóng những suy nghĩ cũng như cảm xúc ràng buộc bạn trong quá khứ có thể được thực hiện mà không cần sự tham gia của người khác. Tha thứ cho phép bạn gạt đi những nuối tiếc hay là những oán giận có thể ăn mòn những năng lượng quý giá của bạn.


Trước khi bạn có thể tha thứ, bạn cần cảm nhận hoàn toàn và bỏ qua hết mọi cảm xúc gắn liền với vết thương tình cảm - tức giận, buồn bã, xấu hổ, sợ hãi… Đôi khi, viết một bức thư bày tỏ cảm nhận của bạn có thể giúp bạn vượt qua mọi cảm xúc tiêu cực. Bạn không cần phải gửi bức thư ấy đi. Đốt nó sẽ khiến bạn cảm thấy ổn hơn.




Tha thứ cho bản thân mình sẽ khó khăn hơn là tha thứ cho người khác. Nó đòi hỏi bạn phải thừa nhận những gì mình đã làm và nhận thấy những tổn thất nó gây ra cho bạn và cho người khác. Để có thể tha thứ, bạn cần nhận thức được rằng bạn đã phạm một sai lầm - hay nhiều sai lầm - và nếu bạn biết trước những điều này trước đây, bạn đã hành động khác.


Như người ta đã nói, không nên lo lắng về những gì đã xảy ra. Các tình huống xảy ra, và những gì nên làm lúc ấy, sẽ luôn trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta nhìn lại. Cách tốt nhất chúng ta có thể làm là chấp nhận những gì đã qua và trở nên tốt nhất cho hiện tại. Chánh niệm sẽ trở nên hữu dụng trong việc khám phá ra lí do bạn đã làm những điều trong quá khứ. Lòng biết ơn cũng có ích bởi nó cho phép bạn tiến tới sự thay đổi. Chuộc tội, thay đổi cách hành xử với những người bạn làm tổn thương hay những giá trị đại diện của họ, là một phương pháp có tác động mạnh mẽ để có thể tha thứ cho bản thân.


Nếu bạn đang có một cái nhìn thực tế về sự yếu đuối và những thiếu sót của con người, tha thứ cho bản thân và cho người khác sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn. Ai cũng có thể mắc sai lầm. Chúng ta hành động dựa trên kinh nghiệm và thế giới quan của bản thân. Chúng ta đều là một mớ hỗn độn của cảm xúc và gen di truyền.


Khi cân nhắc xem có nên tha thứ cho ai đó không, ta cần nhìn vào trải nghiệm sống của chính họ. Điều đó không có nghĩa là bào chữa cho những gì họ đã làm. Nhưng bạn càng biết nhiều về nguyên nhân dẫn tới những lựa chọn và hành động mà ai đó đã dùng để đối xử với bạn, bạn càng hiểu rõ hơn về sự bất toàn cố hữu của loài người.


Ví dụ, khi bố bạn rời xa gia đình từ khi bạn còn bé, và bạn chỉ nhận được thư ông ấy gửi để yêu cầu sự tha thứ. Liệu những điều dẫn tới hành động của ông ta - bị bỏ rơi bởi chính cha mình, sinh ra bạn khi còn rất trẻ và mắc chứng nghiện rượu - có thể dùng để bào chữa? Không, nhưng nó có thể dễ dàng hơn trong việc nhìn ra con người của ông ấy để tha thứ. Cần phải phân định rõ ràng giữa lòng trắc ẩn và giới hạn của bạn. Bạn có thể cùng nói “Tôi tha thứ cho bạn" “Tôi không muốn nhìn thấy bạn trong cuộc đời nữa"


Để có thể tha thứ cho bản thân mình và cho người khác, hãy cố gắng mềm mỏng hơn trong lập trường về đối nhân xử thế và hiểu rằng ai cũng dễ mắc sai lầm. Nhưng cũng cần biết rằng khi con người nhận thức tốt hơn, họ sẽ làm tốt hơn. Khám phá bản thân để chữa lành hàm chứa rất nhiều điều cần phải học hỏi.





Trút bỏ mọi oán hận và nuối tiếc - nói theo cách khác - học cách tha thứ - đòi hỏi bạn phải học hỏi và tìm ra ý nghĩa từ những vết thương tình cảm trong bạn. Bạn có thể vượt qua đau khổ bằng cách nhận ra bài học từ những tổn thương và học hỏi những gì nó dạy cho bạn. Bạn có thể trở nên tốt hơn vì bạn đã chịu đựng nó, nhưng trước tiên bạn phải vượt qua nó. Bạn cần phải chấp nhận, trải nghiệm, xử lí và giải phóng để có thể chữa lành và trở nên mạnh mẽ hơn. Như nhà văn Haruki Murakami đã từng viết, “Khi cơn bão qua đi, bạn sẽ không nhớ bạn đã vượt qua như thế nào. Bạn thậm chí còn không dám chắc liệu cơn bão đã thực sự đi qua hay chưa. Nhưng có một điều chắc chắn, là khi ra khỏi cơn bão, bạn không còn là con người lúc bước vào cơn bão nữa.”


Dịch bởi: Bò.

Biên tập: Lunatic

Ảnh: Burst

Tham khảo: https://www.goodtherapy.org/blog/its-for-you-not-them-forgive-to-help-yourself-heal-0710184

BẢN THẢO
Bài viết liên quan