Có bao giờ bạn cảm thấy tâm mình như đã chết không?

Bạn cứ cố gắng gồng mình để thay đổi bản thân và làm vui lòng người khác, đến một ngày chính bạn không biết mình là ai và là người như thế nào. Hãy tự đặt cho mình giới hạn giữa sự hài lòng của người khác và việc mà trái tim mình muốn làm.

Có bao giờ bạn cảm thấy tâm mình như đã chết không?


Như nào là một trái tim đã chết tâm? Tiếng nói của trái tim là sự biểu đạt của tâm hồn, sự thể hiện của chính con người bạn. Khi nào có một mất mát lớn xảy ra cho bạn như mất tài sản, mất nhà, mất một mối quan hệ thân thiết, hay bị mất danh dự, mất khả năng bình thường trong cơ thể bạn… sẽ có một cái gì đó ở trong bạn chết đi. Bạn sẽ cảm thấy mất đi cảm nhận về chính mình. Có thể bạn còn cảm thấy một sự hụt hẫng rằng: “Nếu không còn những thứ này… thì tôi là ai?”. Cũng giống như việc chính bạn không thể quyết định cuộc sống của chính mình. Những gì bạn làm, nói và nghĩ lâu ngày đã trở thành thói quen. Nhưng tệ hơn nữa chúng ta không ý thức rằng mình đang cho rằng thói quen tiêu cực ấy chính là mình. Bạn sống với cái vỏ bọc để làm theo những gì người khác mong đợi và yêu cầu bạn làm. Trái tim bạn mách bảo rằng: “Đó không phải điều tôi muốn làm”. Nhưng bạn lại không còn lựa chọn nào khác. Lâu ngày hình thành cho bạn thói quen không còn phản kháng với những điều mình không muốn làm. Một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi chơi thì lại bị bố mẹ bắt đi học đàn, học vẽ, mà điều nó muốn chỉ đơn giản là được chơi đùa cùng bố mẹ, cùng các bạn. Nó bị bắt ép đến nỗi nó luôn nghĩ rằng: “Phải rồi, nếu mình nghe lời làm theo thì mình sẽ không bị mắng, không bị phàn nàn, không bị hứng chịu sự cáu gắt từ mẹ nữa”. Chính điều đó khiến đứa trẻ ấy đóng kín cánh cửa trái tim với thế giới bên ngoài, không còn tranh luận nữa. Thời gian cứ vậy trôi, tuổi thơ mất, tâm chết khi chưa nhú mầm. Nỗi đau đớn kinh niên trong thân thể bạn có thể là “người thầy” khó tính. Bài học “người thầy” ấy dạy cho bạn là: “Có muốn chống cự cũng vô ích”.



Đối mặt với những khủng hoảng kinh niên ấy. Trái tim bạn gần như không muốn thể hiện cái tôi trong bạn nữa. Cũng là lúc cái tôi - bản ngã của bạn không còn. Cảm nhận về một cái tôi - bản ngã ở trong bạn - luôn cần những xung đột bất đồng,… với người này hay với người khác, vì cảm nhận về “một con người tách biệt với thế giới chung quanh” ở trong bạn được lành mạnh thêm khi bạn phải đấu tranh với cái này, cái kia… Và trong kia gián tiếp xác minh rằng “đây” mới thực sự là tôi, còn “bên kia” thì không phải tôi. Nhưng khi chịu sự tác động lâu dài từ gia đình, lối sống áp đặt, bạn chỉ làm theo mọi thứ như một sự tuân lệnh và không còn bất kỳ sự đấu tranh nào trong bạn nữa. Theo tôi được biết thì hiện nay có rất nhiều đứa trẻ được sinh ra với nghề nghiệp định sẵn, con đường định sẵn, và mọi thứ được sắp đặt từ trước. Mọi thứ mà đứa trẻ ấy phải trải qua đều đã được bố mẹ nó dự định trước. Với lý do muốn mang lại những điều tốt đẹp nhất cho con mình, những ông bố bà mẹ đã tự tay tước mất quyền tự do được sống với lý tưởng, với chính mình của con họ. Thay vì để cho con mình lựa chọn cuộc sống của nó thì họ lại áp đặt chính cuộc sống mà mình mong muốn lên đứa con đó. Thế nên bản thân nó chưa từng có sự đấu tranh lựa chọn cho cuộc sống của mình, nó đơn giản chỉ là ước mơ của người bố hoặc người mẹ. Sự ích kỷ đó khiến cho đa phần thế hệ trẻ sau này sẽ đánh mất chính mình trong cuộc sống của mình ngay từ khi còn chưa hiểu biết “cái tôi’ và “tâm hồn” của mình. Chẳng còn cái gọi là cái tôi phân biệt với người khác nữa.


Những người không còn “cái tôi” họ sẽ sống như thế nào? Bố mẹ của đứa trẻ đã dành một tình yêu quá lớn, sự kỳ vọng quá lớn, để rồi chẳng biết từ khi nào đứa trẻ đó đã chết tâm. Nó sẽ là ai trong thế giới này khi không cảm nhận được tiếng nói của trái tim mình? Nó không còn niềm tin vào thế giới trước mắt nó. Và nó tự đặt dấu chấm hết cho chính tâm hồn nhỏ bé đang khát khao khám phá thế giới mới. Bởi nó hiểu rằng có chống lại cũng là vô ích, nó cam chịu và thuận theo. Nó nhận ra rằng từ khi hình thành ý thức thì nó đã không còn được là chính mình nữa rồi. Môn học để bắt buộc để trưởng thành là học cách đối diện với những thất vọng. Nó góp nhặt đủ nỗi thất vọng từ khi còn rất nhỏ và bắt buộc phải đón nhận sự trường thành. Mà chúng ta hay gọi là đứa trẻ hiểu chuyện. Nhưng đó có phải là điều tốt đối với một đứa trẻ khi nó buộc phải chọn sự trưởng thành bất đắc dĩ này? Vẻ ngoài đối với một số bạn khác cùng tuổi thì nó giống như đang sống một cuộc sống rất hạnh phúc, nhưng chẳng ai có thể hiểu được sự thống khổ nơi tâm hồn nó cả. Những việc xảy ra mà bản thân không có hứng thú lâu dần khiến cho con người chỉ hành động như một cái máy. Sống như thể không sống, điều đó dẫn đến sự khủng hoảng về tâm lý nghiêm trọng.


Đến khi trưởng thành, khi những đứa trẻ bước sang thế giới của sự không ràng buộc, gò bó liệu rằng đứa trẻ ấy có thể tìm được “cái tôi” đã đánh mất không? Môi trường sống và lối sống ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành ‘cái tôi” bên trong mỗi người. Còn đối với đứa trẻ ấy nó đã quá quen thuộc với việc để trái tim lặng yên, và để thoả hiệp một lần nữa với trái tim sẽ là một thời gian khá lâu. Nó sẽ là cả một quá trình chữa lành và trị liệu tâm lý. Dấu ấn của tuổi thơ một khi đã chịu tổn thương và khủng hoảng thì sẽ rất khó để một lần nữa mở lòng. Đó là điều khiến nó cảm thấy vô cùng khó khăn và nó nhận ra rằng nó đang lạc bước trong vô vàn dòng thời gian và không gian hay đơn giản là những lựa chọn. Mọi thứ giống như một mớ hỗn độn mà nó đang trên hành trình để chữa lành và sắp xếp lại mọi thứ. Giống như thói quen, tuy rằng rất khó để thay đổi nhưng chỉ cần nó luôn tin vào bản thân mình thì sẽ tìm lại được chính mình. 




Mỗi người đều có một cái tôi riêng biệt, một cách suy nghĩ khác về mọi mặt của vấn đề. Nếu như chỉ có theo một lối mòn của người khác mà không có suy nghĩ riêng của bản thân bạn cũng sẽ giống như một cỗ máy được lắp đặt chương trình từ trước. Thể hiện được cái tôi của bản thân, cũng như cái nhìn của mình với thế giới bên ngoài, nói lên những suy nghĩ của mình thì mới chứng tỏ được rằng bạn đang tồn tại với thế giới, với một bản sắc của riêng bạn. Mạnh dạn nói lên cái tôi, đừng sợ hãi rằng nó sẽ không được đón nhận. Đừng để cho những tổn thương của quá khứ làm bạn sợ hãi, hãy bước ra khỏi nó để đón nhận thế giới này cũng như để tìm lại chính mình.


Bạn cứ cố gắng gồng mình để thay đổi bản thân và làm vui lòng người khác, đến một ngày chính bạn không biết mình là ai và là người như thế nào. Hãy tự đặt cho mình giới hạn giữa sự hài lòng của người khác và việc mà trái tim mình muốn làm. Lắng nghe trái tim giữa sự ồn ào của thế giới, sự đồng điệu về tâm hồn với những gì bạn thể hiện ra bên ngoài sẽ luôn là phiên bản hoàn hảo của chính bạn. Đồng thời hãy nuôi dưỡng một tâm hồn đẹp để đón nhận những điều tích cực của thế giới này. Tâm hồn tích cực sẽ mang lại cho bạn hạnh phúc và niềm vui trong cuộc sống đang ngày càng công nghệ hoá và mọi người dần coi trọng vật chất hơn là cảm xúc của con người.


Người viết: Sora 

__________________________________

(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 03 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”.

BẢN THẢO
Bài viết liên quan