Đặt Kỳ Vọng Quá Cao: Đúng Hay Sai?

Khi ta suy tính việc rời khỏi một mối quan hệ, thì lý do thường là vì – trong góc khuất của trái tim – ta vẫn nuôi nấng một kỳ vọng sẽ gặp được một người khác tốt hơn. …

Khi ta suy tính việc rời khỏi một mối quan hệ, thì lý do thường là vì – trong góc khuất của trái tim – ta vẫn nuôi nấng một kỳ vọng sẽ gặp được một người khác tốt hơn. Trái tim ta rối bời bởi vì ta không thể nhắm mắt cho qua những khuyết điểm của đối tượng hiện tại được nữa: đó có thể là vấn đề về trí thông minh cảm xúc, về sự hòa hợp chăn gối, về ngoại hình hay năng lực, về trí thông minh hay lòng tốt. Nhưng ngay khi những hoài nghi về mối quan hệ dấy lên, thì những băn khoăn rằng liệu ta có quyền gì để kỳ vọng cũng bắt đầu choán lấy tâm trí. Bất kỳ ai dù với chỉ một ít khả năng tự nhận thức thôi – đủ để có thể nhìn rõ được những khiếm khuyết ở chính con người vốn cũng chẳng hoàn hảo của mình – cũng có thể đặt được câu hỏi rằng: Ta là ai mà có quyền phàn nàn? Chẳng phải rất dại sao khi mong đợi có được một người tốt hơn? Sao ta không chỉ đơn giản là chấp nhận và biết ơn vì những gì mình đang có? Ta được phép kỳ vọng ở mức nào? Liệu ta có đang tham lam quá không?

Hãy bắt đầu với những điều lạc quan một chút. Tuýp người mà ta mơ mộng, kỳ vọng có tồn tại, ở đâu đó trên quả đất này, cũng có thể là trong những kiếp khác. Ta không ngốc khi vẽ ra trong đầu một hình tượng như thế. Ta có thể đã gặp những người gần giống với mẫu hình của mình ở nhiều bối cảnh khác nhau trong thời gian qua: một người bạn, hình ảnh trong trang tạp chí hay nhân vật trong một cuốn sách. Hãy cho rằng, chúng ta không hề đòi hỏi một thứ gì đó không tưởng (như là đòi hỏi một người có cái đầu của Einstein trong thân hình một siêu sao Hollywood, với tấm lòng như một vị thánh và nguồn lực to lớn như một vĩ nhân). Ta đâu có ngờ nghệch, ta biết khá rõ mình xứng đáng có được gì và mình có thể thu hút được những người như thế nào. Ta chỉ là đang nghĩ rằng – một cách có cơ sở – ta có cơ hội để cải thiện sự lựa chọn của mình. Có đến 7 tỉ người trên hành tinh này, ít ra cũng phải có 1 hoặc 2 người trong số đó thỏa mãn được những kỳ vọng lớn hơn của ta chứ.

Tuy vậy, chẳng có gì trong số những điều kể trên mang tính đảm bảo. Có đủ những vận rủi, những sai lệch trong thời điểm, những biến cố không may trong đời sống tình cảm để đảm bảo rằng ta có thể sẽ rơi vào tình cảnh từ bỏ một mối tình chỉ để sau đó không thể tìm được bất kỳ ai khác thỏa mãn được mộng ước của mình, dù chỉ một chút. Những đối tượng tiềm năng, hợp nhau một cách hoàn hảo vẫn thường bước ngang qua đời nhau và rồi lìa đời trong đơn độc và dang dở mà không hề hay biết rằng mình đã gần chạm tới nhau như thế nào. Việc biết rằng thực sự có một người nào đó ngoài kia thỏa được những tiêu chí của ta không nói lên được gì về khả năng mà ta có thể tìm thấy họ, trong khoảng thời gian hữu hạn mà mình có.

Vì thế, ta không thể nói với một người đang muốn từ bỏ mối quan hệ, dựa trên lý lẽ hay niềm tin mãnh liệt của mình, rằng những kỳ vọng có được một đối tượng tốt hơn của họ sẽ thành sự thật. Ta chỉ có thể – cao nhất là – đưa ra một phạm vi dễ chấp nhận hơn: “có lẽ”.

Nhưng khi ta tự hỏi liệu những kỳ vọng của mình có “quá cao”, ta nên dừng lại và hỏi khác đi một chút: quá cao cho điều gì?

Nếu “quá cao” của ta có nghĩa là, quá cao để hoàn toàn chắc chắn rằng ta sẽ có thể xây dựng một mối quan hệ mãn nguyện sâu sắc với đối tượng thỏa mãn, thì đúng, theo nghĩa đó thì những kỳ vọng của ta quá cao. “Có lẽ” là cơ may tốt nhất mà ta có thể trông đợi. Tuy nhiên, nếu ta đang phân vân rằng liệu những kỳ vọng của mình có “quá cao” để rời bỏ một mối quan hệ vì một tương lai vô định nhưng đầy chân thật hơn, nếu ta tự hỏi liệu có sai lầm không khi định nghĩa nên một kiểu người lý tưởng mà ta mong muốn và trung thành với nó dù cho ta có thực sự tìm được người như vậy hay không, thì câu trả lời sẽ là “không”.

Trong các lĩnh vực khác của đời sống, chúng ta có thể chấp nhận mức độ “tạm được” và thường ngưỡng mộ sâu sắc những người trung thành với ý tưởng của mình, ngay cả khi thành công trễ hẹn hay thậm chí sẽ không đến. Có những người chỉ tạo ra một loại tác phẩm nghệ thuật nhất định trong hàng thập kỷ, và ít quan tâm đến việc liệu nó có đáp ứng được sự công nhận của công chúng không. Hay có người điều hành một công ty nọ không bao giờ thay đổi sản phẩm của mình để thu được lợi nhuận cao hơn. Hoặc một chính trị gia luôn giữ khư khư quan điểm chính trị của mình mặc cho chúng khiến người ấy không thể giành được vị trí mình muốn. Tất nhiên là họ vẫn thích sự tán dương, tiền tài và quyền lực – nhưng đối với họ, việc biết rằng mình đang có thứ gì đó để gắn bó thì quan trọng hơn nhiều, đó có thể là tác phẩm nghệ thuật mà họ tin tưởng, hay sản phẩm mà họ thích, hoặc ý tưởng mà họ ủng hộ.

Chúng ta, một cách rất tự nhiên, luôn muốn đạt được thứ mình hằng tin tưởng và kết quả như ý từ thế giới, nhưng nếu phải lựa chọn giữa một tác phẩm nghệ thuật chết lặng và sự tung hô, giữa sản phẩm kém và lợi nhuận cao, giữa quan điểm chính trị và một vị trí trong chính phủ – hay chuyển sang lĩnh vực tình cảm – một người mà chúng ta cùng nằm chung giường nhưng không thỏa được những kỳ vọng, mong đợi về thể lý cũng như tâm lý của ta, thì có thể ta sẽ thà trả giá cho lòng trung thành với những kỳ vọng ban đầu của mình.

Trong bối cảnh quan hệ tình cảm, có thể có hai lý do để người ta chọn sống theo cách này, lý do đầu tiên mang tính thực tế, lý do thứ hai thiên về khía cạnh tâm lý và hiện sinh nhiều hơn. Ở cấp độ thực tế, việc giải phóng bản thân khỏi một mối quan hệ gây nản lòng cũng có những ưu điểm của nó, ngay cả khi khả năng sớm tìm được một người thay thế tốt hơn là bằng không. Việc độc thân cho chúng ta nhiều điều kiện thuận lợi để tìm kiếm tình yêu hơn so với khi để bản thân loay hoay trong mối quan hệ với một người mà ta âm thầm mong muốn có thể thoát khỏi. Chúng ta có thể tự do tuyên bố với thế giới về điều mà mình đang tìm kiếm, không cần phải nói dối hay che giấu nữa, và ta cũng không cần phải phá hỏng một khởi đầu tốt đẹp vì tâm thế tồi tệ sau khi vừa bước ra khỏi mối quan hệ trước đó.

Nhưng hơn thế, việc trung thành với những kỳ vọng thực sự của bản thân, dù xung quanh có ứng cử viên tiềm năng nào hay không, vẫn có thể là một quyết định khôn ngoan. Tâm hồn của chúng ta có khả năng bị hủy hoại từ từ, chậm rãi khi ta sống một cuộc sống nhằm trốn tránh sự cô độc thay vì tìm kiếm đúng người đồng hành. Và nếu chúng ta biết rằng mình đã để nỗi sợ cô đơn đánh bại khả năng chọn lọc, phân biệt để tìm ra đúng người – người không khiến ta ngầm điên tiết hay ngán ngẩm, ta có thể sẽ không thể tránh được hậu quả mà nó sẽ gây ra đối với lòng tự trọng hay ý thức về phẩm giá của bản thân. Ta cũng có thể sẽ chẳng còn ưa chính mình được bao nhiêu nữa, khi mà ngày ngày phải dằn vặt bản thân rằng mình đã đi lệch bao xa khỏi những kỳ vọng, những mong đợi thật sự của mình, chỉ để giảm bớt đi cảm giác khó chịu không cần thiết với người đồng hành hiện tại.

Lịch sử Nhật Bản đã lưu lại rất nhiều những ví dụ mà các nhà bình luận gọi là “thất bại cao quý”. Họ là những người có quan điểm vững chắc về những gì mình đề cao trong một lĩnh vực cụ thể (nghệ thuật, chính trị, thương mại, văn hóa) và giữ được lòng trung thành với niềm tin của bản thân mặc dù nhận được rất ít hoặc không có sự thành công, đôi khi còn phải trả một cái giá đắt cho vị trí của mình. Một nhà thơ có thể sẽ kết thúc cuộc đời vô danh của mình trong một túp lều xập xệ ngoài rìa thành phố, hay một thợ gốm với những món đồ làm bằng đất nung đơn điệu nhưng khéo léo bị phớt lờ vì những món đồ sơn mài sặc sỡ, hay một chính trị gia thấy những kế hoạch hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn của họ là chướng ngại trên con đường thăng tiến của mình. Tuy vậy, trong suy nghĩ của người Nhật Bản, những người này có thể được nhìn nhận khác chứ không đơn thuần là “kẻ thất bại”. Theo một khía cạnh nào đó, họ có lẽ đã thất bại: tác phẩm không được đón nhận, công việc kinh doanh đổ vỡ, dự án không được phê duyệt. Nhưng họ vẫn xứng đáng được tôn trọng, vì họ có được một thứ quý giá hơn những thứ danh tiếng, giàu có hay tung hô nhất thời: họ biết rõ mình muốn gì. Điều này vẫn có thể áp dụng cho lĩnh vực thiên về đạo đức hơn và liên quan đến những thứ ít mang tính rủi ro hơn, như lĩnh vực tình cảm. Đối với đời sống tình cảm, ta cũng có thể dựa vào khái niệm “thất bại cao quý” để hình dung được những gì sẽ diễn ra sau khi ta rời bỏ một mối quan hệ. Sự cao quý của ta sẽ thể hiện ở việc không để cho nỗi sợ hãi cô đơn chi phối hành động của mình và đảm bảo rằng những người mà mình chọn dành thời gian cho phải thỏa mãn kỳ vọng của bản thân – dù cho điều này đồng nghĩa với việc phải độc thân trong thời gian rất dài. Đến cuối cùng, ta sẽ có thể chứng minh được lòng trung thành với tình yêu nhiều hơn khi độc thân so với khi ở bên sai người. Như việc một người yêu nhạc sẽ thà chọn không gian tĩnh lặng không một tiếng động còn hơn là âm thanh rộn rã nhưng chói tai.

Chúng ta, sau khi rời khỏi một mối quan hệ, có thể không đạt được thành công theo bất kỳ tiêu chuẩn nào. Cuộc sống của ta có thể kỳ lạ trong mắt người khác. Có thể ta sẽ nhận ra rằng mình đã từ bỏ một mối quan hệ khá ổn để phải đơn thân độc mã bắt đầu một hành trình mới đầy khó khăn hơn rất nhiều. Nhưng ta sẽ là một điều gì đó thú vị hơn là buồn bã, ta đã thất bại trong tư thế ngẩng cao đầu trên con đường tìm kiếm tình yêu, ta có được sự mãn nguyện khi biết được rằng mình đã chọn được sống đúng với những hy vọng của bản thân thay vì tiếp tục ở bên cạnh một người mà ta không thể dành cho họ sự trân trọng được nữa.

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

Nguồn: Are My Expectations Too High?

Dịch: Lyo Kiu

Biên tập: #Zealous

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan