Đâu Là Những Nguyên Nhân Gây Ra Hậu Chấn Tâm Lý? (PTSD)

Bạn có bao giờ trải qua điều gì đó kinh khủng đến mức nó để lại trong bạn vết sẹo tâm hồn chưa? Bạn còn bị ám ảnh bởi một sự kiện hoặc trải nghiệm nào đó trong quá khứ? …

Bạn có bao giờ trải qua điều gì đó kinh khủng đến mức nó để lại trong bạn vết sẹo tâm hồn chưa? Bạn còn bị ám ảnh bởi một sự kiện hoặc trải nghiệm nào đó trong quá khứ? Những thứ bạn gặp tương tự như trên có thể được gọi là sang chấn (trauma).

Thống kê cho thấy, trong số ba người mắc sang chấn tâm lý nghiêm trọng sẽ có khoảng một người phát triển rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) (NIMH, 2017). Hậu chấn tâm lý (hay PTSD) là một rối loạn tâm lý; trong đó, những người mắc rối loạn này là những người đã phải chứng kiến, trải nghiệm hoặc nghe về một sự kiện đau thương nào đó xảy ra với người mà họ yêu thương. Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (2013) định nghĩa sang chấn như “bất kỳ sự kiện nào có mối đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của con người”.

Tính nghiêm trọng của rối loạn này thể hiện ở chỗ, PTSD khác biệt với các bệnh tâm lý – tâm thần liên quan đến sang chấn và căng thẳng khác, như Rối loạn Phổ Tự kỷ (ASD). Người mắc PTSD thường có những biểu hiện như tâm trạng tiêu cực dai dẳng, suy giảm trí nhớ, hồi tưởng về những sự kiện đã qua và những cơn ác mộng tái diễn về sự kiện đau thương.

Dưới đây là 6 nguyên nhân phổ biến nhất gây ra PTSD:

1. Tấn công thể chất

Sự tấn công thể chất xảy ra khi ai đó cố tình làm tổn hại tới cơ thể bạn, điều này thường xảy ra trong các vụ trộm cắp, đánh đập, đâm chém, giết người hoặc bắt cóc. Như đã nói, người trải qua bất kỳ một trong những ví dụ này sẽ có khả năng chịu tổn thương suốt đời. Khả năng mắc phải PTSD tăng lên khi hung thủ là người bạn biết hoặc người thân của bạn; hoặc khi hung thủ sử dụng một loại vũ khí (như súng hoặc dao); nó xảy ra khi bạn còn trẻ; và không có sự giúp đỡ ngay tức khắc (Duncan, Saunders, Kilpatrick, Hanson, & Resnick, 1996).

2. Tấn công tình dục

Bên cạnh tấn công thể xác, tấn công tình dục cũng được xác định là một trong những yếu tố nguy cơ nguy hiểm nhất dẫn tới PTSD. Nạn nhân của quấy rối tình dục hoặc hiếp dâm thường cảm thấy không thể chia sẻ những gì đã xảy ra với họ, bởi vì họ sợ bị đổ lỗi hoặc bị chế giễu vì điều đó. Tuy nhiên, việc kìm nén chấn thương của bạn chỉ khiến nó xuất hiện dưới những hình thức xấu xí và nguy hiểm hơn nhiều. Các nghiên cứu cho thấy những người sống sót sau các vụ tấn công tình dục (dù gần như gặp phải hay đã trải qua) thường phải vật lộn với cảm giác chán nản, lo lắng, sợ hãi, cô lập, tức giận và buồn bã (Ullman & Filipas, 2001).

3. Tai nạn nghiêm trọng

Đâm xe trúng một ai đó, bị xe đâm trúng, gặp phải tai nạn xe cộ, đột quỵ hoặc đau tim, rơi từ độ cao lớn hoặc tự gây tổn hại bản thân là một số ví dụ về các loại tai nạn nghiêm trọng có thể gây ra PTSD. Nguyên nhân phổ biến nhất được cho là tai nạn xe cộ – và chúng đang gia tăng ở mức đáng báo động hàng năm (Murray, Ehlers, & Mayou, 2002).

4. Thiên tai

Một phần lý do khiến sang chấn có thể trở nên rất dai dẳng và đáng sợ đối với nhiều người chính là vì nó khiến chúng ta cảm thấy bất lực, đặc biệt nếu sự kiện đau thương là một thiên tai. Dù là lũ lụt, hỏa hoạn, bão hay động đất mạnh, những thảm họa môi trường này có thể khiến bạn có cảm giác cuộc sống của mình thiếu an toàn nhưng lại không thể làm gì để ngăn chặn cảm giác đó. PTSD phát triển khi sự kiện gây sang chấn xảy ra một lần nữa và bạn không còn khả năng kiểm soát nỗi sợ hãi của mình, dẫn đến việc bạn bắt đầu sống trong trạng thái lo âu và chấn thương tâm lý liên tục.

5. Có mặt trong những trận chiến

Một điều thú vị là, mặc dù các cuộc tấn công thể chất và tình dục được tìm thấy phổ biến nhất ở những bệnh nhân mắc PTSD, nhưng thực sự việc tham gia chiến đấu mới là nguyên nhân đưa PTSD vào danh sách những chứng bệnh tâm thần một cách chính thống (Jones & Wessely, 2005). Trước đây, điều này được biết đến như một “cú sốc bên ngoài”; thế nhưng vào năm 1980, sự phổ biến và gia tăng nhanh chóng của rối loạn ở các cựu chiến binh trong Chiến tranh Việt Nam đã trở thành nguyên nhân đưa nó vào Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần bản thứ ba (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders hay DSM). Hẳn nhiên, việc tham gia vào môi trường chiến đấu bạo lực, phục vụ trong chiến tranh hoặc chứng kiến ​​chiến tranh khi còn trẻ có thể gây ra nhiều thiệt hại về tâm lý cho một người.

6. Sự tổn thương di truyền

Mặc dù chấn thương chắc chắn có mặt trong phần lớn các trường hợp PTSD, tuy nhiên vai trò của di truyền trong việc gây ra PTSD cũng đã được chứng minh thông qua các nghiên cứu phát hiện ra rằng hai người trải qua cùng một sự kiện đau thương nhưng chỉ một trong số họ mắc phải PTSD. Điều này được giải thích trong Mô hình Căng thẳng Diathesis (Diathesis Stress Model), trong đó nêu rõ rằng để một loại bệnh tâm thần phát triển, phải có các tác nhân gây stress từ môi trường bên ngoài và yếu tố di truyền. Có yếu tố di truyền nghĩa là trong gia phả có một người mắc chứng rối loạn đó. Điều này có nghĩa là bạn càng có nhiều người thân mắc phải PTSD hoặc mối quan hệ của bạn với họ càng gần thì bạn càng có nhiều khả năng mắc phải rối loạn này (McKeever & Huff, 2003).

Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (2017), 7-8% dân số toàn cầu mắc phải PTSD. Phụ nữ có khả năng mắc phải nó cao gấp hai lần so với nam giới. PTSD là một quá trình mãn tính kéo dài trong nhiều năm, nhiều thập kỷ hoặc thậm chí là cả đời khi không được điều trị.

Nếu bạn đã trải qua bất kỳ sự kiện sang chấn nào, điều quan trọng là bạn phải liên hệ với một chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần và nhận được sự giúp đỡ mà bạn cần. Ngay cả khi bạn không nghĩ rằng mình có nguy cơ phát triển PTSD, bạn vẫn nên tìm một cố vấn và thành thật cho họ biết về những gì bạn đã trải qua. Tâm sự về những cảm giác của bản thân và ở cạnh những người hỗ trợ bạn cũng như hiểu những gì bạn đang trải qua có thể tạo ra sự khác biệt.

Dịch: Hoàng Anh

Biên tập: Catthi

Nguồn ảnh: Internet

Nguồn bài viết: https://psych2go.net/6-things-that-can-cause-ptsd/

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan